Vụ việc nói trên liên quan đến quan hệ tín dụng giữa Công ty TNHH MTV Cái Lân và Ngân hàng S. Theo đó, năm 2006, Ngân hàng và Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (nay là Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy SBIC) ký hợp đồng Bảo lãnh cam kết trả nợ thay cho Công ty Cái Lân để được cấp hạn mức tín dụng. Sau đó, ngân hàng và Công ty Cái Lân ký kết 3 hợp đồng tín dụng. Ngân hàng đã giải ngân cho công ty theo nhiều giấy nhận nợ, tổng cộng là 75,2 tỷ đồng.
Công ty Cái Lân đã trả một phần nợ gốc và lãi, sau đó, ngừng trả nợ. Ngân hàng khởi kiện đề nghị Tòa án buộc Công ty Cái Lân phải trả số nợ gốc còn lại 54 tỷ đồng, lãi tạm tính là 146,5 tỷ đồng. Trường hợp, Công ty Cái Lân không trả được toàn bộ khoản vay thì SBIC phải thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh với số tiền 60 tỷ đồng.
Quá trình giải quyết tại Tòa án, Công ty Cái Lân thừa nhận việc vay nợ cũng như số dư nợ gốc. Về nợ lãi, công ty cho rằng theo hợp đồng, khi điều chỉnh lãi suất, ngân hàng phải có văn bản thông báo nhưng từ năm 2010 đến nay, ngân hàng không có văn bản nào thông báo điều chỉnh lãi suất. Do đó, công ty đề nghị xóa toàn bộ lãi. Công ty hiện đang mất khả năng thanh toán, không có tiền để chi trả các khoản nợ này.
Đáng chú ý, Công ty mẹ SBIC phủ nhận nghĩa vụ bảo lãnh. SBIC thừa nhận có ký hợp đồng bảo lãnh nhưng viện dẫn Điều lệ của Tổng công ty và Thông tư số 24/2007/TT-BTC, Nghị định số 199/2004/NĐ-CP cho rằng doanh nghiệp Nhà nước không được thực hiện bảo lãnh, viện dẫn Quyết định số 247/2005/QĐ-TTG, Thông tư số 117/2010/TT-BTC cho rằng tại thời điểm này SBIC không bảo đảm các điều kiện và nguyên tắc bảo lãnh theo qui định. Vì vậy, SBIC đề nghị Tòa án xem xét về tính pháp lý và hiệu lực của chứng thư bảo lãnh và trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh của SBIC theo đúng qui định của pháp luật.
Trên cơ sở xem xét các tài liệu, chứng cứ của vụ kiện, Tòa án cho rằng hợp đồng bảo lãnh được các bên ký tên, đóng dấu trên cơ sở tự nguyện, có hình thức nội dung phù hợp với quy định pháp luật, không trái đạo đức xã hội. Ngân hàng đã giải ngân cho Công ty Cái Lân. Theo quy định tại Hợp đồng bảo lãnh, bên bảo lãnh cam kết vô điều kiện, không hủy ngang bảo lãnh việc thực hiện nghĩa vụ thanh toán với số tiền tối đa 60 tỷ đồng.
Đối với văn bản mà SBIC viện dẫn, Tòa án cho rằng các văn bản này đều không có qui định nào về việc cấm hoặc không cho phép công ty nhà nước thực hiện việc bảo lãnh. Đồng thời, thời điểm ký hợp đồng bảo lãnh thì Công ty Cái Lân là công ty con của SBIC, khoản vay có tài sản đảm bảo vì vậy khoản vay này được đảm bảo bằng cả tài sản thế chấp và bảo lãnh. Vì vậy, việc SBIC đứng ra bảo lãnh là không trái pháp luật. Vì vậy, Tòa án không chấp nhận yêu cầu hủy bỏ hiệu lực hợp đồng bảo lãnh của SBIC.
Sau khi tính toán lại về tiền lãi, Tòa án buộc Công ty Cái Lân phải trả cho ngân hàng số tiền 131 tỷ đồng bao gồm cả nợ gốc và lãi. Trường hợp Công ty Cái Lân không thực hiện nghĩa vụ trả nợ hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ trả nợ cho ngân hàng thì SBIC phải thực hiện nghĩa vụ trả nợ thay với số tiền tối đa là 60 tỷ đồng. Số tiền còn lại Công ty Cái Lân phải tiếp tục thực hiện nghĩa vụ trả nợ cho đến khi thực hiện xong nghĩa vụ trả nợ.
Bùi Trang
Theo Tạp chí Kinh tế Chứng khoán Việt Nam