Theo Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024, các biện pháp xử lý tình huống rút tiền hàng loạt tại ngân hàng đã được bổ sung, bao gồm các giải pháp từ chính TCTD và cơ quan quản lý. Tuy nhiên, NHNN nhấn mạnh rằng để đối phó với khủng hoảng, cần có một cơ chế tổng thể với sự tham gia tích cực của tổ chức Bảo hiểm tiền gửi.
![]() |
Ảnh minh họa |
Dự thảo Luật Bảo hiểm tiền gửi sửa đổi đề xuất nhiều quy định nhằm tăng cường vai trò của tổ chức này trong quá trình tái cơ cấu các ngân hàng yếu kém. Theo đó, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam sẽ có quyền quyết định cho vay đặc biệt đối với các ngân hàng bị kiểm soát đặc biệt và có nguy cơ mất khả năng chi trả. Nếu nguồn vốn tạm thời không đủ, tổ chức này có thể vay đặc biệt từ NHNN để hỗ trợ chi trả tiền gửi cho khách hàng.
Ngoài ra, NHNN cũng nghiên cứu bổ sung cơ chế để Bảo hiểm tiền gửi tham gia sâu hơn vào quá trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, tận dụng nguồn lực tài chính để xử lý rủi ro, tránh nguy cơ lan truyền khủng hoảng trong hệ thống tài chính. Đặc biệt, dự thảo lần này cũng đề xuất cho phép Bảo hiểm tiền gửi tham gia sớm hơn vào quá trình chi trả cho người gửi tiền tại các ngân hàng yếu kém, thay vì chỉ can thiệp khi ngân hàng đã mất khả năng thanh toán.
Một điểm đáng chú ý khác trong dự thảo là quy định cho phép Thủ tướng Chính phủ quyết định chi trả toàn bộ các khoản tiền gửi được bảo hiểm của người gửi tiền tại tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi trong trường hợp đặc biệt. Đề xuất này nhằm tránh hiệu ứng rút tiền hàng loạt, giảm thiểu rủi ro thanh khoản của ngân hàng và ổn định hệ thống tài chính.
Bên cạnh việc mở rộng quyền hạn và trách nhiệm, NHNN cũng nhấn mạnh rằng để đảm bảo khả năng chi trả trong các tình huống đặc biệt, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam cần nâng cao năng lực tài chính. Hiện tại, tổ chức này chỉ có thể sử dụng nguồn vốn tạm thời nhàn rỗi để đầu tư vào trái phiếu Chính phủ, tín phiếu NHNN hoặc gửi tiền tại NHNN.
Tính đến tháng 9/2024, tổng vốn của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam đạt 121.783 tỷ đồng, trong đó 97,77% (tương đương 119.072 tỷ đồng) được đầu tư vào trái phiếu Chính phủ và các tài sản an toàn khác. Tuy nhiên, lợi nhuận từ hoạt động đầu tư này còn hạn chế. Trong 5 năm gần đây, thu nhập từ lãi đầu tư dao động từ 2.500 - 3.600 tỷ đồng/năm, nhưng chỉ khoảng 17,5% - 22% được sử dụng để bù đắp chi phí hoạt động, phần còn lại trích vào Quỹ dự phòng nghiệp vụ. Điều này khiến tốc độ tích lũy vốn phát triển rất chậm.
Theo dự kiến, nếu tiếp tục theo cơ chế hiện hành, đến năm 2030, Quỹ đầu tư phát triển của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam sẽ chỉ đạt 1.250 tỷ đồng, quá thấp so với mục tiêu tăng vốn điều lệ lên 15.000 tỷ đồng. Hiện tại, nguồn vốn bổ sung chỉ có thể đến từ hai kênh: ngân sách nhà nước và Quỹ đầu tư phát triển. Tuy nhiên, theo định hướng của Chính phủ, ngân sách sẽ không cấp thêm vốn, đồng nghĩa với việc Bảo hiểm tiền gửi phải tìm cách tăng vốn từ nội bộ.
Để giải quyết bài toán tài chính, NHNN đề xuất sửa đổi quy định về nguồn vốn hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi, bao gồm: vốn điều lệ do nhà nước cấp, vốn vay, quỹ dự phòng nghiệp vụ, quỹ đầu tư phát triển, quỹ dự phòng tài chính và các nguồn vốn hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.
Đồng thời, NHNN cũng đề xuất mở rộng các kênh đầu tư nhằm tăng quy mô Quỹ dự phòng nghiệp vụ. Theo đó, ngoài trái phiếu Chính phủ và tín phiếu NHNN, Bảo hiểm tiền gửi có thể đầu tư vào trái phiếu chính quyền địa phương, chứng chỉ tiền gửi do các ngân hàng thương mại nhà nước phát hành, cũng như mua trái phiếu dài hạn của các ngân hàng nhận chuyển giao bắt buộc theo quyết định của NHNN.
![]() | Gửi tiết kiệm ngân hàng nào mang lại tiền lãi cao nhất mỗi tháng? Khi gửi tiết kiệm, lựa chọn ngân hàng và kỳ hạn phù hợp là hai yếu tố quan trọng quyết định số tiền lãi bạn ... |
![]() | Lại nóng đề xuất đánh thuế thu nhập cá nhân từ lãi tiền gửi tiết kiệm TP Cần Thơ đề xuất đánh thuế lãi tiền gửi lớn, trong khi Ninh Thuận muốn giữ nguyên chính sách miễn thuế để khuyến khích ... |
![]() | Vikki Bank tăng lãi suất lần đầu tiên sau khi đổi tên, gửi 200 triệu đồng lãi bao nhiêu? Ngân hàng Thương mại TNHH MTV Số Vikki (Vikki Bank), trước đây là DongA Bank, vừa thực hiện điều chỉnh tăng lãi suất huy động ... |
Nguyễn Đăng