Cổ phiếu đáng chú ý trước phiên giao dịch ngày 7/11/2024: KBC, VGC, QCG

07/11/2024 - 13:42
(Bankviet.com) Cổ phiếu KBC, VGC, SZC, SIP và QCG đều tăng trần phiên 6/11 nhờ kết quả kinh doanh khả quan, trong khi HPG và SHS dẫn đầu thanh khoản. Cổ phiếu LDG và FIR tiếp tục gặp áp lực giảm sâu, đặc biệt FIR mất hơn 87% vốn hóa từ đỉnh. CIG quay đầu giảm sau chuỗi phiên tăng trần.

KBC: Phiên giao dịch ngày 6/11 ghi nhận cổ phiếu KBC của Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc (HOSE) tăng kịch trần lên 28.550 đồng/cổ phiếu – mức cao nhất trong gần ba tháng qua, với dư mua giá trần đạt 1,5 triệu đơn vị. Khối lượng giao dịch phiên hôm nay của KBC tăng vọt lên gần 20 triệu cổ phiếu, chỉ đứng sau HPG nhà Hòa Phát. Thanh khoản phiên này của cổ phiếu Kinh Bắc cũng cao gấp 10 lần so với trung bình các phiên trước, đạt mức cao nhất trong hơn bảy tháng. Về kết quả kinh doanh, Kinh Bắc đạt doanh thu 950 tỷ đồng trong quý 3/2024, tăng gấp 3,8 lần so với cùng kỳ, trong khi lợi nhuận trước thuế đạt 250 tỷ đồng, gấp 5,3 lần cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ đạt 196 tỷ đồng, gấp 39 lần. Tuy nhiên, lũy kế 9 tháng đầu năm, Kinh Bắc ghi nhận doanh thu 1.994 tỷ đồng và lợi nhuận ròng 351 tỷ đồng, lần lượt giảm 58% và 82% so với cùng kỳ năm 2023.

Cổ phiếu đáng chú ý trước phiên giao dịch ngày 7/11/2024: KBC, VGC, QCG

VGC: Đóng cửa phiên 6/11, cổ phiếu VGC của Tổng Công ty Viglacera - CTCP (HOSE) bật tăng kịch trần (+7%), đưa thị giá lên mức 42.800 đồng/cổ phiếu, thanh khoản đạt hơn 3,5 triệu đơn vị. Về kết quả kinh doanh, quý 3/2024, VGC có doanh thu đạt 2.834 tỷ đồng, giảm 18% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận gộp trong kỳ giảm 22,5%, còn 873 tỷ đồng. Sau khi trừ các khoản chi phí phát sinh trong hoạt động kinh doanh, Tổng Công ty Viglacera ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt 334 tỷ đồng, giảm tới 63% so với quý 3/2023. Lũy kế 9 tháng đầu năm nay, doanh thu của Tổng Công ty Viglacera đạt 8.185 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế đạt 909 tỷ đồng, lần lượt giảm 19,5% và 43% so với cùng kỳ năm 2023. Qua đó, hoàn thành 60,5% kế hoạch doanh thu và 82% kế hoạch lợi nhuận cả năm nay.

SZC: Một cái tên khác trong nhóm bất động sản khu công nghiệp cũng tăng hết biên độ phiên 6/11 là SZC của Sonadezi Châu Đức (+6,99%), thị giá tăng lên mức 41.300 đồng/cổ phiếu, thanh khoản đạt hơn 9,1 triệu đơn vị. Về kết quả kinh doanh, luỹ kế 9 tháng đầu năm, SZC ghi nhận doanh thu đạt 641 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 227 tỷ đồng, lần lượt tăng 15% và 39% so với cùng kỳ. Qua đó, hoàn thành 99% mục tiêu lãi cả năm nay. Về triển vọng doanh nghiệp, SSI Research mới đây đã đưa ra dự báo giá thuê đất tại Khu công nghiệp Châu Đức trong quý 4/2024 sẽ tăng 12% so với cùng kỳ năm 2023. Theo đó, tổng doanh thu cả năm nay của Sonadezi Châu Đức có thể đạt 1.080 tỷ đồng với lãi ròng dự kiến đạt 328 tỷ đồng, lần lượt tăng 33% và 50% so với năm 2023.

SIP: Cổ phiếu SIP của Công ty CP Đầu tư Sài Gòn VRG (HOSE) cũng có cho mình sắc tím phiên 6/11 (+6,89%), đưa thị giá lên 79.100 đồng/cổ phiếu, thanh khoản đạt hơn 1,7 triệu đơn vị. Về kết quả kinh doanh, quý 3 vừa qua, SIP có doanh thu thuần đạt 1.977 tỷ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ. Doanh thu tài chính cũng tăng mạnh, đạt 135 tỷ đồng (tăng 155%). Sau khi trừ đi các chi phí, SIP đạt lợi nhuận ròng gần 314 tỷ đồng, tăng 54% so với cùng kỳ. Lũy kế 9 tháng đầu năm, doanh thu thuần của SIP đạt 5.736 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế hơn 902 tỷ đồng, tăng lần lượt 20% và 36% so với cùng kỳ. Nguồn thu chính đến từ mảng dịch vụ tiện ích điện và nước cho các khu công nghiệp, đạt hơn 4.783 tỷ đồng, tăng 20%. So với kế hoạch năm 2024 đặt ra là 5.388 tỷ đồng doanh thu và 793 tỷ đồng lãi sau thuế, SIP đã vượt 7% về doanh thu và 14% về lợi nhuận.

QCG: Cổ phiếu QCG của Quốc Cường Gia Lai cũng khép lại phiên 6/11 tới mức tăng kịch trần, thị giá đạt 13.650 đồng/cổ phiếu, khớp hơn 1,4 triệu đơn vị. Việc cổ phiếu QCG liên tiếp có các phiên tăng mạnh thời gian gần đây đã không phải điều quá bất ngờ. Chỉ tính riêng từ đầu tháng 11 đến nay, cổ phiếu này đã có tới 3/4 phiên tăng điểm, trong đó có 2 phiên tăng trần. Về kết quả kinh doanh, quý 3 vừa qua, Quốc Cường Gia Lai ghi nhận doanh thu thuần hơn 178 tỷ đồng, tăng 166% so với cùng kỳ năm trước. Sau khi trừ các chi phí, công ty báo lãi trước thuế 28 tỷ đồng, gấp 4,5 lần cùng kỳ năm 2023. Lợi nhuận sau thuế đạt 25 tỷ đồng, tăng 147% so với quý 3 năm trước.

LDG: Ngoài QCG, một cổ phiếu khác đáng chú ý thời gian gần đây là LDG cũng có cho mình sắc tím phiên 6/11 (+6,49%), đưa thị giá lên mức 1.970 đồng/cổ phiếu, thanh khoản đạt hơn 4,1 triệu đơn vị. Diễn biến của cổ phiếu LDG phiên này có phần khá bất ngờ, khi mà doanh nghiệp này vừa báo cáo kết quả kinh doanh quý III/2024 với doanh thu thuần âm tới 25,19 tỷ đồng, giảm mạnh so với mức âm 0,55 tỷ đồng của cùng kỳ năm trước, tức giảm 24,64 tỷ đồng. Sau khi trừ các khoản chi phí và thuế, lợi nhuận sau thuế của LDG tiếp tục âm 77,07 tỷ đồng, tăng thêm 12,09 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2024, doanh thu thuần của LDG tiếp tục ghi nhận âm 174,58 tỷ đồng, giảm sâu so với mức 0,49 tỷ đồng dương của cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ cũng ghi nhận âm 473,23 tỷ đồng, tăng mạnh so với mức âm 209,33 tỷ đồng cùng kỳ, tương đương tăng lỗ thêm 263,9 tỷ đồng.

HPG: Cổ phiếu HPG là "quán quân" thanh khoản phiên 6/11, với hơn 20,9 triệu đơn vị được sang tay, thị giá cũng tăng tốt 1,70% lên mức 26.950 đồng/cổ phiếu. Được biết, Hòa Phát ghi nhận kết quả kinh doanh quý 3 với doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế lần lượt 33.956 tỷ đồng (tăng 19,2) và 3.023 tỷ đồng (tăng 50,8%). Mức sụt giảm so với quý trước là do nhóm thép giảm cả về sản lượng lẫn giá bán của mặt hàng thép xây dựng và thép cuộn cán nóng, điều này phản ánh được nhu cầu thấp điểm của ngành xây dựng trong quý 3 và ảnh hưởng tiêu cực từ thị trường thép Trung Quốc tới các quốc gia khác (trong đó có Việt Nam). Tuy nhiên, so sánh với cùng kỳ năm trước thì đây là kết quả kinh doanh này khá tích cực đối với HPG trong chu kỳ thép phục hồi.

SHS: Nếu như HPG là "quán quân" thanh khoản sàn HOSE thì ngôi vị này trên sàn HNX thuộc về cổ phiếu chứng khoán SHS, với hơn 5 triệu đơn vị được sang tay, thị giá đóng cửa tại 14.200 đồng/cổ phiếu với mức tăng 1,43%. Đáng chú ý, SHS cũng là cổ phiếu có thanh khoản tốt nhất sàn HNX trong tháng 10 vừa qua, với khối lượng giao dịch tăng 64,9%, đạt 292 triệu cổ phiếu, chiếm tỷ trọng 21,41% toàn thị trường. Quý 3, SHS ghi nhận hơn 276 tỷ đồng doanh thu hoạt động, giảm 43% so với cùng kỳ năm trước, lãi ròng của SHS đạt 69 tỷ đồng, lao dốc 65% so với cùng kỳ. Lũy kế 9 tháng đầu năm, doanh thu hoạt động của SHS đạt 1.440 tỷ đồng, giảm nhẹ 2% so với cùng kỳ. Sau khi khấu trừ chi phí, lãi trước thuế ở mức 953 tỷ đồng, gấp đôi cùng kỳ, thực hiện được 92% kế hoạch năm (1.035 tỷ đồng). Lãi ròng gần 780 tỷ đồng.

FIR: Phiên giao dịch ngày 6/11 tiếp tục ghi nhận sắc đỏ phủ khắp cổ phiếu FIR của Công ty CP Địa ốc First Real khi mã này giảm thêm hơn 6%, đóng cửa ở mức 4.700 đồng/cp với khối lượng khớp lệnh lên đến 1,7 triệu đơn vị. Đây là phiên giảm thứ 17 liên tiếp của FIR, đưa giá cổ phiếu chỉ còn cách đáy lịch sử khoảng 1.400 đồng/cổ phiếu, phản ánh mức sụt giảm vốn hóa đến hơn 87% từ mức đỉnh thiết lập cuối tháng 2/2023, chỉ còn lại khoảng 321 tỷ đồng. Không chỉ riêng về giá cổ phiếu, tình hình kinh doanh của FIR các năm gần đây cũng không mấy khả quan. Báo cáo tài chính kiểm toán năm 2023 cho thấy doanh thu thuần đạt 169,1 tỷ đồng, giảm 55,9% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2024, bức tranh tài chính của FIR vẫn ảm đạm khi doanh thu và lợi nhuận lần lượt giảm 26,7% (đạt 124 tỷ đồng) và giảm sâu đến 99% (còn 222 triệu đồng) so với cùng kỳ năm trước.

CIG: Sau phiên giảm kịch sàn ngày 5/11, cổ phiếu CIG tiếp đà giảm khá mạnh phiên tiếp theo với mức giảm gần 4%, thị giá về còn 7.830 đồng/cổ phiếu, khớp hơn 0,8 triệu đơn vị. Trước đó, CIG đã tăng tới 4 phiên liên tiếp, trong đó có 3 phiên "kịch trần". Về tình hình kinh doanh, quý III/2024, CIG báo lãi sau thuế đạt gần 1,2 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước là lỗ hơn 82,5 triệu đồng. Tuy nhiên, lũy kế 9 tháng đầu năm, lợi nhuận sau thuế của CIG chỉ hơn 3,4 tỷ đồng, “bốc hơi” 76,97% so với cùng kỳ năm 2023. Nguyên nhân là do các khoản chi phí gồm: chi phí tài chính, chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp tăng gần 3 lần so với cùng kỳ năm trước lên hơn chục tỷ đồng.

Chứng khoán phiên chiều 6/11/2024: VN-Index tăng mạnh hơn 15 điểm

Phiên giao dịch 6/11 khép lại với sắc xanh lan tỏa trên thị trường chứng khoán Việt Nam khi VN-Index tăng mạnh hơn 15 điểm, ...

Công ty CP Cảng Quảng Ninh biến động nhân sự cấp cao

Cảng Quảng Ninh biến động trong đội ngũ lãnh đạo khi ông Nguyễn Văn Mạnh - Phó Tổng giám đốc và ông Nguyễn Tư Thịnh ...

Nhận định chứng khoán 7/11/2024: Rủi ro ngắn hạn giảm dần, thị trường đã ở vùng giá hợp lý

Thị trường chứng khoán Việt Nam ngày 6/11 ghi nhận diễn biến tích cực khi VN-Index bứt phá 1,25% lên mức 1.261,28 điểm. Nhóm cổ ...

Nguyên Nam

Nguyên Nam

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán