Điểm nhấn trong hợp tác Việt Nam - Hoa Kỳ
Trong khoảng 30 lãnh đạo doanh nghiệp Hoa Kỳ tháp tùng Tổng thống Joseph Robinette Biden thăm Việt Nam, có nhiều lãnh đạo các doanh nghiệp bán dẫn lớn như Intel, Amkor, Marvell, GlobalFoundries… Lãnh đạo các doanh nghiệp này cùng với các doanh nghiệp công nghệ lớn của Việt Nam đã tham gia Hội nghị Cấp cao Việt Nam - Hoa Kỳ về đầu tư và đổi mới sáng tạo dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Phạm Minh Chính và Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden.
Hai nhà lãnh đạo đều cho rằng, sự hiện diện tại Hội nghị của lãnh đạo các doanh nghiệp hàng đầu thế giới trong lĩnh vực công nghiệp bán dẫn, công nghệ cao và đổi mới sáng tạo là minh chứng rõ rệt, góp phần đưa quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Hoa Kỳ bước vào giai đoạn phát triển mới.
Hợp tác bán dẫn được Hoa Kỳ đánh giá là tâm điểm trong chuyến thăm Việt Nam lần này. Tuyên bố chung của các nhà lãnh đạo Việt Nam và Hoa Kỳ đã khẳng định, Việt Nam và Hoa Kỳ quyết định đẩy mạnh hợp tác về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực số, coi đây là đột phá mới của quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện.
Tại Tuyên bố chung, Hoa Kỳ khẳng định cam kết tăng cường hỗ trợ Việt Nam đào tạo và phát triển lực lượng lao động công nghệ cao. Ghi nhận tiềm năng to lớn của Việt Nam trở thành quốc gia chủ chốt trong ngành công nghiệp bán dẫn, hai nhà lãnh đạo ủng hộ sự phát triển nhanh chóng của hệ sinh thái bán dẫn tại Việt Nam và hai bên sẽ tích cực phối hợp để nâng cao vị trí của Việt Nam trong chuỗi bán dẫn toàn cầu.
Kế hoạch hành động nhằm triển khai Tuyên bố chung giữa hai nhà lãnh đạo Việt Nam - Hoa Kỳ cũng thể hiện: Việt Nam và Hoa Kỳ sẽ tìm cách củng cố vai trò quan trọng của Việt Nam trong chuỗi bán dẫn khu vực và toàn cầu bằng cách khai thác các thế mạnh hiện có về lắp ráp, thử nghiệm và đóng gói, cũng như giúp phát triển năng lực thượng nguồn. Hai nước dự định phối hợp với khu vực tư nhân, ghi nhận vai trò quan trọng của Việt Nam trong việc củng cố ngành công nghiệp bán dẫn và chuỗi cung ứng thế giới.
Chính phủ hai nước đã ký Biên bản ghi nhớ hợp tác tập trung vào phát triển lực lượng lao động, khả năng phục hồi chuỗi cung ứng, phát triển hệ sinh thái liên quan đến ngành công nghiệp bán dẫn và cùng nhau thực hiện các hành động như: triển khai Sáng kiến Lực lượng lao động Chất bán dẫn Hoa Kỳ - Việt Nam vào năm 2024, tập trung vào lắp ráp, thử nghiệm và đóng gói; tận dụng Quỹ Đổi mới và An ninh Công nghệ Quốc tế (ITSI) theo Đạo luật CHIPS để hỗ trợ sự phát triển lâu dài hệ sinh thái bán dẫn của Việt Nam...
Phát biểu trước báo giới, Tổng thống Biden khẳng định: “Chúng ta sẽ tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực công nghệ trọng yếu và mới nổi, đặc biệt trong việc xây dựng một chuỗi cung ứng có khả năng chống chịu tốt hơn cho ngành công nghiệp bán dẫn”.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng nhấn mạnh: “Thúc đẩy hợp tác kinh tế - thương mại - đầu tư theo hướng đổi mới sáng tạo là nền tảng, trọng tâm và động lực của quan hệ hai nước; tăng cường hợp tác khoa học - công nghệ là đột phá mới của quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện”.
Làn gió mới từ Tây bán cầu
Từ 16 năm trước, Intel - một trong 3 nhà sản xuất chip lớn nhất thế giới - đã đặt niềm tin vào ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam, hiện đã đầu tư 1,5 tỷ USD vào Việt Nam. Nối tiếp Inter, hàng loạt doanh nghiệp Hoa Kỳ đã và đang tìm đến Việt Nam như một cứ điểm sản xuất chip bán dẫn mới của thế giới.
Điển hình như Amkor Technology đầu tư 1,6 tỷ USD xây dựng nhà máy tại Bắc Ninh và dự kiến chính thức đi vào hoạt động từ tháng 10/2023. Đây sẽ là một trong những nhà máy lớn nhất của Amkor trên toàn cầu. Synopsys đang đầu tư thành lập Trung tâm thiết kế Chip bán dẫn và Trung tâm ươm mầm sáng tạo hợp tác cùng Khu công nghệ cao TP.HCM. Tháng 5/2023, Tập đoàn Marvell công bố thành lập Trung tâm Thiết kế vi mạch tại TP.HCM…
Trong chuyến thăm Việt Nam vào tháng 7/2023, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hoa Kỳ Janet Yellen nhấn mạnh, trong một thập kỷ qua, Việt Nam nổi lên như một điểm nút quan trọng trong chuỗi cung ứng chất bán dẫn toàn cầu. Hoa Kỳ đang mong muốn tăng cường hợp tác với Việt Nam trong việc phát triển chuỗi cung ứng, bao gồm lĩnh vực bán dẫn.
Theo ông Đỗ Cao Bảo, Thành viên HĐQT FPT, việc tham gia chuỗi giá trị chip bán dẫn có nghĩa là Việt Nam có cơ hội được chia phần trong chiếc bánh có quy mô 1.500 tỷ USD vào năm 2030, với tốc độ tăng trưởng hàng năm là 12%. Chỉ cần 10% trong 1.500 tỷ USD cũng đủ giúp Việt Nam cất cánh, bởi chip bán dẫn là công nghệ nền tảng cho các công nghệ khác.
“Nếu Hoa Kỳ và các cường quốc chip trên thế giới có chiến lược chuyển sản xuất chip sang Việt Nam, thì tôi tin rằng, trong 10 năm tới, Việt Nam hoàn toàn có thể trở thành một quốc gia mạnh trong lĩnh vực chip bán dẫn, có vai trò quan trọng trong lĩnh vực thiết kế, thử nghiệm và sản xuất chip. Tôi nhắc lại, khó nhất là thị trường, là bán hàng, còn những khâu còn lại, Việt Nam sẽ làm được, tất nhiên cần sự chuyển giao công nghệ và vốn đầu tư cho sản xuất”, ông Bảo khẳng định.
Cùng với “làn gió tây” từ Hoa Kỳ, cũng xuất hiện “cơn gió đông” với sự dẫn dắt của Samsung (Hàn Quốc). Theo đó, Dự án Sản xuất lưới bóng chip bán dẫn của Nhà máy Samsung Electro-Mechanics Việt Nam tại Thái Nguyên, vốn đầu tư trên 2,6 tỷ USD, sẽ được xuất xưởng cuối năm 2023.
Hay Hanmi Semiconductor, công ty sản xuất chip lớn của Hàn Quốc, cuối tháng 5/2023, đã công bố đưa Chi nhánh Hanmi Việt Nam có trụ sở tại TP. Bắc Ninh đi vào hoạt động. Trong tháng 6/2023, SKC (thuộc SK Group Hàn Quốc) hợp tác với TP. Hải Phòng để tìm cơ hội đầu tư vào lĩnh vực vật liệu tiên tiến cho bán dẫn, pin và các lĩnh vực phát triển xanh khác…
Hy vọng rằng, “làn gió tây” từ Hoa Kỳ và “làn gió đông” từ Hàn Quốc (2 cường quốc sản xuất chip hiện nay) sẽ nâng cánh cho nền công nghiệp chip bán dẫn non trẻ của Việt Nam bay cao, bay xa…
Việt Nam chiếm hơn 10% số lượng chip nhập khẩu của Hoa Kỳ trên toàn thế giới trong 7 tháng liên tiếp. Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, xét về mặt doanh số, Việt Nam đứng hạng 3 châu Á trong xuất khẩu chip bán dẫn vào Hoa Kỳ. Trong tháng 2/2023, Việt Nam xuất khẩu chip vào Hoa Kỳ đạt doanh số 562,5 triệu USD, tăng so với tháng 2/2022 (chỉ đạt 321,7 triệu USD). |