"Đến thời điểm hiện tại, chỉ còn khoảng 3% khách hàng được cơ cấu nợ tiếp tục cần sự hỗ trợ của ngân hàng", ông Nguyễn Đức Vinh chia sẻ tiếp và nhấn mạnh: "điều này cho phép ngân hàng có thể giảm bớt chi phí dự phòng trong năm 2022, thậm chí có thể thu hồi nợ tốt hơn".
ĐHĐCĐ thường niên năm 2022 của VPBank |
Mục tiêu lợi nhuận 30.000 tỷ khả thi
Trong năm 2021, do ảnh hưởng lớn của dịch bệnh COVID-19, VPBank là một trong những ngân hàng thực hiện cơ cấu nợ cho khách hàng mạnh mẽ nhất theo chính sách của Ngân hàng Nhà nước.
Trích lập dự phòng của VPBank cũng có con số rất lớn, chỉ riêng ngân hàng mẹ là hơn 7.000 tỷ đồng.
Theo ông Nguyễn Đức Vinh, sở dĩ VPBank phải cơ cấu nợ và trích lập dự phòng lớn như vậy vì ngân hàng hoạt động mạnh trong phân khúc khách hàng cá nhân, nhóm khách hàng bị ảnh hưởng lớn trong năm qua.
Tại đại hội, Ban Lãnh đạo ngân hàng khẳng định rằng những tín hiệu tích cực đã bắt đầu từ quý IV/2021 và thể hiện rõ hơn ở quý I/2022, khi các hoạt động kinh tế trên cả nước phục hồi trở lại.
Đứng trước bối cảnh thuận lợi như vậy, ông Nguyễn Đức Vinh cho biết, ngân hàng hoàn toàn tự tin vào kế hoạch lợi nhuận 30.000 tỷ đồng đặt ra trong năm nay. Sự tự tin này dựa trên lịch sử VPBank luôn tăng trưởng cao trong thời gian qua, nhờ vào một nền tảng tốt về cả hệ thống vận hành và tài chính.
Theo đó, VPBank đã đề ra hai kịch bản tăng trưởng tín dụng trong năm 2022, trong đó có kịch bản cơ sở từ 20-23% và kịch bản tham vọng 35%. Lãnh đạo VPBank khẳng định ngay cả với kịch bản cơ sở tăng trưởng tín dụng 20-23%, mục tiêu lợi nhuận của ngân hàng cũng sẽ không bị ảnh hưởng nhiều.
Kết thúc quý I/2022, VPBank công bố tăng trưởng lợi nhuận trước thuế của ngân hàng hợp nhất đạt trên 11.146 tỷ đồng, gấp gần 3 lần so với cùng kỳ. Đây là mức lợi nhuận kỷ lục trong một quý mà VPBank ghi nhận từ trước đến nay. Đáng chú ý là tốc độ tăng trưởng lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh cốt lõi của ngân hàng riêng lẻ đạt hơn 56%, cùng với đó là và sự phục hồi ấn tượng trong hoạt động kinh doanh của FE Credit, hứa hẹn tạo đà cho VPBank bứt phá mạnh mẽ trong năm 2022.
Trong ba tháng đầu năm, tăng trưởng tín dụng tại ngân hàng mẹ đạt 10,3%, tăng gấp đôi mức trung bình ngành, với sự đóng góp chủ yếu từ các phân khúc chiến lược. Đi đôi với đó là tăng trưởng huy động đạt 11,5%, giúp đảm bảo tốt các tỷ lệ an toàn thanh khoản của ngân hàng.
Trong khi đó, nhờ đẩy mạnh hoạt động số hóa, chỉ số chi phí trên thu nhập (CIR) hợp nhất tiếp tục được duy trì ở mức thấp nhất thị trường, cho thấy hiệu quả sử dụng mỗi đồng vốn để sinh lời tại ngân hàng này.
Vốn điều lệ tăng lên gần 80.000 tỷ đồng
Trong năm 2022, ngân hàng dự kiến sẽ tiếp tục tăng vốn điều lệ thành hai đợt từ 45.056 tỷ đồng lên 79.334 tỷ đồng, mức vốn điều lệ cao nhất hệ thống hiện này.
Đợt 1, từ 45.056 tỷ đồng lên 67.434 tỷ đồng, tương đương tỷ lệ 50%, từ các nguồn như lợi nhuận chưa chia, quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ, số cổ phần phát hành dự kiến là hơn 2,24 tỷ cổ phiếu. Đợt phát hành sẽ được thực hiện dự kiến vào quý II hoặc quý III/2022.
Đợt 2, ngân hàng dự kiến phát hành riêng lẻ cho nhà đầu tư nước ngoài tối đa 15% vốn điều lệ, nâng tổng tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại VPBank lên tối đa 30% vốn điều lệ. Với phương án này số lượng cổ phiếu phát hành tối đa là 1,19 tỷ cổ phiếu. Mức giá phát hành sẽ do Hội đồng Quản trị quyết định theo thoả thuận, đàm phán giữa hai bên nhưng không thấp hơn giá trị sổ sách của VPBank. Số cổ phiếu này sẽ bị hạn chế chuyển nhượng ít nhất 1 năm kể từ ngày hoàn tất đợt phát hành.
Chủ tịch Hội đồng Quản trị Ngô Chí Dũng cho biết hiện quá trình đàm phán với đối tác nước ngoài đang diễn ra rất “tích cực” và có thể hoàn tất quá trình đàm phán và bán vốn cho nhà đầu tư chiến lược vào quý III năm nay.