ĐHĐCĐ HBC 2023: Ông Lê Viết Hải rút đơn từ nhiệm, mục tiêu lãi 125 tỷ đồng sau năm lỗ 'đau đớn'

28/02/2023 - 17:38
(Bankviet.com) Công ty CP Tập đoàn Xây dựng Hoà Bình (HOSE: HBC) công bố loạt quyết định của HĐQT về vấn đề nhân sự, kế hoạch kinh doanh và đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2023.

Quý IV 'đổ nát' của Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình: Thượng tầng lục đục, lỗ kỷ lục nghìn tỷ đồng

Ngày 26/4 tới đây, HBC dự kiến sẽ tổ chức ĐHĐCĐ năm 2023, ngày đăng ký cuối cùng để chốt danh sách cổ đông tham dự họp là ngày 24/3 trước đó.

Sau năm 2022 làm ăn tồi tệ, năm 2023, HBC đặt kế hoạch kinh doanh có phần khiêm tốn với doanh thu 12.500 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 125 tỷ đồng - tương đương với mục tiêu năm 2020.

HBC
Sau năm 2022 thua lỗ, năm 2023 HBC quyết tâm có lãi trở lại. Ảnh minh hoạ

Đáng chú ý, tại các quyết định của HĐQT mà HBC vừa công bố, công ty thông qua việc rút đơn từ nhiệm chức danh Chủ tịch HĐQT và tư cách thành viên HĐQT HBC của ông Lê Viết Hải.

Trước đó, HĐQT HBC đã có nghị quyết chấp thuận đơn xin từ nhiệm chức vụ Thành viên HĐQT độc lập của ông Nguyễn Công Phú kể từ ngày 13/2/2023. Dự kiến, đơn từ nhiệm của ông Phú cũng sẽ được xem xét thông qua tại ĐHĐCĐ năm 2023 của HBC.

HĐQT HBC cũng chấp thuận việc ông Nguyễn Công Phú ủy quyền cho Chủ tịch HĐQT HBC là ông Lê Viết Hải tham dự, thảo luận, biểu quyết tại tất cả cuộc họp, lấy ý kiến biểu quyết bằng văn bản hoặc hình thức khác liên quan đến HĐQT HBC.

Có thể nói năm 2022 là năm khó quên với HBC khi nổ ra “cuộc chiến cung đình” gây xôn xao dư luận giữa ông Lê Viết Hải (đương kim chủ tịch HĐQT) và các thành viên HĐQT khác xung quanh việc ai sẽ là chủ tịch HĐQT giai đoạn tiếp theo và lần đầu tiên chịu lỗ "đau đớn". Cụ thể, năm 2022, HBC lỗ trước thuế 1.077 tỷ đồng dù doanh thu tăng trưởng 24% so với năm trước, đạt 14.122 tỷ đồng.

Sự “thất bại” này bắt nguồn từ quý IV khi HBC kinh doanh dưới giá vốn, dẫn đến khoản lỗ gộp 426 tỷ đồng. Đã vậy, doanh thu tài chính âm 112 tỷ đồng trong khi các loại chi phí tăng cực mạnh đã khiến doanh nghiệp lỗ thuần từ hoạt động kinh doanh 1.214 tỷ đồng; lỗ sau thuế 1.202 tỷ đồng. Quý IV “tan nát” đã thổi bay thành quả ba quý trước của “ông lớn” xây dựng này.

Không chỉ vậy, chất lượng tài sản của HBC cũng xấu đi trông thấy. Vào thời điểm kết thúc năm 2022, các khoản phải thu đã tăng thêm 5% lên 12.212 tỷ đồng, chiếm tới 72% tổng tài sản; trong đó khoản dự phòng phải thu ngắn hạn khó đòi đạt tới 774 tỷ đồng, tăng gấp đôi so với đầu năm. Chính sự tăng lên chóng mặt của các khoản phải thu đã khiến dòng tiền kinh doanh năm 2022 của HBC âm tới 884 tỷ đồng.

Để bù đắp dòng tiền, HBC đã phải đẩy mạnh vay mượn, khiến dòng tiền vay/trả trong năm đạt tới 10.788 tỷ đồng/9.754 tỷ đồng, lần lượt tăng 10% và giảm 0,7% so với đầu năm. Đây chính là nguyên nhân chủ yếu khiến nợ vay của HBC cán mốc 6.130 tỷ đồng, tăng 20%; góp phần quan trọng khiến tổng nợ phải trả tăng thêm 14% lên 14.283 tỷ đồng, cao chưa từng có, gấp tới 5,4 lần vốn chủ sở hữu (tăng vọt so với mức 3,08 lần hồi đầu năm).

Thảo Nguyên

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán