TS. Nguyễn Quốc Hùng: Xây dựng hạ tầng dữ liệu linh hoạt và bền vững là định hướng chiến lược hàng đầu của ngành Ngân hàng

16/07/2025 - 18:05
(Bankviet.com) Theo nhận định của TS. Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, chuyển đổi số toàn diện, xây dựng hạ tầng dữ liệu hiện đại, linh hoạt và bền vững đang là một trong những định hướng chiến lược hàng đầu của ngành Ngân hàng.

Chiều ngày 9/7, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam phối hợp với Tập đoàn IEC tổ chức "Tọa đàm cấp cao: Chiến lược xây dựng hạ tầng dữ liệu linh hoạt và bền vững cho ngân hàng Việt Nam".

Phát biểu khai mạc toạ đàm, TS. Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam nhấn mạnh, năm 2025 thực sự là một dấu mốc quan trọng, khi hàng loạt chính sách mới về dữ liệu, công nghệ và chuyển đổi số chính thức đi vào cuộc sống. Trong đó, Luật Dữ liệu vừa có hiệu lực từ ngày 1/7 đã đặt nền tảng pháp lý đầu tiên và toàn diện cho việc phát triển, khai thác và chia sẻ dữ liệu một cách có kiểm soát.

ts-nguyen-quoc-hung-090725.jpg
TS. Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam phát biểu khai mạc toạ đàm

“Ngành Ngân hàng, vốn là một trong những lĩnh vực đi đầu trong ứng dụng công nghệ và số hóa dịch vụ và có đầy đủ điều kiện để chuyển sang một giai đoạn phát triển mới – giai đoạn lấy dữ liệu làm trung tâm cho mọi hoạt động vận hành, ra quyết định và phục vụ khách hàng, cùng với đó là hướng tới một hệ sinh thái ngân hàng số thông minh, linh hoạt, an toàn và mở rộng, nơi mà dữ liệu không chỉ là yếu tố vận hành mà thực sự trở thành tài nguyên cốt lõi cho tăng trưởng và đổi mới sáng tạo”, TS. Nguyễn Quốc Hùng cho biết.

Theo đó, đến nay, trên 90% giao dịch ngân hàng tại nhiều tổ chức tín dụng được thực hiện qua kênh số, hơn 87% người trưởng thành tại Việt Nam có tài khoản ngân hàng. Thêm vào đó, hàng loạt dịch vụ như tiền gửi, mở tài khoản, phát hành thẻ, chuyển tiền, cho vay… đã được số hóa 100%, giúp rút ngắn thời gian, tiết kiệm chi phí và nâng cao sự thuận tiện cho khách hàng. Tính đến ngày 13/6/2025 đã làm sạch được 117 triệu tài khoản trên 200 triệu tài khoản cá nhân và hơn 927 nghìn hồ sơ khách hàng tổ chức đã được đối chiếu thông tin sinh trắc học (đạt hơn 70% tổng số lượng tài khoản thanh toán tổ chức phát sinh giao dịch trên kênh số).

Thời gian tới Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ ban hành quy định cho phép đóng toàn bộ tài khoản không có dữ liệu xác thực, đồng thời tích hợp xác minh với hệ thống căn cước số VNeID để xác thực tự động.

Cũng theo TS, Nguyễn Quốc Hùng, hơn 95% dữ liệu khách hàng tại các ngân hàng thương mại lớn đã được chuẩn hóa, loại bỏ các thông tin trùng lặp, thiếu chính xác. Điều này không chỉ giúp cải thiện độ tin cậy của dữ liệu mà còn giảm thiểu rủi ro trong các hoạt động tín dụng và giao dịch. Các ngân hàng như BIDV, VietinBankMB đã triển khai thành công các hệ thống làm sạch dữ liệu tự động dựa trên công nghệ AI, giúp giảm thời gian xử lý thông tin xuống còn 30%, đồng thời tăng hiệu quả phân tích dữ liệu lên đến 40%.

TS. Nguyễn Quốc Hùng nhận định, những kết quả này không chỉ minh chứng cho sự nỗ lực của ngành Ngân hàng Việt Nam trong việc nâng cao chất lượng dữ liệu, mà còn khẳng định vai trò quan trọng của dữ liệu trong việc thúc đẩy chuyển đổi số và xây dựng hạ tầng dữ liệu linh hoạt, bền vững.

dsc08837.jpeg
Quang cảnh toạ đàm

Cũng theo đại diện Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, chuyển đổi số toàn diện, xây dựng một hạ tầng dữ liệu hiện đại, linh hoạt và bền vững đang là một trong những định hướng chiến lược hàng đầu của ngành Ngân hàng, đó không chỉ là yêu cầu về công nghệ, mà còn là bài toán về kiến trúc tổ chức, về năng lực quản trị và về khả năng kết nối đồng bộ giữa các tổ chức trong toàn ngành. Các yếu tố như khả năng tích hợp mở, chia sẻ dữ liệu có kiểm soát, phân tích dữ liệu lớn theo thời gian thực, bảo mật đa lớp và khả năng mở rộng linh hoạt… đang từng bước trở thành tiêu chí thiết yếu trong chiến lược phát triển dài hạn của các tổ chức tín dụng.

Trong bối cảnh đó, những quan điểm, kinh nghiệm quốc tế về chiến lược dữ liệu, về mô hình kiến trúc linh hoạt và cơ chế chia sẻ có kiểm soát, sẽ là nguồn tham chiếu quý báu giúp chúng ta hoàn thiện định hướng, triển khai phù hợp với thực tiễn trong nước đồng thời tiếp cận phù hợp với xu hướng toàn cầu, trong khi vẫn bảo đảm tương thích với định hướng pháp lý mới như Luật Dữ liệu vừa có hiệu lực.

"Tôi tin rằng tọa đàm hôm nay sẽ là một diễn đàn có ý nghĩa thiết thực để các nhà quản lý, chuyên gia công nghệ và lãnh đạo Ngân hàng trong nước và quốc tế cùng nhau trao đổi kinh nghiệm, chia sẻ góc nhìn chiến lược và đề xuất các giải pháp cụ thể nhằm thúc đẩy việc xây dựng hạ tầng dữ liệu hiệu quả, an toàn và thích ứng cao với sự phát triển của ngân hàng số", TS. Nguyễn Quốc Hùng bày tỏ.

Ngoài ra, tọa đàm cũng là dịp để cùng nhìn nhận lại những rào cản hiện hữu trong quản trị và khai thác dữ liệu, đồng thời xác định các ưu tiên chiến lược để nâng cao năng lực phân tích, tăng tốc độ ra quyết định và cải thiện chất lượng dịch vụ hướng tới khách hàng. "Những sáng kiến và đề xuất từ tọa đàm sẽ góp phần quan trọng trong việc định hình kiến trúc dữ liệu ngành ngân hàng theo hướng linh hoạt, mở rộng và bền vững – đáp ứng được yêu cầu phát triển trong bối cảnh kinh tế số và hội nhập ngày càng sâu rộng", TS. Nguyễn Quốc Hùng kỳ vọng.

Q.L

Theo: Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ

Bài liên quan