Theo đó, HĐQT Bảo hiểm Agribank vừa phê duyệt phương án chi trả cổ tức năm 2023 bằng tiền mặt với tỷ lệ 10% (mỗi cổ phiếu nhận 1.000 đồng). Ngày đăng ký cuối cùng hưởng quyền nhận cổ tức là 24/7. Dự kiến, ABIC sẽ trả cổ tức tiền mặt vào ngày 2/8. Số tiền mà ABIC chi ra để chia cổ tức lần này là 71 tỷ đồng.
Ảnh minh họa. |
ABIC hiện là công ty con của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank). Tính đến cuối năm 2023, nhà băng này đang sở hữu 52,08% vốn của ABIC. Như vậy, trong quý III/2023, ngân hàng sẽ nhận được 37 tỷ đồng cổ tức từ ABIC.
Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên 2024 của ABIC đã chốt kế hoạch chia cổ tức theo tỷ lệ 20%, gồm hai cấu phần bằng nhau với tỷ lệ 10%. Phương án chia cổ tức vừa được thông báo là cấu phần đầu tiên. Cấu phần tiếp theo dự kiến sẽ được HĐQT trình ĐHĐCĐ tiếp tục chi trả trong vòng 6 tháng kể từ ngày kết thúc Đại hội thường niên năm 2024.
Trước đó, trong năm 2023, ABIC đã thực hiện chi trả cổ tức ở mức 51,34% trong đó chi bằng cổ phiếu là 41,34% và bằng tiền mặt là 10%. Với cổ tức của năm 2024, ĐHĐCĐ thông qua mức chi trả tối thiểu là 14%.
Về tình hình kinh doanh, trong quý I/2024, Bảo hiểm Agribank ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt 86,5 tỷ đồng, giảm 2% so với cùng kỳ năm trước.
Trong quý I/2024, doanh thu thuần từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm giảm nhẹ 1,3% so với cùng kỳ, xuống còn 475 tỷ đồng. Nguyên nhân chủ yếu khiến doanh thu sụt giảm là do tổng phí nhượng tái bảo hiểm của Bảo hiểm Agribank tăng đến 56% lên gần 72 tỷ đồng. Trong khi đó, doanh thu phí bảo hiểm gốc của công ty chỉ tăng nhẹ 4% so với cùng kỳ, lên mức gần 503 tỷ.
Trong kỳ, tổng chi phí bồi thường bảo hiểm của Bảo hiểm Agribank đã tiết giảm 14% so với cùng kỳ năm trước, xuống còn 146 tỷ đồng. Theo đó, lợi nhuận gộp từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm của công ty ghi nhận vẫn tăng lên 184,1 tỷ đồng.
Ngoài ra, ABIC ghi nhận doanh thu hoạt động tài chính đạt 41,2 tỷ đồng, tăng 6% so với cùng kỳ năm trước.
Dù các mảng hoạt động của công ty đều ghi nhận kết quả kinh doanh khởi sắc, Bảo hiểm Agribank vẫn báo lãi trước thuế và sau thuế đồng loạt giảm 2% xuống còn lần lượt 86,5 tỷ đồng và 69 tỷ đồng.
Nguyên nhân khiến lãi ròng giảm là do chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 12% lên gần 139 tỷ đồng. Đáng chú ý, chi phí công cụ dụng cụ đồ dùng văn phòng của Bảo hiểm Agribank có mức tăng mạnh nhất trong các khoản chi phí quản lý của doanh nghiệp này, tăng gấp 4,6 lần cùng kỳ, lên gần 5 tỷ đồng.
Năm 2024, Bảo hiểm Agribank đề ra kế hoạch kinh doanh với mục tiêu doanh thu kinh doanh bảo hiểm tăng tối thiểu 20% so với mức thực hiện 2023. Lợi nhuận trước thuế dự kiến đạt tối thiểu 320 tỷ đồng. Như vậy, kết thúc quý đầu năm 2024, Bảo hiểm Agribank đã thực hiện được 22% mục tiêu lợi nhuận tối thiểu đề ra trước đó.
Tính đến thời điểm ngày 31/3/2024, tổng tài sản của Bảo hiểm Agribank ghi nhận ở mức gần 4.025 tỷ đồng, mở rộng thêm 2% so với thời điểm hồi đầu năm, chủ yếu là tài sản ngắn hạn với gần 3.857 tỷ đồng, chiếm 95,8% tổng tài sản.
Trong đó, đầu tư tài chính ngắn hạn là 3.008 tỷ đồng, chiếm 75% tổng tài sản. Theo thuyết minh báo cáo tài chính, số tiền trên đều là tiền gửi có kỳ hạn gốc trên 3 tháng của Bảo hiểm Agribank. Các khoản tiền gửi này được gửi tại công ty mẹ là Ngân hàng Agribank.
Với lượng tiền gửi lớn, kết thúc quý I/2024, lãi tiền gửi có kỳ hạn của công ty là 41,2 tỷ đồng, tăng gần 6% so với cùng kỳ năm trước.
Ngoài ra, ABIC không nắm giữ bất kỳ trái phiếu, cổ phiếu hay khoản đầu tư tài chính nào hay tham gia đầu tư, góp vốn vào công ty con, công ty liên kết. Tiền và các khoản tương đương tiền của công ty tại thời điểm cuối tháng 3/2024 cũng tăng 15% lên gần 135 tỷ đồng.
Phía bên kia bảng cân đối kế toán, nợ phải trả của Bảo hiểm Agribank gần như đi ngang so với hồi đầu năm là 2.423 tỷ đồng, đều là các khoản nợ ngắn hạn.
Tường San