Chuyên gia Chứng khoán Mirae Asset: Mùa báo cáo tài chính quý 4 và những kỳ vọng

11/11/2024 - 16:38
(Bankviet.com) Thị trường chứng khoán khép lại 10 tháng năm 2024 với việc VN-Index một lần nữa lỡ hẹn với mốc 1.300 điểm. Cùng nhìn lại trong 10 tháng đã qua để thấy được chúng ta những nhà đầu tư đã trải qua những gì trên thị trường và kỳ vọng như thế nào trong những tháng cuối năm, tháng của những cơ hội đầu tư trước Tết Nguyên đán năm 2025 đến sớm hơn mọi năm này.

Nhìn lại thị trường chứng khoán Việt Nam 10 tháng đầu năm 2024

Đây là giai đoạn mà Thị trường chứng khoán Việt Nam đã bước sang những tháng cuối cùng của năm 2024, rõ ràng thị trường của chúng ta ghi nhận một đà tăng trưởng tương đối tốt dù không quá mạnh mẽ.

Tính từ đầu năm, VN-Index tăng khoảng 12%, nếu như so sánh với năm 2023 khi chỉ số cũng gặp một số khó khăn tại các ngưỡng kháng cự, và chỉ những cổ phiếu được chọn lọc tốt mới mang lại suất sinh lời hấp dẫn, thì năm 2024 thị trường đã có sự tăng trưởng vượt trội hơn về mặt chỉ số nhưng lại đuối hơn về mặt thanh khoản dù không lớn. Điều này cho thấy, những mã cổ phiếu trụ có vốn hoá lớn, các ngành có sức ảnh hưởng tới chỉ số như ngành ngân hàng, chứng khoán đang có sức hấp dẫn rất lớn đối với các nhà đầu tư, dù là nhà đầu tư tổ chức hay cá nhân, lựa chọn đúng vẫn có thể tạo ra mức sinh lời tỷ lệ thuận với mức tăng trưởng của thị trường chung.

Chuyên gia Chứng khoán Mirae Asset: Mùa báo cáo tài chính quý 4 và những kỳ vọng
Ông Nguyễn Nhật Minh - Chuyên gia quản lý tài sản Công ty CP chứng khoán Mirae Asset

Về bối cảnh vĩ mô của Việt Nam, sự phục hồi của nền kinh tế thông qua tăng trưởng GDP là tương đối tích cực.

Cụ thể trong báo cáo gửi Quốc hội, Chính phủ ước tính tăng trưởng GDP năm 2024 có thể đạt 6,8%-7,0%, cao hơn kế hoạch 6,0%-6,5% được đặt ra từ đầu năm do mức tăng trưởng tích cực trong 9 tháng đầu năm 2024 (9T 2024) (+6,8% so với cùng kỳ năm trước - YoY) và triển vọng tích cực cho quý 4/2024. CPI bình quân cũng ước tính duy trì dưới 4,5% (9T 2024: 3,9% YoY). Đáng chú ý, mục tiêu tốc độ tăng năng suất lao động có thể đạt được trong năm 2024, sau ba năm không đạt mục tiêu. Rõ ràng, khu vực sản xuất đã có những tín hiệu phục hồi mạnh mẽ, đóng góp tích cực vào hoạt động xuất nhập khẩu và đạt thành tích xuất siêu ấn tượng. Đặc biệt miền Bắc đã trải qua cơn bão Yagi đổ bổ, nhưng với sự quyết liệt hỗ trợ của Chính phủ và sự đoàn kết của nhân dân đã đem lại những con số ấn tượng trong 9 tháng đầu năm vừa rồi.

Mặc dù, tăng trưởng tín dụng đạt 8,53% so với cuối năm trước, cho thấy nhu cầu hấp thụ vốn của nền kinh tế đang dần hồi phục trở lại. Chất lượng tín dụng và lãi suất cho vay vẫn được Ngân hàng Nhà nước theo dõi sát sao thông qua các báo cáo lãi suất, đảm bảo mặt bằng lãi suất cho vay trung bình tiếp tục được duy trì ở mức thấp nhằm ưu tiên cho mục tiêu tăng trưởng tín dụng, hỗ trợ doanh nghiệp theo định hướng của Chính phủ. Tuy nhiên, biến động của lãi suất cho vay vẫn có sự phân hóa giữa các ngành nghề và một số doanh nghiệp. Trong đó, ngành bất động sản dù đã được hỗ trợ giãn nợ, cũng như Luật Đất đai, Luật Nhà ở được ban hành nhằm hỗ trợ pháp lý cho các doanh nghiệp ngành này, nhưng chỉ bất động sản có dấu hiệu hồi phục, còn các doanh nghiệp ngành bất động sản vẫn còn nhiều khó khăn, thể hiện ở doanh số bán hàng của các chủ đầu tư vẫn ở mức khiêm tốn, trong khi nhu cầu vốn lớn, cho nên các doanh nghiệp bất động sản niêm yết trên sàn chứng khoán không có nhiều khởi sắc so với các ngành khác.

Bên cạnh đó, câu chuyện tỷ giá, kinh tế Việt Nam chịu tác động từ cả yếu tố trong và ngoài nước, đặc biệt là chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) và nhu cầu ngoại tệ trong thương mại. Sự tăng mạnh của tỷ giá vào cuối quý I, đầu quý II và giai đoạn cuối tháng 10, đầu tháng 11 khi cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ kết thúc đã tạo áp lực lên thanh khoản và tâm lý nhà đầu tư nước ngoài, khiến khối ngoại bán ròng liên tục trong 9 tháng liên tiếp trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Mặc dù đà bán đã thu hẹp dần tuy nhiên vẫn còn ở mức không mấy tích cực khi khối ngoại vẫn chưa có dấu hiệu mua ròng mạnh mẽ. Có lẽ, sau khi cuộc bầu cử tổng thống kết thúc, ông Donald Trump đắc cử, làn sóng chuyển dịch tới các thị trường mới nổi như ở Việt Nam sẽ diễn ra sôi động hơn. Rõ ràng, tỷ giá là yếu tố then chốt ảnh hưởng trực tiếp đến thị trường chứng khoán Việt Nam 2024.

Tín hiệu tích cực từ dòng vốn ngoại

Ghi nhận từ đầu năm đến nay, giao dịch nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường chứng khoán vẫn chưa cho thấy dấu hiệu cải thiện khi áp lực bán ròng duy trì hầu hết các tháng, ngoại trừ tháng 1/2024 giữ được trạng thái mua ròng hơn 1.100 tỷ đồng. Kể từ tháng 2 cho đến nay, khối ngoại đã bán ròng 3 tỷ USD trên thị trường chứng khoán Việt Nam.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến vần đề này. Đầu tiên trong khoảng 3 tháng đầu năm, Thái Lan ra thông tin đánh thuế các khoản đầu tư ra nước ngoài khiến dòng vốn có nguồn gốc Thái Lan vào Việt Nam bị rút mạnh. Điều này tạo ra làn sóng bán ròng trong thời điểm từ đầu năm đến tháng 4.

Yếu tố thứ 2 ảnh hưởng đến dòng vốn ngoại là chênh lệch lãi suất VND so với USD. Thời điểm căng thẳng là từ tháng 6 cho đến tháng 8, có những giai đoạn chênh lệch lãi suất giữa VND và USD lên đến 500 điểm cơ bản.

Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, nhà đầu tư nước ngoài đã thu hẹp việc bán ròng lại và bắt đầu mua ròng lẻ tẻ trên thị trường chứng khoán. Đây là tín hiệu tích cực cho thấy dòng vốn có thể sẽ quay lại phân bổ vào Việt Nam, đặc biệt khi chính trị Mỹ đã gần như ổn định sau khi tổng thống Donald Trump tái đắc cử.

Bên cạnh đó, câu chuyện nâng hạng và Thông tư 68 chính thức có hiệu lực từ ngày 2/11 cho phép nhà đầu tư tổ chức nước ngoài mua cổ phiếu không cần ký quỹ 100% sẽ giúp Việt Nam thu hút dòng vốn ngoại trong 2025 và 2026.

Rõ ràng, khi dòng vốn ngoại quay trở lại mạnh mẽ, tác động tích cực đến thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ rất lớn. Dù vậy, để khẳng định chắc chắn dòng vốn ngoại sẽ tăng mạnh vào cuối năm là điều khó dự đoán. Tuy nhiên, có thể thấy được từ đầu năm 2024 cho đến nay, thị trường vẫn duy trì sự ổn định mặc dù chịu áp lực bán ròng liên tục từ khối ngoại, đó là nhờ sự kỳ vọng, bền bỉ của nhiều nhà đầu tư trong nước. Đây là tín hiệu đáng mừng của thị trường chứng khoán Việt Nam.

Nhận định xu hướng cho các tháng trước Tết Âm lịch

Với bối cảnh vĩ mô có phần thuận lợi và sự quyết tâm của Chính phủ, thị trường chứng khoán Việt Nam hoàn toàn có thể chinh phục ngưỡng 1.300 điểm trong những tháng cuối năm này. Tuy nhiên, nhà đầu tư cá nhân thay vì chỉ tập trung nhiều vào vấn đề chỉ số thì nên chọn lọc cổ phiếu có mức sinh lời hấp dẫn, đặc biệt nếu chỉ số chứng khoán Việt Nam neo biên và giữ ổn định trong biên độ quanh 1.245 - 1.300 điểm, thì những ngành có mức định giá hấp dẫn thuộc nhóm vốn hoá trung bình khá trở lên sẽ là một sự lựa chọn không hề tệ. Một biên độ vừa đủ như vậy sẽ tạo điều kiện để thị trường tập trung vào việc chọn lọc vị thế cổ phiếu cụ thể cho danh mục đầu tư, thay vì chú trọng quá nhiều vào biến động của chỉ số.

Hiện tại, báo cáo tài chính quý 3/2024 đã được công bố, với chiến lược đầu tư trong hai tháng cuối năm, nhà đầu tư nên đánh giá lại hiệu quả kinh doanh của từng cổ phiếu trong danh mục sau báo cáo quý gần nhất.

Nếu những doanh nghiệp có kết quả kinh doanh thuận lợi và định giá hấp dẫn so với ngành hay với chính chất lượng tài sản mà doanh nghiệp đó đang nắm giữ, nhà đầu tư có thể tiếp tục nắm giữ các vị thế hiện tại. Đối với những nhà đầu tư cầm tiền đang xem xét mua mới trong 2 tháng tới, thì nền cần xác định rõ ràng phương pháp đầu tư của mình là gì, nếu là đầu tư ngắn hạn lướt sóng thì nên tập trung những doanh nghiệp có lợi nhuận đột biến phát sinh trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh hay doanh thu từ hoạt động tài chính, kết hợp với các yếu tố kỹ thuật có thể hành động mua nhanh, đánh nhanh, thắng nhanh. Nếu sai thì phải có phương án quản trị rủi ro kịp thời. Còn nếu xác định đi dài với thị trường, kỳ vọng về câu chuyện tăng trưởng của doanh nghiệp thì có thể chọn vùng mua hợp lý với những doanh nghiệp có chất lượng tài sản tốt hướng đến mục tiêu đầu tư dài hạn, vào triển vọng kinh doanh của doanh nghiệp và quan trọng có xuất hiện dòng tiền lớn tham gia vào thị trường. Đây là yếu tố tiên quyết để quyết định sự thành công trong đầu tư, ít nhất là trong những tháng cuối năm này.

Mặc dù vậy, về ngắn hạn thị trường chứng khoán sẽ chịu nhiều áp lực lớn và rung lắc quanh ngưỡng 1.260 cộng trừ 10 điểm cho đến khi tích lũy đủ để vượt qua mốc này. Về xu hướng chung tháng 11, thị trường có thể sẽ xuất hiện vài nhịp điều chỉnh, tuy nhiên xu hướng tích cực của thị trường vẫn duy trì và có thể kỳ vọng chỉ số VN-Index sẽ vượt qua được mốc trước tết Nguyên đán năm 2025.

Một số nhóm ngành nhà đầu tư có thể quan tâm như: ngân hàng, đầu tư công, bất động sản khu công nghiệp, thép, bán lẻ, xuất khẩu… kỳ vọng dẫn dắt dòng tiền cũng như duy trì được các cơ hội đầu tư. Nhóm ngành khu công nghiệp và xuất khẩu nhiều khả năng sẽ được hưởng lợi nhờ sự chuyển dịch kinh tế từ Trung Quốc sau khi tổng thống Mỹ Donald Trump nên nắm quyền. Điều này đã được thể hiện rất rõ nét trong năm 2019 thuộc nhiệm kỳ của ông Trump. Bên cạnh đó, với chính sách ưu tiên xuất khẩu và tỷ giá neo cao thì những doanh nghiệp xuất khẩu thuỷ sản hay vật liệu xây dựng như đá thạch anh sẽ là những câu chuyện chính của các doanh nghiệp nhóm ngành này. Bên cạnh đó, với tốc độ đẩy mạnh đầu tư công của Chính phủ, nhóm ngành đầu tư công cũng sẽ được hưởng lợi, đặc biệt khi mà tiến độ giải ngân đầu tư công mới chỉ đạt 40%, con số khá thấp so với kỳ vọng, cho nên đẩy mạnh giải ngân sẽ là trọng điểm trong những tháng cuối năm 2024.

Ngược lại, nhóm có rủi ro về mặt định giá cũng như chạm tiệm cận vùng đỉnh lợi nhuận là nhóm chứng khoán hay sản xuất, mặc cho vẫn đang duy trì tỷ trọng thanh khoản cao trong lịch sử. Tuy nhiên, trường hợp không có những yếu tố mới và câu chuyện hỗ trợ sâu rộng hơn cho ngành thì rủi ro dòng tiền rút mạnh là khá cao. Nhà đầu tư cần chú ý quan sát thêm về nhóm ngành này, có thể câu chuyện nâng hạng chứng khoán đầy hấp dẫn nhưng vẫn còn đang bỏ ngỏ.

Kết lại, mùa báo cáo tài chính quý 3 và những sự kiện lớn về thế giới qua đi, đem lại những cảm xúc khác nhau của các nhà đầu tư, điều đó đều được thể hiện qua bảng giá và chỉ số của chứng khoán Việt Nam. Đây gần như là sự chuẩn bị cho mùa báo cáo tài chính quý 4. Các cơ hội lớn cũng đã dần hé lộ một cách rõ ràng, biết tận dụng những cơ hội sẽ thu được thành công lớn trên thị trường.

Không để xảy ra tình trạng đầu cơ, găm hàng, đẩy giá những tháng cuối năm 2024

Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo số 511/TB-VPCP kết luận của Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc - Trưởng Ban Chỉ đạo điều ...

Góc chuyên gia: Chứng khoán tháng 11 nhiều khả năng đi ngang cùng thanh khoản thấp

Thị trường chứng khoán Việt Nam tiếp tục trầm lắng với thanh khoản sụt giảm và áp lực bán ròng từ khối ngoại. Dù có ...

Chuyên gia VNDIRECT: Thị trường tiếp tục giao dịch giằng co khi chưa xuất hiện thông tin hỗ trợ đủ mạnh

Thị trường chứng khoán trải qua tuần giao dịch đầy biến động, tuy nhiên chỉ số chính VN-Index lại đóng cửa gần như đi ngang ...

Ông Nguyễn Nhật Minh - Chuyên gia quản lý tài sản Chứng khoán Mirae Asset

Ông Nguyễn Nhật Minh - Chuyên gia quản lý tài sản Chứng khoán Mirae Asset

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán