Bộ Y tế yêu cầu giám sát phát hiện sớm, xử lý triệt để ổ dịch Sởi TP. Hồ Chí Minh đã đủ điều kiện công bố dịch sởi? Có 3 ca trẻ em tử vong, TP. Hồ Chí Minh công bố dịch sởi |
Ngày 29/8, đoàn công tác Bộ Y tế do Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương làm trưởng đoàn đã kiểm tra hoạt động phòng chống dịch sởi tại Bệnh viện Nhi đồng 1 TP. Hồ Chí Minh. Đây là địa phương vừa chính thức công bố dịch sởi vào ngày 27/8.
Ca sởi tăng dồn dập từ đầu tháng 8
Tính từ đầu năm tới ngày 25/8, TP. Hồ Chí Minh đã có 525 ca sốt phát ban nghi sởi. Trong đó, có 209 ca dương tính (39,8%), 164 ca không lấy mẫu (31,2%), 2 ca có kết quả xét nghiệm không xác định (0,4%), 23 ca chưa có kết quả (4,4%) và 127 ca âm tính (24,2%).
Riêng tại Bệnh viện Nhi đồng 1, TS.BS Ngô Ngọc Quang Minh - Phó Giám đốc bệnh viện cho biết, trong tháng 8 đã tiếp nhận 368 ca nhiễm sởi điều trị nội trú, trong đó, có 42 ca nằm hồi sức nhiễm.
Thứ trưởng Bộ Y tế kiểm tra công tác sàng lọc và phân luồng điều trị bệnh sởi. Ảnh: P.T. |
Về phân bố khu vực, có 126 trường hợp bệnh nhi sởi nhập Bệnh viện Nhi đồng 1 thời gian qua là trẻ ở TP. Hồ Chí Minh, còn lại từ các tỉnh khác đến (chiếm hơn 65%). Về độ tuổi, có 130 ca là trẻ 12-60 tháng tuổi (35,5%), 115 ca dưới 9 tháng tuổi (chiếm hơn 31%), bệnh nhi là trường hợp trên 60 tháng tuổi chiếm 10%. 92 trẻ có bệnh nền.
"Một điều đáng lo là tỷ lệ trẻ mắc sởi mức độ nặng tiêm đủ 2 mũi vaccine là 0%, tỷ lệ chưa chích ngừa ở nhóm này là gần 85%. 50% trẻ bị nặng là dưới 1 tuổi. Bệnh viện đang cố gắng điều trị và chưa có ca không qua khỏi do sởi", bác sĩ Minh nói.
Với ca bệnh rất nặng, bệnh viện đã dồn toàn lực điều trị. Một số trẻ phải thở máy thông số cao và được cứu sống.
Đơn cử là bé gái 9 tháng tuổi được chẩn đoán sởi biến chứng viêm phổi rất nặng, trên bệnh nền xơ gan, chưa tiêm vaccine phòng sởi. Trẻ phải nằm hồi sức thở máy, dùng kháng sinh 11 ngày. Hiện bé cai máy thở, ổn định và xuất viện hoàn toàn khỏe mạnh.
Đáng lo ngại, TS.BS Ngô Ngọc Quang Minh cho biết, hiện nay, Bệnh viện Nhi đồng 1 không còn thuốc cấp cứu Dopamin - một loại thuốc rất quan trọng trong hồi sức cấp cứu, điều trị tay chân miệng và sốt xuất huyết. Bệnh viện đã phải họp bàn tìm thuốc thay thế nhưng hiệu quả điều trị không đạt 100%. Do vậy, Bệnh viện Nhi đồng 1 đề nghị Bộ Y tế hỗ trợ đảm bảo nguồn cung ổn định về vật tư, thuốc chống dịch (IVIG) cũng như thuốc cấp cứu (Dopamin...); sớm cập nhật phác đồ điều trị sởi và cần cụ thể hơn một số nội dung đáp ứng thực tế lâm sàng.
Ngoài ra, Bệnh viện Nhi đồng 1 kiến nghị cần có giải pháp tăng cường năng lực của tuyến trước, hạn chế chuyển bệnh lên tuyến trên.
Quang cảnh buổi làm việc của Bộ Y tế tại Bệnh viện Nhi đồng 1 TP. Hồ Chí Minh |
Lo ngại bệnh viện TP. Hồ Chí Minh thành "trung tâm phân phối sởi"
Phản hồi các ý kiến từ Bệnh viện Nhi đồng 1, ông Nguyễn Trọng Khoa - Phó Cục trưởng, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) đồng tình với đề xuất về việc cần cập nhật các phác đồ mới, cũng như đáp ứng đầy đủ việc cung ứng các loại thuốc điều trị.
Ông cũng đề nghị cần đảm bảo công tác "đánh chặn từ xa", để hạn chế việc chuyển bệnh từ tuyến dưới lên tuyến trên, gây áp lực cho tuyến cuối.
Về phòng bệnh, ông Khoa khẳng định, tốt nhất vẫn là tiêm vaccine. "Chúng ta cố gắng kiểm soát số ca mắc, không để tử vong. Đó là mục tiêu của điều trị", ông Khoa nói.
Theo ông Lê Việt Dũng - Phó Cục trưởng, Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế), hiện nay thuốc IVIG trong kho dự trữ có gần 50.000 lọ, vitamin A gần 3 triệu lọ. Riêng Dopamin, Việt Nam hiện có 6 số đăng ký (trong đó có 3 số còn hiệu lực).
Gần đây, có tình trạng một công ty phải hủy hàng chục nghìn lọ Dopamin vào tháng 8 vì hết hạn sử dụng. Trong tháng 9, công ty trên sẽ nhập tiếp 30.000 lọ. Nếu bệnh viện cần cung ứng, Cục Quản lý Dược sẽ hỗ trợ để tiếp cận các nguồn thuốc Dopamin.
Qua kiểm tra công tác phòng chống dịch sởi, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương đánh giá cao sự chủ động của ngành y tế TP. Hồ Chí Minh, nhanh chóng nhận định tình hình và công bố dịch khi số ca mắc tăng nhanh. Điều này giúp tập trung tất cả nguồn lực, cơ sở vật chất, ngân sách cho việc dập dịch kịp thời.
Trong giai đoạn này, TP. Hồ Chí Minh ưu tiên tiêm vaccine sởi cho trẻ từ 1-5 tuổi, nhưng thời gian tới phải mở rộng ra tiêm vaccine cho trẻ đến 10 tuổi, chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ mũi và nhân viên y tế có nguy cơ nhiễm bệnh.
Thứ trưởng Bộ Y tế cũng cho biết đã có trường hợp lây nhiễm từ TP. Hồ Chí Minh về các tỉnh. Vì vậy, Bộ Y tế đề nghị TP. Hồ Chí Minh thông tin thường xuyên với các tỉnh lân cận về những ca bệnh đang sinh sống tại tỉnh đó. Bộ Y tế đã gửi công văn đến các tỉnh lân cận để phối hợp phòng chống dịch với TP. Hồ Chí Minh, phòng trường hợp ca nhiễm di chuyển đến các địa phương.
"Trong trường hợp thiếu thuốc điều trị, chúng tôi yêu cầu bệnh viện chủ động báo ngay về Cục quản lý Dược để nhận được sự hỗ trợ, chia sẻ thông tin nhà cung cấp. Không đợi đến khi đoàn của Bộ vào đến nơi mới báo cáo", Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương nhấn mạnh.