CMH Việt Nam (CMS) - "ngôi sao" một thời "hút" trăm tỷ vốn góp từ cựu Chủ tịch LPBank Nguyễn Đức Hưởng giờ ra sao?

04/07/2023 - 02:36
(Bankviet.com) Ban đầu, sự hiện diện của cựu Chủ tịch LPBank đã tạo thành yếu tố then chốt đưa giá cổ phiếu CMS "nhảy múa" trên sàn chứng khoán. Bất chấp kết quả kinh doanh những năm trước thụt lùi, CMS vẫn lầm lũi "nổi sóng" với hàng chục phiên tăng kịch biên độ, kéo thị giá tăng gấp 6 lần chỉ trong vòng một tháng 11/2021 - thời điểm ông Hưởng chính thức gia nhập HĐQT CMS, từ 6.000 đồng/cp lên đến 30.000 đồng/cp.
CMH Việt Nam (CMS) -
Cựu Chủ tịch LPBank, ông Nguyễn Đức Hưởng.

"Thủ lĩnh" tài ba của LPBank

Trong giới tài chính ngân hàng, ông Nguyễn Đức Hưởng (sinh năm 1962) là nhân vật tiếng tăm, giàu kinh nghiệm quản lý, là người đứng sau những thành tựu của LPBank ngày nay (tên cũ là LienVietPostBank). Ngoài ra, ông cũng là người sát cánh cùng ông Dương Công Minh, Chủ tịch Him Lam Group trong nhiều lĩnh vực kinh doanh.

Ở LPBank, ông Hưởng là một trong số thành viên gây dựng và phát triển thành công ngân hàng với khoảng 10 năm gắn bó. Trên cương vị Chủ tịch HĐQT, ông Nguyễn Đức Hưởng đã đưa LPBank - một nhà băng trẻ tuổi lọt vào danh sách ngân hàng tốt nhất toàn hệ thống, tạo tiếng vang mạnh mẽ trong giới kinh doanh trong và ngoài nước.

Tháng 3/2018, ông Hưởng bất ngờ vị trí Chủ tịch HĐQT ngân hàng này vì lý do cá nhân. Sau một thời gian khá kín tiếng, ông Hưởng dần quay trở lại thương trường, với sự có mặt trong HĐQT của Tập đoàn CMH Việt Nam (tên cũ là Xây dựng và Nhân lực Việt Nam) từ tháng 11/2021.

Khi đó, CMS được định danh là một nhà thầu xây dựng các công trình hạ tầng trong nước và quốc tế, cũng như có hoạt động kinh doanh bất động sản và khách sạn, thương mại. Cần lưu ý, thương hiệu CMS lúc bấy giờ không được đông đảo giới tài chính biết tới.

Tiếp nối, vừa "sắm" một ghế trong HĐQT doanh nghiệp ít lâu, ông Hưởng tiếp tục gây xôn xao dư luận bởi sự chịu chơi khi sẵn sàng chi thêm hơn 170 tỷ đồng, qua đó mua vào 17,1 triệu cổ phiếu CMS trong đợt chào bán cổ phiếu riêng lẻ năm 2022 (tính theo mệnh giá).

Tổng giá trị chào bán của thương vụ này là 34,4 triệu cổ phiếu, đối tượng được đăng ký mua là 12 nhà đầu tư cá nhân (trong đó ông Hưởng được quyền mua tối đa 17,1 triệu cổ phiếu, chiếm tỷ trọng gần 50%). Tuy vậy, đợt phát hành đã "ế ẩm" và chỉ thu hút 7 nhà đầu tư "xuống tiền" với khối lượng mua là 8,2 triệu cổ phiếu, tức 24% tổng số cổ phiếu đăng ký chào bán.

Bản thân ông Hưởng khi đó cũng không nằm trong nhóm cổ đông "chịu chi". Vì vậy, tính đến thời điểm hiện tại, số cổ phiếu CMS ông Hưởng nắm giữ chỉ đạt 4,2 triệu đơn vị, tương đương 16,83% vốn điều lệ doanh nghiệp. Tạm chiếu theo thị giá CMS thời điểm ông Hưởng đăng ký mua (tháng 12/2021), số tiền ông cần bỏ ra là xấp xỉ 150 tỷ đồng.

Cổ phiếu "cây thông"

Ban đầu, sự hiện diện của cựu Chủ tịch LPBank đã tạo thành yếu tố then chốt đưa giá cổ phiếu CMS "nhảy múa" trên sàn chứng khoán. Bất chấp kết quả kinh doanh những năm trước thụt lùi, CMS vẫn lầm lũi "nổi sóng" với hàng chục phiên tăng kịch biên độ, kéo thị giá tăng gấp 6 lần chỉ trong vòng một tháng 11/2021 - thời điểm ông Hưởng chính thức gia nhập HĐQT CMS, từ 6.000 đồng/cp lên đến 30.000 đồng/cp.

Sang tháng 12/2021, CMS diễn biến tăng giảm xen lẫn, nhưng các phiên tăng tỏ ra áp đảo, giúp cổ phiếu này có lúc đạt hơn 36.000 đồng/cp, là mức cao nhất từ khi niêm yết năm 2010. Vùng giá cao được duy trì trong khoảng 4 tháng. Khởi điểm vào tháng 4/2022, CMS rơi theo đà giảm chung của toàn thị trường chứng khoán.

Từ đó đến nay, CMS chỉ có duy nhất một nhịp hồi phục ở tháng 7/2022, tuy nhiên mức độ kéo lên rất yếu ớt, để rồi lập tức trở về "guồng" giảm "cật lực" xuống còn 7.600 đồng/cổ phiếu, tính đến cuối phiên 3/7/2023. Nỗi buồn đã không chỉ bao trùm các cổ đông khác của CMS, trong lần đầu tư này của cựu Chủ tịch LPBank - ông Nguyễn Đức Hưởng cũng đang "tạm lỗ" khoảng 120 tỷ đồng.

CMH Việt Nam (CMS) -
Cổ phiếu CMS tăng nhanh, nhưng cũng giảm "sốc" khi thông tin cựu Chủ tịch LPBank tái xuất bão hòa.

Theo tìm hiểu, Tập đoàn CMH Việt Nam được thành lập năm 2007, đã trải qua 2 lần đổi tên, từ Cavico Xây dựng Nhân lực và Dịch vụ (Cavico CMS) đổi thành Xây dựng và nhân lực Việt Nam (CMVIETNAM) và hiện tại là Tập đoàn CMH Việt Nam.

Song song với những lần đổi tên, ngành nghề kinh doanh của CMS được mở rộng sang các lĩnh vực như xây dựng nhà; hoàn thiện công trình xây dựng; tư vấn, môi giới, đấu giá bất động sản, đấu giá quyền sử dụng đất; hoạt động kiến trúc và tư vấn kỹ thuật có liên quan; hoạt động thiết kế chuyên dụng; cho thuê tài sản vô hình phi tài chính; hoạt động của các cơ sở thể thao, công viên vui chơi và công viên theo chủ đề; hoạt động vui chơi giải trí khác...

Kết quả kinh doanh của CMS trong mấy năm gần đây không mấy khả quan. Năm 2020, doanh nghiệp này thua lỗ kỷ lục gần 14 tỷ đồng; năm 2021, doanh nghiệp ghi nhận có lãi nhờ lãi 19 tỷ đồng từ bán các khoản đầu tư và chi phí tài chính giảm hơn 10 tỷ đồng dự phòng giảm giá và tổn thất đầu tư.

Sang 2022 - năm đầu tiên ông Nguyễn Đức Hưởng đảm trách cương vị thành viên HĐQT, CMS hoạt động còn "bi đát" hơn khá nhiều, trong đó doanh thu giảm 15% xuống 160 tỷ đồng; chi phí tăng cao, cùng với nguồn thu tài chính "hụt" mạnh khiến lợi nhuận trước thuế còn vẻn vẹn 1 tỷ đồng, giảm 94% so với năm trước.

Quý I/2023, khó khăn tiếp tục bủa vây doanh nghiệp, doanh thu "bốc hơi" còn 2,6 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế còn 82 triệu đồng... Trong bối cảnh đó, CMS vừa hoàn tất chuyển nhượng 25% cổ phần tại Công ty CP CM Phan Thiết, tương ứng 20,5 tỷ đồng tính theo mệnh giá, là một trong những động thái giải tỏa áp lực tài chính cho doanh nghiệp.

Băn khoăn dự án trọng điểm ở Phú Thọ

Đại hội cổ đông thường niên 2022 của CMS xác định một chiến lược phát triển quan trọng, đó là lấn sân sang lĩnh vực bất động sản và tập trung ưu tiên làm hoạt động mũi nhọn. Trong đó, dự án mang tính trọng điểm của CMS không thể không kể đến là Khu nhà ở đô thị hơn 1.000 tỷ đồng tại thị trấn Cẩm Khê, huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ.

Dự án này được UBND tỉnh Phú Thọ duyệt chủ trương đầu tư và phê duyệt quy hoạch vào năm 2021. Đến tháng 2/2022, chính quyền tỉnh lựa chọn Công ty CP Tuấn Huy Phú Thọ là nhà đầu tư dự án.

Tháng 10/2022, dự án được cấp giấy phép xây dựng và một tháng sau đó được chứng nhận đủ điều kiện huy động vốn thông qua hình thức góp vốn, hợp tác đầu tư, hợp tác kinh doanh, liên doanh, liên kết của các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân.

Khu nhà ở đô thị và tổ hợp văn hóa, thể thao tại thị trấn Cẩm Khê có tổng diện tích gần 20,6 ha, quy mô dân số 1.604 người. Phía bắc và phía tây dự án tiếp giáp khu dân cư; phía nam giáp tuyến ĐT.313; phía đông giáp trường THPT Cẩm Khê.

Về hiện trạng, khu vực dự án nằm tại trung tâm huyện Cẩm Khê, chênh lệch cao độ địa hình rất lớn, địa hình dốc dần từ phía ĐT.313 về phía hồ nước, và chênh cao lớn ở phía đồi trung tâm (khu vực Đình Bình Phú). Khu vực dự án nằm trên vùng đất đồi xen lẫn mặt nước hồ tự nhiên, chia ra thành hai khu vực có địa hình tương đối rõ rệt.

Hiện nay, khu vực dự án chủ yếu là đất trống, đất sản xuất nông nghiệp và có một số ít công trình kiến trúc là nhà dân được xây kiên cố và xây tạm. Ngoài ra, trong khu vực lập quy hoạch có công trình kiến trúc văn hóa tâm linh là Đình Bình Phú. Trong đồ án quy hoạch, Đình Bình Phú sẽ được giữ nguyên hiện trạng.

Khu đất dự án giáp ĐT.313, đường vành đai. Đường nội bộ của khu đất là các tuyến đường nhựa, đường bê tông liên thôn nối đến các tuyến đường tỉnh lộ, quốc lộ bên ngoài.

Khu vực quy hoạch chủ yếu là đất canh tác nông nghiệp, hệ thống thoát nước thải sinh hoạt chưa được hình thành. Nước mặt của khu vực dự án được thoát tự nhiên qua mương, rãnh lân cận và đọng lại tại hồ nước trung tâm.

Về cơ cấu đất hiện trạng, đất trồng lúa chiếm khoảng 7,4 ha; đất trồng cây hàng năm 3,8 ha; đất nuôi trồng thuỷ sản 1 ha; đất trồng cây lâu năm 4 ha; đất ở khoảng 2.800 m2; đất vườn liền kề đất ở 6.169 m2; còn lại là đất giao thông, thuỷ lợi, cơ sở tôn giáo... Để thực hiện dự án, chủ đầu tư sẽ phải thu hồi đất, phá dỡ nhà ở hiện có của 14 hộ dân.

Về tiến độ thực hiện, giai đoạn quý I/2022 - quý IV/2022 sẽ thực hiện các thủ tục pháp lý và công tác giải phóng mặt bằng cho dự án. Từ quý I/2023 đến hết quý IV/2026 sẽ đầu tư xây dựng, hoàn thành các hạng mục; tổ chức nghiệm thu, bàn giao đưa các công trình vào sử dụng theo quy định.

Tổng mức đầu tư của dự án là hơn 1.078 tỷ đồng, trong đó chi phí thực hiện dự án là 1.026 tỷ đồng và chi phí giải phóng mặt bằng là 52 tỷ đồng.

Chủ tịch cũ LPB tham gia HĐQT CMVIETNAM, cổ phiếu CMS tăng gấp 4 lần trong một tháng

Bất chấp kết quả kinh doanh không mấy khả quan, cổ phiếu CMS vẫn tăng phi mã trong thời gian gần đây. Kết phiên 23/11, ...

Chủ tịch cũ LPB muốn tăng sở hữu tại CMVIETNAM (CMS) lên gần 25%

Tính đến hết phiên 29/11, CMS đóng cửa ở mức 28.200 đồng/cp, tiếp tục tăng kịch biên độ so với giá tham chiếu và tăng ...

CMVIETNAM (CMS) dự kiến đổi tên, rót nghìn tỷ vào dự án BĐS ở Phú Thọ

CTCP CMVIETNAM (Mã: CMS) đang cân nhắc đổi tên theo hai phương án, một là sang CTCP Tập đoàn CMH Việt Nam; hoặc đổi thành ...

Ánh Dương

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán