Doanh nghiệp xăng dầu chật vật vì giá dầu giảm, cơ hội phục hồi đã xuất hiện

01/11/2024 - 23:13
(Bankviet.com) Giá dầu thế giới giảm mạnh trong quý III khiến nhiều doanh nghiệp xăng dầu gặp khó khăn lớn, với lợi nhuận sụt giảm ở nhiều đơn vị lớn như Petrolimex và PV OIL. Tuy nhiên, dự thảo nghị định kinh doanh xăng dầu mới của Bộ Công Thương dự kiến sẽ mở ra cơ hội phục hồi cho các doanh nghiệp, nhờ vào quy định linh hoạt hơn về chi phí và giá bán lẻ.

Biến động doanh thu và lợi nhuận

Quý III năm nay, ngành kinh doanh xăng dầu chịu tác động mạnh mẽ từ xu hướng suy giảm giá dầu trên thế giới. Giá dầu Brent trung bình đạt 79 USD/thùng, giảm 8% so với cùng kỳ và 7% so với quý II, tạo ra ảnh hưởng không nhỏ đến lợi nhuận của các doanh nghiệp xăng dầu trong nước. Biên lợi nhuận giảm do giá bán lẻ xăng dầu thấp hơn, đồng thời áp lực chi phí vốn cũng gia tăng vì phải trích lập dự phòng hàng tồn kho.

Doanh nghiệp xăng dầu lao đao vì giá dầu thế giới giảm, nhưng cơ hội phục hồi đã xuất hiện
Hình minh họa.

Gần đây nhất, Tập đoàn Xăng Dầu Việt Nam (Petrolimex, HOSE: PLX) đã công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý III /2024 với doanh thu thuần đạt 64.324 tỷ đồng, giảm 11% so với cùng kỳ, trong khi lợi nhuận sau thuế chỉ còn 130 tỷ đồng, giảm đến 82%. Một trong những nguyên nhân chính là do quý này Petrolimex không ghi nhận khoản lợi nhuận từ thoái vốn tại PGBank như cùng kỳ, cùng với tác động từ giá dầu giảm khiến lợi nhuận kinh doanh xăng dầu sụt giảm. Hiện nay, Petrolimex vẫn là nhà cung cấp xăng dầu lớn nhất trong nước, chiếm 47% thị phần với hệ thống phân phối hơn 4.790 trạm bán lẻ trên toàn quốc.

Trong khi đó, Tổng công ty Dầu Việt Nam (PV OIL, UPCoM: OIL) giữ vị trí thứ hai trong ngành với 22-25% thị phần nội địa, sở hữu gần 850 cây xăng và khoảng 1.800 cây xăng đại lý. Trong quý III, PV OIL ghi nhận doanh thu thuần tăng 29% lên mức 31.077 tỷ đồng, nhưng lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 37 tỷ đồng, giảm 84% so với cùng kỳ do tác động từ đà giảm giá bán lẻ xăng dầu. Theo đó, giá bán lẻ các mặt hàng xăng dầu trong quý đã giảm từ 2.390 đồng/lít đến 3.180 đồng/lít tùy loại, trong khi cùng kỳ năm ngoái tăng từ 3.320 đồng/lít đến 5.420 đồng/lít.

Cùng chung xu hướng, Công ty CP Vật tư Xăng Dầu (HOSE: COM) cũng ghi nhận doanh thu thuần giảm 13% xuống 981 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế giảm 50% xuống còn 7 tỷ đồng. Trong khi đó, Công ty CP Thương mại Đầu tư Dầu khí Nam Sông Hậu (HOSE: PSH) báo lỗ gần 183 tỷ đồng, so với mức lãi hơn 11 tỷ đồng cùng kỳ năm trước. Đến cuối tháng 9, PSH ghi nhận lỗ lũy kế hơn 282 tỷ đồng, chủ yếu do sụt giảm doanh thu bán hàng và áp lực từ chi phí tài chính.

Về phía các doanh nghiệp sản xuất xăng dầu, Công ty CP Lọc Hóa dầu Bình Sơn (UPCoM: BSR) cũng trải qua một quý khó khăn. Doanh thu thuần của BSR giảm 15% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 31.946 tỷ đồng. Giá dầu thô và sản phẩm giảm mạnh khiến công ty kinh doanh dưới giá vốn, dẫn đến khoản lỗ gộp âm 1.470 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế âm 1.209 tỷ đồng, lần đầu tiên lỗ sau 4 năm liên tục ghi nhận lợi nhuận dương kể từ quý III/2020.

Triển vọng và cơ hội từ chính sách mới

Trong bối cảnh nhiều thách thức, ngành xăng dầu cũng được kỳ vọng đón nhận những cơ hội cải thiện từ chính sách mới. Bộ Công Thương vừa công bố dự thảo lần thứ tư về Nghị định kinh doanh xăng dầu, dự kiến thay thế Nghị định số 83/2014 và các sửa đổi, bổ sung. Dự kiến, nghị định mới sẽ được thông qua cuối năm 2024 và có hiệu lực từ đầu năm 2025. Theo đánh giá từ các đơn vị phân tích, như Chứng khoán Vietcombank (VCBS) và Vietcap, các quy định mới có thể đem lại lợi ích tích cực cho các doanh nghiệp đầu ngành.

Một trong những điểm nổi bật của dự thảo nghị định là việc rút ngắn thời gian điều hành chi phí cấu thành trong công thức giá bán tối đa, giúp phản ánh kịp thời sự thay đổi về chi phí thực tế. Bên cạnh đó, dự thảo cũng loại bỏ quỹ bình ổn giá xăng dầu, đồng thời cho phép các doanh nghiệp tự quyết định giá bán nhưng vẫn tuân thủ giới hạn giá cơ sở. Điều này mở ra cơ hội để Petrolimex và PV OIL tận dụng mạng lưới phân phối rộng khắp và kho dự trữ xăng dầu lớn nhằm gia tăng hiệu quả hoạt động, nâng cao biên lợi nhuận gộp.

VCBS và Vietcap kỳ vọng Nghị định mới sẽ giúp các doanh nghiệp như Petrolimex và PV OIL tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận nhờ sản lượng bán tăng và khả năng giành lại thị phần. Theo dự báo của các đơn vị này, lợi nhuận của Petrolimex và PV OIL có thể đạt mức tăng trưởng hai con số hàng năm trong giai đoạn 2024-2028, được thúc đẩy bởi chi phí kinh doanh và lợi nhuận định mức được điều chỉnh để phù hợp hơn với lạm phát và thực tế chi phí.

Giai đoạn 2014-2022, chi phí kinh doanh và lợi nhuận định mức của các doanh nghiệp xăng dầu gần như không thay đổi, dẫn đến biên lợi nhuận trên mỗi lít xăng dầu giảm mạnh, trong khi các chi phí quản lý, vận chuyển và tiền lương tăng lên. Do vậy, các quy định mới kỳ vọng sẽ tạo động lực hỗ trợ cho các doanh nghiệp phục hồi và phát triển trong thời gian tới, mang lại hiệu quả kinh doanh khả quan hơn cho ngành xăng dầu trong giai đoạn đầy biến động.

Giá xăng dầu hôm nay 27/10: Giá dầu thế giới tăng mạnh

Ngày 27/10, giá bán lẻ xăng dầu trong nước tiếp tục duy trì đà giảm nhẹ từ phiên điều hành ngày 24/10. Trong khi đó, ...

Giá xăng dầu hôm nay 1/11: Giá dầu thế giới tăng, xăng trong nước điều chỉnh giảm nhẹ

Giá dầu thế giới tăng mạnh trong ngày 1/11 do tình hình căng thẳng tại Trung Đông, với WTI đạt 70,53 USD/thùng. Trong nước, giá ...

Phạm Hường

Phạm Hường

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán