Cổ phiếu ngân hàng “cứu” thị trường, một mã có thỏa thuận “khủng” hơn 2.200 tỷ đồng

22/12/2022 - 05:33
(Bankviet.com) Cổ phiếu ngân hàng chính là nhân tố giúp thị trường hồi phục ngoạn mục trong phiên hôm nay. Đây cũng là nhóm ngàng hiếm hoi tăng điểm với nhiều cổ phiếu vốn hoá lớn nới rộng đà giảm về cuối phiên.

10 sự kiện nổi bật ngành Tài chính năm 2022

ACBS: Lãi suất điều hành có thể tăng thêm 1-2 điểm % vào năm 2023

Mở cửa phiên 21/12, lệnh mua giá cao được đẩy vào từ khá sớm, giúp thị trường tăng hơn 10 điểm khi mở cửa. Tuy nhiên, lực bán cũng luôn chực chờ mỗi nhịp hồi, nên VN-Index nhanh chóng hạ nhiệt.

Bước vào phiên chiều, thị trường giằng co trong biên độ hẹp trong khoảng 50 phút đầu trước khi lực bán ồ ạt đẩy vào trong thời gian ngắn, đẩy VN-Index lao xuống dưới đường MA50 (1.013 điểm) về vùng 1.000 điểm với sắc đỏ chiếm thế áp đảo trên bảng điện tử.

Tuy nhiên, cũng như lúc lao xuống, chỉ số này được kéo lên cũng theo phương thẳng đứng dù lực cầu không quá mạnh. Đóng cửa, VN-Index chỉ giảm nhẹ.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Cổ phiếu ngân hàng chính là nhân tố giúp thị trường có nhịp rút chân ngoạn mục trong phiên hôm nay. Đây cũng là nhóm ngàng hiếm hoi tăng điểm với nhiều cổ phiếu vốn hoá lớn nới rộng đà giảm về cuối phiên.

Điển hình nhất là cổ phiếu STB khi tăng tới 4,9% lên 23.550 đồng/cp. Khối lượng giao dịch của mã này cũng cải thiện, tăng 33% so với mức trung bình 10 phiên gần nhất.

Một số bluechip khác cũng đảo chiều thành công như VPB (2%), ACB (1,1%), HDB (0,9%), MBB (0,6%) và BID (0,6%). Mặc dù biên độ tăng không quá rộng, các mã này đều lọt Top 15 cổ phiếu ảnh hưởng tích cực đến chỉ số chính.

Xu hướng đối lập, cổ phiếu KLB có phiên giảm sàn thứ hai liên tiếp xuống thị giá 10.700 đồng/cp. Lực bán tại mã này lên tới 560 nghìn đơn vị, gấp 2,5 lần phiên trước đó.

Chiều giảm giá ghi nhận thêm các cổ phiếu khác như TPB (-1,8%), CTG (-1,8%), MSB (-1,6%), OCB (-1,6%), SHB (-1%) và VCB (-0,4%).

Cổ phiếu ngân hàng “cứu” thị trường, một mã có thỏa thuận “khủng” hơn 2.200 tỷ đồng

Mặc dù thanh khoản toàn thị trường giảm mạnh, giá trị giao dịch ngành ngân hàng vẫn duy trì ở mức trung bình với 2.385 tỷ đồng khớp lệnh.

Trong khi đó, kênh giao dịch thoả thuận ghi nhận tới 24.000 tỷ đồng, tập trung tại giao dịch sang tay tại mã EIB. Phiên giao dịch hôm nay có tới gần 74 triệu cổ phiếu EIB được thoả thuận, tương đương tổng giá trị 2.270 tỷ đồng.

Tính từ đầu tháng 12, EIB chính là mã có diễn biến tốt nhất ngành ngân hàng khi liên tục tăng giá, từ mức 22.000 đồng lên 28.800 đồng/cp (tăng gần 31%). Trước đó, cổ phiếu này đã giảm mạnh vào cuối tháng 10 và nửa đầu tháng 11, từ mức 42.000 đồng xuống còn hơn 18.000 đồng/cp.

Các diễn biến đáng chú ý tại cổ phiếu EIB xuất hiện trong bối cảnh Eximbank đã quyết định chốt danh sách cổ đông vào 28/11/2022 để tổ chức Đại hội đồng cổ đông bất thường, dự kiến tổ chức tháng 1/2023 tại TP. Hồ Chí Minh.

Cuộc họp được tổ chức để bầu bổ sung thành viên HĐQT và một số nội dung thuộc thẩm quyền của Đại hội đồng cổ đông.

Kế hoạch bầu bổ sung thành viên HĐQT diễn ra sau khi 2 thành viên HĐQT của Eximbank liên quan đến Tập đoàn Thành Công đã có đơn từ nhiệm thời gian gần đây. Cụ thể, ngày 24/10, bà Lê Hồng Anh (Thành viên HĐQT) và ông Đào Phong Trúc Đại (Thành viên HĐQT độc lập) đã có đơn từ nhiệm khỏi HĐQT Eximbank vì lý do cá nhân.

Trước đó, nhóm cổ đông Tập đoàn Thành Công đã tiến hành thoái vốn khỏi Eximbank theo phương thức giao dịch thỏa thuận. Trong đó, Nguyễn Thị Hồng Ngọc, con gái của bà Lê Hồng Anh đã chuyển nhượng toàn bộ hơn 11 triệu cổ phiếu EIB. Ngoài ra, 3 tổ chức liên quan đến bà Hồng Anh là Công ty Cổ phần Tập đoàn Thành Công cũng đã bán hơn 60,5 triệu cổ phiếu EIB (tỷ lệ 4,924%), Hợp Tác xã Cổ phần Thành Công bán hơn 44,7 triệu cp EIB (tỷ lệ 3,637%), Công ty Cổ phần Phúc Thịnh bán hơn 12,2 triệu cp EIB (tỷ lệ 1,005%).

Ngoài 2 nhân sự trên, hồi tháng 9, ông Võ Quang Hiển cũng không còn là thành viên HĐQT Eximbank và thành viên/ủy viên các hội đồng/ủy ban trực thuộc Eximbank. Lý do miễn nhiệm là do ông Võ Quang Hiển không còn làm người đại diện theo ủy quyền của cổ đông Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC) tại Eximbank từ ngày 14/9. SMBC là cổ đông chiến lược nước ngoài, nắm giữ 15% vốn Eximbank.

Để phục vụ cuộc họp, Eximbank cũng đã thông báo Nghị quyết HĐQT về kế hoạch kinh doanh 2023 để trình cổ đông thông qua.

Theo đó, Hội đồng Quản trị Eximbank đã chấp thuận đề xuất của ban điều hành ngân hàng về kế hoạch kinh doanh năm 2023 với lợi nhuận trước thuế ước đạt 5.000 tỷ đồng, tăng 42,9% so với mức dự kiến đạt được trong năm 2022 là 3.500 tỷ.

Ban điều hành Eximbank cũng ước tính tổng tài sản đến cuối năm 2023 ở mức khoảng 210.000 tỷ đồng, tăng 14% so với cuối năm 2022. Trong đó, dư nợ cấp tín dụng đạt 146.600 tỷ, tăng 14%. Với số dư nợ tín dụng kể trên, ban điều hành Eximbank dự kiến kiểm soát tỷ lệ nợ xấu nội bảng dưới 1,6%, thấp hơn so với mức 1,7% vào cuối năm nay. Huy động vốn ước tính tăng 11,8% lên khoảng 165.000 tỷ đồng.

Eximbank đang cho thấy sự trở lại mạnh mẽ khi ghi nhận lãi trước thuế 9 tháng đạt 3.181 tỷ đồng, tăng 229% so với cùng kỳ. Lãi sau thuế đạt 2.542 tỷ đồng, tăng 228%.

Theo kế hoạch đã được Đại hội đồng cổ đông thông qua, Eximbank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế 2.500 tỷ đồng năm 2022. Như vậy, sau 9 tháng, ngân hàng đã vượt kế hoạch cả năm.

Thu Thủy

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán