Chân dung tân Chủ tịch PG Bank Nguyễn Phi Hùng |
Theo thông tin được PG Bank công bố, ngày 2/7/2023, HĐQT ngân hàng này đã chấp thuận đơn xin từ nhiệm chức danh Chủ tịch theo nguyện vọng cá nhân của ông Oliver Schwarzhaupt. Cùng ngày, PG Bank cũng thông qua quyết định miễn nhiệm chức danh Tổng giám đốc với ông Nguyễn Phi Hùng, đồng thời bổ nhiệm ông vào vị trí Chủ tịch HĐQT nhiệm kỳ 2020 - 2025.
Đáng chú ý, cựu Chủ tịch người Đức Oliver Schwarzhaupt mới được giao trọng trách dẫn dắt PG Bank từ ngày 4/5. Như vậy, sau chưa đầy 2 tháng, “ghế nóng” tại nhà băng này đã “đổi chủ”.
Được biết, tân Chủ tịch PG Bank Nguyễn Phi Hùng sinh năm 1976. Ông sở hữu bằng Cử nhân kinh tế của Đại học Kinh tế quốc dân và bằng Thạc sỹ Quản trị kinh doanh của Viện Công nghệ Châu Á - AIT. Ông Hùng đã có hơn 20 kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực ngân hàng.
Theo tìm hiểu, con đường quan lộ của Chủ tịch Nguyễn Phi Hùng bắt đầu từ khá sớm. Năm 1999, ông Hùng được giao chức vụ Trưởng phòng tại Ngân hàng Citibank NA, khi chỉ mới 23 tuổi. Sau 8 năm gắn bó tại nhà băng này, ông đảm nhiệm các vị trí khác nhau như: Trưởng phòng Thanh toán quốc tế và Tài trợ thương mại, Trưởng phòng phụ trách giao dịch ngân quỹ.
Rời Citibank, tháng 8/2007, ông Nguyễn Phi Hùng gia nhập Ngân hàng TMCP Dầu Khí toàn cầu (GP Bank) với chức danh Giám đốc khối Vận hành. Sau đó hơn một năm, ông Hùng chuyển tới GP Bank và có 5 năm liền ngồi “ghế” Giám đốc Khối Vận hành.
Từ 11/2013 đến 11/2020, ông Hùng làm việc tại Ngân hàng TMCP Hàng Hải (MSB), lần lượt giữ các chức vụ Phó Tổng Giám đốc rồi Giám đốc khối Vận hành.
Cuối năm 2020, sau tròn 7 năm gắn bó với MSB, ông Nguyễn Phi Hùng trở lại với “mái nhà xưa” là PG Bank, với chức danh Quyền Tổng Giám đốc và được bổ nhiệm chính thức vào ngày 10/12/2020. Tháng 7/2021, ông trở thành Thành viên Hội đồng Quản trị của PG Bank.
Sau ông Nguyễn Phi Hùng thôi giữ chức Tổng Giám đốc để đảm nhận vị trí Chủ tịch HĐQT, Ban Điều hành PG Bank cũng ghi nhận những thay đổi lớn. Cụ thể, chức danh Quyền Tổng Giám đốc được trao cho ông Phạm Mạnh Thắng - một cựu lãnh đạo của Vietcombank.
Được biết, ông Phạm Mạnh Thắng sinh năm 1962, là Tiến sĩ kinh tế - Học viện Ngân hàng, Kỹ sư toán ứng dụng - Đại học Bách khoa Hà Nội; Cử nhân kinh tế - Đại học Kinh tế Quốc dân. Ông Thắng nguyên là Phó tổng Giám đốc Vietcombank và vừa nghỉ hưu hồi tháng 5.
Bên cạnh vị trí Chủ tịch HĐQT và Tổng Giám đốc, PG Bank cũng tiến hành bổ nhiệm một nhân sự cấp cao khác là bà Đinh Thị Huyền Thanh. Theo đó, bà Thanh sẽ chính thức đảm nhiệm vị trí Giám đốc Khối Quản trị và Phát triển nguồn nhân lực tại ngân hàng này từ ngày 2/7/2023.
Bà Đinh Thị Huyền Thanh được giới thiệu là Tiến sĩ tài chính Ngân hàng - Đại học tổng hợp Maastricht (Hà Lan) và từng đảm nhiệm nhiều chức vụ cao cấp và giữ vai trò quan trọng tại các tổ chức tín dụng uy tín trên thế giới.
Đáng nói, sự biến động liên tục về nhân sự thượng tầng của PG Bank diễn ra sau khi cổ đông lớn Petrolimex thoái sạch vốn tại ngân hàng này.
Đầu tháng 4, Petrolimex đã thực hiện đấu giá thành công toàn bộ 120 triệu cổ phiếu PGB cho 4 nhà đầu tư, trong đó có 3 tổ chức và 1 cá nhân. Cụ thể, ba tổ chức đã thực hiện mua cổ phiếu PGB là Công ty CP Quốc tế Cường Phát mua vào 40,6 triệu cổ phiếu, tương đương 13,54% vốn điều lệ; Công ty CP Thương mại Vũ Anh Đức sở hữu hơn 40 triệu cổ phiếu, tương đương tỷ lệ 13,36%. Công ty TNHH Xuất nhập khẩu và Phát triển thương mại Gia Linh với 39,3 triệu cổ phiếu, chiếm 13,1%.
Ngay sau thời điểm Petrolimex thoái vốn, đã có rất nhiều tin đồn xoay quanh “số phận” của PG Bank như Tập đoàn Thành Công đã “thâu tóm” nhà băng này hay câu chuyện chuẩn bị sáp nhập với một ngân hàng khác. Tuy nhiên, Chủ tịch HĐQT của PGBank thời điểm đó là ông Nguyễn Quang Định đã lên tiếng phủ nhận các thông tin trên.
Tại ĐCĐCĐ thường niên vừa qua, PG Bank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế năm 2023 đạt 530 tỷ đồng, tăng 4,8% so với năm 2022. Tổng tài sản ước đạt hơn 53.051 tỷ đồng, tăng 8,3%. Tổng huy động dự kiến tăng 10,6% lên 47.213 tỷ đồng. Dư nợ tín dụng đạt 35.881 tỷ đồng, tăng 11,2%.
Với lợi nhuận sau thuế năm 2022 là 403 tỷ đồng, PG Bank sẽ trích 5% cho quỹ bổ sung vốn điều lệ và 10% cho quỹ dự phòng tài chính. Sau trích quỹ, lợi nhuận chưa phân phối còn hơn 343 tỷ đồng.
Kết quả kinh doanh của PG Bank những năm gần đây |
Đồng thời, ngân hàng cũng cho biết, không có kế hoạch tăng vốn điều lệ trong năm nay. Theo đó PG Bank đã có 13 năm liên tiếp không tăng vốn điều lệ và 11 năm liên tiếp không chia cổ tức.
Cập nhật kết quả kinh doanh quý I/2023, PG Bank ghi nhận lợi nhuận trước thuế 153 tỷ đồng, hoàn thành 30% kế hoạch năm.
ĐHĐCĐ PG Bank: Tiếp tục không chia cổ tức năm 2023, không có kế hoạch sáp nhập trong 5 năm tới Sáng ngày 25/4, Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex (PG Bank - UPCoM: PGB) đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên ... |
Tâm điểm mùa đại hội cổ đông ngân hàng 2023: "Nóng" chuyện sáp nhập Mùa đại hội cổ đông các ngân hàng năm nay, câu chuyện sáp nhập, thâu tóm có lẽ là đề tài đang được quan tâm ... |
PG Bank ước lãi năm 2023 đạt 530 tỷ đồng, không nhắc tới kế hoạch sáp nhập ngân hàng Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex (PG Bank - UPCOM: PGB) vừa công bố tài liệu đại hội đồng cổ đông thường niên 2023 với ... |
Hà Lê