Đại gia Việt đua nhau nới room ngoại Ngân hàng thương mại: Nới room ngoại để tìm cổ đông chiến lược Mùa đại hội cổ đông ngân hàng: Sôi động thông tin chia cổ tức, nới room ngoại |
Khoá “room ngoại” để chờ đối tác chiến lược
Ngân hàng Nhà nước đang dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 01/2014/NĐ-CP ngày 03/01/2014 của Chính phủ về việc nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần của tổ chức tín dụng Việt Nam.
Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 6 về hình thức mua cổ phần đối với nhà đầu tư nước ngoài. Theo đó, nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần trong trường hợp tổ chức tín dụng cổ phần chào bán cổ phần, phát hành cổ phần để tăng vốn điều lệ.
Bên cạnh đó, dự thảo bổ sung khoản 6a vào sau khoản 6 Điều 7 về tỷ lệ sở hữu cổ phần đối với nhà đầu tư nước ngoài.
Trong trường hợp đặc biệt để thực hiện phương án chuyển giao bắt buộc, Chính phủ quyết định tổng mức sở hữu cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài tại tổ chức tín dụng nhận chuyển giao bắt buộc vượt giới hạn quy định tại khoản 5 Điều này khi phê duyệt phương án chuyển giao bắt buộc, nhưng không vượt quá 49% vốn điều lệ của tổ chức tín dụng nhận chuyển giao bắt buộc.
Theo quy định hiện nay, tổng mức sở hữu cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài (room ngoại) không vượt quá 30% vốn điều lệ của một ngân hàng thương mại Việt Nam.
Ngoài ra, dự thảo cũng sửa đổi, bổ sung khoản 7 Điều 7, tỷ lệ sở hữu quy định tại các Khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6, 6a Điều này bao gồm cả phần vốn nhà đầu tư nước ngoài ủy thác cho tổ chức, cá nhân khác mua cổ phần.
Về điều kiện đối với tổ chức tín dụng Việt Nam bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài (Điều 11), dự thảo đề xuất sửa đổi, bổ sung khoản 2 như sau: Tổ chức tín dụng cổ phần có phương án tăng vốn điều lệ được Đại hội đồng cổ đông thông qua, trong đó có phương án bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài.
Đối với tổ chức tín dụng có tỷ lệ sở hữu của Nhà nước trên 50% vốn điều lệ, phương án tăng vốn điều lệ thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý tài chính của doanh nghiệp nhà nước trước khi trình Đại hội đồng cổ đông thông qua.
Hiện có khoảng 16 ngân hàng có tỷ lệ sở hữu nước ngoài trên 15%. Trong đó, 7 ngân hàng đã kín hoặc gần kín tỷ lệ sở hữu vốn ngoại. Tuy nhiên, nhiều ngân hàng vẫn còn nguyên 100% room ngoại hoặc tỷ lệ sở hữu nước ngoài rất thấp như SeABank, Bac A Bank, VietCapital Bank, KienLongBank, PG Bank, VietABank, VietBank, SHB, LienVietPostBank,… Nguyên nhân là nhiều ngân hàng chủ động khoá room ngoại để chờ đối tác chiến lược.
Đề xuất ngân hàng nhận chuyển giao bắt buộc được nới room ngoại lên 49% |
Thời gian qua, Vietcombank, MB, HDBank đã lấy ý kiến cổ đông về nhận chuyển giao bắt buộc. Trong khi đó, VPBank cũng đang trong quá trình lấy ý kiến cơ quan quản lý nhà nước về việc nhận chuyển giao bắt buộc một ngân hàng yếu kém. Các ngân hàng chuyển giao bắt buộc lần lượt là: CB, OceanBank, DongABank và GPBank.
Như vậy, nếu dự thảo Nghị định trên được thông qua, MB, HDBank và VPBank có thể sẽ được nới room vốn ngoại lên tới 49%.
Riêng với nhóm ngân hàng có vốn nhà nước, dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 01/2014/NĐ-CP quy định, đối với tổ chức tín dụng có tỷ lệ sở hữu của Nhà nước trên 50% vốn điều lệ, phương án tăng vốn điều lệ thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý tài chính của doanh nghiệp nhà nước trước khi trình Đại hội đồng cổ đông thông qua.
Cách đây 2 ngày, Phó thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái ký Quyết định 1479/QĐ-TTg ngày 29/11/2022 phê duyệt Kế hoạch sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước giai đoạn 2022 - 2025. Trong đó, Agribank nằm trong danh sách cổ phần hóa giai đoạn này, tỷ lệ vốn Nhà nước dự kiến nắm giữ sau cổ phần hóa là trên 65%. Đối với VietinBank, Nhà nước tiếp tục duy trì tỷ lệ cổ phần nắm giữ là 64,46%.
Đối với 2 ngân hàng là BIDV và Vietcombank, Chính phủ sẽ thực hiện theo Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025” nêu tại Quyết định số 689/QĐ-TTg ngày 08/06/2022 của Thủ tướng Chính phủ và “Chiến lược phát triển ngành ngân hàng Việt Nam đến 2025, định hướng đến 2030" nêu tại Quyết định số 986/QĐ-TTg ngày 08/08/2018 của Thủ tướng Chính phủ, trong đó nêu rõ kế hoạch sắp xếp và tỷ lệ vốn dự kiến Nhà nước nắm giữ tại 2 ngân hàng.
Tính đến thời điểm hiện tại, Nhà nước đang nắm giữ 80,9% vốn tại BIDV và 74,8% vốn tại Vietcombank.
Góp phần nâng cao năng lực tài chính, hoạt động an toàn, hiệu quả
Đánh giá về lợi ích việc nới room ngoại, TS. Cấn Văn Lực - chuyên gia kinh tế cho biết, việc các ngân hàng thương mại phải tiếp tục nhu cầu tăng vốn chủ sở hữu, đáp ứng tiêu chuẩn Basel II (các quy định do Ủy ban Basel về giám sát ngân hàng đưa ra dưới dạng hiệp ước và khuyến cáo các ngân hàng tuân thủ để tránh rủi ro tín dụng) và tới đây là Basel III, đặc biệt là trong bối cảnh hệ số an toàn vốn (CAR) của Việt Nam còn thấp hơn so với khu vực, thì yêu cầu cần nâng tỷ lệ giới hạn tỷ lệ sở hữu cho nhà đầu tư nước ngoài càng đặt ra cấp thiết. Điều này sẽ tạo thêm nhiều cơ hội cho các ngân hàng thương mại có thể tìm kiếm các đối tác chiến lược, góp phần thực hiện mục tiêu tăng vốn trong thời gian tới.
Ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Nghiên cứu tổng hợp CIEM cho rằng, việc tăng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư ngoại là sự cam kết lâu dài và chuyển giao kinh nghiệm, năng lực của các cổ đông chiến lược. Nhờ đó, góp phần nâng cao năng lực tài chính hoạt động an toàn, ổn định và có hiệu quả hơn cho các tổ chức tài chính trong thời gian qua.
Đồng quan điểm trên, TS Nguyễn Quốc Hùng - Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho rằng, việc tham gia của nhà đầu tư nước ngoài trong những năm qua đã mang lại những thay đổi tích cực về tài chính, công nghệ, quản trị và điều hành tại các tổ chức tín dụng theo hướng tiếp cận gần hơn với các thông lệ, chuẩn mực quốc tế. Do đó ông Hùng cho rằng việc tăng giới hạn tỷ lệ sở hữu nước ngoài là cần thiết.
"Nới room sẽ thu hút dòng vốn của nhà đầu tư nước ngoài, giúp các ngân hàng thương mại tăng quy mô vốn chủ sở hữu, tăng năng lực tài chính, năng lực cạnh tranh, đẩy nhanh tiến trình xử lý nợ xấu, góp phần tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội" - ông Hùng cho biết.
Ngân Thương