Ảnh minh họa |
Sau phiên hồi mạnh trước đó thì thị trường đã lấy lại toàn bộ điểm số tăng trong phiên giao dịch hôm nay. Sàn HOSE tiếp tục rơi vào cảnh bán tháo về cuối phiên chiều với 65 mã nằm sàn, tính trên toàn thị trường có gần 100 cổ phiếu đóng cửa trong sắc xanh lơ.
VN30-Index cũng mất hơn 36 điểm còn 1.081,36 điểm. Nhà đầu tư chứng kiến cảnh tưởng cổ phiếu giảm sàn hàng loạt và sắc đỏ chiếm ưu thế. Theo thống kê, rổ VN30 có 29 mã giảm giá, ngoại trừ VIC ngược dòng tăng nhẹ trong đó có 1 mã giảm sàn là GVR.
Nhóm cổ phiếu ngân hàng giao dịch tích cực trong phiên hôm qua cũng đảo chiều giảm mạnh hôm nay. Ghi nhận có tới 21/27 mã giao dịch dưới đường tham chiếu, 3 mã đứng tham chiếu và 3 mã tăng nhẹ.
Ở chiều giảm giá, cổ phiếu LPB giảm kịch sàn xuống còn 11.200 đồng/cp và thủng đáy hồi tháng 7. Không kém cạnh, cổ phiếu STB cũng giảm 6,5% xuống 18.000 đồng/cp.
Giảm trên dưới 6% còn ghi nhận thêm hàng loạt cổ phiếu vốn hoá lớn khác như SHB (6%), MBB (5,7%), TCB (3,9%), ACB (3,8%), VIB (3,3%), VPB (2,9%), CTG (2,7%), MSB (2,5%), BID (2,5%), VCB (2%)... Các mã này liên tục đè nặng lên chỉ số và không ít cổ phiếu nằm trong Top10 mã tác động tiêu cực nhất đến VN-Index.
Chiều ngược lại, tại danh mục tăng giá, cổ phiếu EIB tăng tới 6,3% lên thị giá 36.950 đồng/cp bất chấp đà rơi của thị trường chung cùng khối lượng khớp lệnh đạt gần 7 triệu đơn vị, gấp 4 lần mức trung bình 10 phiên gần nhất. Bên cạnh đó, phiên giao dịch hôm nay cũng ghi nhận 261 tỷ đồng mã này được sang tay.
Chiều tăng còn ghi nhận thêm hai cổ phiếu giao dịch trên thị trường UPCoM, gồm VBB (2,2%) và KLB (0,8%). 3 mã đứng mốc tham chiếu là NVB, SGB và TPB.
Về thanh khoản, giá trị giao dịch khớp lệnh nhóm ngân hàng tăng gần 30% lên 1.700 tỷ đồng so với phiên trước. STB và VPB tiếp tục là hai mã giao dịch sôi động nhất thị trường với khối lượng tương ứng 18,7 triệu cp và 13,9 triệu cp.
Đối với giao dịch khối ngoại, giao dịch của nhóm này tại cổ phiếu ngân hàng vẫn trong trạng thái ảm đạm, quy mô mua ròng chỉ đạt 17 tỷ đồng trong phiên hôm nay.
Diễn biến giá cổ phiếu ngân hàng phiên 6/10 |
Báo cáo cập nhật mới đây của Chứng khoán Agribank cho biết lũy kế từ mức đỉnh đầu năm (tháng 2/2022) cho tới nay, cổ phiếu ngành ngân hàng đã được chiết khấu, trung bình khoảng 40%.
Bên cạnh đó, định giá nhóm ngân hàng theo P/B (1,4x) vẫn đang ở dưới mức trung bình 5 năm (2x). Đây là vùng giá hấp dẫn để đầu tư.
Tuy nhiên, lợi nhuận ngành ngân hàng trong năm 2022 và 2023 sẽ khó duy trì tăng trưởng cao như giai đoạn 2020 – 2021. Động lực tăng trưởng của nhóm bị suy giảm hơn khi dư địa tăng trưởng tín dụng không còn nhiều và NIM chịu áp lực do lãi suất đầu vào có xu hướng tăng trong khi lãi suất cho vay khó tăng theo tương ứng.
Tại chương trình "Khớp lệnh" của VTV Digital, Giám đốc Phân tích và Tư vấn Đầu tư, CTCP Chứng khoán Tân Việt, ông Lê Ngọc Nam cho biết thị trường và nhóm ngân hàng đã có một giai đoạn hồi phục, nhiều cổ phiếu đã hồi phục rất tốt như VCB, BID, STB, MBB,… Tuy nhiên để kỳ vọng cổ phiếu ngân hàng quay trở lại đỉnh cũ của tháng 4 thì rất khó vì lúc đó định giá của thị trường khá cao.
Hoàng Hà