Cơ hội mới cho du lịch Việt

15/08/2023 - 20:01
(Bankviet.com) Hôm nay, 15-8, nhiều thay đổi quan trọng về chính sách thị thực (visa) và thời hạn lưu trú của người nước ngoài tại Việt Nam chính thức có hiệu lực.
Cán bộ sân bay cần “mỉm cười” nhiều hơn để giữ chân du khách quốc tế Chính sách thị thực mới - Tăng cơ hội cho du lịch Việt

Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam với nhiều thay đổi quan trọng về chính sách thị thực (visa) và thời hạn lưu trú của người nước ngoài tại Việt Nam chính thức có hiệu lực từ hôm nay, 15-8.

Tín hiệu vui

Theo quy định mới, thời hạn thị thực điện tử (e-visa) cho khách du lịch sẽ được nâng từ 30 lên 90 ngày. Sau khi được cấp e-visa, trong 90 ngày, khách du lịch cũng được nhập cảnh, xuất cảnh không giới hạn số lần, không phải làm thủ tục cấp thị thực mới. Bên cạnh đó, công dân của nước được Việt Nam đơn phương miễn thị thực được cấp tạm trú 45 ngày (quy định trước là 15 ngày) và được xem xét cấp thị thực, gia hạn tạm trú theo quy định.

Đánh giá về chính sách visa mới, ông Nguyễn Trùng Khánh - Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam - cho biết đây là tín hiệu vui đối với du lịch Việt Nam và là mong mỏi từ lâu của những người làm du lịch. Đối với các doanh nghiệp (DN) du lịch, đây là cơ hội tốt để xây dựng lại các sản phẩm du lịch với thời gian dài hơn, thu hút các thị trường khách du lịch có khả năng chi trả cao hơn, thời gian lưu trú lâu hơn, cũng như xây dựng kế hoạch kinh doanh dài hơi hơn, tạo sức hút đối với các điểm đến của du lịch Việt Nam.

Cơ hội mới cho du lịch Việt - Ảnh 1.
Đồ họa: Chi Phan (Nguồn: Tổng cục Thống kê)

Tuy nhiên, ông Khánh khẳng định đây mới chỉ là điều kiện cần, còn điều kiện đủ là phải tạo được những sản phẩm du lịch độc đáo, hấp dẫn; triển khai xúc tiến quảng bá mạnh mẽ, bài bản hơn, chuyên nghiệp hơn. Công tác quản lý điểm đến, đặc biệt là an ninh an toàn, tạo điều kiện thuận lợi cho du khách… phải được chú trọng hơn. Tổng hòa những nội dung này mới tạo nên được những sản phẩm dịch vụ độc đáo, hấp dẫn để nâng cao vị thế cạnh tranh của du lịch Việt Nam.

Ông Nguyễn Trung Thành, Giám đốc Công ty Golden T Travel, nhấn mạnh đây là cơ hội cho du lịch Việt Nam nhưng phải làm gì để tận dụng được cơ hội đó. "Việt Nam mở cửa để du khách nước ngoài có thể lưu trú đến 45 ngày, nhưng với 45 ngày đó thì có những trải nghiệm gì, thưởng thức gì để họ thật sự thích thú ở lại?" - ông Thành nói.

Ông Phạm Minh Quang, CEO của Dolphin Tour, cho hay rất kỳ vọng vào chính sách mới nhưng để có sự chuyển biến thì phải có sự chung tay nỗ lực của các cơ quan quản lý du lịch, chính quyền cũng như DN du lịch. Cần làm mới thương hiệu du lịch Việt Nam để phù hợp giai đoạn mới, vì thương hiệu du lịch của Việt Nam thời điểm này đã quá cũ.

Ông Phạm Hà, Chủ tịch Lux Group, kỳ vọng chính sách mới không chỉ thúc đẩy lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam mà còn giúp Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn. DN này đang gấp rút xây dựng loạt sản phẩm mới để đón mùa cao điểm sắp tới.

Tạo sức hút

Nhiều DN lữ hành cho biết đã chuẩn bị để tận dụng cơ hội này. Bà Nguyễn Nguyệt Vân Khanh, Giám đốc Ban Tiếp thị - Công ty Du lịch Vietravel, cho biết đang tích cực đón nhận chính sách mới này. Sự thay đổi chính sách này mang đến cơ hội quan trọng để Vietravel thu hút một lượng lớn du khách quốc tế có nhu cầu du lịch dài ngày như Âu - Úc - Mỹ và Trung Đông.

Thời gian qua, Vietravel đã tăng cường quảng bá hình ảnh Việt Nam và chính sách e-visa mới trên các phương tiện truyền thông, đặc biệt là các thị trường nhận được lợi ích trực tiếp từ chính sách này như Âu - Úc - Mỹ. Công ty cũng đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, mở rộng tour dài ngày đáp ứng nhu cầu trải nghiệm du lịch xuyên Việt hoặc kết hợp các nước trong khu vực Đông Nam Á. Các chuyến du lịch được xây dựng mới, tập trung vào những trải nghiệm bền vững, du lịch cộng đồng để du khách có thể cảm nhận được văn hóa đặc sắc của Việt Nam bên cạnh những di sản thiên nhiên.

Bà Trần Thị Phương Linh, Giám đốc tiếp thị - công nghệ thông tin Công ty BenThanh Tourist, cho hay chính sách visa thông thoáng góp phần quan trọng tạo nên sức hút và nâng cao khả năng cạnh tranh cho điểm đến Việt Nam trong khu vực; là tiền đề quan trọng để mở rộng quan hệ hợp tác và tiếp cận thêm nhiều thị trường du lịch tiềm năng trong tương lai. BenThanh Tourist đã gửi thông báo về chính sách visa mới của Việt Nam tới một số đối tác tại các thị trường quan trọng như Romania, Hà Lan, Đức, Pháp, Mỹ…

Cơ hội mới cho du lịch Việt - Ảnh 2.
Du khách quốc tế tham quan Tam Cốc, Ninh Bình (Ảnh: Tấn Thạnh)

"Công ty sẽ tập trung vào các thị trường châu Âu, Mỹ, Úc bởi đây là những thị trường truyền thống quan trọng. Đặc điểm của khách quốc tế đến từ các thị trường này là thích du lịch dài ngày và xuất nhập cảnh nhiều lần, nên chính sách visa mới sẽ giúp DN có thể phát triển thị trường thuận lợi và hiệu quả hơn" - bà Phương Linh nói.

Để quy định mới hiệu quả ngay trong quảng bá, xúc tiến, đón khách quốc tế mùa cao điểm cuối năm nay và những năm tới, các DN cho rằng dòng khách quốc tế đến Việt Nam chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố - từ chính sách visa, giá vé máy bay, tần suất các chuyến bay quốc tế, chi phí dịch vụ và sức hấp dẫn của điểm đến.

Trong đó, chính sách visa và giá vé máy bay là 2 yếu tố quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp tới lựa chọn của du khách quốc tế.

"Khi chính sách visa mới được áp dụng, ngành du lịch vẫn cần tìm ra giải pháp nhanh chóng và đồng bộ nhằm tháo gỡ những chướng ngại khác, đem lại sự phục hồi nhanh nhất cho thị trường. Những thay đổi trong chính sách visa của Việt Nam là điều các DN chờ đợi từ lâu, chúng tôi kỳ vọng sẽ tạo ra hiệu ứng tích cực, giúp thị trường khách quốc tế năm nay đạt mức tăng trưởng bằng 70% - 80% so với thời điểm trước dịch COVID-19 và phục hồi tốt hơn nữa trong năm 2024" - bà Phương Linh nói.

Cơ hội mới cho du lịch Việt

Chính sách mới đã có nhưng việc triển khai với thủ tục đơn giản, nhanh gọn là điều cần thiết để các bộ phận liên quan có thể triển khai. Ông Nguyễn Châu Á - Giám đốc Công ty Oxalis - nói để chính sách e-visa phát huy tối đa hiệu quả, kiến nghị cấp visa on arrival (visa tại cửa khẩu) cho tối thiểu 100 thị trường; tăng thị trường được đơn phương miễn visa; cấp các loại e-visa 1, 3, 6, 12 tháng tùy đối tượng, thị trường và vùng lãnh thổ nhưng cần cho phép ra vào nhiều lần.

Bà Nguyễn Nguyệt Vân Khanh kiến nghị cần đưa ra quy trình đăng ký rõ ràng và thân thiện với du khách. Ngành du lịch và các cơ quan liên quan phối hợp đồng bộ để đơn giản hóa và hợp lý hóa quy trình xin e-visa thân thiện với khách du lịch, an toàn và có thể truy cập bằng nhiều ngôn ngữ. Phát triển một cổng thông tin trực tuyến chuyên dụng với hướng dẫn từng bước và hỗ trợ cho người đăng ký, bao gồm các câu hỏi thường gặp và hỗ trợ theo thời gian thực.

Đóng góp tăng trưởng

Trong báo cáo mới đây, Ngân hàng HSBC đánh giá ngoài thương mại, các dịch vụ trong nước của Việt Nam tiếp tục đóng vai trò là trụ cột hỗ trợ kinh tế. Phần lớn là nhờ sự gia tăng khách du lịch quốc tế, khi du khách từ Trung Quốc đều đặn đến Việt Nam với số lượng đạt khoảng 45% so với năm 2019; tốc độ cao nhất, vượt xa Thái Lan - vốn là thị trường ASEAN truyền thống đối với du lịch nước ngoài của nước này.

Các chuyên gia của HSBC nói điều này có lẽ nhờ việc phục hồi ổn định các chuyến bay giữa Việt Nam và Trung Quốc hiện ở mức 53% so với năm 2019, chỉ sau Singapore (75%), Malaysia (57%). Với thay đổi gần đây trong chính sách nới lỏng visa, dự kiến được triển khai từ giữa tháng 8, triển vọng du lịch Việt Nam tiếp tục khả quan.

Cấp e-visa cho công dân tất cả các nước

Ngày 14-8, Chính phủ ban hành Nghị quyết 127 về việc áp dụng cấp e-visa cho công dân các nước, vùng lãnh thổ; các cửa khẩu quốc tế cho phép người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh bằng e-visa.

Theo đó, danh sách các cửa khẩu quốc tế cho phép người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh bằng e-visa gồm: Danh sách cửa khẩu đường hàng không gồm các sân bay: Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Cam Ranh, Đà Nẵng, Cát Bi, Cần Thơ, Phú Quốc, Phú Bài, Vân Đồn, Thọ Xuân, Đồng Hới, Phù Cát, Liên Khương; danh sách cửa khẩu đường bộ gồm: Tây Trang, Móng Cái, Hữu Nghị, Lào Cai, Na Mèo, Nậm Cắn, Cầu Treo, Cha Lo, La Lay, Lao Bảo, Bờ Y, Mộc Bài, Xa Mát, Tịnh Biên, Vĩnh Xương, Hà Tiên; danh sách cửa khẩu đường biển gồm các cảng: Hòn Gai, Cẩm Phả, Hải Phòng, Nghi Sơn, Vũng Áng, Chân Mây, Đà Nẵng, Nha Trang, Quy Nhơn, Dung Quất, Vũng Tàu, TP HCM, Dương Đông.

Hiệu lực thi hành từ ngày 15-8-2023, thay thế Nghị quyết 79/2020 và Nghị quyết 60/2022.

nld.com.vn

Theo: Báo Công Thương