Thi hành Luật Đấu thầu: Doanh nghiệp mong muốn gì? Bộ Tài chính lên tiếng về bán xăng dầu phải có hoá đơn điện tử Đề xuất cơ chế tài chính mới về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế |
Trả lời Công văn số 9206/BTC-TCT ngày 29/8/2023 của Bộ Tài chính về việc đề nghị góp ý Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 123/2020/NĐ-CP quy định về hóa đơn, chứng từ (Dự thảo), Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho rằng Dự thảo quy định doanh nghiệp phải lập hóa đơn trong trường hợp tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập, xuất hàng dưới hình thức cho vay, cho mượn và nhận hoàn trả hàng hóa là không phù hợp.
Doanh nghiệp lo phát sinh thủ tục, chi phí với dự thảo quy định về hóa đơn, chứng từ. Ảnh minh họa |
Bởi lẽ, khi thực hiện các hoạt động trên, doanh nghiệp đã phải thực hiện thủ tục hải quan và xuất hóa đơn thương mại theo đúng quy định. Hoạt động này đã được kiểm soát rất chặt chẽ bởi cơ quan hải quan theo quy định pháp luật hải quan.
Đồng thời, hoạt động này không phải là hoạt động bán hàng, dịch vụ, không nhằm mục đích tạo ra lợi nhuận, doanh thu tại thị trường Việt Nam mà chỉ nhằm hỗ trợ cho hoạt động sản xuất hàng xuất khẩu. Khi đó, yêu cầu phải xuất thêm hóa đơn thuế nội địa sẽ làm phát sinh thêm thủ tục hành chính, tăng thêm nhân lực của doanh nghiệp. Do vậy, VCCI đề nghị bỏ quy định này.
Dự thảo cũng quy định thời điểm lập hóa đơn với trường hợp xuất khẩu hàng hóa là không quá 24h kể từ thời điểm cơ quan hải quan xác nhận hoàn tất thủ tục hải quan. Thế nhưng quy định cứng thời điểm lập hóa đơn được VCCI cho rằng sẽ gây khó khăn cho các bộ phận xuất hóa đơn của doanh nghiệp do thời gian có thể không trùng với giờ làm việc hành chính, gây áp lực về mặt vật lý trong triển khai thực tế.
Ngoài ra, quy định này cũng chưa phù hợp với các doanh nghiệp ưu tiên, đối tác của doanh nghiệp ưu tiên do pháp luật hải quan cho phép các doanh nghiệp này được hoàn thành thủ tục hải quan sau 30 ngày kể từ lúc xuất, nhập khẩu hàng hóa.
Về quy định này, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo sửa đổi theo hướng: Quy định thời hạn là 1 ngày kể từ hoàn thành thủ tục; bổ sung ngoại lệ cho doanh nghiệp ưu tiên.
Tương tự, với nội dung quy định xuất hóa đơn theo ngày với cơ sở kinh doanh thương mại bán lẻ, VCCI phản ánh, việc các cơ sở kinh doanh thương mại bán lẻ, kinh doanh dịch vụ ăn uống theo mô hình hệ thống không được xuất hóa đơn cuối ngày mà phải xuất hóa đơn theo từng lần mua hàng từ máy tính tiền có kết nối chuyển dữ liệu điện tử với cơ quan thuế sẽ tăng chi phí rất nhiều cho doanh nhiệp trong việc đầu tư ban đầu, duy trì hệ thống, lưu trữ dữ liệu.
Việc này sẽ tạo áp lực lớn cho ngành kinh doanh thương mại bán lẻ, kinh doanh dịch vụ ăn uống theo chuỗi. Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc lại quy định này, trong đó có việc đánh giá tác động kỹ lưỡng về mặt chi phí lợi ích của quy định này.
Xuất hóa đơn với kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi có phần mềm tính tiền, việc quy định gửi dữ liệu hóa đơn taxi về cơ quan thuế sau mỗi chuyến đi có thể dẫn đến tăng chi phí nâng cấp phần mềm của các hãng taxi, tài xế taxi quên/gặp khó khăn về thao tác thực hiện dẫn đến tắc đường…
Khi đó, doanh nghiệp có thể bị phạt do chuyển dữ liệu sai thời điểm. Do vậy, VCCI đề nghị Bộ Tài chính cân nhắc sửa đổi quy định trên để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong quá trình hoạt động…
Hải Linh