Để thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội năm 2025 và nhiệm vụ ngành, Ngân hàng Trung ương (NHTW) đã ban hành Chỉ thị 01/CT-NHNN về tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của ngành Ngân hàng trong năm 2025. Trong đó, giao nhiệm vụ cụ thể cho các tổ chức tín dụng (TCTD) và các đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước (NHNN).
Ở góc độ chính sách, đây là các giải pháp toàn diện, có trọng tâm và trọng điểm: từ định hướng chính sách, điều hành chính sách; tăng trưởng tín dụng và phát triển dịch vụ đến cải cách hành chính và công tác truyền thông. Với ý nghĩa đó, khi Chỉ thị được tổ chức triển khai thực hiện tốt sẽ tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân phát triển sản xuất kinh doanh, qua đó thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế.
Thứ nhất, tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp, hộ kinh doanh và hợp tác xã phát triển sản xuất kinh doanh, thông qua việc sử dụng hiệu quả nguồn lực chính sách. Trong đó NHTW tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, phối hợp đồng bộ hài hòa, chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách khác góp phần ưu tiên thúc đẩy mạnh mẽ tăng trưởng kinh tế gắn với giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Với định hướng này, năm 2025 chính sách tiền tệ tín dụng và lãi suất sẽ tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi nhất để người dân, doanh nghiệp mở rộng và phát triển sản xuất kinh doanh.
Thứ hai, đáp ứng tốt nhất nhu cầu vốn tín dụng cho tăng trưởng kinh tế. Theo đó, trong năm 2025, thực hiện chính sách tín dụng mở rộng và tăng trưởng cao hơn so với năm 2024, với định hướng tăng trưởng tín dụng chung toàn hệ thống khoảng 16% và có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế. Với định hướng này, cùng với những đổi mới trong điều hành tăng trưởng tín dụng (giao hạn mức tăng trưởng từ đầu năm cho TCTD; mức tăng trưởng phù hợp với khả năng và hiệu quả hoạt động của TCTD….), sẽ tạo điều kiện cho các TCTD chủ động trong quá trình khai thác và sử dụng vốn, chủ động mở rộng và tăng trưởng tín dụng hiệu quả, nhằm đáp ứng tốt nhất nhu cầu vốn cho doanh nghiệp và người dân để mở rộng và phát triển sản xuất kinh doanh.
Thứ ba, ngành Ngân hàng tiếp tục thực hiện tốt các giải pháp phát triển dịch vụ ngân hàng chất lượng và hiệu quả, gắn với mở rộng hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt và cải cách hành chính; đổi mới công nghệ nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, hiệu quả quản lý, tiết giảm chi phí đầu vào, để giảm lãi suất cho vay bền vững. Đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng, doanh nghiệp trong tiếp cận vốn và dịch vụ ngân hàng, tiết giảm chi phí và thời gian giao dịch cho khách hàng, hỗ trợ trực tiếp cho khách hàng để phát triển sản xuất kinh doanh.
Trong quá trình này, tổ chức thực hiện tốt các nội dung nhiệm vụ thuộc nội hàm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, củng cố niềm tin của doanh nghiệp, người dân và nhà đầu tư vào cơ chế chính sách tiền tệ, tín dụng và ngoại hối bằng việc tiếp tục tổ chức thực hiện tốt chính sách; truyền thông chính sách và cải cách hành chính để tạo thuận lợi và hỗ trợ doanh nghiệp trong giao dịch vốn và dịch vụ ngân hàng, góp phần tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh gắn với thương hiệu của ngành Ngân hàng tiên phong về đổi mới ứng dụng công nghệ hiện đại, tiên phong về hoạt động cải cách hành chính và xây dựng văn hóa doanh nghiệp.
Thứ tư, năm 2025, ngành Ngân hàng tiếp tục thực hiện các giải pháp về hỗ trợ và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp thông qua các chương trình hành động cụ thể, như chương trình kết nối ngân hàng doanh nghiệp; đối thoại doanh nghiệp; làm tốt công tác thông tin tuyên truyền về cơ chế chính sách, với mục tiêu tiếp tục hỗ trợ và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong quan hệ giao dịch với ngân hàng về vốn và dịch vụ; phối hợp tốt với các sở, ngành, quận huyện để triển khai cơ chế chính sách và thực hiện các chương trình phát triển kinh tế xã hội tại địa phương;
Ở góc độ chính sách và định hướng nhiệm vụ thực hiện, đây là những yếu tố thuận lợi, tiếp tục tạo điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp và thúc đẩy sản xuất kinh doanh tăng trưởng phát triển. Song để phát huy hiệu quả chính sách, cần sự phối hợp đồng bộ và trách nhiệm trong công tác tổ chức triển khai thực hiện, cũng như việc sử dụng vốn vay hiệu quả từ doanh nghiệp và khách hàng, qua đó tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng trong toàn bộ nền kinh tế.
Nguyễn Đức Lệnh