Diễn biến lạ tại công ty chứng khoán sàn UPCoM, Sacombank muốn đi lại nước cờ cũ?
Sacombank bất ngờ hé lộ kế hoạch mua lại một công ty chứng khoán để mở rộng sang mảng ngân hàng đầu tư. Thương vụ tiềm năng này không khỏi khiến giới đầu tư râm ran đồn đoán: Liệu “người cũ” SBS có là cái tên được chọn?
Trong bối cảnh thị trường tài chính đang bước vào giai đoạn tái định hình cấu trúc, việc các ngân hàng tìm cách mở rộng hệ sinh thái dịch vụ tài chính thông qua việc sở hữu công ty chứng khoán đang trở thành xu hướng rõ rệt. Một động thái mới đây từ Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank - HOSE: STB) đang thu hút sự chú ý đặc biệt của giới đầu tư.

Theo tài liệu bổ sung cho Đại hội đồng cổ đông thường niên 2025, Sacombank đã trình cổ đông chủ trương góp vốn hoặc mua cổ phần tại một công ty chứng khoán để đưa đơn vị này trở thành công ty con của ngân hàng, với tỷ lệ sở hữu vượt mức 50%. Tổng giá trị đầu tư cho thương vụ này có thể lên đến 1.500 tỷ đồng.
Sacombank cho biết, động thái này nhằm gia tăng năng lực cạnh tranh, mở rộng nguồn thu dịch vụ và đáp ứng nhu cầu tài chính toàn diện của khách hàng cá nhân và doanh nghiệp cao cấp. Ngân hàng cũng nhấn mạnh rằng hoạt động ngân hàng đầu tư đang là xu hướng mang lại nguồn thu lớn trong hệ thống tài chính quốc tế và Việt Nam, và sở hữu công ty chứng khoán là bước đi tất yếu để bắt kịp xu thế.
Tuy chưa chính thức công bố tên đơn vị mục tiêu, nhưng nhiều đồn đoán trên thị trường cho rằng Sacombank có thể đang nhắm tới Công ty CP Chứng khoán SBS (UPCoM: SBS), khi ngân hàng hiện đang là cổ đông lớn nhất tại đây với tỷ lệ sở hữu gần 13,8%. Sacombank từng là cổ đông sáng lập và là công ty mẹ của SBS. Tuy nhiên, kể từ năm 2011, Sacombank đã không còn là công ty mẹ của SBS.

SBS có vốn điều lệ gần 1.500 tỷ đồng, mức vốn khiêm tốn so với các công ty đầu ngành. Đáng chú ý, trong phiên giao dịch ngày 22/4, cổ phiếu SBS bất ngờ tăng trần lên 5.000 đồng/cp với thanh khoản đột biến hơn 9 triệu đơn vị, cao gấp nhiều lần so với các phiên trước đó. SBS cũng đã trải qua 5 phiên liên tiếp "đứng giá" trước phiên bùng nổ hôm nay.
Đáng nói hơn nữa, diễn biến của cổ phiếu SBS càng thêm bất ngờ khi công ty vừa công bố khoản lỗ gần 45 tỷ đồng trong quý I/2025. Điều này củng cố nghi ngờ về khả năng có sự liên quan giữa kế hoạch M&A của Sacombank và diễn biến giá cổ phiếu SBS.
Công ty chứng khoán này hiện cũng đang gặp nhiều khó khăn trong hoạt động kinh doanh. Doanh thu hoạt động quý I giảm 46% còn 18 tỷ đồng, trong khi chi phí hoạt động lại tăng 30%, lên 41,5 tỷ đồng. Lỗ tài sản tài chính ghi nhận qua lãi/lỗ (FVTPL) tăng 64% lên 34 tỷ đồng. Mặc dù chi phí quản lý giảm gần 50% xuống còn 16,2 tỷ đồng, nhưng vẫn không đủ bù đắp cho mức thua lỗ.
Tuy nhiên, việc Sacombank đề xuất thương vụ thâu tóm có thể mang đến kỳ vọng hồi sinh cho SBS nếu được đầu tư và định hướng phát triển rõ ràng hơn. Không những vậy, giới đầu tư cũng tin rằng một thương vụ thâu tóm, nếu diễn ra, sẽ giúp Sacombank nhanh chóng thiết lập nền tảng cho mảng ngân hàng đầu tư, vốn đang được các ngân hàng khác ráo riết đẩy mạnh.
Điển hình là MSB – tại ĐHCĐ ngày 21/4 đã thông qua kế hoạch mua lại công ty chứng khoán và công ty quản lý quỹ để mở rộng lĩnh vực quản lý tài sản. SeABank cũng lên kế hoạch trình cổ đông chủ trương mua lại toàn bộ CTCK ASEAN trong phiên họp ngày 25/4 tới.
Thực tế, làn sóng các ngân hàng mở rộng sang lĩnh vực chứng khoán không còn mới. VPBank là một trong những ngân hàng tiên phong khi mua lại Công ty Chứng khoán ASC năm 2022, đổi tên thành VPBankS và nhanh chóng tăng vốn lên 15.000 tỷ đồng. ACB tiếp tục nâng vốn cho ACBS lên 10.000 tỷ đồng, dù từng cân nhắc bán vốn cho nhà đầu tư nước ngoài. TPBank thì hoàn tất mua lại Công ty Quản lý quỹ Việt Cát, trong khi Techcombank, MB, Vietcombank, Agribank... đều đã có những công ty chứng khoán con với quy mô đáng kể.
Vì sao ngân hàng muốn sở hữu công ty chứng khoán?
Trao đổi với Tạp chí điện tử Kinh tế Chứng khoán Việt Nam, một chuyên gia tài chính cho rằng xu hướng các ngân hàng thâu tóm hoặc thành lập công ty chứng khoán là điều tất yếu trong hành trình hoàn thiện hệ sinh thái tài chính.
"Sở hữu một công ty chứng khoán giúp ngân hàng đa dạng hóa nguồn thu, đặc biệt là từ phí dịch vụ. Quan trọng hơn, nó giúp ngân hàng có kênh để cung cấp sản phẩm đầu tư, tư vấn tài chính cá nhân, tư vấn M&A, bảo lãnh phát hành – những mảng đang bùng nổ tại Việt Nam", vị này nói.
Chuyên gia cũng cho rằng việc ngân hàng làm chủ công ty chứng khoán sẽ tận dụng được dữ liệu khách hàng, hệ thống công nghệ và nền tảng số đã có sẵn để phục vụ thêm dịch vụ đầu tư – một hướng đi phù hợp trong thời đại chuyển đổi số. Bên cạnh đó, trong điều kiện biên lợi nhuận từ tín dụng ngày càng thu hẹp, việc mở rộng sang lĩnh vực chứng khoán giúp ngân hàng giảm phụ thuộc vào mảng tín dụng truyền thống.
"Chưa kể, điều này còn giúp ngân hàng gia tăng khả năng cạnh tranh khi phục vụ các khách hàng cao cấp, vốn ngày càng đòi hỏi giải pháp tài chính toàn diện hơn", vị chuyên gia nói thêm.
Tuy nhiên, ông cũng cảnh báo rằng việc mua lại công ty chứng khoán gặp khó khăn tài chính như SBS sẽ đòi hỏi một chiến lược tái cấu trúc toàn diện, cũng như sự chuẩn bị kỹ lưỡng về nguồn lực nhân sự, vốn và định hướng dài hạn.
Với các nhà đầu tư, dù triển vọng thương vụ đang thu hút sự chú ý, nhà đầu tư cũng cần thận trọng bởi kế hoạch mua lại công ty chứng khoán của Sacombank hiện mới chỉ dừng ở tờ trình và chưa có thông tin chính thức về đối tượng cụ thể hay thời gian thực hiện.