Tuy vậy, vẫn có mã quay đầu giảm sàn khiến nhà đầu tư băn khoăn: Có nên đầu tư cổ phiếu ngân hàng trong thời điểm này?
Hãy cùng chúng tôi điểm qua một số mã cổ phiếu họ ngân hàng đáng chú ý:
Vietcombank (VCB) được coi là ông lớn của ngành ngân hàng bởi doanh thu,lợi nhuận cũng như quy mô vốn luôn thuộc top đầu. Đây đồng thời là đầu mối quen thuộc đối với các doanh nghiệp khi tham gia giao dịch với nước ngoài. Tuy nhiên, cổ phiếu VCB lại đem lại một kết quả khá thất vọng đối với các nhà đầu tư.
Cụ thể, VCB chốt phiên 02/04 với giá 97, bằng với giá đóng cửa của phiên giao dịch ngày 04/01/2021. Chốt phiên giao dịch ngày 3/4/2021, giá VCB ở mức 97.800 đồng/cổ phiếu. VCB hiện là cổ phiếu có giá cao nhất trong nhóm cổ phiếu ngân hàng tại Việt Nam, nhưng nếu so với thời điểm đầu năm 2020, khi VCB lình xình xung quanh vùng 88 đến 91 thì hiện tại cổ phiếu VCB mới tăng giá 7% - một kết quả khá đáng thất vọng đối với các cổ đông VCB.
Nhìn nhận từ phía ngành ngân hàng trong vài năm qua, Vietcombank liên lục tụt hạng trong bảng xếp hạng 500 Strength Rank (Top 500 ngân hàng mạnh nhất khu vực châu Á – Thái Bình Dương) theo công bố của The Asian Banker.
Chưa kể hiện Vietcombank đang bị cạnh tranh rất khốc liệt từ các ngân hàng khác từ chất lượng dịch vụ tới thu hút nguồn nhân lực… Điều đó cũng gây ảnh hưởng không nhỏ tới tốc độ tăng trưởng của Vietcombank trong thời gian tới.
Một ông lớn khác trong ngành ngân hàng là Viettinbank. Vietinbank vẫn luôn được coi là một trong “Big Four” của ngành ngân hàng Việt Nam. Năm 2021, đặc biệt giai đoạn đầu năm nay, đối với các cổ đông của Viettinbank là năm có rất nhiều niềm vui.
Ngày 02/04/2021, CTG đóng cửa với giá 41.3, tăng rất nhiều so với mức giá đóng cửa ngày 04/01/2020 là 35.3 . So với thời điểm đầu năm 2020 – thời điểm CTG dao động quanh giá 20 thì mỗi cổ đông CTG đã lãi gấp đôi.
Sự tăng giá này đến từ việc doanh thu và lợi nhuận của CTG đã tăng rất tốt trong thời gian qua và CTG được kì vọng sẽ tiếp tục tăng đột biến trong thời gian tới.
Cũng là 1 trong số Big Four, nhưng cổ phiếu BID của Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) lại khiến nhiều cổ đông thất vọng. Ngày 02/04/2021, BID đóng cửa ở mức giá 45.000 VND trong khi đó tại ngày 04/01/2021, BID có giá 48.200 VND.
Nhìn xa hơn tại thời điểm đầu năm 2020, BID cũng dao động quanh mức giá 45.000 VND, thời điểm cao nhất là 21/01/2020, giá BID là 54.300 VND. Như vậy các cổ đông dài hạn BID hiện đều đang ở tình trạng hòa hoặc lỗ trong suốt thời gian qua.
Đáng chú ý, sau hai năm KEB Hana Bank trở thành cổ đông lớn BID, với những chính sách và đường lối phát triển mới, doanh thu và lợi nhuận BIDV tăng trưởng khá tốt tuy nhiên việc nợ xấu vẫn liên tục tăng cao, tiềm năng của cổ phiếu BID trong mắt nhà đầu tư vẫn chưa có nhiều cải thiện.
Có còn lý do để tăng giá
Đầu năm 2021 là một thời điểm khá ấn tượng đối với cổ phiếu MBB. Giá chốt phiên MBB ngày 02/04/2021 là 29.600 VND một cổ phiếu, tăng 25% so với mức giá ngày 04/01/2021 23.9. Và so với thời điểm đầu năm 2020 MBB giao dịch xung quanh vùng giá 18.000 VND thì mỗi cổ đông MBB đã lãi 60% sau một năm.
Việc tăng giá này phản ánh kỳ vọng của nhà đầu tư vào việc triển khai mobile money. Nhờ mối liên kết của mình với Viettel, thời gian sắp tới có thể nguồn tiền trong hệ thống của MBB sẽ gia tăng rất nhiều, đến từ nguồn tiền không kỳ hạn giao dịch qua hệ thống của Viettel Pay.
Theo dự đoán, trong thời gian tới, khi kỳ vọng về sự phát triển của mobile money vẫn còn tiếp tục tăng có thể sẽ tiếp tục đẩy giá của MBB tăng theo.
Tuy nhiên, nếu các ngân hàng cùng cạnh tranh mobile money thì MBB cũng là ngân hàng bị ảnh hưởng khá nhiều.
Có lẽ cổ đông TCB đã có một năm rất vui mừng khi giá cổ phiếu TCB thời điểm chốt phiên 02/04/2021 là 41.250 VND một cổ phiếu, tăng 25% so với phiên hôm 04/01/2021 (giá TCB ở mức 33.000 VND một cổ phiếu). So sánh với thời điểm đầu năm 2020 giá TCB giao dịch xung quanh vùng 23.000 VND thì mỗi cổ đông TCB đã lãi gần 90%.
Sự tăng giá nàyphản ánh sự tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận của TCB trong suốt thời gian qua. Nhờ những chính sách hợp lý tập trung vào công nghệ và phát triển hệ thống zero fee (hệ thống chuyển tiền không mất phí) cho khách hàng cá nhân, hiện nguồn tiền gửi không kỳ hạn của TCB có sự tăng trưởng rất tốt qua đó làm doanh thu và lợi nhuận của TCB tăng trưởng ổn định ở mức 25% tới 30%/năm.
Cuối năm 2020, TCB ra mắt zero fee dành cho khách hàng doanh nghiệp thêm các chính sách hỗ trợ của TCB đối với các thanh toán và giao dịch nước ngoài. Những sự thay đổi này được cho là sẽ góp phần giúp tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận của TCB vẫn ở trên mức 25%, qua đó sẽ giúp cổ phiếu TCB tăng giá rất tốt trong năm nay.
Tuy nhiên TCB là một trong các cổ phiếu “không cô đặc”, hàng trôi nổi rất nhiều, điều này dẫn tới việc giá của TCB phụ thuộc rất nhiều vào tâm lý thị trường và kỳ vọng của nhà đầu tư.
Tính tới ngày 02/04/2021, ACB đóng cửa với mức giá 34.650 VND một cổ phiếu, tăng 5.000 VND so với giá đóng cửa phiên 04/01/2021. So với thời điểm đầu năm 2020, ACB giao dịch xung quanh vùng giá 17.000 VND thì cổ đông ACB đã lãi gấp đôi.
Sự tăng giá này cũng phản ánh niềm tin của các nhà đầu tư vào chính sách của ACB. Với một cơ chế quản trị rủi ro nghiêm ngặt, ACB có một chỉ số an toàn vốn rất tốt. Điều này giúp ACB tránh khỏi những rủi ro liên quan tới mất vốn và tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận một cách ổn định.
Tuy nhiên có vẻ như trong vài năm qua ACB bị “chảy máu chất xám”. Điều này có thể ảnh hưởng tới những quyết định trong quản trị công ty và về dài hạn đây có thể là một dấu hiệu tiêu cực của ACB.
Trong khi đó, SHB luôn là một trong các cổ phiếu ngân hàng được để ý đến nhiều nhất sàn với khối lượng giao dịch khủng và biến động liên tục.
Thời gian gần đây khối lượng SHB cũng tăng liên tục, thường xuyên có những phiên giao dịch trên 40 triệu cổ phiếu, riêng phiên 26/03/2021 giao dịch tới 80 triệu cổ phiếu. Suốt từ 2019 tới nay,cổ phiếu SHB cũng có sự tăng giá khá tốt.
Tuy nhiên cổ phiếu SHB bị đồn thổi có nhiều dấu hiệu của việc bị làm giá, thể hiện qua hàng loạt phiên tăng trần và giảm sàn liên tục kèm với khối lượng giao dịch khủng.
Điển hình có thể kể tới phiên giao dịch 26/03/2021 khi một khối lượng cổ phiếu lớn được gom vào đẩy cổ phiếu tăng trần vào cuối phiên, kèm theo đó là các phiên tăng điểm liên tục sau đó là giảm sàn vào 05/04/2021.
Ngoài ra cổ phiếu STB cũng là một cổ phiếu không cô đặc, lượng cổ phiếu trôi nổi nhiều. Nhiều người cho rằng SHB là cổ phiếu không dành cho những nhà đầu tư “yếu tim”.
Đức Linh - Theo Kinh tế Chứng khoán