Định hình luật chơi mới cho thương mại điện tử Việt Nam

11/04/2025 - 23:28
(Bankviet.com) Trong bối cảnh thương mại điện tử bùng nổ và trở thành trụ cột của nền kinh tế số, Việt Nam đang đứng trước yêu cầu cấp bách phải xây dựng một khung pháp lý.
Cách thế giới thay đổi logistics trong thương mại điện tử Cơ hội vươn tầm quốc tế qua thương mại điện tử Chùm ảnh: Bộ Công Thương tổ chức hội nghị tham vấn xây dựng Luật Thương mại điện tử

Trong kỷ nguyên số, thương mại điện tử (TMĐT) đã trở thành động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, thay đổi cách doanh nghiệp kinh doanh và người tiêu dùng tiếp cận hàng hóa, dịch vụ. Với Việt Nam, việc hoàn thiện khung pháp lý cho TMĐT không đơn thuần là một yêu cầu kỹ thuật, mà là bước đi chiến lược để định hình tương lai kinh tế số của quốc gia - nơi luật pháp không chỉ điều chỉnh hành vi, mà còn kiến tạo lòng tin, sự cạnh tranh lành mạnh và đổi mới bền vững.

Quy định hiện hành đã bộc lộ nhiều bất cập

Việt Nam đã có những bước đi sớm trong xây dựng nền tảng pháp lý cho TMĐT. Năm 2005, Việt Nam ban hành Luật Giao dịch điện tử số 51/2005/QH11, đánh dấu bước tiến quan trọng trong việc công nhận giá trị pháp lý của giao dịch điện tử lĩnh vực dân sự, kinh doanh và thương mại. Luật này quy định về việc sử dụng thông điệp dữ liệu, chữ ký điện tử và các nguyên tắc đảm bảo an toàn, bảo mật trong giao dịch điện tử.

đã đề xuất xây dựng Luật Thương mại điện tử mới, dự kiến trình Quốc hội vào cuối năm 2025. Ảnh minh họa
Bộ Công Thương đã đề xuất xây dựng Luật Thương mại điện tử mới, dự kiến trình Quốc hội vào cuối năm 2025. Ảnh minh họa

Năm 2013, Chính phủ ban hành Nghị định 52/2013/NĐ-CP về TMĐT, quy định chi tiết về hoạt động TMĐT, bao gồm nghĩa vụ của thương nhân, tổ chức cung cấp sàn TMĐT, và các biện pháp bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Nghị định này yêu cầu các sàn TMĐT phải công khai thông tin về hàng hóa, dịch vụ, chính sách giao nhận, thanh toán và giải quyết khiếu nại. Tuy nhiên, trước sự phát triển nhanh chóng của các mô hình kinh doanh mới như social commerce, livestream bán hàng, các quy định hiện hành đã bộc lộ nhiều bất cập, như chưa phân loại rõ ràng các loại hình nền tảng và thiếu quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân trong TMĐT.

Trước những thách thức mới, Bộ Công Thương đã đề xuất xây dựng Luật Thương mại điện tử mới, dự kiến trình Quốc hội vào cuối năm 2025. Dự thảo luật này tập trung vào 5 nhóm chính sách lớn: Hoàn thiện khái niệm và mô hình hoạt động; quy định rõ quyền, nghĩa vụ các bên; xác định thẩm quyền quản lý; trách nhiệm của đơn vị cung cấp dịch vụ; và quy định về chứng thực hợp đồng điện tử, phát triển TMĐT bền vững, hiệu quả.

Các vấn đề cốt lõi cần điều chỉnh trong Luật Thương mại điện tử

Thứ nhất, trách nhiệm của sàn TMĐT và nền tảng số: Trong mô hình TMĐT hiện đại, các sàn giao dịch không chỉ là trung gian kỹ thuật mà còn đóng vai trò điều phối thị trường, quản lý thông tin người bán và tạo dựng niềm tin với người tiêu dùng. Chính vì vậy, nhiều quốc gia như EU và Trung Quốc đã áp dụng các quy định pháp lý rất cụ thể nhằm buộc nền tảng phải chịu trách nhiệm với hàng hóa và hành vi kinh doanh trên sàn. Ví dụ, Đạo luật DSA của EU yêu cầu các nền tảng kiểm soát nội dung, xử lý vi phạm và công khai thông tin về nhà bán hàng. Tương tự, Luật TMĐT Trung Quốc (2019) quy định rõ trách nhiệm của các sàn trong việc xác minh danh tính, giám sát hoạt động kinh doanh và hỗ trợ giải quyết tranh chấp.

Tại Việt Nam, Dự thảo Luật TMĐT (2024) đã có bước đi đúng hướng khi đưa vào quy định trách nhiệm cụ thể của đơn vị cung cấp hạ tầng TMĐT, bao gồm việc kiểm soát nội dung vi phạm, minh bạch hóa thông tin người bán và phối hợp với cơ quan chức năng để xử lý gian lận. Tuy nhiên, để phù hợp với thực tiễn thị trường đang đa dạng hóa (sàn B2C, C2C, social commerce, livestream bán hàng...), luật cần phân loại rõ các loại hình nền tảng và thiết kế quy định riêng biệt. Điều này giúp tránh tình trạng “một luật áp cho tất cả” gây khó khăn trong thi hành và quản lý.

Thứ hai, bảo vệ dữ liệu cá nhân và thông tin người dùng: Dữ liệu người dùng là “tài sản cốt lõi” trong nền kinh tế số, nhưng cũng đồng thời là mục tiêu của nhiều vi phạm nghiêm trọng về quyền riêng tư. Tại EU, Quy định Bảo vệ Dữ liệu Chung (GDPR, 2018) là một trong những khung pháp lý toàn diện và nghiêm ngặt nhất, quy định rõ các quyền của người dùng, nghĩa vụ xử lý dữ liệu của tổ chức và chế tài nặng nếu vi phạm. Ở Mỹ, dù không có đạo luật liên bang thống nhất, một số bang như California đã đi đầu với Đạo luật Quyền riêng tư của Người tiêu dùng California (CCPA) cho phép người dân kiểm soát và từ chối việc bán thông tin cá nhân của họ.

Tại Việt Nam, Nghị định 13/2023/NĐ-CP đã bước đầu xây dựng khung pháp lý về bảo vệ dữ liệu cá nhân. Tuy nhiên, vẫn còn thiếu quy định chuyên biệt về dữ liệu trong TMĐT, đặc biệt là dữ liệu giao dịch, thông tin thanh toán, hành vi người dùng... Đây là nhóm dữ liệu “nhạy cảm TMĐT” cần được luật TMĐT xác định rõ ràng. Ngoài ra, Việt Nam cũng cần học hỏi từ GDPR về việc định nghĩa thế nào là “sự đồng ý hợp pháp”, cơ chế cho phép người dùng thu hồi đồng ý, và điều kiện để chia sẻ dữ liệu ra nước ngoài một cách minh bạch và kiểm soát được.

Thứ ba, chữ ký điện tử, hợp đồng điện tử và chứng từ số: Việc công nhận giá trị pháp lý của chữ ký điện tử và hợp đồng điện tử là nền tảng để TMĐT có thể phát triển rộng khắp, đặc biệt là trong môi trường giao dịch xuyên biên giới. Các quốc gia như Hoa Kỳ đã sớm ban hành E-SIGN Act (2000) và UETA, trong khi Ủy ban Luật Thương mại Quốc tế của Liên Hợp Quốc (UNCITRAL) cũng đã đề xuất Luật mẫu về giao dịch điện tử từ năm 1996 và về chữ ký điện tử năm 2001, được nhiều nước như Singapore, Hàn Quốc, Thái Lan áp dụng.

Tại Việt Nam, Luật Giao dịch điện tử sửa đổi (2023) đã có bước tiến lớn khi mở rộng phạm vi áp dụng chữ ký số, công nhận hợp đồng điện tử và chứng từ điện tử. Tuy nhiên, để hỗ trợ thương mại xuyên biên giới, Việt Nam cần xúc tiến cơ chế công nhận lẫn nhau (mutual recognition) với các đối tác thương mại chủ chốt, đặc biệt là ASEAN, EU và Mỹ. Ngoài ra, với sự phát triển của công nghệ blockchain, hợp đồng thông minh và tài liệu số có khả năng chuyển nhượng (ETRs) cũng cần được luật hóa để bắt kịp xu hướng quốc tế.

Thứ tư, giải quyết tranh chấp TMĐT: Khi giao dịch trực tuyến trở nên phổ biến, tranh chấp TMĐT cũng gia tăng nhanh chóng. Tuy nhiên, phần lớn người tiêu dùng không lựa chọn kiện tụng vì chi phí, thời gian và thủ tục phức tạp. Nhiều nước đã triển khai cơ chế giải quyết tranh chấp trực tuyến (ODR) để giảm tải cho tòa án và tạo kênh công lý dễ tiếp cận hơn. EU có cổng ODR châu Âu hỗ trợ giải quyết tranh chấp TMĐT xuyên biên giới từ năm 2016. Singapore thậm chí phát triển tòa án điện tử (e-Court) cho các tranh chấp dân sự TMĐT có giá trị nhỏ.

Tại Việt Nam, hiện chưa có cổng ODR quốc gia tích hợp. Cơ chế khiếu nại trên các sàn như Shopee, Tiki vẫn còn phân tán và chưa có tính ràng buộc pháp lý rõ ràng. Vì vậy, cần khẩn trương xây dựng cổng giải quyết tranh chấp TMĐT quốc gia, có thể tích hợp với các sàn TMĐT lớn. Đồng thời, cần nghiên cứu mô hình trọng tài điện tử, hoặc toà dân sự số dành riêng cho các vụ việc TMĐT có giá trị nhỏ, giúp tăng tính khả thi và công bằng trong giải quyết tranh chấp.

Bài học quốc tế và định hướng cho Việt Nam

Một trong những bài học quan trọng rút ra từ kinh nghiệm quốc tế là sự linh hoạt trong thiết kế luật. Dự thảo Luật TMĐT (2024) của Việt Nam đã bước đầu phân biệt các loại nền tảng theo mô hình hoạt động như B2B, B2C, C2C hay social commerce. Đây là hướng đi tích cực, nhưng cần được cụ thể hóa hơn nữa trong các điều khoản pháp luật, nhằm đảm bảo mỗi loại hình nền tảng được điều chỉnh bằng quy định phù hợp. Tránh tình trạng "một luật áp cho tất cả" – một mặt gây khó khăn cho doanh nghiệp nhỏ, mặt khác lại tạo kẽ hở cho các nền tảng lớn lách luật.

Bên cạnh đó, việc xác lập vai trò điều phối có trách nhiệm của nền tảng TMĐT là hết sức cần thiết. Như trong các mô hình tại EU hay Trung Quốc, nền tảng không chỉ đơn thuần là trung gian kỹ thuật, mà còn là "người gác cổng" có ảnh hưởng lớn đến thị trường. Tuy nhiên, việc quản lý cần đi đôi với thúc đẩy sáng tạo – tức là không nên đặt ra các rào cản pháp lý cứng nhắc khiến doanh nghiệp công nghệ e ngại đổi mới. Cân bằng giữa trách nhiệm và không gian sáng tạo sẽ là yếu tố quyết định sự thành công của bất kỳ khung pháp lý nào trong thời đại số.

Bảo vệ dữ liệu cá nhân là nền tảng để xây dựng niềm tin trong TMĐT. Trong môi trường giao dịch số, nơi mọi hành vi người dùng đều để lại dấu vết, nếu thiếu cơ chế bảo vệ dữ liệu rõ ràng và minh bạch, người tiêu dùng sẽ do dự hoặc từ chối tham gia. Việc hoàn thiện các quy định bảo vệ dữ liệu cá nhân không chỉ đơn thuần là bảo vệ quyền lợi cá nhân, mà còn là điều kiện tiên quyết để hình thành một môi trường TMĐT an toàn và bền vững.

Cuối cùng, luật cần tạo ra không gian thử nghiệm pháp lý (sandbox) dành cho các mô hình kinh doanh mới như livestream TMĐT xuyên biên giới, nền tảng blockchain hay ứng dụng token hóa tài sản. Mô hình này đã chứng minh hiệu quả tại Singapore – nơi nhà nước cho phép doanh nghiệp thử nghiệm sáng tạo trong phạm vi có kiểm soát và đánh giá rủi ro. Nếu không có khung pháp lý thử nghiệm như vậy, các startup công nghệ sẽ buộc phải tìm đến môi trường pháp lý ở nước ngoài để phát triển, làm mất đi cơ hội định hình và phát triển nền tảng đổi mới trong nước.

Luật Thương mại điện tử không nên chỉ là một đạo luật kỹ thuật. Đó phải là “luật nền” cho phát triển kinh tế số Việt Nam - nơi bảo vệ người tiêu dùng là trung tâm, đổi mới sáng tạo là động lực và nền tảng công nghệ là trụ cột. Một khung pháp lý hiện đại, linh hoạt, học hỏi kinh nghiệm quốc tế nhưng phù hợp với đặc thù trong nước, sẽ là đòn bẩy để Việt Nam đi nhanh, đi xa và đi đúng trong kỷ nguyên số.

Thanh Thanh

Theo: Báo Công Thương