Cựu lãnh đạo Pacific Airlines và Air Mekong sang làm Tổng Giám đốc Bamboo Airways

24/10/2023 - 14:29
(Bankviet.com) Trong vòng 6 tháng trở lại đây, Bamboo Airways đã thay đổi vị trí Tổng Giám đốc đến 3 lần và lần bổ nhiệm này được đề xuất bởi chủ đầu tư mới là Sacombank.
Cựu lãnh đạo Pacific Airlines và Air Mekong sang làm Tổng Giám đốc Bamboo Airways
Lễ bổ nhiệm Tổng giám đốc hãng hàng không Bamboo Airways

Sáng ngày 23/10, Công ty CP Hàng không Tre Việt - Bamboo Airways (OTC: BAV) đã quyết định bổ nhiệm ông Lương Hoài Nam giữ vị trí Tổng Giám đốc thay cho ông Nguyễn Ngọc Trọng. Bamboo Airways cho biết đây là quyết định từ nhà đầu tư mới.

Được biết, nhà đầu tư mới của hãng bay này chính là Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank). Tại phiên họp bất thường giữa tháng 9, lãnh đạo Bamboo Airways cho biết, Sacombank là chủ nợ lớn của Bamboo Airways, đã có kế hoạch tham gia đầu tư vào hãng này và đang xúc tiến các thủ tục để xin cơ quan quản lý chấp thuận.

Việc bổ nhiệm vị trí Tổng giám đốc lần này cũng là bước tiến mới nhất trong tiến trình tái cấu trúc toàn diện đang được Bamboo Airways đẩy mạnh, trong đó, có tái cấu trúc bộ máy quản trị điều hành nhằm ổn định hoạt động, tạo cơ hội cho sự phát triển trung hạn.

Cựu lãnh đạo Pacific Airlines và Air Mekong sang làm Tổng Giám đốc Bamboo Airways
Chân dung tân Tổng giám đốc Bamboo Airways Lương Hoài Nam

Theo tìm hiểu, tân Tổng Giám đốc Bamboo Airways là gương mặt không quá xa lạ trong ngành hàng không. Trước khi được bổ nhiệm vị trí mới tại Bamboo Airways, ông Lương Hoài Nam từng giữ chức vụ Tổng Giám đốc của hãng bay Pacific Airlines và Air Mekong.

Ông Lương Hoài Nam sinh năm 1963, tốt nghiệp Tiến sĩ Kinh tế hàng không ở Nga và có hơn 30 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực này. Theo đó, ông từng làm Trưởng ban Kế hoạch thị trường của Vietnam Airlines trong 11 năm. Từ tháng 7/2004 đến cuối năm 2009, ông giữ chức vụ Tổng giám đốc Pacific Airlines - thành viên của Vietnam Airlines Group.

Giữa năm 2012, ông Nam chuyển sang làm việc tại Air Mekong với vai trò Giám đốc điều hành trong 4 tháng. Sau đó, ông làm lãnh đạo tại Tập đoàn Nam Long, Công ty Hàng không Hải Âu, hãng hàng không lưỡng dụng Vietstar Airlines. Trong một vài năm gần đây, ông Nam thường xuất hiện với tư cách là chuyên gia hàng không, thành viên Hội đồng tư vấn du lịch (TAB).

Trong vòng 6 tháng trở lại đây, Bamboo Airways đã 3 lần thay đổi Tổng Giám đốc. Trước đó, hồi cuối tháng 5, hãng bay này bổ nhiệm ông Nguyễn Minh Hải làm Tổng Giám đốc thay cho ông Nguyễn Mạnh Quân. Tuy nhiên, sau khi nhậm chức chỉ chưa đầy 2 tháng, ông Hải xin nghỉ và vị trí này được giao cho Phó chủ tịch HĐQT Nguyễn Ngọc Trọng.

Tại ĐHĐCĐ bất thường tổ chức ngày 16/9 vừa qua, Bamboo Airways đã bầu bổ sung bà Lê Thị Trúc Quỳnh - Phó Tổng giám đốc vào HĐQT nhiệm kỳ 2023 - 2028, thay thế các thành viên có quyết định miễn nhiệm là các ông Hideki Oshima, Doãn Hữu Đoàn và Trần Hòa Bình.

Hiện tại, HĐQT Bamboo Airways hiện có 5 thành viên, gồm các ông Lê Thái Sâm, Lê Bá Nguyên, Nguyễn Ngọc Trọng, Phan Đình Tuệ và bà Lê Thị Trúc Quỳnh. Ông Lê Thái Sâm là Chủ tịch HĐQT, ông Phan Đình Tuệ là Phó Chủ tịch thường trực.

Từ đầu năm đến nay, Bamboo Airways “đắm chìm” trong khó khăn chồng chất cả về nhân sự lẫn tình hình kinh doanh. Gần đây nhất, theo Reuters dẫn lại nguồn tin, đã có khoảng 30 phi công nước ngoài xin nghỉ, chiếm hơn 10% tổng số phi công của Bamboo Airways trong tháng 6. Bên cạnh đó, một số phi công khác bị sa thải.

Theo Reuters, một phần nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng nghỉ việc đồng loạt là chậm trả lương. Theo chia sẻ của Bamboo Airways, hãng bay này đang tiến hành tái cấu trúc quyết liệt, trong đó bao gồm mạng lưới đường bay, đội bay và nguồn nhân lực. Bamboo Airways thừa nhận đã cắt giảm nhân sự nhưng phủ nhận thông tin về việc chậm lương.

Trước đó, Bamboo Airways đã phải “kêu cứu” khi báo cáo Thủ tướng việc là đang gặp một số khó khăn vướng mắc liên quan đến công tác chuyển nhượng cổ phần cho nhóm nhà đầu tư mới kéo dài do phải phối hợp giải quyết với nhiều bên liên quan.

Hơn nữa, việc thẩm định đề xuất điều chỉnh chủ trương đầu tư cho phép hãng tăng quy mô đội tàu bay lên trên 30 tàu bị kéo dài đã làm chậm quá trình phục hồi và phát triển cũng như mất cơ hội kinh doanh của Bamboo Airways.

Đáng chú ý, khả năng tiếp cận nguồn vốn, đặc biệt là nguồn vốn với lãi suất và cơ chế ưu đãi từ các tổ chức tín dụng còn nhiều hạn chế trong khi nhu cầu vốn nhằm phục hồi và phát triển trở lại của ngành hàng không nói chung và Bamboo Airways nói riêng là rất lớn.

Vừa qua, Văn phòng Chính phủ vừa có công văn số 8166/VPCP-DMDN gửi các bộ: Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Giao thông Vận tải và Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Theo đó, 5 bộ, ngành liên quan được Phó thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu sớm xử lý các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính liên quan đến các kiến nghị của Bamboo Airways.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư được giao thẩm định điều chỉnh chủ trương đầu tư về quy mô đội tàu bay của Bamboo Airways lên trên 30 tàu. Bộ Giao thông Vận tải có trách nhiệm báo cáo Thủ tướng trong tháng 11 về tình hình hoạt động, các nội dung liên quan đến việc duy trì điều kiện hoạt động của các hãng hàng không Việt Nam và đảm bảo an ninh, an toàn trong vận tải hàng không.

Bamboo Airways lỗ kỷ lục, Ngân hàng Sacombank đối mặt với rủi ro tín dụng

Theo đánh giá mới nhất của SSI Research, Ngân hàng Sacombank (mã cổ phiếu STB) hiện đối mặt với rủi ro tín dụng tiềm ẩn ...

Sacombank của Chủ tịch Dương Công Minh muốn đầu tư vào Bamboo Airways

Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank, HOSE: STB) của Chủ tịch HĐQT Dương Công Minh đang xúc tiến các thủ tục xin cơ quan ...

Bamboo Airways "đau đầu" chuyện trả lương để giữ chân phi công

Reuters dẫn hai nguồn tin độc quyền cho hay, trong hai tháng qua, một số phi công của Bamboo Airways đã rời khỏi hãng hàng ...

Ngọc Bích

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán