Theo báo cáo đánh giá của Công ty Chứng khoán VNDirect, lợi nhuận của Ngân hàng TMCP Tiên Phong (HOSE: TPB) trong quý IV/2022 tăng 15,5% nhờ tăng trưởng tín dụng ổn định và chi phí dự phòng giảm. Tín dụng tăng 14,3% so với đầu năm vào cuối 2022, trong đó cho vay bán lẻ tăng 23% (chiếm 58,3% dư nợ). Đáng chú ý, nhờ bộ đệm dự phòng dày sẵn có trước đó, TPB đã có ít áp lực hơn trong việc trích lập thêm dự phòng trong năm 2023, khi chi phí dự phòng quý IV/2022 giảm 79,5%. Lợi nhuận ròng năm 2022 của TPB đạt 6.262 tỷ đồng tăng 29,6% hoàn thành 103,7%.
Theo đánh giá của các chuyên gia, việc NHNN tăng mạnh lãi suất điều hành sẽ tác động tiêu cực đến NIM của các ngân hàng khi chi phí vốn tăng, trong khi lãi suất cho vay khó có thể theo kịp. Bên cạnh đó, thị trường bất động sản (BĐS) và trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) tiếp tục khó khăn sẽ tác động xấu lên chất lượng tài sản cũng như là thanh khoản của các ngân hàng. Nhìn chung, chính sách tiền tệ thắt chặt và những bất ổn vĩ mô sẽ ảnh hưởng lên triển vọng ngành ngân hàng trong năm 2023 khi tăng trưởng tín dụng chậm lại, NIM thu hẹp và chi phí tín dụng tăng. Theo đó, tăng trưởng lợi nhuận ròng của TPB sẽ chậm lại…
Trước những khó khăn của ngành, tăng trưởng lợi nhuận ròng của TPB sẽ chậm lại trong năm 2023-2024 và đạt 16-18% so với cùng kỳ do tăng trưởng tín dụng chậm lại, NIM thu hẹp và tỷ lệ chi phí tín dụng tăng. Về dài hạn, TPB vẫn là một trong những ngân hàng dẫn đầu xu hướng ngân hàng bán lẻ tại Việt Nam nhờ vào lợi thế cạnh tranh rõ rệt khi tiên phong trong chuyển đổi số thông qua thủ tục cho vay đơn giản và tinh gọn. Hơn nữa, chất lượng tài sản tốt và hệ số an toàn vốn cao (CAR 2022: 13%) sẽ là bộ đệm vững chắc cho ngân hàng trong việc tăng trưởng vào những năm tới.
Về cơ cấu tài sản sinh lời của TPB: Tài sản sinh lời của TPB tăng 11,1% so với cùng kỳ trong năm 2022. Trong đó cho vay khách hàng tăng 14%; Cho vay liên ngân hàng chiếm tỷ trọng khá lớn trong danh mục tài sản của TPB. TPB là một trong những ngân hàng hoạt động mạnh trên thị trường liên ngân hàng và TPB gần như chuyển sang là một bên cho vay ròng trên thị trường này trong thời điểm quý IV/2022 vừa qua.
Về tăng trưởng tín dụng của TPB: Tăng trưởng cho vay được dẫn dắt bởi mảng cho vay bán lẻ tăng 23,1% so với cùng kỳ, chiếm 58% tổng dư nợ. Cho vay mua nhà vẫn là mảng chính trong lĩnh vực này của TPB. Tăng trưởng tín dụng của TPB đạt 14,3% so với đầu năm tính đến cuối 2022. Tuy nhiên, đà tăng trưởng tín dụng đã chậm lại rõ rệt, kể từ nửa sau 2022, khi nửa đầu năm 2022 TPB đã ghi nhận mức tăng là 9,5% .
Về cơ cấu huy động của TPB: Do căng thẳng thanh khoản trong hệ thống, danh mục vay liên ngân hàng của TPB giảm khá mạnh 15,5% so với cùng kỳ. Tăng trưởng tiền gửi khách hàng đạt 39,7% (chiếm 67% tổng huy động), so với mức tăng 10,1% của tổng huy động, sau sự kiện “đồng loạt rút tiền” của SCB vào tháng 10/2022. Phân tích cho rằng sự kiện này đã "giúp" ngân hàng cải thiện thanh khoản của mình khi tỷ lệ LDR ghi nhận thấp: 58,8% (mức trần quy định của ngành là 85%).
Tiền gửi có kỳ hạn góp tỷ trọng lớn trong tổng tiền gửi khách hàng (tăng 49%), do lãi suất huy động tăng cao ở tất cả các kỳ hạn đã giúp thu hút được nguồn tiền gửi dân cư. Trong khi đó, CASA giảm còn 18% (từ 23% cuối 2021) do khách hàng rút tiền nhàn rỗi để chuyển sang gửi có kỳ hạn với lãi suất cao và tài trợ cho hoạt động kinh doanh trong bối cảnh tín dụng hạn chế. VNDirect cho rằng dòng tiền CASA này sẽ không sớm quay trở lại.
Năm 2023 HĐQT TPB thông qua kế hoạch chia tổ tức bằng tiền mặt là 2.500đ/cp và chốt danh sách chia cổ tức vào đầu tháng 03/2023.
Hiện tại, định giá của TPB đang ở mức 0,98 lần P/B 2023 (tương đương -2 độ lệch chuẩn trung bình 3 năm), dù sức khỏe nội tại và tiềm năng tăng trưởng của ngân hàng vẫn duy trì tốt trong dài hạn.
Dựa trên những đánh giá này, VNDirect khuyến nghị khả quan với giá mục tiêu cho cổ phiếu TPB là 31.000đ/cp. Việc thị trường điều chỉnh mạnh trong thời gian vừa qua đã đưa mức định giá của TPB về vùng rất hấp dẫn. Hiện tại, định giá của TPB chỉ đang ở mức 0,98 lần P/B 2023 (tương đương -2 độ lệch chuẩn trung bình 3 năm), dù sức khỏe nội tại và tiềm năng tăng trưởng của ngân hàng vẫn duy trì tốt trong dài hạn. Vì vậy, theo CTCK, những rủi ro nói trên đã phần nào được phản ánh.
Giá mục tiêu dựa trên sự kết hợp phương pháp P/B 2023 1,2 lần và phương pháp định giá thu nhập thặng dư. Đóng cửa phiên giao dịch ngày 17/02 cổ phiếu TPB có giá 23.850 đồng/cp , nhà đầu tư có thể tiếp tục nắm giữ cổ phiếu TPB để đạt giá mục tiêu dài hạn…
Diễn biến giá cổ phiếu TPB trong vòng 2 tháng trở lại đây (Nguồn: TradingView) |
Nguyên Nam