Cổ phiếu nào đáng đầu tư trong tháng 9?

08/09/2022 - 02:24
(Bankviet.com) Báo cáo Chiến lược thị trường của Công ty chứng khoán VNDIRECT cho rằng các yếu tố cơ bản đang cải thiện và khuyến nghị những mã cổ phiếu đáng chú ý trong tháng 9/2022.

Các yếu tố cơ bản đang cải thiện

Báo cáo ngày 30/8 của Công ty chứng khoán VN-DIRECT cho biết kể từ khi tạo đáy vào giữa tháng 7, chỉ số VN-INDEX củng cố xu hướng hồi phục trong tháng 8. Sự phục hồi mạnh mẽ của VN-INDEX được thúc đẩy bởi 3 yếu tố: lạm phát có xu hướng hạ nhiệt ở cả Mỹ và Việt Nam, tâm lý thị trường được cải thiện với kỳ vọng FED giảm cường độ tăng lãi suất điều hành trong quý IV/2022 và đà tăng được tiếp sức bởi dòng tiền đầu cơ quay trở lại.

Trong tháng 8, giá trị giao dịch bình quân của ba sàn tăng 35,7% so với tháng trước đạt 18.560 tỷ đồng trong đó giá trị giao dịch bình quân trên sàn HOSE là 15.795 tỷ đồng/phiên, tăng 35,6% so với tháng trước; sàn HNX đạt 1.826 tỷ đồng/phiên, tăng 41,9% so với tháng trước; sàn UPCOM đạt 939 tỷ đồng/phiên, tăng 26,5% so với tháng trước). Đáng chú ý, khối ngoại chuyển vị thế từ bán ròng sang mua ròng, với giá trị mua ròng đạt 1.661 tỷ đồng trong tháng 8.

Các yếu tố cơ bản của thị trường chứng khoán đang cải thiện. Yếu tố xúc tác bên ngoài đang chuyển biến tích cực hơn khi lạm phát ở Mỹ hạ nhiệt và kỳ vọng của thị trường về việc FED tăng lãi suất đã qua đỉnh điểm. Trong nước, Việt Nam có thể ghi nhận tăng trưởng GDP rất cao trong quý III/2022 so với mức thấp của cùng kỳ 2021. Bên cạnh đó, giao dịch T+2 chính thức được triển khai vào ngày 29/8/2022. Các yếu tố trên sẽ hỗ trợ cho triển vọng thị trường trong tháng 9/2022.

Thị trường điều chỉnh có thể mở ra cơ hội tốt để gia tăng tỷ trọng phiếu. Tuy nhiên, cần lưu ý thị trường có thể phải đối mặt với một đợt điều chỉnh ngắn hạn trong tháng 9 khi VN-INDEX đang tiến tới vùng kháng cự mạnh 1.300-1.330 điểm. Hiện các yếu tố cơ bản của thị trường đang được cải thiện, sự điều chỉnh này tạo ra “cơ hội giải ngân tốt” cho các nhà đầu tư để xây dựng danh mục cho quý IV/2022 và năm 2023. "Chúng tôi kỳ vọng mức 1.240-1.260 điểm sẽ là vùng hỗ trợ cho VN-INDEX trong tháng 9", Báo cáo của VNDIRECT nêu rõ.

VNDIRECT khuyến nghị 6 mã cổ phiếu cho tháng 9/2022

BCG: Được khuyến nghị cho cả ngắn hạn và dài hạn với tăng trưởng kép (CAGR) lợi nhuận sau thuế hàng năm đạt 45,7% trong giai đoạn 2022-24 do lượng tài sản bàn giao lớn từ các dự án gối đầu. BCG có thể sẽ bàn giao các phần của dự án Hội An D'Or và Malibu Hội An trong năm 2022, mang lại doanh thu 4.897 tỷ đồng (55,4% tổng doanh thu), còn trong năm 2023 dự án bàn giao có thể ghi nhận doanh thu 5.233 tỷ đồng (+6,9% so với cùng kỳ). Năng lượng tái tạo là nền tảng cho tăng trưởng dài hạn, doanh thu điện của BCG sẽ đạt 1.786 tỷ đồng (chiếm 20,2% tổng doanh thu) trong năm 2022 và 3.791 tỷ đồng (chiếm 32,7% tổng doanh thu) trong năm 2023.

DXG: Dẫn đầu cả nước về thị trường môi giới với 33% thị phần (DXS) trong năm 2021. Triển vọng mảng môi giới của DXG vẫn còn tươi sáng, trong đó công ty con - DXS đặt mục tiêu doanh thu năm 2022 là 8.400 tỷ đồng (+94% so với cùng kỳ), lợi nhuận sau thuế năm 2022 là 2.250 tỷ đồng (+132% so với cùng kỳ). Quỹ đất tiềm năng tại TP.HCM, đặc biệt là Gem Riveside (ra mắt vào quý III/2022), sẽ đóng góp 9.155 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế giai đoạn 2024-2026. Các dự án nội đô của DXG tại TP.HCM được dự báo có tỷ lệ hấp thụ sẽ cao tại thời điểm mở bán. Đóng góp chính vào tăng trưởng doanh thu của DXG trong năm 2022 là các dự án như St Moritz, Opal Boulevard, Gem Sky World ...

MBB: Nằm trong số ít ngân hàng có khả năng được NHNN nới hạn mức tăng trưởng tín dụng do tỷ lệ an toàn vốn cao, nợ xấu thấp và ngân hàng có thể tiếp nhận một tổ chức tín dụng yếu kém trong năm nay. VNDIRECT dự báo tăng trưởng cho vay của MBB đạt 20% trong năm nay do chất lượng tài sản vững vàng của ngân hàng với nguồn trích lập dự phòng lớn, bảo vệ cho lợi nhuận ròng của ngân hàng. Cuối quý II/2022, ngân hàng duy trì trong top 6 ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu (NPL) thấp nhất và top 3 ngân hàng có tỷ lệ bao phủ nợ xấu (LLR) cao nhất. MBB có thể duy trì mức tăng trưởng lợi nhuận mạnh mẽ 28,5%/ 20,1% so với cùng kỳ cho giai đoạn năm 2022-2023 dựa trên tăng trưởng cho vay 20%/17,5% so với cùng kỳ và NIM ổn định ở mức 5,0%.

PNJ: PNJ đang thống lĩnh thị phần trang sức với thị phần thống kê là hơn 50% với lượng khách hàng dồi dào từ trung cấp đến cao cấp và ít bị ảnh hưởng bởi lạm phát. 6 tháng năm 2022, PNJ tiếp tục tỏa sáng với mức tăng trưởng lợi nhuận ròng vượt kỳ vọng 48% so với cùng kỳ đạt 1.088 tỷ đồng. Về dài hạn, PNJ có thể sẽ có chiến lược phát triển các ý tưởng hấp dẫn hơn, chiến dịch quảng cáo hiệu quả hơn, hợp tác với các thương hiệu toàn cầu trở thành “cửa hàng đa thương hiệu” và tăng cường số hóa sẽ hỗ trợ lợi nhuận ròng của PNJ duy trì mức tăng trưởng 2 con số.

SZC: SZC có vị trí tốt để nắm bắt nhu cầu ngày càng tăng về bất động sản khu công nghiệp ở miền Nam. SZC có quỹ đất khá lớn (hơn 600 ha) trong số các công ty khu công nghiệp niêm yết tại Bà Rịa-Vũng Tàu và giá thuê của Bà Rịa-Vũng Tàu tăng mạnh (khoảng 20% so với cùng kỳ); Hoạt động kinh doanh bất động sản nhà ở của SZC đã sẵn sàng để đón đầu trong giai đoạn năm 2022- 2024 với giai đoạn đầu - Sonadezi Hữu Phước (40,5 ha) bắt đầu mở bán từ tháng 7 năm 2022.

VTP: Kết quả kinh doanh của VTP được kỳ vọng sẽ phục hồi mạnh mẽ từ nửa sau năm 2022 nhờ chiến lược mở rộng trong thời kỳ đại dịch đã cho kết quả khả quan với sản lượng giao hàng tăng trưởng mạnh và giá nhiên liệu hạ nhiệt giúp cải thiện biên lợi nhuận gộp của VTP. Lợi nhuận ròng của VTP có thể tăng 69,5% so với cùng kỳ trong năm 2022 và tăng 30,8% so với cùng kỳ trong năm 2023. Bên cạnh đó, kế hoạch niêm yết trên sàn HSX cũng là tiềm năng tăng giá ngắn hạn trong năm nay.

Bùi Trang

Theo: Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ