Đóng cửa phiên giao dịch ngày 17/05, nhóm cổ phiếu ngân hàng hầu hết vẫn đi ngang về giá trị giao dịch. Cổ phiếu nhóm Big 3 vẫn giao dịch quanh vùng nền giá tích luỹ như BID ở giá 44.800 đồng/cp; VCB giao dịch quanh vùng giá 92.000 đồng/cp, CTG giao dịch quanh vùng giá 28.000 đồng/cp…
Nhóm cổ phiếu ngân hàng trong rổ VN30 như HDB giao dịch quanh vùng nền 19.000 đồng/cp; MBB giao dịch quanh ngưỡng 18.000 đồng/cp; VIB giao dịch quanh giá nền 20.000 đồng/cp; VPB giao dịch quanh vùng giá 19.000 đồng/cp, TCB giao dịch quanh vùng giá 29.000 đồng/cp… Điều này cho thấy dường như nhóm cổ phiếu ngân hàng chưa có động lực giá tăng bứt phá.
VNDirect kỳ vọng áp lực trích lập dự phòng cũng như rủi ro nợ xấu của các ngân hàng, cụ thể như TCB, MBB, VPB… được giảm bớt trong thời gian tới |
Trong báo cáo nhận định về nhóm ngành ngân hàng của Công ty Chứng khoán VNDirect, cuối Quý I/2023, tăng trưởng tín dụng toàn ngành ngân hàng chỉ tăng 2,1% so với đầu năm (thấp hơn đáng kể so với các quý cùng kỳ trước). Các ngân hàng thương mại (NHTM) có tỷ trọng cho vay doanh nghiệp (KHDN) lớn đã đạt tăng trưởng tín dụng cao hơn trung bình ngành là TCB, HDB, VPB, TPB, MSB…
Ngược lại, tín dụng tại các ngân hàng cho vay cá nhân (KHCN) ghi nhận giảm/chậm lại so với đầu năm có ACB, VIB, STB… Nền kinh tế suy yếu đã ảnh hưởng lên thu nhập cũng như khả năng trả nợ của KHCN, theo đó làm giảm nhu cầu vay và các nhà băng sẽ thận trọng hơn khi giải ngân cho nhóm này. Ngược lại với KHDN, cụ thể là bất động sản (BĐS) với vấn đề thanh khoản trước đó đang rất cần thêm dòng tiền để đảo nợ, tài trợ hợp động kinh doanh (tín dụng kinh doanh BĐS tăng 6,5% so với đầu năm).
VNDirect cho rằng, bên cạnh việc cắt giảm chi tiêu, KHCN sẽ có xu hướng tăng “gửi tiết kiệm” trong môi trường lãi suất cao và kinh tế suy yếu (tiền gửi cá nhân tiếp tục đà tăng trưởng cho đến tháng 2/2023). Trong khi đó, tiền gửi KHDN tiếp tục sụt giảm đáng kể cùng thời điểm. Dù thanh khoản trên thị trường liên ngân hàng đã dồi dào trở lại, kênh tiền gửi khách hàng hiện vẫn chiếm phần lớn trong tổng huy động của các ngân hàng. Theo đó, xu hướng nói trên sẽ có lợi cho thanh khoản của các NH có tỷ trọng tiền gửi lớn đến từ KHCN và hệ số LDR cao như STB, ACB, VCB…
Vậy ngân hàng nào sẽ hạn chế được rủi ro NIM thu hẹp?
Theo tính toán, NIM trung bình của 25 ngân hàng niêm yết giảm 18 điểm cơ bản trong Quý I/2023 do các ngân hàng đã phải hi sinh một phần lợi nhuận để hỗ trợ khách hàng. Hơn nữa, NIM của 1 số NHTM như TCB, TPB, VPB, MBB… giảm đáng kể do trái phiếu doanh nghiệp TPDN và cho vay tiêu dùng (2 lĩnh vực có lợi suất cao hơn các khoản vay thông thường) đang khó khăn. VNDirect cho rằng xu hướng tăng cho vay KHDN và huy động từ KHCN sẽ duy trì tới khi lãi suất hạ nhiệt rõ rệt và nền kinh tế có sự phục hồi (ít nhất đến Quý 3/2023).
Vì vậy trong 2023, NIM của các NHTM cho vay KHDN và nắm giữ TPDN trong danh mục tín dụng và huy động chỉ phụ thuộc vào tiền gửi khách hàng, sẽ giảm mạnh hơn toàn ngành. Ngược lại, nhóm ngân hàng tập trung cho vay bán lẻ và có nguồn huy động đa dạng (từ liên ngân hàng, KHCN, CASA cao…) như VIB, HDB, MBB sẽ hạn chế được rủi ro NIM thu hẹp. Riêng với STB, NIM sẽ cải thiện đáng kể nhờ không còn áp lực thoái lãi dự thu. Tuy nhiên nhóm cổ phiếu ngân hàng có tăng giá phụ thuộc chất lượng tài sản vẫn là yếu tố đáng quan tâm nhất.
Theo số liệu từ NHNN, tỷ lệ nợ xấu nội bảng toàn ngành đã tăng lên mức 2,9% cuối Quý I/2023 (so với 2% cuối 2022). Đa số các ngân hàng đều ghi nhận tỷ lệ NPL tăng và LLR giảm so với quý trước. Do vậy, khó khăn từ thị trường BĐS vẫn là một thử thách lớn cho triển vọng ngành ngân hàng khi lĩnh vực này chiếm đến 21% tín dụng hệ thống vào cuối 2022. Như vậy, ngân hàng với bộ đệm dự phòng tốt và danh mục cho vay không tập trung vào BĐS như VCB, ACB… sẽ hạn chế được rủi ro hiện tại.
Tuy vậy, VNDirect kỳ vọng áp lực trích lập dự phòng cũng như rủi ro nợ xấu của các ngân hàng, cụ thể như TCB, MBB, VPB… được giảm bớt trong thời gian tới, khi dòng tiền của các doanh nghiệp BĐS có thể cải thiện phần nào nhờ các chính sách hỗ trợ được ban hành và một số các dự án BĐS được tháo gỡ pháp lý.
Các chuyên gia SSI cho rằng, chưa năm nào Chính phủ và NHNN ban hành nhiều Thông tư và Nghị định hỗ trợ các ngành đến vậy. Thông tư 02 được NHNN ban hành tháng 4/2023 vừa rồi đóng vai trò rất quan trọng cho triển vọng nền kinh tế cũng như triển vọng ngành ngân hàng trong thời gian tới, vì giúp cho ngân hàng và doanh nghiệp tìm được tiếng nói chung trong việc đưa ra lịch trình trả nợ phù hợp trong tình hình kinh tế hiện tại.
Thông tư 02 được ban hành trong thời kỳ COVID-19 là cơ cấu nợ nhưng giữ nguyên nhóm nợ, nhưng các ngân hàng phải trích lập dự phòng cho các khoản nợ này. Song song đó, Thông tư 02 sẽ giúp cho doanh nghiệp và người đi vay nói chung có thêm thời gian chờ đợi nền kinh tế phục hồi cũng như tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn, cải thiện dòng tiền, sau đó trả nợ cho ngân hàng sau.
Còn đối với ngân hàng, Thông tư này sẽ giúp ngân hàng giảm áp lực lên bảng cân đối kế toán bằng cách trì hoãn sự tăng lên của tỷ lệ nợ xấu và giảm bớt áp lực trích lập dự phòng.
Những điểm tích cực này có thể kéo dài sang nửa cuối năm 2024. Theo đó, nhà đầu tư có thể kỳ vọng nhóm cổ phiếu ngành ngân hàng bứt phá trong Quý 3 và những tháng cuối năm 2023.
Tiền gửi tiết kiệm của người dân sẽ ra sao khi ngân hàng phá sản? Trong trường hợp ngân hàng phá sản, tiền gửi tiết kiệm của người dân sẽ được bảo vệ thông qua các quy định về bảo ... |
Lãi suất ngân hàng mới nhất ngày 17/5/2023: Giảm mạnh và liên tục Lãi suất ngân hàng mới nhất ngày 17/5/2023 ghi nhận một số ngân hàng tiếp tục thông báo điều chỉnh giảm. |
Cổ phiếu điện đồng loạt giảm điểm sau khi Quy hoạch điện VIII được phê duyệt Ngành điện là ngành chủ chốt trong nền kinh tế, bất cứ lĩnh vực nào cũng cần sử dụng điện, đặc biệt là sản xuất ... |
Nhật Hải