Về thực trạng triển khai chuyển đổi số trong ngành Ngân hàng, tại khảo sát cho thấy, 95% ngân hàng đã và đang xây dựng, triển khai chiến lược chuyển đổi số với nhiều ngân hàng đã triển khai các bộ phận chuyên trách thực hiện các nhiệm vụ chuyển đổi số, sáng kiến đổi mới sáng tạo như Trung tâm chuyển đổi số của
Vietcombank, Trung tâm Ngân hàng số của
BIDV,... một số ngân hàng không thành lập bộ phận chuyên trách mà tích hợp luôn nhiệm vụ chuyển đổi số với trung tâm công nghệ thông tin như
Vietinbank. Ngân hàng Thương mại cổ phần Quân đội (
MB) đặt mục tiêu trở thành doanh nghiệp công nghệ và xác định đến năm 2024, nhân sự công nghệ sẽ chiếm tới 25% nhân sự toàn Ngân hàng, trở thành lực lượng chủ chốt giúp MB mở rộng quy mô
9. 49% các ngân hàng trả lời cho biết mức độ số hóa nghiệp vụ quản lý nhân sự của mình là trên 50%.
Kết quả khảo sát tháng 8/2020 của NHNN (Hình 4) cũng cho thấy, nhiều ngân hàng đã sớm có ý thức xây dựng phương án đào tạo, đào tạo lại nhân sự để đáp ứng nhu cầu chuyển đổi số với 25/60 ngân hàng (chiếm 40%) và 20/62 ngân hàng (chiếm 32%) đã triển khai các phương án, chương trình đãi ngộ, giữ chân nhân sự chất lượng cao. Tuy nhiên, tại thời điểm khảo sát, việc đào tạo chuyên sâu về chuyển đổi số cho nhân sự cấp cao (cấp lãnh đạo) đang được triển khai ở mức thấp nhất, chỉ có 10/62 ngân hàng cho biết đã và đang triển khai, 30/62 ngân hàng cho biết dự kiến triển khai trong 2 năm tới.
Nguồn: Khảo sát tháng 8/2020 của NHNN
3. Một số đề xuất, khuyến nghị về giải pháp xây dựng, phát triển nguồn nhân lực phục vụ chuyển đổi số ngành Ngân hàng trong thời gian tới
Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc CMCN 4.0 và Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, ngân hàng được xác định là lĩnh vực có tác động xã hội, liên quan hàng ngày tới người dân, thay đổi nhận thức nhanh nhất, cần ưu tiên chuyển đổi số trước. Về nguồn lực cho hoạt động chuyển đổi số, Quyết định số 749/QĐ-TTg nhấn mạnh: “Nhận thức đóng vai trò quyết định trong chuyển đổi số. Chuyển đổi số trước tiên là chuyển đổi nhận thức... Đi nhanh, đi trước giúp dễ thu hút nguồn lực...” từ đó đưa ra nhiệm vụ, giải pháp về “... tập huấn, nâng cao kiến thức, kỹ năng về công nghệ số và chuyển đổi số, hình thành văn hóa số. Chuẩn bị nguồn nhân lực cho chuyển đổi số...”. Phát triển nguồn nhân lực là một trong 9 nhóm giải pháp quan trọng nêu tại Kế hoạch chuyển đổi số ngành Ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 (Quyết định số 810/QĐ-NHNN ngày 11/5/2021 của Thống đốc NHNN phê duyệt "Kế hoạch chuyển đổi số ngành Ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030"). Tuy nhiên, trong bối cảnh thiếu hụt nguồn nhân lực chuyển đổi số nói chung đi kèm với cạnh tranh gay gắt trong tuyển dụng đã và đang ảnh hưởng lớn tới kế hoạch phát triển nguồn nhân lực của các ngân hàng. Do đó, để tiếp tục nâng cấp, hoàn thiện đội ngũ nhân lực đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số, các ngân hàng có thể cân nhắc tập trung vào một số giải pháp sau:
Một là, xây dựng tầm nhìn và văn hóa của ngân hàng phù hợp với chuyển đổi số như việc xây dựng mô hình ngân hàng số (digital bank), ngân hàng tương tác xã hội (social engaged bank), ngân hàng dựa trên dữ liệu (data-driven bank)... Một văn hóa số sẽ củng cố, truyền cảm hứng cho bộ máy nhân sự của ngân hàng nhằm kiến tạo tư duy số (digital mindset). Để làm được điều này, cần có sự chuyển đổi từ đội ngũ lãnh đạo, cán bộ quản lý cấp cao nhằm tạo chuyển biến nhận thức từ trên xuống dưới, từ cao xuống thấp. Ngoài ra, giải pháp này cũng có thể bao gồm: (i) Yêu cầu lãnh đạo, quản lý đào tạo, huấn luyện cho cán bộ cấp dưới về chuyển đổi số theo định kỳ (việc này bắt buộc bản thân đội ngũ lãnh đạo phải học hỏi, cập nhật để tránh tụt hậu); và/hoặc (ii) Cán bộ, nhân viên cấp dưới trao đổi, bày tỏ ý kiến quan điểm tới đội ngũ lãnh đạo quản lý về công nghệ, kỹ năng số, các sáng kiến đổi mới... để tăng cường kết nối giữa cán bộ với đội ngũ lãnh đạo các cấp, đồng thời, từng bước xây dựng và hình thành kỹ năng và môi trường, phong cách làm việc phù hợp yêu cầu chuyển đổi số ngân hàng.
Hai là, cấu trúc bộ máy và sắp xếp lại các bộ phận, phòng/ban một cách hợp lý để tạo thuận lợi cho việc nghiên cứu, ứng dụng triển khai các sản phẩm, dịch vụ mới một cách linh hoạt và nhanh chóng; xem xét thành lập và đưa vào vận hành đội ngũ chuyên trách, đầu mối triển khai các nhiệm vụ thúc đẩy chuyển đổi số và các sáng kiến ứng dụng công nghệ trong ngân hàng, đội ngũ chuyên trách có thể hình thành dưới dạng phòng, trung tâm chuyển đổi số hoặc tổ công tác (task force) nghiên cứu, phát triển các sáng kiến chuyển đổi số bao gồm nhân sự đến từ nhiều bộ phận khác nhau (như tuân thủ, nhân sự, pháp lý, công nghệ, nghiệp vụ...) phát triển, vận hành các trung tâm đổi mới sáng tạo, môi trường thử nghiệm nội bộ để phục vụ nghiên cứu, phát triển các sản phẩm, dịch vụ mới, thu hút sự tham gia của các công ty công nghệ, trường đại học, viện nghiên cứu, nhà phát triển phần mềm độc lập hay nhân sự tài năng trong chính nội bộ ngân hàng.
Ba là, xây dựng kế hoạch đào tạo và đào tạo lại nhân lực hiện có về kỹ năng, kiến thức về công nghệ số, chuyển đổi số. Bên cạnh đó, tốc độ thay đổi nhanh chóng của CMCN 4.0 nói chung và trong ngành Ngân hàng nói riêng cũng đòi hỏi lực lượng cán bộ, nhân viên phải có khả năng tiếp thu, học, học lại các kỹ năng, kiến thức mới trong suốt quá trình làm việc của mình (kỹ năng học tập suốt đời - lifelong learning).
Bốn là, xây dựng mối quan hệ, mạng lưới với các tổ chức, đối tác khác như Fintech, Bigtech, các trường đại học, viện nghiên cứu nhằm triển khai các chương trình, kế hoạch đào tạo, đi thực tế, thực tập để học tập công nghệ cũng như chuẩn bị nguồn cán bộ dự trù từ đội ngũ sinh viên.
Năm là, đẩy mạnh triển khai các kế hoạch, phương án thu hút, giữ chân nhân sự tài năng thông qua các chế độ ưu đãi lương, thưởng, môi trường làm việc hấp dẫn, linh hoạt, các chương trình thi đua, khuyến khích nghiên cứu, phát triển sản phẩm, công nghệ mới...
1 Nhận định của McKinsey (Nguồn: https://www.mckinsey.com/business-functions/strategy-and-corporate-finance/our-insights/how-covid-19-has-pushed-companies-over-the-technology-tipping-point-and-transformed-business-forever).
2 Impact of Digital transformation on employment in banking sector, January 2020.
3 https://www.bloomberg.com/news/articles/2019-10-02/robots-to-cut-200-000-u-s-bank-jobs-in-next-decade-study-says
4 https://nativefinance.org/news/global-banks-continue-reducing-workforce-with-an-additional-
80000-jobs-cut-in-2019/
5 https://www.theguardian.com/business/2020/aug/03/hsbc-job-cuts-covid-19-profit-debt-
coronavirus
6 https://www.theguardian.com/business/2019/jul/07/deutsche-bank-to-axe-18000-jobs-worldwide-in-radical-restructuring
7 https://money.cnn.com/2016/04/04/investing/bank-jobs-dying- automation-citigroup/
8 Nguồn: https://nld.com.vn/cong-doan/ngan-hang-chay-dua-tuyen-dung
9 Nguồn: https://vnexpress.net/mb-huong-toi-muc-tieu-tro-thanh-doanh-nghiep-cong-nghe-4381219.html
Tài liệu tham khảo:
1. Lova Ravalimanana (2020). Impacts of the technology on the workforce in the banking industry in Switzerland.
2. Rathi Meena và Parimalarani (2020). Impact of digital transformation on employment in banking sector. ISSN 2277 - 8616.
3. Khảo sát hiện trạng chuyển đổi số ngành Ngân hàng tháng 8/2020 của NHNN.
ThS. Nguyễn Thị Thu
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam
Theo Tạp chí Ngân hàng