Đại tướng Chu Huy Mân: Nhà chính trị, quân sự xuất sắc của cách mạng Việt Nam

17/03/2023 - 23:02
(Bankviet.com) “Xin thề trước cờ Đảng, nguyện chiến đấu trọn đời cho Đảng, cho cách mạng. Nếu bị bắt, cực hình, tra tấn quyết không khai. Dù phải chịu tù đày quyết không nản chí, vào sống, ra chết không sờn lòng”.
“Xin thề trước cờ Đảng, nguyện chiến đấu trọn đời cho Đảng, cho cách mạng. Nếu bị bắt, cực hình, tra tấn quyết không khai. Dù phải chịu tù đày quyết không nản chí, vào sống, ra chết không sờn lòng”.

Đó là những lời tuyên thệ của Đại tướng Chu Huy Mân khi được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam năm 1930. Đại tướng Chu Huy Mân là người lãnh đạo, vị tướng chỉ huy xuất sắc của Quân đội Nhân dân Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh với những chiến công lẫy lừng trên chiến trường suốt hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ xâm lược của dân tộc Việt Nam. Cuộc đời của Đại tướng gắn liền với hầu hết các sự kiện lịch sử trọng đại của cách mạng Việt Nam thế kỉ 20; luôn được Bác Hồ tin tưởng giao nhiệm vụ và vinh danh là vị tướng “Hai Mạnh”.
 
 
Đại tướng Võ Nguyên Giáp (bên trái) và Đại tướng Chu Huy Mân (bên phải)
tại Hội trường Ba Đình ngày 12/11/2002. (Nguồn ảnh: Internet)

Vì sự nghiệp cách mạng Việt Nam

Đại tướng Chu Huy Mân, tên khai sinh là Chu Văn Điều, sinh ngày 17/3/1913 trong một gia đình nông dân nghèo tại xã Yên Lưu, tổng Yên Trường, phủ Hưng Nguyên, nay là xã Hưng Hòa, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An.

Cha mất từ khi Chu Văn Điều còn nhỏ, mẹ một mình nuôi chín anh chị em. Tuy cuộc sống cực khổ nhưng năm lên 8 tuổi, Chu Văn Điều đã được gia đình cho đi học chữ Hán ở trường làng. Chứng kiến cảnh người dân một cổ hai tròng, sống đời nô lệ, đói rách lầm than, Chu Văn Điều sớm cảm nhận được nỗi thống khổ, cơ hàn của đồng bào dưới chế độ thực dân nửa phong kiến hà khắc. Lớn lên, Chu Văn Điều đã tiếp thu truyền thống yêu nước thương nòi, nung nấu chí căm thù quân xâm lược, xác định lí tưởng một lòng đi theo cách mạng.

Năm 16 tuổi, Chu Văn Điều tích cực tham gia các phong trào yêu nước trên mảnh đất quê hương Nghệ Tĩnh giàu truyền thống cách mạng, tham gia mít-tinh lớn tại địa phương, tự nguyện hòa mình vào cơn bão rực sáng mang tên cách mạng. Cuối năm 1930, khi mới tròn 17 tuổi, Chu Văn Điều được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương, sau đó được phân công làm Đội phó Đội Thanh niên xích vệ (Tự vệ Đỏ) xã Yên Lưu, cùng đồng đội tham đấu tranh bảo vệ chính quyền cách mạng trong phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh năm 1930.  

Từ năm 1933 - 1935, trên cương vị Bí thư Chi bộ xã Yên Lưu rồi Bí thư phân Huyện ủy huyện Hưng Nguyên, Đồng chí đã trực tiếp lãnh đạo phục hồi sau “khủng bố trắng” của thực dân Pháp và tích cực tham gia các hoạt động trong phong trào đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ, xây dựng cơ sở và lãnh đạo phong trào đấu tranh của công nhân nhà máy xe lửa Trường Thi, tạo được tiếng vang lớn, góp phần lan tỏa, thúc đẩy phong trào đấu tranh của công nhân ở nhiều địa phương trong cả nước.

Năm 1936, Đồng chí đổi tên từ Chu Văn Điều thành Chu Huy Mân, được cử đi dự Hội nghị Tỉnh ủy Nghệ An mở rộng tại Nghi Lộc. Trong Hồi ký của mình, đồng chí Chu Huy Mân kể lại lí do đổi tên mình thành Chu Huy Mân: “Tháng 5 là mùa thu thuế của chính quyền. Nhà thiếu 5 hào phải chờ dệt chiếu bán mới có tiền nộp. Chu Văn Đạm, phó lí làng Thượng là anh họ tôi, do bị bọn phản động xúi bậy, lợi dụng việc thiếu thuế đã đánh tôi một trận đòn đau. Tôi bực mình với người anh họ vì bị xúi giục mà đánh em, thế là chỉ giữ lại họ Chu, đổi Văn Điều thành Huy Mân. Lúc bấy giờ thanh niên trong thôn thích chữ Huy là sáng, chữ Mân là có chữ ngọc”.1

Từ năm 1937 đến năm 1940, thực dân Pháp đã nhiều lần bắt giam đồng chí Chu Huy Mân ở Nhà lao Vinh, sau đó, chúng đưa Đồng chí đi giam ở các nhà tù Đăk Glei, (Kon Tum) - chốn rừng thiêng nước độc. Trong nhà giam, địch dùng mọi thủ đoạn dụ dỗ, mua chuộc, tra tấn cực hình nhưng không làm lung lay ý chí, tinh thần cách mạng sắt đá của người chiến sĩ cộng sản. Nuôi chí lớn, một lòng hướng về tương lai dân tộc, tháng 3/1943, đồng chí Chu Huy Mân cùng các đồng chí Nguyễn Duy Trinh, Huỳnh Ngọc Huệ, Hà Thế Hạnh tổ chức vượt ngục, tìm bắt liên lạc với tổ chức Đảng tiếp tục hoạt động cách mạng tại Quảng Nam, tham gia trong Ban Việt Minh tỉnh Quảng Nam và được phân công làm Phó Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam. 

Năm 1945, đồng chí Chu Huy Mân chỉ huy lực lượng tự vệ vũ trang tham gia khởi nghĩa giành chính quyền ở Quảng Nam. Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, Đồng chí được phân công đảm nhiệm Chính trị viên Tỉnh đội Quảng Nam.  Cuối năm 1945, Đồng chí được Trung ương Đảng điều ra Huế giữ chức Chủ tịch Ủy ban Quân chính Khu C gồm bốn tỉnh Bắc Trung kì là Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế và Quảng Nam, Chính trị viên Mặt trận Đường 9 Đông Hà - Savannakhet. Đồng chí Chu Huy Mân đã có công lớn trong việc vận động, tập hợp quần chúng, xây dựng, phát triển lực lượng cách mạng ở địa phương, xây dựng và bảo vệ chính quyền cách mạng.

Bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Trung ương Đảng điều động nhiều cán bộ chính trị ưu tú vào hoạt động trong quân đội, đồng chí Chu Huy Mân là một cán bộ trong số đó. Như một thiên mệnh, cuộc đời cách mạng của Đồng chí gắn bó với cuộc đời binh nghiệp quang vinh qua những năm tháng chiến tranh khốc liệt.

Trong Chiến dịch Việt Bắc - Thu Đông 1947, trên cương vị Trung đoàn trưởng Trung đoàn 72, Đồng chí đã phối hợp với chính quyền tỉnh Bắc Kạn chủ động chuẩn bị về mọi mặt, tổ chức đánh địch nhiều trận giành thắng lợi, góp phần buộc quân Pháp phải rút khỏi Bắc Kạn. Năm 1948, Đồng chí được cấp trên điều lên Cao Bằng giữ chức Trung đoàn trưởng Trung đoàn 74 kiêm Bí thư Đảng ủy Trung đoàn. Đồng chí đã tập trung lãnh đạo đơn vị vừa huấn luyện, vừa bảo đảm đời sống bộ đội, vừa sẵn sàng thực hiện các nhiệm vụ chiến đấu.

Tháng 8/1949, đứng trước yêu cầu của tình hình cách mạng mới, Bộ Tổng tư lệnh quyết định chọn lựa các Trung đoàn: 72, 74 và 28; thành lập Trung đoàn 174 (Cao - Bắc - Lạng). Đồng chí Chu Huy Mân được chỉ định làm Chính ủy viên, Bí thư Đảng ủy Trung đoàn. Năm 1950, Đồng chí đã chỉ huy Trung đoàn 174 đánh thắng quân đội viễn chinh Pháp ở Đông Khê, Thất Khê, giành thắng lợi trong Chiến dịch Biên giới.

Tháng 5/1951, Đại đoàn 316 được thành lập do đồng chí Chu Huy Mân làm Chính ủy đã tham gia nhiều trận đánh, nhiều chiến dịch ở đồng bằng Bắc Bộ, Hòa Bình, Biên giới và Thượng Lào. Đặc biệt, trong chiến dịch Điện Biên Phủ, Đại đoàn 316 đánh trận mở đầu, tiêu diệt cứ điểm Him Lam, khai hỏa trận đánh Đồi A1, tiến công cứ điểm C1, C2, tham gia trận đánh quan trọng cuối cùng bắt sống tướng Đờ Ca-xtơ-ri (De Castries) góp sức làm nên một Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu.

Người chiến sĩ cộng sản quốc tế trong sáng

Là người chiến sĩ cách mạng nguyện chiến đấu, hi sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, đồng chí Chu Huy Mân còn là một vị tướng có nhiều đóng góp cho sự nghiệp quốc tế cao đẹp của Đảng và dân tộc.

Năm 1948, thực hiện Chỉ thị của Bộ Tổng chỉ huy, đồng chí Chu Huy Mân đã lãnh đạo Trung đoàn 74 phối hợp với quân giải phóng Trung Quốc đánh tan Quân đoàn Bạch Sùng Hy của Tưởng Giới Thạch, mở rộng căn cứ địa Hoa Nam, sát cánh cùng Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc trong chiến dịch Thập Vạn Đại Sơn năm 1949, góp phần vào thắng lợi chung trong sự nghiệp giải phóng Trung Quốc, đồng thời, xây đắp tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước.

Với tài năng quân sự, kinh nghiệm lãnh đạo công tác chính trị, tổ chức, đào tạo, huấn luyện cán bộ và thực tiễn hoạt động chiến đấu, đồng chí Chu Huy Mân được Trung ương Đảng và Bác Hồ tin tưởng giao trọng trách Đoàn trưởng, Bí thư Đảng ủy đoàn cố vấn chuyên gia quân sự Việt Nam sang Sầm Nưa để giúp cách mạng Lào từ  năm 1954 - 1957; năm 1960 - 1961, Đồng chí làm Tổng cố vấn cho chính phủ Liên hiệp Lào.

Thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “giúp bạn là tự giúp mình”, với tư duy sắc sảo về chính trị, quân sự, kinh nghiệm dày dạn qua nhiều năm làm công tác lãnh đạo, chỉ huy chiến đấu ở Việt Nam và với tinh thần quốc tế cao cả, đồng chí Chu Huy Mân đã góp phần quan trọng giúp cách mạng Lào không ngừng phát triển, giải quyết thành công các nhiệm vụ công tác trọng tâm, có ý nghĩa quyết định trong xây dựng và chiến đấu. Đồng chí đã đóng góp công lớn trong việc xây dựng cơ quan Bộ Quốc phòng và các lực lượng vũ trang Pathet Lào; củng cố Chính phủ cách mạng Lào và giúp bạn tổ chức những trận đánh lớn giành được thắng lợi vẻ vang. Bằng những hoạt động của mình, Đồng chí đã góp phần bồi đắp mối quan hệ hữu nghị, liên minh chiến đấu đặc biệt hai nước Việt Nam - Lào.

Sau khi hoàn thành nhiệm vụ Tổng cố vấn, trước khi chia tay lãnh đạo, nhân dân Lào về nước, Tổng Bí thư, Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Đảng Nhân dân cách mạng Lào, Tổng chỉ huy quân đội Pathet Lào Cay-xỏn Phôm-vi-hản (Kaysone Phomvihane) phát biểu: “Chưa đầy 3 năm, được sự giúp đỡ của Tổng cố vấn, chuyên gia và cán bộ Đoàn 100 đã xây dựng thành công các đơn vị bộ đội chủ lực trực thuộc Bộ Quốc phòng, xây dựng, bảo vệ trọn vẹn hai tỉnh Hủa-phăn (Huaphan) và Phông-xa-lì (Phongsaly), tạo dựng lực lượng khá vững chắc để phát triển cách mạng Lào, giúp bồi dưỡng, phát triển đội ngũ cán bộ, đảng viên, tổ chức cơ sở Đảng trong lực lượng vũ trang cả về số lượng, chất lượng tăng lên gấp bội, là lực lượng nòng cốt vững chắc cho Đảng và cách mạng Lào”.

Vị tướng cố vấn quân sự Việt Nam Chu Huy Mân được nhân dân các bộ tộc Lào yêu mến gọi là “Tướng Thao Chăn”, đã để lại tình sâu, nghĩa nặng mãi mãi trong Đảng, quân đội và nhân dân các bộ tộc Lào qua các thế hệ.

Đối với nhiệm vụ quốc tế tại Campuchia, đồng chí Chu Huy Mân luôn quán triệt để bộ đội nhận thức rõ nguồn gốc cuộc chiến tranh, sự chính nghĩa của ta và mối quan hệ giữa nhân dân hai nước. Đồng chí thường căn dặn: “Phải luôn nắm vững tinh thần, quan điểm đoàn kết quốc tế của Đảng, quán triệt tốt ý thức chăm lo xây dựng và củng cố mối quan hệ đoàn kết đặc biệt giữa nhân dân ba nước anh em… Phải chú trọng tìm hiểu hoàn cảnh lịch sử quân đội mỗi nước, thể hiện tinh thần hết sức khiêm tốn, học tập lẫn nhau, tôn trọng tinh thần độc lập tự chủ của bạn, không được có thái độ áp đặt khi giới thiệu kinh nghiệm của quân đội ta cho bạn… Phải quán triệt quan điểm giúp bạn là tự giúp mình, nhận phần khó về mình, cố gắng đáp ứng tốt nhất các yêu cầu của bạn đặt ra”2.
 
Đồng chí Chu Huy Mân đã tỏ rõ tài năng, sự sáng tạo đầy bản lĩnh với sự quyết đoán cao của nhà lãnh đạo quân sự - chính trị toàn diện của Quân đội nhân dân Việt Nam, đã hoàn thành mọi nhiệm vụ quốc tế khó khăn, phức tạp mà Đảng và Bác Hồ tin tưởng giao phó.

Người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh với chiến trường miền Nam

Sau khi hoàn thành nhiệm vụ Tổng cố vấn - chuyên gia quân sự tại Lào, trở về nước, đồng chí Chu Huy Mân được cấp trên giao giữ chức Chính ủy Quân khu 4. Tháng 5/1958, Đồng chí được phong quân hàm Thiếu tướng và được Bộ Chính trị, Bác Hồ và Quân ủy Trung ương tín nhiệm giao trọng trách là Bí thư Khu ủy, Chính ủy Quân khu Tây Bắc. Năm 1961, Đồng chí là Tư lệnh kiêm Chính ủy, Bí thư Đảng ủy Quân khu 4, góp phần xây dựng hậu phương trực tiếp của tiền tuyến lớn.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc, đồng chí Chu Huy Mân được Trung ương và Chủ tịch Hồ Chí Minh tin tưởng điều vào chiến trường Khu 5, làm Phó Bí thư Khu ủy, Chính ủy Quân khu 5, Bí thư Khu ủy Liên khu 5 rồi Tư lệnh kiêm Chính ủy Mặt trận B3 - Tây Nguyên. Đồng chí Chu Huy Mân vào chiến trường Khu 5 lúc Mỹ đổ quân ồ ạt vào miền Nam thực hiện chiến lược chiến tranh cục bộ, chúng dùng nhiều âm mưu, thủ đoạn thâm độc để đánh phá ta. Là một cán bộ chỉ huy cấp đại đoàn, quân khu, với ý chí cách mạng kiên cường và tư duy chiến tranh cách mạng sâu sắc, đồng chí Chu Huy Mân đã nghiên cứu và chỉ đạo lực lượng vũ trang Quân khu 5 đánh xe tăng, bắn máy bay bằng súng trường và trung liên để chống lại cuộc chiến tranh cục bộ của đế quốc Mỹ, đóng góp công lớn vào các chiến thắng Ba Gia, Núi Thành, Vạn Tường. Ngày 07/5/1965, sư đoàn lính thủy số 3 của Mỹ đổ bộ lên vây ráp xã Kỳ Liên thuộc tỉnh Quảng Nam, đồng chí Chu Huy Mân đã chỉ huy chuyển đánh ngụy sang đánh Mỹ, xây dựng vành đai diệt Mỹ ở Chu Lai, tìm cách tiêu diệt gọn đại đội Mỹ. Tháng 9/1965, đồng chí Chu Huy Mân đã chỉ huy tài tình, táo bạo chiến dịch Plei Me - Ia Đrăng, tiêu diệt gọn 305 lính Mỹ, góp phần cùng quân, dân cả nước “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”.

Thời kì ở Quân khu 5, để giải quyết khó khăn về lương thực cho bộ đội và nhân dân ở chiến trường, đồng chí Chu Huy Mân đã nêu sáng kiến: Khi bộ đội hành quân trên đường vào Nam, đến đóng quân ở đâu đều phải tổ chức trồng khoai, sắn, rau, chuối. Lớp trước trồng, lớp sau đến tiếp quản để có cái nuôi quân và giúp dân, giảm bớt khó khăn thiếu thốn về lương thực. Việc làm và tình cảm của đồng chí Chu Huy Mân luôn được bộ đội noi gương và học tập, nhân dân các địa phương trân trọng, quý mến.

Chiến tranh kết thúc, hòa bình lập lại, cả nước bước vào thời kì xây dựng xã hội chủ nghĩa, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng, đồng chí Chu Huy Mân được bầu vào Bộ Chính trị khóa IV và V, Ban Chấp hành Trung ương Đảng các khóa II, IV, V; giữ chức Phó Bí thư Đảng ủy Quân sự Trung ương, Trưởng ban Kiểm tra Đảng ủy Quân sự Trung ương, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, Giám đốc Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc, Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước.

Với những những công lao đóng góp to lớn và đặc biệt xuất sắc đối cách mạng Việt Nam, năm 1958, đồng chí Chu Huy Mân được Đảng và Nhà nước phong quân hàm Thiếu tướng; năm 1974, được phong vượt cấp từ Thiếu tướng lên Thượng tướng; năm 1980, đồng chí Chu Huy Mân được phong quân hàm Đại tướng.

Đồng chí Chu Huy Mân đã được Đảng, Nhà nước trao tặng Huân chương Sao Vàng, Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Quân công hạng Nhất, Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng và nhiều phần thưởng cao quý khác của Đảng, Nhà nước ta và nước bạn.
Đồng chí Chu Huy Mân là nhà lãnh đạo chính trị, quân sự tài ba, người chỉ huy xuất và tổ chức hoạt động thực tiễn toàn năng của Đảng và Quân đội Nhân dân Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh. Đồng chí là một tấm gương sáng ngời, mẫu mực, tiêu biểu về một lòng trung với Đảng, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, suốt đời chiến đấu vì lí tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, vì lợi ích của dân tộc, vì hạnh phúc của nhân dân, vì sự lớn mạnh và chiến thắng của Quân đội nhân dân Việt Nam; bản lĩnh kiên cường, sắt đá của người chiến sĩ cộng sản trước mọi khó khăn, thử thách, “nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”.

“Được cống hiến, đời vinh quang rực rỡ,
Vì nước non và nghĩa lớn nhân dân.
Tóc xanh bước tới, thép vàng chói lửa
Đầu bạc ta về óng ánh trời xuân.”

Đó là những câu thơ của đồng chí Chu Huy Mân thường đọc mỗi lần gặp bạn bè chiến đấu. Có thể nói, cả cuộc đời và sự nghiệp của Đại tướng Chu Huy Mân mãi là tấm gương sáng ngời của người cộng sản kiên trung mẫu mực, luôn cống hiến, hi sinh vì nước non, vì nghĩa lớn nhân dân.

Kỉ niệm 110 năm Ngày sinh của Đại tướng Chu Huy Mân vào thời điểm toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đang ra sức phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và các nghị quyết, kết luận của Trung ương, đặc biệt là Kết luận số 21-KL/TW ngày 25/10/2021 của Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” nhằm tiếp tục nâng cao năng năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng.

Học tập tấm gương bản lĩnh, trí tuệ, trọn đời hiến dâng cho Đảng, vì đất nước, vì Nhân dân, vì các lực lượng vũ trang của Đại tướng Chu Huy Mân, mỗi cán bộ, đảng viên cần tự giác phấn đấu, tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng; ra sức học tập, lao động sáng tạo, đoàn kết thống nhất, quyết tâm xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng để sớm hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
 
1Đại tướng Chu Huy Mân, Thời sôi động, Nhà xuất bản Quân đội nhân dân. Hà Nội. 2004.
2 Đề cương tuyên truyền kỉ niệm 110 năm ngày sinh Đại tướng Chu Huy Mân. Ban Tuyên giáo Trung ương - Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam.
 
Tài liệu tham khảo

1.  Đại tướng Chu Huy Mân - Nhà chính trị, quân sự tài ba, tấm gương sáng về đạo đức cách mạng (Hồi kí), Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội. 2007.
2. Đại tướng Chu Huy Mân, Thời sôi động, Nhà xuất bản Quân đội nhân dân. Hà Nội. 2004.
3. Đại tướng Chu Huy Mân, nhà quân sự, chính trị song toàn, người cộng sản kiên trung, mẫu mực. Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật. Hà Nội. 2013.
 4. Chu Huy Mân (Tiểu sử). Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật. 2020
6. Hồi ức chiến trường. Trần Ngọc Quế.Nxb Văn hóa - Văn nghệ Quân khu 4.
7.http://tapchiqptd.vn/vi/nghien-cuu-trao-doi/dai-tuong-chu-huy-man-%E2%80%93-nha-chinh-tri-quan-su-xuat-sac-cua-dang-va-quan-doi/3660.html
8.https://tuyengiao.vn/tuyen-truyen/dai-tuong-chu-huy-man-mot-tam-guong-sang-ve-can-kiem-liem-chinh-chi-cong-vo-tu-51086.
9. Đề cương tuyên truyền kỉ niệm 110 năm ngày sinh Đại tướng Chu Huy Mân. Ban Tuyên giáo Trung ương - Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam.


Hà Minh Phương

Theo: Tạp chí Ngân hàng