Doanh nghiệp thép "dè dặt", cổ phiếu trên sàn khó bứt phá

07/03/2023 - 23:37
(Bankviet.com) Mới đây, nhiều doanh nghiệp thép đã công bố kế hoạch cho năm tài chính mới, qua đó thể hiện quan điểm về triển vọng thị trường và cổ phiếu ngành thép trong năm nay.

Thời điểm hiện tại, phân khúc thép thô, cả sản lượng và tiêu thụ, đều thấp hơn khoảng 25% so với cùng kỳ. Nhu cầu thép thô đã phục hồi một phần từ mức thấp nhất vào cuối năm 2022, nhưng vẫn còn cách xa mức từ tháng 9/2021 đến tháng 5/2022. Các nhà sản xuất thép thượng nguồn dường như vẫn bi quan khi tốc độ sản xuất chậm hơn tốc độ tiêu thụ từ tháng 12/2022.

Doanh nghiệp thép

Điều này có thể là do các nhà sản xuất này đang điều chỉnh cho lượng sản xuất thừa trong khoảng tháng 8 đến tháng 10/2022 khi doanh số đột ngột tụt lại một cách đáng kể. Tương tự, sản lượng và doanh số thép xây dựng trong tháng 1 lần lượt thấp hơn 22% và 20% so với cùng kỳ.

Theo nhận định của CTCK Rồng Việt (VDSC), trong khi các nhà sản xuất lớn bao gồm TISCO, HPG (Hoà Phát) và Formosa có mức giảm công suất vừa phải, nhiều nhà sản xuất nhỏ hơn đã cắt giảm tới 2/3 sản lượng và bán hàng tồn kho bao gồm Thép Miền Nam, Vinakyoei và POM (Pomina).

Những nhà sản xuất nhỏ hơn này có thể đã gặp khó khăn do giá nguyên vật liệu tăng trong khi giá bán không tăng tương ứng, nên việc giảm sản xuất trong khi thanh lý hàng tồn kho là hợp lý nhất trong khi chờ đợi điều kiện thị trường thuận lợi hơn để tăng huy động máy móc.

Về phân khúc thép dẹt, thị trường ống thép có vẻ ổn định hơn trong khi thị trường tôn mạ bị ảnh hưởng nặng nề do xuất khẩu chững lại. Do tính chất của sản phẩm, ống thép xuất khẩu không đáng kể về số lượng, do đó là một thước đo đáng tin cậy về tiêu thụ thép trong nước cho cả lĩnh vực xây dựng và sản xuất công nghiệp.

Có thể thấy, nhu cầu ống thép vẫn khá ổn định trong vài năm qua và ít bị ảnh hưởng nhất bởi sự suy thoái của thị trường vào cuối năm 2022. Ngược lại, sản xuất tôn mạ trong tháng 1 giảm 1/3 so với cùng kỳ và tiêu thụ giảm hơn 40% so với cùng kỳ. Trong khi mức tiêu thụ trong nước vào tháng 11 và tháng 12 năm 2022 không đổi so với cùng kỳ và mức tiêu thụ của tháng 1 năm 2023 thấp hơn 15% so với cùng kỳ do tháng Tết, xuất khẩu giảm tới hơn một nửa kể từ tháng 7 năm 2022.

Thực tế, các nhà sản xuất tôn mạ chỉ đạt một nửa sản lượng so với năm 2021 và nửa đầu năm 2022, chủ yếu là do suy thoái đột ngột về nhu cầu tôn mạ thế giới. Theo VDSC, các nhà sản xuất thép này có thể phải duy trì mức huy động thấp trong cả năm nay do hoạt động xuất khẩu phải chờ đợi nhu cầu quốc tế phục hồi.

Doanh nghiệp thép thận trọng

Trong khi giới đầu tư chờ đợi tất cả các nhà sản xuất thép niêm yết đưa ra kế hoạch sản lượng năm 2023, một vài công ty thép đã công bố kế hoạch cho năm tài chính mới, qua đó thể hiện quan điểm về triển vọng thị trường thép trong năm nay.

Đơn cử là SMC, một trong những nhà thương mại thép lớn nhất thị trường nội địa, đã đưa ra kế hoạch sản lượng hợp nhất năm 2023 là 1 triệu tấn, giảm 30% so với sản lượng thực tế năm 2022 do nhu cầu thép trong nước suy yếu.

Hoa Sen (HSG), năm tài chính bắt đầu từ tháng 10, đã hoãn ĐHCĐ thường niên khoảng 2 tháng để đánh giá lại định hướng kinh doanh cho năm tài chính 2022-2023. Các tài liệu ĐHCĐ cập nhật của HSG bao gồm mục tiêu bán hàng được trình bày theo 2 kịch bản, thấp hơn lần lượt là 10% và 16% so với năm tài chính trước.

Với thực tế là sản lượng bán hàng niên độ tài chính 2021-2022 thấp hơn 9% so với cùng kỳ, nên việc HĐQT của HSG tiếp tục giảm kế hoạch cho năm 2023 đã góp phần dẫn dắt triển vọng bi quan cho thị trường tôn mạ trong trung hạn khi tập đoàn này hiện đang chiếm thị phần lớn nhất.

HPG cũng vừa mới công bố kế hoạch cho năm 2023, bao gồm doanh thu tăng trưởng 6% và lợi nhuận ròng giảm 5%. Mặc dù cần có thêm các giả định về nguyên vật liệu và giá bán để đánh giá kế hoạch kinh doanh này, nhưng theo giới phân tích kế hoạch tăng trưởng doanh thu trong năm 2023 là khá thận trọng.

Hiện HPG vẫn chưa vận hành lại tất cả các lò cao, đồng nghĩa với khả năng cao sản lượng năm 2023 của họ có thể sẽ thấp hơn so với cùng kỳ. Mặt khác, khả năng giá thép tăng đáng kể trong năm 2023 cũng không cao nên đây cũng là lý doanh nghiệp này thận trọng với kế hoạch kinh doanh 2023.

Nhìn chung, lợi nhuận doanh nghiệp ngành thép vẫn khó dự báo bởi biến động giá nguyên liệu. Lợi nhuận các doanh nghiệp này sẽ khá thất thường và có thể phân hóa mạnh, phụ thuộc vào độ linh động trong chính sách tồn kho của từng doanh nghiệp.

Ngoài ra, thị trường bất động sản được dự báo sẽ còn trầm lắng và tiến độ giải ngân đầu tư công vẫn còn là dấu hỏi lớn có thể sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến nhu cầu thép xây dựng trong nước.

Trong khi đó, tác động của việc Trung Quốc mở cửa trở lại đối với khối lượng xuất khẩu có thể không đáng kể do giá thép trung bình của Việt Nam vẫn cao hơn so với giá thép Trung Quốc. Nhiều dự báo cũng chỉ ra rằng, khả năng bứt phá của cổ phiếu thép trong năm 2023 là không nhiều.

Chiến lược đầu tư tháng 3: Chọn cổ phiếu phòng thủ, canh thời điểm giải ngân với đầu tư công

Về chiến lược đầu tư tháng 3, trong điều kiện thị trường không chắc chắn như hiện tại, ông Đức Anh khuyến nghị chọn cổ ...

Chứng khoán DSC sắp chi gần 1.000 tỷ đồng bổ sung vốn margin và tự doanh

Công ty CP Chứng khoán DSC (UPCOM: DSC) vừa thông báo Nghị quyết HĐQT về việc triển khai chi tiết phương án sử dụng vốn ...

Quỹ Đài Loan - Fubon FTSE Vietnam ETF được huy động gần 4.000 tỷ đồng để gom cổ phiếu Việt

Fubon FTSE Vietnam ETF, quỹ đến từ Đài Loan vừa thông báo đã được Ủy ban Quản lý và Giám sát Tài chính thông qua ...

Anh Khôi

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán