Thị trường kết phiên tiếp tục đà giảm điểm của các chỉ số chính, VN-Index thủng ngưỡng hỗ trợ 1.200 điểm. Sự xuất hiện lực bán khá lớn khi nhà đầu tư không còn quá nhiều kỳ vọng vào thị trường tạo thành một phiên nỗ lực “cắt lỗ”.
Đóng cửa, VN-Index giảm 10,82 điểm (0,91%) còn 1.171,95 điểm, HNX-Index tăng 4,66 điểm (1,54%) lên 307,05 điểm, UPCoM-Index giảm 0,41 điểm (0,44%) xuống 93,20 điểm.
Phiên này ghi nhận cổ phiếu ngân hàng ngập trong sắc xanh phiên sáng nhưng sau đó nhiều mã đã đảo chiều lao dốc. Kết phiên chỉ còn 15 mã tăng giá, 3 mã đứng giá tham chiếu và còn lại 9 mã giảm giá.
Dù độ rộng ngành ngân hàng nghiêng về phía tích cực, nhưng biên độ giảm lại rộng hơn và xuất hiện trên các mã vốn hoá lớn. Đáng kể nhất là STB khi bị xả mạnh trong phiên ATC và kết phiên trong trạng thái dư bán sàn. Cụ thể, mã này giảm 6,8% xuống còn 19.050 đồng/cp, mức đáy 14 tháng. Tính xa hơn, STB đã giảm hơn 20% chỉ trong 4 phiên gần nhất.
Trên sàn HOSE có thêm hai bluechip là SHB và TCB cũng đảo chiều giảm tương ứng 5,1% và 3,6%. Các mã còn lại tại chiều giảm đều giao dịch trên sàn HNX và UPCoM, đáng kể nhất là KLB khi mất 7% giá trị.
Ngược lại, TPB là cổ phiếu tăng tốt nhất ngành với tỷ lệ 3,3%, theo sau còn có CTG (2,7%), MBB (2,1%), VCB (1,6%), HDB (1,4%), BID (1,3%)...
Biến động giá cổ phiếu ngân hàng phiên vừa qua
Ngân hàng là ngành đứng đầu về thanh khoản trong phiên hôm nay với giá trị giao dịch đạt 3.140 tỷ đồng. Trong đó, dòng tiền ngoại vẫn tìm đến nhóm này với quy mô mua ròng hơn 17 tỷ đồng.
Tâm điểm tại chiều mua là CTG (46 tỷ đồng), SHB (14 tỷ đồng), HDB (7 tỷ đồng). Ngược lại, lực cung đối ứng khá mạnh tại các mã STB (33,5 tỷ đồng) và VCB (20 tỷ đồng).
CTCK Sài Gòn - Hà Nội (SHS): Định giá đã hấp dẫn với nhà đầu tư dài hạn?
Hiện tại định giá của thị trường đã về mức khá hấp dẫn với P/E VN-Index khoảng gần 13 lần và P/E của VN30 là khoảng hơn 12 lần, đây đều là mức thấp hơn trung bình 5 năm gần nhất. Và nếu tính theo P/E Forward cho năm 2022 thì mức định giá trên sẽ càng trở nên hấp dẫn hơn. Do đó, đây có thể coi là cơ hội cho các nhà đầu tư dài hạn theo trường phái đầu tư giá trị.
SHS kỳ vọng nếu kịch bản tiêu cực xảy ra đà giảm của thị trường sẽ được hãm lại khi VN-Index về ngưỡng hỗ trợ tiếp theo 1.100 điểm tương ứng với fibonacci retracement 50% sóng tăng 5, có thể ở vùng điểm số này các tín hiễu hình thành đáy của đợt điều chỉnh mạnh này sẽ trở nên rõ nét hơn.
CTCK Đông Á (DAS): Khó lấy lại đà tăng
VN-Index đang trong trạng thái quá bán và giảm vào vùng tâm lý 1.200 điểm trong phiên cuối tuần trước với thanh khoản tăng, dẫn đến xảy ra nhịp phục hồi kỹ thuật trong giờ giao dịch sáng 16/05. Tuy vậy VN-Index vẫn đóng cửa trong trạng thái giảm điểm, kéo dài chuỗi giao dịch tiêu cực từ đầu tháng 5.
VN-Index hiện đang thiếu thông tin hỗ trợ để lấy lại đà tăng, nhưng với mức giá cổ phiếu giảm sâu có thể mở ra những cơ hội đầu tư dài hạn trong nhóm cổ phiếu cơ bản đồng thời biến động thị trường như hiện nay thì mức độ rủi ro cho những giao dịch ngắn hạn khá cao.
CTCK Asean (Aseansc): VN-Index hồi phục trở lại để kiểm tra vùng kháng cự gần 1.180 - 1.190 điểm
Dự báo trong phiên giao dịch tới (17/5), lực cầu bắt đáy tại vùng hỗ trợ gần 1.160 - 1.170 điểm có thể giúp chỉ số VN-Index hồi phục trở lại để kiểm tra vùng kháng cự gần 1.180 - 1.190 điểm và xa hơn là vùng kháng cự 1.200 - 1.210 điểm. Sự rung lắc có thể diễn ra ở vùng giá cao khiến VN-Index có thể sẽ thu hẹp đà tăng về phía cuối ngày trong đó vùng hỗ trợ là vùng có thể xuất hiện lực cầu giúp chỉ số phục hồi trở lại, và vùng kháng cự là vùng có thể xuất hiện lực bán khiến chỉ số giảm trở lại.
Hoàng Hà (t/h)
Theo Tạp chí Kinh tế Chứng khoán Việt Nam