Năm 2023 được đánh giá là một năm đầy biến động của giới đầu tư khi đại dịch Covid-19 chưa hoàn toàn biến mất, lạm phát tăng cao, các ngân hàng trung ương lớn tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ để đối phó lạm phát... Những yếu tố này khiến các kênh đầu tư trên thị trường tài chính, chứng khoán, hàng hóa toàn bấp bênh, khó lường, gây rủi ro cho nhà đầu tư.
Đối với các kênh đầu tư mới, các chuyên gia có cái nhìn khá tích cực dù thị trường này biến động mạnh trong năm 2022 và dự đoán có nhiều bất ngờ mới trong năm 2023.
Toàn cảnh tọa đàm |
Đánh giá về các kênh đầu tư vàng, ông Tống Quốc Đạt, Trưởng phòng Phân tích thị trường Cấp cao của Exness chia sẻ: Vào thời kỳ kinh tế gặp khó khăn, giá vàng có xu hướng tăng lên và trở thành một khoản đầu tư tốt cho những người muốn bảo vệ tài sản của họ trong những thời điểm bất ổn. Vàng có thể hoạt động như một tài sản bảo toàn rủi ro chống lạm phát. Khi lạm phát gia tăng, giá vàng cũng thường tăng theo. Đồng thời, số lượng vàng trên thế giới có giới hạn nên giá của nó sẽ tiếp tục tăng khi nhu cầu tăng.
Bên cạnh đó, đồ điện tử phụ thuộc rất nhiều vào vàng và thực tế này sẽ không sớm thay đổi. Theo ông Đạt, điều này càng làm cho vàng trở thành một khoản đầu tư dài hạn tốt, nhưng các nhà giao dịch cũng có thể tận hưởng sự gia tăng trong ngắn hạn.
Ông Đạt nói "bất chấp những biến động gần đây trên thị trường, vàng vẫn là một khoản đầu tư ổn định và một số chuyên gia tin rằng quý I/2023 là thời điểm tốt để giao dịch hoặc đầu tư vào vàng. Họ tin rằng vàng sẽ tiếp tục là tài sản trú ẩn an toàn trong suốt cả năm và giữ giá trị của nó".
Về kênh đầu tư Bất động sản, bà Hoàng Nguyệt Minh – Giám đốc Cấp cao Bộ phận Cho thuê Thương mại, Savills Hà Nội đánh giá, trong năm 2022, khi nhiều phân khúc bất động sản đã hồi phục trở lại sau giai đoạn bị ảnh hưởng bởi Covid-19, thì phân khúc nhà ở vẫn trong tình trạng ảm đạm.
“Bất động sản văn phòng tăng trưởng, mặt bằng bán lẻ tăng trưởng, khách sạn hồi phục, bất động sản khu công nghiệp triển khai tốt,…bài toán còn lại chỉ nằm ở bất động sản nhà ở”, bà Hoàng Nguyệt Minh khẳng định.
Cụ thể hơn, bà đánh giá thị trường vốn dành cho phân khúc nhà ở đang bị siết chặt. Nhà đầu tư cá nhân, khi nghe đến trái phiếu doanh nghiệp bất động sản là đã cảm thấy e ngại. Điều này đã ngăn cản dòng vốn rất mạnh chảy vào thị trường bất động sản - loại ngành nghề kinh doanh luôn cần có nguồn vốn khổng lồ để triển khai dự án trong dài hạn.
Theo bà, các nhãn hàng nước ngoài đang liên tục đổ tiền để phát triển thị trường Việt Nam. Bà dự đoán trong vòng 1-3 năm tới, thị trường bán lẻ Việt Nam có thể theo kịp tốc độ tăng trưởng của Bangkok (Thái Lan).
"Hiện giá sản phẩm trung bình bán lẻ đã bắt đầu ngang bằng với thị trường này trong khi Bangkok đang là thị trường bán lẻ hàng đầu Đông Nam Á", bà Minh phân tích.
Bên cạnh đó, khách sạn đã phục hồi sau Covid, bất động sản công nghiệp cũng tương tự khi các nhà máy, kho bãi, hệ thống kho vận tiếp tục được mở rộng tại thị trường Việt Nam.
Gần đây, có nhiều thông tin khá là tích cực đối với thị trường bất động sản khu công nghiệp khi Apple quyết định xây dựng nhà máy sản xuất MacBook tại thị trường Việt Nam, có thể kéo theo một loạt các doanh nghiệp nằm trong chuỗi cung ứng của Apple, Samsung tiếp tục phát triển tại thị trường Việt Nam, sẽ giúp các sản phẩm bất động sản thương mại dịch vụ như văn phòng, bán lẻ và khách sạn hồi phục, bất động sản khu công nghiệp, kho vận triển khai tốt.
Về chứng khoán, chuyên gia kinh tế TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, thị trường sẽ tiếp tục chậm lại và chưa phục hồi trong nửa đầu năm 2023. Nửa sau năm 2023, thị trường có thể phục hồi khi Mỹ kiểm soát được lạm phát và chấm dứt tăng lãi suất. Tại thị trường Việt Nam, Chính phủ có thêm các biện pháp hỗ trợ thị trường.
"Việc VN-Index có thể trở lại mốc 1.500 như năm ngoái có lẽ không xảy ra", ông nêu quan điểm.
Cùng góc nhìn, ông Lê Đức Khánh, Giám đốc Phân tích - Giám đốc Phát triển năng lực đầu tư, Công ty CP Chứng khoán VPS, chia sẻ: "Trong bối cảnh hiện tại, khi lãi suất ở mức cao, dòng tiền trên thị trường chứng khoán khó có thể quay về thời kỳ đỉnh cao như 2020-2021. Theo đó, giai đoạn này và trong nửa đầu năm 2023, thị trường đang tích lũy, nên có những biến động nhỏ, tạo sóng lăn tăn. Đây là thời điểm dành cho cổ phiếu riêng lẻ, có câu chuyện riêng, mà hiện tại các chuyên gia đã nhắc tới những cái tên như nhóm xây dựng, đầu tư công, ngân hàng… Nói một cách vắn tắt, theo tôi, dự cảm cho năm 2023 là tích cực hơn. Vẫn có những cơ hội với nhà đầu tư".
Trong khi đó, ông Quan Đức Hoàng, Chủ tịch Hội đồng thành viên A+ Fund cho rằng, “thị trường chứng khoán là thị trường của niềm tin. Trong thời gian vừa qua, tôi đã tiếp cận với nhiều quỹ đầu tư và nhà đầu tư lớn, chưa một quỹ nào có cái nhìn tiêu cực về thị trường. Ai cũng lạc quan và cho rằng, đây chính là thời điểm mua vào".
Tuy nhiên, thị trường còn khó khăn nên cần lựa chọn kỹ. Các doanh nghiệp Việt Nam vẫn đang hoạt động khá tốt. Nhiều yếu tố hỗ trợ như Trung Quốc mở cửa trở lại, Hiệp định thương mại tự do với châu Âu mở ra cơ hội rất lớn... "Tôi cho rằng, đây là cơ hội rất tốt để mua vào”, ông Hoàng nhấn mạnh.
Theo ông Hoàng, điều quan trọng nhất đối với nhà đầu tư cá nhân là tâm lý, đây chính là thứ điều chỉnh thị trường chứng khoán, bởi về cơ bản những doanh nghiệp Việt Nam vẫn đang hoạt động khá tốt.
Quỳnh Nga