Taseco Airs (AST): Hành trình từ hoàng kim đến nguy cơ huỷ niêm yết |
Dịch Covid-19 được kiểm soát, ngành hàng không gần như phục hồi đã giúp doanh thu và lợi nhuận quý III/2022 của Taseco Airs “bùng nổ”. Cụ thể, doanh thu thuần tăng mãnh liệt gấp 10 lần so với cùng kỳ năm trước, đạt 185 tỷ đồng. Công ty không còn lâm vào cảnh kinh doanh dưới giá vốn, quý III, lợi nhuận gộp đạt 98 tỷ đồng. Biên lợi nhuận gộp đạt 53%.
Trong quý, doanh thu tài chính tăng 56%, đạt 2,5 tỷ đồng; chi phí tài chính giảm còn 782 triệu đồng. Cùng với sự nở ra của doanh thu, chi phí vận hành cũng tăng lên đáng kể, cụ thể: chi phí bán hàng tăng 2,7 lần lên 50 tỷ đồng, chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 2 lần lên 33 tỷ đồng. Lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh đạt 17 tỷ đồng.
Kết quả, Taseco Airs có 17,4 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, trong khi cùng kỳ lỗ 43,5 tỷ đồng.
Luỹ kế 9 tháng, doanh thu thuần tăng 3 lần, đạt 387 tỷ đồng; lợi nhuận gộp tăng 8 lần, đạt 201 tỷ đồng. 9 tháng, hoạt động tài chính biến động không đáng kể; còn chi phí bám hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp phát sinh thêm 68,5 tỷ đồng, đạt 192,5 tỷ đồng.
Khép lại 9 tháng, Taseco Airs ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt 10 tỷ đồng, vượt trội so với khoản lỗ 110 tỷ đồng cùng kỳ năm trước.
Năm 2022, Taseco Airs đặt mục tiêu doanh thu 633 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 23,5 tỷ đồng. Dù mới chỉ hoàn thành 42,5% chỉ tiêu lợi nhuận của năm nay, song có thể nói đây là một nỗ lực của Taseco Airs khi đã thoát lỗ (hai năm 2020 - 2021, Công ty chịu lỗ trước thuế lần lượt 49 tỷ đồng và 128 tỷ đồng).
Trước đó, Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM đã lưu ý Taseco Airs về khả năng cổ phiếu AST bị hủy niêm yết nếu báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022 tiếp tục có lợi nhuận sau thuế âm. Cụ thể, theo quy định tại điểm e khoản 1 Điều 120 Nghị định 155/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chứng khoán ngày 26/11/2019 thì một trong những trường hợp cổ phiếu của công ty đại chúng bị huỷ bỏ niêm yết là kết quả sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp bị thua lỗ trong 3 năm liên tục. |
Về tài sản, tại ngày 30/9/2022, tổng tài sản của Taseco Airs tăng 13% so với đầu năm, đạt 566 tỷ đồng. Sự tăng trưởng của tài sản là do lượng tiền và tương đương tiền tăng mạnh 88% lên 73 tỷ đồng.
Nhìn chung, bức tranh tài chính của Taseco Airs khá đẹp khi nợ vay rất ít (chỉ 45 tỷ đồng); hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu chỉ ở mức 0,3 lần - mức rất an toàn; các khoản phải thu chỉ chiếm 15% tổng tài sản và lượng tiền, tương đương tiền cùng đầu tư tài chính ngắn hạn (đều là tiền gửi ngân hàng) tương đối dồi dào, đạt 198 tỷ đồng, chiếm 35% tổng tàn sản.
Về dòng tiền, 9 tháng, dòng tiền kinh doanh của Taseco Airs khá đẹp, dương 50 tỷ đồng, chủ yếu do tăng các khoản phải trả (41 tỷ đồng). (Giai đoạn 2020-2021, dòng tiền kinh doanh của Taseco Airs âm nặng, lần lượt âm 86 tỷ đồng và 84 tỷ đồng). Lưu chuyển tiền thuần trong kỳ dương 64 tỷ đồng đã giúp lượng tiền và tương đương tiền cuối kỳ tăng đáng kể.
Hải Thu