Ngân hàng Nhà nước cho biết, tại Pháp lệnh Ngoại hối (đã được sửa đổi bổ sung), Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua quy định thận trọng, theo đó, việc tổ chức kinh tế cho vay ra nước ngoài, bảo lãnh cho người không cư trú phải được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận. Quy định này tại Pháp lệnh Ngoại hối thể hiện rõ chủ trương “quản lý chặt chẽ, thận trọng” hoạt động cho vay ra nước ngoài, bảo lãnh cho người không cư trú của tổ chức kinh tế, phù hợp với bối cảnh nền kinh tế nước ta còn nhiều khó khăn, hạn chế về nguồn vốn đầu tư, tập trung vốn cho phát triển sản xuất kinh doanh trong nước, đảm bảo mục tiêu tăng trưởng.
Ngoài ra, chủ trương này còn phù hợp với lộ trình tự do hóa dòng vốn một cách thận trọng, theo định hướng của Chính phủ cũng như theo khuyến nghị của IMF, phòng tránh các nguy cơ, rủi ro có thể phát sinh.
Do đó, mục tiêu quan trọng đối với việc xây dựng Quyết định này thiết lập quy trình xem xét thận trọng, chặt chẽ đối với các đề nghị cho vay ra nước ngoài, bảo lãnh cho người không cư trú, đảm bảo xem xét toàn diện các lĩnh vực quản lý nhà nước có liên quan và đảm bảo các nguyên tắc quản lý thận trọng nói trên.
Với mục tiêu quản lý trên, dự thảo quy định cụ thể về thẩm quyền chấp thuận cho Tổ chức kinh tế cho vay ra nước ngoài, bảo lãnh cho người không cư trú.
Theo đó, Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận về nguyên tắc đối với đề nghị của Tổ chức kinh tế về việc:
a) Cho vay ra nước ngoài, bảo lãnh cho người không cư trú không gắn với các dự án đầu tư ra nước ngoài; Việc cho vay ra nước ngoài, bảo lãnh cho người không cư trú gắn với các dự án đầu tư ra nước ngoài thuộc diện phải chấp thuận chủ trương đầu tư ra nước ngoài (bao gồm cả trường hợp tăng hạn mức cho vay ra nước ngoài, hạn mức bảo lãnh cho người không cư trú làm tăng quy mô dự án đầu tư ra nước ngoài dẫn đến việc dự án đầu tư thuộc diện phải được chấp thuận chủ trương đầu tư ra nước ngoài).
Các nội dung chính được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận về nguyên tắc bao gồm: Bên đi vay, Bên được bảo lãnh; Hạn mức cho vay, bảo lãnh.
b) Thay đổi Bên đi vay, Bên được bảo lãnh; tăng hạn mức cho vay, tăng hạn mức bảo lãnh của khoản cho vay ra nước ngoài, khoản bảo lãnh cho người không cư trú ban đầu đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận nguyên tắc.
Dự thảo cũng nêu rõ, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan xem xét, chấp thuận việc Tổ chức kinh tế cho vay ra nước ngoài, bảo lãnh cho người không cư trú gắn với dự án đầu tư ra nước ngoài không thuộc diện phải chấp thuận chủ trương đầu tư theo quy định. Nội dung chính được Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư chấp thuận về nguyên tắc bao gồm hạn mức cho vay, hạn mức bảo lãnh.
Các Bộ, cơ quan ngang Bộ và các cơ quan khác tham gia thẩm định đề nghị cho vay ra nước ngoài, bảo lãnh cho người không cư trú của Tổ chức kinh tế trong phạm vi lĩnh vực quản lý nhà nước theo quy định và chịu trách nhiệm về nội dung thẩm định thuộc chức năng, nhiệm vụ của mình.
Trình tự, thủ tục chấp thuận việc cho vay ra nước ngoài
Theo dự thảo, trình tự, thủ tục chấp thuận việc cho vay ra nước ngoài, bảo lãnh cho người không cư trú của Tổ chức kinh tế không gắn với dự án đầu tư ra nước ngoài như sau:
1. Tổ chức kinh tế lập 04 bộ hồ sơ (trong đó có 01 bộ hồ sơ gốc) đề nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận cho vay ra nước ngoài, bảo lãnh cho người không cư trú và gửi hồ sơ qua đường bưu điện hoặc nộp trực tiếp tại Cơ quan đầu mối (Ngân hàng Nhà nước).
2. Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ: Trường hợp các thành phần hồ sơ của Tổ chức kinh tế chưa đầy đủ, hợp lệ, Ngân hàng Nhà nước có văn bản yêu cầu bổ sung, cung cấp thông tin và tài liệu có liên quan; trường hợp hồ sơ đầy đủ, hợp lệ, Ngân hàng Nhà nước gửi hồ sơ của Tổ chức kinh tế đến các Bộ ngành, cơ quan có liên quan (gọi là "Cơ quan phối hợp") đề nghị tham gia ý kiến thẩm định.
3. Trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản lấy ý kiến hoặc kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ, hợp lệ, Cơ quan phối hợp có ý kiến thẩm định bằng văn bản về những nội dung thuộc phạm vi quản lý nhà nước của mình và nội dung được phân công gửi Ngân hàng Nhà nước theo quy định.
4. Trong thời hạn 30 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đầy đủ ý kiến thẩm định của các Cơ quan phối hợp và các hồ sơ giải trình, bổ sung có liên quan, Ngân hàng Nhà nước tổ chức thẩm định, lập báo cáo thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định theo thẩm quyền.
5. Trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận được báo cáo thẩm định của Ngân hàng Nhà nước, Thủ tướng Chính phủ thông báo cho Ngân hàng Nhà nước ý kiến chấp thuận hoặc không chấp thuận việc Tổ chức kinh tế cho vay ra nước ngoài, bảo lãnh cho người không cư trú không gắn với dự án đầu tư ra nước ngoài.
6. Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được ý kiến của Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước có văn bản thông báo cho Tổ chức kinh tế ý kiến chấp thuận hoặc không chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ đối với đề nghị cho vay ra nước ngoài, bảo lãnh cho người không cư trú không gắn với dự án đầu tư ra nước ngoài của tổ chức kinh tế, đồng thời sao gửi các Cơ quan phối hợp để nắm thông tin, phối hợp quản lý.
7. Trường hợp cần bổ sung, làm rõ thông tin tại hồ sơ theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước chủ trì, phối hợp với Cơ quan phối hợp theo quy trình bổ sung hồ sơ quy định để nghiên cứu, triển khai chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
8. Khi được yêu cầu bổ sung, làm rõ thông tin tại hồ sơ theo đúng quy định của pháp luật, Tổ chức kinh tế có trách nhiệm cung cấp thông tin trong thời hạn 3 tháng kể từ ngày nhận được văn bản yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước hoặc các Cơ quan phối hợp. Quá thời hạn nêu trên mà không nhận được hồ sơ bổ sung của Tổ chức kinh tế, Ngân hàng Nhà nước thông báo việc chấm dứt xem xét đề nghị của Tổ chức kinh tế về việc cho vay ra nước ngoài, bảo lãnh cho người không cư trú.
Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.
Ngô Hải
Theo Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ