Nghị quyết 42/2017/QH14 (Nghị quyết 42) được đánh giá có tác động tích cực đối với hệ thống ngân hàng trong xử lý nợ xấu. Báo Công Thương đã có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Quốc Hùng - Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam xoay quanh Nghị quyết này.
Nghị quyết 42 đang dần đi đến hồi kết. Là người có nhiều kinh nghiệm trong xử lý nợ xấu, ông đánh giá như thế nào về những kết quả đạt được?
Ông Nguyễn Quốc Hùng - Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam |
Nghị quyết 42 được Quốc hội ban hành tháng 8/2017 và đến tháng 8/2022 sẽ hết hiệu lực. Kể từ khi được ban hành đến nay, Nghị quyết có tác động tích cực đối với hệ thống ngân hàng trong xử lý nợ xấu. Trong quá trình triển khai, chính quyền các cấp (Bộ Tư pháp, Bộ Công an… đến các chính quyền địa phương) đã hưởng ứng tích cực, tạo điều kiện thuận cho ngành Ngân hàng thu hồi nợ, phát mại tài sản, chuyển đổi, hoàn thiện thủ tục. Ý thức trả nợ của khách hàng chuyển biến tích cực, khách hàng chủ động phối hợp với ngân hàng xử lý nợ, trách nhiệm của người đi vay đối với khoản nợ ngân hàng được nâng lên.
Kết quả, nợ xấu đã xử lý giai đoạn 2017 - 2021 là 750.000 tỷ đồng, trong đó theo Nghị quyết 42 đạt khoảng 390.000 tỷ đồng, chiếm hơn 50%. Trong tổng số 750.000 tỷ đồng nợ xấu đã xử lý ở giai đoạn này, có đến hơn 600.000 tỷ đồng là các tổ chức tín dụng tự xử lý, còn lại khoảng hơn 100.000 tỷ đồng do VAMC và khoảng 20.000 tỷ đồng do các tổ chức mua bán nợ khác xử lý. Đặc biệt, khi có Nghị quyết 42, khách hàng nhận thức rõ trách nhiệm trả nợ đối với ngân hàng nên đã có sự hợp tác tích cực. Chính vì vậy tỷ lệ nợ xấu toàn hệ thống ngân hàng đến thời điểm ngày 31/12/2021 còn khoảng 1,49 - 2%. Nếu dịch Covid-19 không xảy ra, tôi tin chắc hệ thống ngân hàng đạt được yêu cầu đề ra tại Nghị quyết 42
Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực vẫn còn một số vướng mắc, đó là: Việc thu giữ tài sản và chuyển nhượng rất khó khăn, đặc biệt đối với những tài sản đảm bảo không phải là những dự án; một số chính quyền địa phương vào cuộc chưa được quyết liệt trong việc bảo vệ người cho vay. Đặc biệt ở cấp phường xã, có khi chưa phổ cập Nghị quyết 42 đến hết các cấp cơ sở…
Sau hai năm đại dịch Covid-19, nợ xấu tiềm ẩn đang tăng lên. Để giảm áp lực nợ xấu lên ngân hàng, Chính phủ đang đề xuất Quốc hội kéo dài thời hạn của Nghị quyết 42 và tiến tới sẽ có Luật về xử lý nợ xấu. Quan điểm của ông với vấn đề này như thế nào?
Theo tôi, trước hết phải đặt câu hỏi, tại sao Quốc hội phải ban hành Nghị quyết 42 mới xử lý được nợ xấu? Bởi trong quá trình triển khai theo Luật Dân sự, Luật các Tổ chức tín dụng và các bộ luật liên quan có những nội dung chưa phù hợp, chưa đảm bảo bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của chính người cho vay và người đi vay, thậm chí có phần nào đó còn bảo vệ người đi vay nhiều hơn, dẫn tới ngành Ngân hàng rất khó khăn trong việc đòi nợ. Nghị quyết 42 ra đời đã giải quyết được nhiều vướng mắc cho ngân hàng trong việc xử lý nợ xấu và người dân cũng như doanh nghiệp có trách nhiệm trả nợ hơn.
Nền kinh tế nói chung và ngành Ngân hàng nói riêng cũng chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19 trong hơn 2 năm qua. Trong bối cảnh các ngân hàng thực hiện Thông tư 01/2020/TT-NHNN; Thông tư 03/2021/TT-NHNN; Thông tư 14/2021/TT-NHNN, dẫn đến những khoản nợ dưới chuẩn được cơ cấu để khách hàng được vay tiếp nếu có phương án kinh doanh hiệu quả làm cho nợ xấu tiềm ẩn trong thời gian tới cũng là điều đáng lo ngại.
Theo số liệu, hàng triệu tỷ đồng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, song nợ cơ cấu chỉ rơi vào khoảng 300.000 tỷ đồng. Các số liệu này chưa phản ảnh được hết thực tế. Thực chất trong 2 năm đại dịch, doanh nghiệp rất khó khăn và tiềm ẩn nợ xấu tăng cao.
Trường hợp Nghị quyết 42 hết hiệu lực và không được gia hạn hiệu lực thì liệu ngân hàng có xử lý được nợ xấu hay không? Tôi cho rằng ngân hàng vẫn xử lý được nợ xấu nhưng kết quả rất hạn chế, không những thế lại dẫn tới tình trạng khách hàng chây ì không trả nợ, ý thức và trách nhiệm trong việc trả nợ của khách hàng sẽ quay trở lại như trước khi có nghị quyết 42 và khả năng nợ xấu sẽ rất khó khăn trong việc xử lý. Trước áp lực đó, Ngân hàng Nhà nước trình Chính phủ kiến nghị lên Quốc hội tiếp tục xem xét, sửa đổi bổ sung và kéo dài Nghị quyết 42.
Khi Nghị quyết 42 được ban hành, cũng có ý kiến cho rằng Quốc hội, Chính phủ đã trao “nhiều đặc quyền cho ngành Ngân hàng”. Quan điểm của ông thế nào?
Tôi không nghĩ đó là đặc quyền. Bởi thực tế trước khi có Nghị quyết 42, nhiều trường hợp, ngân hàng đòi nợ rất khó khăn, phát mãi tài sản không được, thu giữ tài sản không xong, đôn đốc đòi nợ không được, khách hàng bỏ mặc tài sản đó cho ngân hàng tự xử lý... Tất cả những vấn đề này ngân hàng không làm gì được. Ý thức trả nợ ngân hàng của khách hàng rất yếu kém, dẫn đến các khoản nợ mặc dù có tài sản bảo đảm song không phát mại được, nợ xấu tăng cao ảnh hưởng đến an toàn hệ thống.
Tuy nhiên, Nghị quyết 42 được Quốc hội ban hành đã có tác dụng rất tích cực hỗ trợ ngành Ngân hàng trong thu hồi nợ và xử lý tài sản bảo đảm cho các khoản nợ. Do vậy, tôi rất mong muốn Nghị quyết sẽ kéo dài thêm.
Về phía Hiệp hội Ngân hàng, chúng tôi sẽ rà soát tất cả các văn bản pháp luật liên quan và sẽ có văn bản kiến nghị lên Chính phủ để xem xét trong quá trình sửa đổi Luật các Tổ chức tín dụng, thì cũng điều chỉnh tại những luật liên quan như Bộ Luật dân sự, Luật Kinh doanh bất động sản… để làm sao đảm bảo được quyền lợi, trách nhiệm của ngân hàng và người đi vay và sự phối hợp của các bộ, ngành, chính quyền địa phương trong việc xử lý nợ.
Tôi rất mong muốn xã hội hiểu rõ và nhìn nhận nợ xấu cơ bản không phải do ngành Ngân hàng gây ra, ví dụ như suy thoái kinh tế toàn cầu và dịch bệnh xảy ra.
Trước áp lực nợ xấu tăng cao, các ngân hàng đã có giải pháp phòng vệ như thế nào, thưa ông?
Để nỗi đau nợ xấu như trong quá khứ không lặp lại, những năm qua Ngân hàng Nhà nước liên tục thực hiện các đợt thanh tra, xử lý các tổ chức tín dụng vi phạm trong hoạt động cấp tín dụng hoặc che giấu nợ xấu. Thực tế là bản thân các tổ chức tín dụng cũng phải tái cơ cấu và cũng phải xử lý nợ xấu, chưa xử lý được nợ xấu thì phải trích lập dự phòng rủi ro để xử lý.
Hiện tại, các tổ chức tín dụng đều thực hiện trích lập dự phòng rủi ro đầy đủ cho những khoản nợ xấu và nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu. Thậm chí có những tổ chức tín dụng có tình hình tài chính lành mạnh đã có tỷ lệ bao phủ nợ xấu cao hơn nhiều so với tỷ lệ nợ xấu thực tế. Do vậy, nhiều tổ chức tín dụng đều đặt vấn đề tăng vốn điều lệ trong năm 2022, qua đó nâng cao năng lực tài chính, mở rộng trích lập dự phòng rủi ro để đảm bảo an toàn hoạt động. Các ngân hàng đều đã có sự đổi mới, tự phòng vệ cho mình.
Tuy nhiên, với thực tế hiện nay, nếu chỉ nỗ lực của ngân hàng là chưa đủ mà cần có hành lang pháp lý đủ mạnh để bảo vệ ngân hàng. Tôi mong muốn có một hành lang pháp lý để tất cả xã hội có sự bình đẳng, người dân khi vay vốn ngân hàng phải có trách nhiệm trả nợ. Không chỉ vậy, khi có hành lang pháp lý đầy đủ, các bộ, ngành, chính quyền địa phương cũng cần vào cuộc hỗ trợ tích cực trong việc xử lý nợ xấu của ngành ngân hàng.
Xin cảm ơn ông!
Thanh Tâm