Doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam đang từng bước chuyển mình nhờ tận dụng AI để vươn ra toàn cầu

29/03/2025 - 18:22
(Bankviet.com) Khi đã khẳng định được vị thế tại thị trường trong nước, các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMB) có nền tảng vững chắc để mở rộng quy mô hoạt động và đầu tư ra quốc tế. Trong đó, việc doanh nghiệp SMB đẩy mạnh ứng dụng AI cũng là một yếu tố quan trọng.

Báo cáo “Doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMB) trong hành trình vươn ra toàn cầu” do Payoneer- một trong những công ty công nghệ tài chính hàng đầu thế giới và Oxford Economics- một trong những công ty tư vấn toàn cầu độc lập hàng đầu thế giới thực hiện đã khảo sát gần 3.800 doanh nghiệp SMB tại 15 quốc gia vào đầu năm 2024, trong đó có hơn 250 doanh nghiệp tại Việt Nam, nhằm đánh giá những yếu tố quan trọng đối với sự tăng trưởng của doanh nghiệp. Kết quả cho thấy tỷ lệ khách hàng quốc tế của doanh nghiệp SMB đạt 46%, tăng so với mức 42% của năm 2023.

doanh-nghiep-smb.jpg
Doanh nghiệp SMB tại Việt Nam đặt mục tiêu mở rộng kinh doanh trên toàn cầu và bước đầu gặt hái được những thành công đáng kể

Khi đã khẳng định được vị thế tại thị trường trong nước, các doanh nghiệp SMB có nền tảng vững chắc để mở rộng quy mô hoạt động và đầu tư ra quốc tế. Có 5 lý do cho thấy việc vươn ra toàn cầu sẽ trở thành chiến lược mạnh mẽ cho các doanh nghiệp SMB, đó là: Khai thác tệp khách hàng mới; Gia tăng mức độ nhận diện thương hiệu; Đa dạng hóa nguồn doanh thu; Học hỏi kinh nghiệm; Tận dụng nhân lực toàn cầu.

Cụ thể, việc thâm nhập thị trường mới giúp doanh nghiệp mở rộng phạm vi tiếp cận, đưa sản phẩm và dịch vụ đến nhiều khách hàng hơn. Đây là chiến lược quan trọng khi thị trường trong nước dần trở nên bão hòa, hạn chế cơ hội tăng trưởng.

Gia nhập thị trường mới cũng giúp tăng cường nhận diện thương hiệu, đồng thời là dấu hiệu khẳng định doanh nghiệp đã đạt được thành công và sự ổn định trong nước. Điều này sẽ thu hút thêm nhiều khách hàng và củng cố danh tiếng thương hiệu trên toàn cầu.

Đặc biệt, hoạt động tại nhiều thị trường giúp giảm thiểu rủi ro doanh thu từ suy thoái kinh tế, thay đổi chính sách, gián đoạn chuỗi cung ứng cùng nhiều thách thức đặc thù khác làm ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh. Đa dạng hóa nguồn thu giúp doanh nghiệp SMB tránh việc phụ thuộc vào một thị trường đơn lẻ, tăng khả năng thích ứng và phát triển bền vững.

Ngoài ra, việc mở rộng ra quốc tế đồng nghĩa với việc xây dựng quan hệ và hợp tác mới, tạo cơ hội để các doanh nghiệp SMB tiếp thu phương thức kinh doanh hiện đại, nắm bắt hành vi tiêu dùng và thích nghi với sự đa dạng văn hoá. Điều này giúp họ nâng cao hiểu biết chung về thị trường toàn cầu.

Mặt khác, việc mở rộng sang các quốc gia khác giúp doanh nghiệp SMB tiếp cận nguồn nhân lực lớn hơn, từ nhân viên, nhà thầu, đối tác đến nhà cung cấp. Đội ngũ đa dạng này giúp nâng cao sức cạnh tranh và thúc đẩy đổi mới sáng tạo cho doanh nghiệp.

Việc vươn ra toàn cầu mang lại nhiều cơ hội cho doanh nghiệp SMB để thâm nhập thị trường mới và nâng cao vị thế quốc tế, song cũng đi kèm không ít thách thức. Báo cáo của Payoneer cũng nêu bật một số đặc điểm chính của thị trường Việt Nam.

Trước hết, đó là chi phí cao cản trở sự mở rộng thị trường. Kết quả khảo sát cho thấy có đến 44% doanh nghiệp SMB cho rằng chi phí kinh doanh cao là rào cản chính khi mở rộng ra thị trường mới. Ngoài ra, các chủ doanh nghiệp còn gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn, dẫn đến hiệu suất tài chính không ổn định (chiếm tỉ lệ 46%), tỉ lệ nợ trên thu nhập cao (40%) và mạng lưới cá nhân hoặc mạng lưới nghề nghiệp hạn chế (37%).

Tiếp đến là yếu tố công nghệ và nhân tài giúp vượt qua thách thức. Có đến 58% doanh nghiệp SMB cho rằng số hóa giúp phá bỏ rào cản để gia nhập thị trường quốc tế, trong khi 77% xem tốc độ thay đổi công nghệ là động lực chính thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp.

Đặc biệt, việc doanh nghiệp SMB đẩy mạnh ứng dụng AI cũng là một yếu tố quan trọng. Mặc dù đã sánh ngang mức trung bình toàn cầu trong việc dùng AI để tăng hiệu suất, doanh nghiệp SMB vẫn gặp khó khăn trong các lĩnh vực như tối ưu hóa chiến lược bán hàng và sáng tạo nội dung. Để vượt qua thách thức kinh doanh và mở rộng hiệu quả, doanh nghiệp SMB cần áp dụng AI một cách bài bản trong những lĩnh vực này.

Việc áp dụng công nghệ số để thúc đẩy giải pháp thanh toán xuyên biên giới hiệu quả giúp doanh nghiệp mở rộng hoạt động ra quốc tế. Theo kết quả khảo sát của Payoneer, doanh nghiệp SMB đang ngày càng thích nghi tốt hơn so với năm trước nhờ các cải tiến số trong việc mở rộng, với 76% doanh nghiệp SMB nhận định sự thay đổi công nghệ là động lực thúc đẩy đổi mới sáng tạo cho doanh nghiệp của họ.

Thanh toán số là bước khởi đầu hợp lý cho các doanh nghiệp SMB Việt Nam đang tìm kiếm cơ hội mở rộng ra quốc tế. Nhờ dịch vụ thanh toán xuyên biên giới các doanh nghiệp có thể xử lý giao dịch quốc tế hiệu quả hơn, đồng thời nâng cao uy tín trên thị trường toàn cầu.

“Doanh nghiệp SMB tại Việt Nam đang từng bước chuyển mình nhờ tận dụng AI để vươn ra toàn cầu. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư (nay là Bộ Tài chính), doanh nghiệp SMB đóng góp hơn 45% vào GDP quốc gia và đạt mức tăng trưởng 32% trong thương mại xuyên biên giới so với năm trước. Chúng tôi nhận thấy họ ứng dụng AI để phân tích thị trường, tiếp cận khách hàng và nâng cao hiệu suất hoạt động, qua đó định hình cách thức cạnh tranh của họ trên thị trường quốc tế…”, ông Vũ Ái Việt Giám đốc Quốc gia, Payoneer Việt Nam chia sẻ.

Theo đại diện Payoneer Việt Nam quá trình chuyển đổi số tại Việt Nam đang dần tăng tốc, với hạ tầng thanh toán vững chắc đóng vai trò then chốt để hỗ trợ quá trình này.

“Đối với doanh nghiệp SMB Việt Nam, nắm bắt cơ hội này đồng nghĩa với việc khai thác những đổi mới sáng tạo dựa trên AI, hướng đến phát triển bền vững trong một nền kinh tế kết nối toàn diện và chặt chẽ trong tương lai…”- đại diện Payoneer nhấn mạnh.

Thanh Lan

Theo: Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ