Cổ phiếu ngân hàng có còn hấp dẫn trong năm 2023?

21/02/2023 - 20:31
(Bankviet.com) Đánh giá về triển vọng cổ phiếu ngân hàng năm 2023, ông Nguyễn Thế Minh - Giám đốc phân tích Công ty chứng khoán Yuanta cho rằng, ngân hàng sẽ là nhóm ngành dẫn dắt đà tăng của thị trường năm 2023. Đây là nhóm có sức khỏe tốt nhất, vốn hóa lớn nhất thị trường, đủ mạnh để dẫn dắt xu hướng.

Thị trường chứng khoán Việt Nam tăng mạnh trong phiên giao dịch đầu tuần với thanh khoản cải thiện đáng kể, dòng tiền tập trung tại nhóm cổ phiếu ngân hàng bất động sản. VN-Index liên tục chinh phục các mốc cao hơn nhờ lực cầu lan toả sang nhiều ngành khác cùng thanh khoản tích cực. Kết thúc phiên giao dịch 20/2, VN-Index tăng 27,35 điểm (+2,58%) lên 1.086,69 điểm.

Cổ phiếu ngân hàng diễn biến khởi sắc ngay từ đầu phiên và đóng góp nhiều nhất cho chỉ số. Hầu hết các mã vốn hoá lớn đều nới rộng biên độ, toàn ngành chỉ còn hai cổ phiếu giảm nhẹ là VBB (-1,9%) và EIB (-0,3%).

Cổ phiếu ngân hàng có còn hấp dẫn trong năm 2023?

Tại chiều tăng giá, cổ phiếu VPB đóng cửa ở mức giá cao nhất phiên tại 18.300 đồng/cp. Khối lượng giao dịch của mã này cũng cai hơn 34% so với mức trung bình, đạt 20,6 triệu đơn vị.

Bên cạnh đó, cổ phiếu STB cũng thu hút dòng tiền từ nhà đầu cá nhân và tăng 5,3% lên 25.700 đồng/cp. Trong khi đó, khối ngoại gần như ngừng giao dịch mua/bán mã này vì hiện nay tỷ lệ sở hữu tối đa của nhà đầu tư nước ngoài tại Sacombank vẫn còn là một dấu hỏi.

Hàng loạt bluechip nhà băng cũng tăng mạnh như MBB (4,4%), MSB (4%), ACB (4%), LPB (3,4%), TPB (3,1%), BID (3,1%), TCB (2,9%), CTG (2,7%)… Cổ phiếu ghi nhận tỷ lệ tăng dưới 1% chỉ có VCB (0,9%) và NVB (0,5%).

Thị trường bùng nổ theo đà khiến thanh khoản các nhóm ngành đều cải thiện. Giá trị khớp lệnh của cổ phiếu ngân hàng cũng tăng 20% lên 2.370 tỷ đồng. Cổ phiếu VPB đứng đầu về khối lượng giao dịch, theo sau là STB, SHB, LPB…

Đánh giá về triển vọng cổ phiếu ngân hàng năm 2023, ông Nguyễn Thế Minh - Giám đốc phân tích Công ty chứng khoán Yuanta cho rằng, ngân hàng sẽ là nhóm ngành dẫn dắt đà tăng của thị trường năm 2023. Đây là nhóm có sức khỏe tốt nhất, vốn hóa lớn nhất thị trường, đủ mạnh để dẫn dắt xu hướng.

Hiện tại, nhóm ngân hàng có thể thay thế các nhóm cổ phiếu khác như bất động sản. Trong bối cảnh tỷ lệ P/B của nhiều ngân hàng đang loanh quanh trên dưới mức 1 lần, nghĩa là định giá của nhóm này đang khá hấp dẫn.

Theo thống kê các ngân hàng niêm yết trên HOSE và HNX, những mã cổ phiếu đang có tỷ lệ P/B dưới 1 lần, gồm: SHB (0,72); TCB (0,85); MSB (0,92); OCB (0,93). SHB và TCB là những mã cổ phiếu có tỷ lệ P/B thấp nhất ngành và là hai đơn vị có một số đặc điểm chung:

(1) Thuộc Top 10 Ngân hàng lớn nhất Việt Nam;

(2) Lợi nhuận tăng trưởng cao nhất trong hệ thống ngân hàng trong năm 2022;

(3) Tỷ lệ hệ số an toàn CAR đều ở mức cao trên 11%;

(4) Giá cổ phiếu TCB và SHB đều giảm mạnh khoảng 48% trong năm 2022;

(5) Cùng thuộc nhóm Top 8 ngân hàng hoạt động hiệu quả nhất Việt Nam và cùng nằm trong bảng xếp hạng 500 ngân hàng đứng đầu thế giới về giá trị thương hiệu năm 2023 (do Công ty tư vấn định giá thương hiệu Brand Finance).

Nói riêng về Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (HOSE: SHB) – đây là ngân hàng có nhiều điểm mà nhà đầu tư cần quan tâm, như trong năm 2022, nhà băng này đã phát hành hơn 400 triệu cổ phiếu để trả cổ tức với tỷ lệ 15%. Đây là một trong những tổ chức có sự chuyển biến tích cực về nhân sự cấp cao và dành nhiều nguồn lực đẩy mạnh chuyển đổi số, đặc biệt là được Tổ chức Moody’s nâng mức xếp hạng tín nhiệm B1 – triển vọng tích cực.

Năm 2022, Công ty chứng khoán KB Việt Nam – KBSV định giá P/B của ngành ngân hàng đã có thời điểm về gần đáy Covid-19 rồi hồi phục tốt trong thời gian vừa qua. P/B ngành hiện giờ đang là 1,49 lần. Kết quả kinh doanh của ngành được dự báo chậm lại trong quý IV/2022 và nửa đầu năm 2023 do biên lãi ròng (NIM) bị thu hẹp và áp lực thanh khoản khiến tăng trưởng tín dụng chậm lại. Dù vậy định giá ngành ngân hàng vẫn ở mức hấp dẫn.

Đồng quan điểm, Công ty chứng khoán ACB – ACBS cho rằng: Đợt sụt giảm mạnh của thị trường trong năm 2022 đã đưa giá cổ phiếu ngân hàng về vùng hấp dẫn. Theo đó, hồi cuối tháng 11/2022, cổ phiếu ngành ngân hàng được giao dịch với chỉ số giá/thu nhập (P/E) ở mức 7,1 lần và giá/giá trị sổ sách (P/B) là 1,3 lần, thấp hơn lần lượt 38,1% và 29,6% so với trung bình lịch sử giai đoạn 2010-2022.

Thị trường chứng khoán sau đó đã hồi phục nhưng giảm lại trong phần lớn thời gian tháng 12/2022 và các cổ phiếu ngân hàng cũng chịu áp lực giảm. Do vậy, các chỉ số P/E và P/B của nhóm cổ phiếu ngân hàng vẫn ở quanh vùng thấp lịch sử.

Công ty chứng khoán Rồng Việt – VDSC nhìn nhận, trong năm 2023, ngành Ngân hàng sẽ tiếp tục hành trình "vượt bão" trong chu kỳ bất động sản đi xuống cùng với triển vọng kém tích cực của xuất nhập khẩu, nhưng khả năng chống chịu của từng ngân hàng sẽ tùy thuộc vào chất lựơng tài sản và mức độ thận trọng của ngân hàng trong những năm qua.

Mặc dù đứng trước những rủi ro bất định từ vĩ mô thế giới cùng với nội tại nền kinh tế, VDSC cho rằng, định giá ngành ngân hàng đã về mức thấp trong 10 năm qua. Do đó, khó khăn phía trước sẽ mang lại cơ hội lựa chọn và tích lũy cổ phiếu và nắm giữ dài hạn cho hành trình phục hồi và tăng trưởng trở lại từ năm 2024. Giai đoạn 2020 đến nay, mặc dù ngành ngân hàng trải qua 2 năm Covid đầy khó khăn, nhưng nhìn chung toàn ngành vẫn giữ được tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu quanh mức 20%.

Đầu tư cổ phiếu ngân hàng cần xác định khung thời gian 3–5 năm và lựa chọn đúng chu kỳ của ngành, bao gồm P/B thấp (khoảng 1 lần), khả năng sinh lời ROE đảm bảo ở mức tốt nhất (ít nhất 18% trở lên) và định giá ở mức thấp nhất. Ở thời điểm giá hiện tại, ngành ngân hàng Việt Nam đang trở nên vô cùng hấp dẫn cho các nhà đầu tư dài hạn, đặc biệt trong giai đoạn 2023 – 2025 khi thị trường chứng khoán Việt Nam có khả năng được nâng hạng lên "Thị trường mới nổi" bởi FTSE và MSCI.

Như vậy, mức sinh lời bình quân 34% mỗi năm mà cổ phiếu ngân hàng Việt Nam từng mang lại cho nhà đầu tư trong giai đoạn 2019–2021 rất nhiều khả năng sẽ được lặp lại trong giai đoạn ba năm tới.

Ngoài ra, Công ty chứng khoán VNDirect – VND cho rằng Thông tư (TT) 26 sẽ có tác động tích cực lên thanh khoản hệ thống, khi có ~50% tiền gửi Kho bạc Nhà nước có kỳ hạn tại các ngân hàng thương mại (ước tính khoảng hơn 150.000 tỷ đồng, dựa trên số liệu báo cáo tài chính quý IV/2022), sẽ có khả năng được tính vào phần dư địa cho vay của hệ thống.

Theo đó phần nào sẽ giảm áp lực lên lãi suất cho vay. VND cho rằng, thông tư 26 sẽ mang lại lợi thế cho các ngân hàng có nguồn tiền gửi dồi dào từ Kho bạc Nhà nước. Theo ước tính của VND, các ngân hàng thương mại như VCB, BID, CTG sẽ được hưởng lợi khi tỷ lệ LDR mới giảm đáng kể.

Lãi trước thuế của Vinamilk có thể đạt 11.341 tỷ đồng năm 2023, cổ phiếu VNM có đáng đầu tư?

Với thương hiệu mạnh và bề dày hoạt động hiệu quả, VNM vẫn đang duy trì vị thế dẫn đầu thị trường một cách chắc ...

Hàng loạt cổ phiếu "hot" bị loại khỏi danh mục của các quỹ ETF ngoại

Trong kỳ tái cơ cấu danh mục quý I/2023 tới đây, hàng loạt các cổ phiếu như STB, BCG, DXG, HPX, NKG, NVB... sẽ bị ...

Điểm mặt những loại cổ phiếu không nên mua

Những cổ phiếu bị làm giá, tính thanh khoản thấp, giá rẻ... có thể giúp nhà đầu tư sinh lời trong ngắn hạn nếu gặp ...

Quỳnh Nga

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán