Đổi mới sáng tạo với phát triển khu đô thị công nghệ cao Việt Nam

27/09/2023 - 20:03
(Bankviet.com) Đổi mới sáng tạo cùng với phát triển khoa học, công nghệ đóng vai trò đột phá chiến lược trong giai đoạn hội nhập kinh tế quốc tế và là nhân tố quyết định nâng cao năng lực cạnh tranh của quốc gia. Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) thúc đẩy sự phát triển các lĩnh vực công nghệ mới.
Đổi mới sáng tạo cùng với phát triển khoa học, công nghệ đóng vai trò đột phá chiến lược trong giai đoạn hội nhập kinh tế quốc tế và là nhân tố quyết định nâng cao năng lực cạnh tranh của quốc gia. Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) thúc đẩy sự phát triển các lĩnh vực công nghệ mới. Phát triển khu đô thị công nghệ cao được các nước trên thế giới quan tâm từ đầu thế kỉ XXI, xuất phát từ hai xu hướng: Một là, sự phát triển nhanh các công nghệ mới của cuộc CMCN 4.0 như Internet kết nối vạn vật (IoT), dữ liệu lớn (Big Data) và trí tuệ nhân tạo (AI); hai là, hơn nửa dân số thế giới (khoảng 4,4 tỉ người) hiện đang sống ở các đô thị và xu hướng di dân từ nông thôn ra thành thị vẫn tăng1. Sự ra đời của các khu đô thị công nghệ cao Việt Nam đã tạo môi trường thuận lợi để thu hút đầu tư công nghệ cao từ các tập đoàn trong và ngoài nước; tạo sự kết hợp có hiệu quả giữa sản xuất với nghiên cứu, phát triển công nghệ và thu hút đào tạo nguồn nhân lực công nghệ cao. 
 
1. Đổi mới sáng tạo: Khái niệm và sự cần thiết
 
Khái niệm “đổi mới sáng tạo” được hiểu là kết quả của “sự kết hợp mới” giữa kiến thức, năng lực và nguồn lực. Khác với sáng chế, chỉ được xem là “một ý tưởng mới lạ về cách thực hiện mọi việc”. Đổi mới sáng tạo là khái niệm bao gồm những gì đã được “thực hiện trong thực tế”. 
 
Nguyên nhân dẫn đến sự cần thiết đổi mới sáng tạo:
 
Thứ nhất, năng suất lao động ở các quốc gia đang phát triển tương đối thấp và suy giảm đáng kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu (2008). Tại Việt Nam, năng suất lao động chủ yếu tăng theo chiều rộng, chưa theo chiều sâu, phần lớn là do chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ khu vực nông nghiệp sang lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ, chưa phải là cải thiện năng suất lao động trong nội tại từng ngành kinh tế. 
 
Phân tích tăng trưởng năng suất lao động các nước trên thế giới cho thấy, sự suy giảm năng suất lao động phần lớn do năng suất từ các nhân tố tổng hợp có tốc độ tăng chậm.
 
Thứ hai, thay đổi trong thương mại toàn cầu và công nghệ đang thách thức động lực tăng trưởng của khu vực chế biến, chế tạo, định hướng xuất khẩu. Thương mại hàng hóa toàn cầu giảm tốc, từ 13% - 32% giai đoạn 1940 - 2020, gây rủi ro cho mô hình phát triển dựa trên hoạt động thương mại, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và hội nhập vào chuỗi giá trị toàn cầu. Hơn nữa, cuộc CMCN 4.0 có nguy cơ phá vỡ cấu trúc sản xuất hiện tại khi chuyển sang công nghiệp chế biến, chế tạo. Những tiến bộ công nghệ 4.0 có khả năng rút ngắn chuỗi giá trị toàn cầu và dẫn đến việc các hệ thống sản xuất đóng vai trò trung tâm trong thúc đẩy tăng trưởng ở các quốc gia đang phát triển (trong đó có Việt Nam).
 
Thứ ba, đại dịch Covid-19 và các cú sốc khác (biến đổi khí hậu, vấn đề an ninh lương thực, an ninh năng lượng…) thúc đẩy nhu cầu phải áp dụng các phương thức sản xuất mới. Đại dịch Covid-19 đã làm nổi bật tầm quan trọng của đổi mới sáng tạo khi các nhà hoạch định chính sách và các doanh nghiệp tư nhân áp dụng phát triển công nghệ để giải quyết những tác động của đại dịch đối với sức khỏe con người cũng như đối với nền kinh tế.
 
Việt Nam nằm trong top 10 quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi biến đổi khí hậu (nắng nóng, bão, mưa, lũ, lụt…).  Những thay đổi cuộc sống bởi biến đổi khí hậu đòi hỏi các giải pháp công nghệ cấp bách nhằm bảo đảm sản xuất nông nghiệp mang tính bền vững và tạo điều kiện cho môi trường nhà máy an toàn và hiệu quả ở nhiệt độ cao hơn.
 
Thứ tư, duy trì hiệu quả kinh tế cao khi đối mặt với những thách thức và hướng tới mô hình tăng trưởng dựa trên đổi mới sáng tạo nhiều hơn. Các quốc gia đang phát triển phải tìm ra những cách thức mới và hiệu quả hơn để thúc đẩy tăng trưởng năng suất lao động cùng với việc kế thừa những thành quả kinh tế trong quá khứ để chuyển dần từ vị thế thu nhập trung bình lên vị thế thu nhập cao. Việc thu hẹp khoảng cách về năng suất và công nghệ với các nền kinh tế có thu nhập cao giúp các quốc gia đang phát triển giải quyết các thách thức về thương mại, bao gồm cả các mối đe dọa liên quan đến việc chuyển dịch sản xuất, tăng khả năng cạnh tranh và tham gia vào các chuỗi giá trị toàn cầu. 
 
Khu đô thị công nghệ cao (hay còn gọi là đô thị công nghệ đổi mới sáng tạo) là khu vực đô thị tập trung nhiều công ty công nghệ, công ty khởi nghiệp và nhân tài. Đô thị công nghệ cao có hệ sinh thái mạnh về đầu tư mạo hiểm, có nhiều tài năng và nguồn lực hỗ trợ cho sự phát triển các công ty công nghệ. Dân cư trong khu đô thị công nghệ cao có mức sống cao với nền văn hóa sôi động. Khu đô thị công nghệ cao thu hút nhiều tài năng hàng đầu trong ngành công nghệ. Khu đô thị công nghệ cao sở hữu hai đặc điểm nổi bật, đó là:
 
Thứ nhất, sự đổi mới sáng tạo đô thị. Đổi mới sáng tạo đưa ra các ý tưởng công nghệ mới nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, giúp quá trình sản xuất hiệu quả hơn. Năng suất, số lượng đầu ra trên một lượng đầu vào tăng do đổi mới sáng tạo. Nhiều hàng hóa và dịch vụ được sản xuất, dẫn đến mở rộng kinh tế khi năng suất lao động tăng. Các chỉ số chính để đánh giá mức độ đổi mới trong đô thị công nghệ cao gồm: FDI vào các ngành công nghệ cao, mức vốn đầu tư mạo hiểm, chi tiêu cho nghiên cứu và phát triển (R&D), số lượng đơn xin cấp bằng sáng chế quốc tế. Chỉ số hàng đầu của môi trường đổi mới sáng tạo là số lượng và quy mô các công ty khởi nghiệp công nghệ. Châu Á là nơi có 37% các công ty khởi nghiệp kì lân thế giới (so với 48% của Mỹ và 11% châu Âu) và được định giá hơn 1 tỉ USD (2019)2. Các khu đô thị công nghệ cao cam kết bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và tăng cường đổi mới sáng tạo, tăng trưởng của các kì lân.
 
Đổi mới sáng tạo là nền tảng cho sự thành công của khu đô thị công nghệ cao. Sự kết hợp giữa đổi mới và các tài năng công nghệ ở các khu đô thị tạo ra năng suất lao động cao hơn và tăng trưởng kinh tế dài hạn hơn. Các khu đô thị kết hợp hai đặc điểm này cũng có khả năng phục hồi tốt hơn khi đối mặt với các cuộc khủng hoảng kinh tế. Đổi mới sáng tạo là chìa khóa cho tăng trưởng kinh tế trong tương lai, là động lực giúp phát triển công nghệ. 
 
Thứ hai, sự tập trung nhân tài trong đô thị. Những khu đô thị công nghệ cao thu hút và giữ chân những nhân viên công nghệ giỏi nhất. Các tiêu chí đánh giá mức tập trung nhân tài trong khu đô thị công nghệ cao là chất lượng giáo dục đại học, trình độ học vấn của người dân, tỉ lệ dân số trong độ tuổi từ 20 - 40 tuổi, tỉ lệ việc làm trong các ngành công nghệ cao. 
 
Châu Á được hưởng lợi từ nguồn nhân tài lành nghề ngày càng đông đảo với hệ thống giáo dục chất lượng cao, đào tạo những sinh viên tốt nghiệp có chuyên môn trong các lĩnh vực kĩ thuật, khoa học máy tính và kinh doanh. Nhóm nhân tài bị thu hút bởi các hệ sinh thái khởi nghiệp sôi động, mang đến những cơ hội làm việc với các công nghệ tiên tiến và mô hình kinh doanh sáng tạo.
 
Trong bối cảnh cuộc CMCN 4.0, nhu cầu phát triển cơ sở hạ tầng tại các nước đang phát triển rất cao, vì thế, cần có sự hiện diện của các ứng dụng công nghệ cao để gia tăng tốc độ và đảm bảo tính hiệu quả kinh tế.
 
2. Thực trạng phát triển khu đô thị công nghệ cao Việt Nam
 
Khu đô thị công nghệ cao là khu kinh tế - kĩ thuật đa chức năng, nhằm nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ cao, ươm tạo doanh nghiệp, đào tạo nhân lực và sản xuất, kinh doanh sản phẩm công nghệ cao.
 
Khác với các khu công nghiệp, khu công nghệ cao được định hướng thành đô thị khoa học, công nghệ, nơi tập trung đào tạo nhân lực, ươm tạo công nghệ và đổi mới sáng tạo. Khu đô thị công nghệ cao không chỉ gắn liền với các trường đại học, viện nghiên cứu mà còn phải có đô thị, giao thông thuận tiện. Với mục tiêu phát triển thành một đô thị khoa học và công nghệ, nhiều khu công nghệ cao được thành lập và ra đời. Việt Nam hiện có ba khu công nghệ cao lớn nhất, đó là: 
 
Khu công nghệ cao Hòa Lạc (từ năm 1998) là khu công nghệ cao đầu tiên của Việt Nam. Sau 25 năm phát triển (1998 - 2023), Khu công nghệ cao Hòa Lạc đang dần trở thành đô thị khoa học và công nghệ, đô thị sinh thái, đô thị thông minh; nơi tập trung, liên kết hoạt động đào tạo nhân lực, R&D, ươm tạo, ứng dụng, chuyển giao, sản xuất và kinh doanh sản phẩm công nghệ cao. 
 
Khu công nghệ cao Hòa Lạc đã thu hút được 106 dự án đầu tư với tổng vốn đầu tư đăng kí khoảng 98.350 tỉ đồng và 702,57 triệu USD (tháng 3/2023)3. Trong số 106 dự án đầu tư (với 92 dự án trong nước và 14 dự án đầu tư nước ngoài), có 60 dự án đang hoạt động, góp phần tạo việc làm cho khoảng 14.500 lao động có tay nghề4.
 
Các doanh nghiệp hàng đầu về công nghệ, công nghệ thông tin và truyền thông của Việt Nam đều đã tập trung tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc. Các doanh nghiệp này đã tạo ra các sản phẩm công nghệ có tính lan tỏa, dẫn dắt, tác động tới một số ngành, lĩnh vực; hình thành một hệ sinh thái khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Các nhóm ngành như công nghệ thông tin, truyền thông và sinh học đã hình thành liên kết giữa nghiên cứu, đào tạo và sản xuất công nghiệp.
 
Năm 2022, doanh thu của các doanh nghiệp tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc đạt khoảng 18.000 tỉ đồng. Đa số các nhà đầu tư tại Khu đang trong giai đoạn được hưởng các ưu đãi nên đóng góp cho ngân sách chưa nhiều. Khu công nghệ cao Hòa Lạc được hưởng ưu đãi thuế suất tới 10% dành cho doanh nghiệp đầu tư mới với thời hạn lên đến 30 năm. Trong đó, doanh nghiệp này cũng được miễn giảm 100% thuế phải nộp trong 4 năm đầu, giảm 50% thuế trong 9 năm tiếp theo. Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng được miễn thuế nhập khẩu. Số tiền nộp ngân sách nhà nước mới đạt khoảng 1.200 tỉ đồng (năm 2022). Nhiều dự án đầu tư đã làm chủ được công nghệ lõi, có những thành tựu quan trọng, bước đầu lan tỏa và đóng góp vào nền kinh tế trong giai đoạn vừa qua. Trong đó, có các nhà đầu tư lớn trong các lĩnh vực công nghệ cao khác nhau như: Tập đoàn Viettel, Tập đoàn FPT (FPT Software, Đại học FPT), Tập đoàn Hanwha Aerospace (Hàn Quốc), Tập đoàn Nidec (Nhật Bản).
 
Được định hướng phát triển thành đô thị khoa học, công nghệ, Khu công nghệ cao Hòa Lạc trong tương lai sẽ trở thành nơi tập trung trí tuệ và công nghệ tiên tiến, trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, trung tâm nghiên cứu khoa học, công nghệ cao của Việt Nam.
 
Sau hơn 20 năm hình thành và phát triển, Khu công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh (từ năm 2002) được đánh giá là thành công nhất ở Việt Nam với 160 dự án còn hiệu lực và tổng vốn đầu tư tương đương hơn 12 tỉ USD; trong đó, có 51 dự án FDI với tổng vốn đầu tư hơn 10 tỉ USD (chiếm 84% tổng vốn đầu tư); gần 110 dự án trong nước với tổng vốn đầu tư khoảng 1,9 tỉ USD (chiếm 16%). Kim ngạch xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao của Khu công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh tăng dần, đạt 20,9 tỉ USD (năm 2021), hơn 23 tỉ USD (năm 2022) và dự kiến đạt 26 tỉ USD (năm 2023)5.
 
Khu công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh được phân chia tập trung theo bốn lĩnh vực ưu tiên thu hút đầu tư: (i) Điện tử - công nghệ thông tin - viễn thông; (ii) Cơ khí chính xác - tự động hóa; (iii) Công nghệ sinh học; (iv) Vật liệu mới - năng lượng mới. Bốn lĩnh vực này là những lĩnh vực ưu tiên nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ để chủ động tham gia cuộc CMCN 4.0. Khu công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh thu hút hơn 10 tập đoàn công nghệ cao hàng đầu thế giới gồm: Intel, Jabil, Rockwell Automation (Hoa Kỳ), Nidec, Nipro, NTT (Nhật Bản), Samsung (Hàn Quốc), Sonion (Đan Mạch), Datalogic (Italia), Sanofi (Pháp), TTI (Đức) và các doanh nghiệp công nghệ hàng đầu Việt Nam như FPT... Khu công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh được đánh giá là khu công nghệ cao thành công nhất trong các khu công nghệ cao quốc gia, là nơi cung cấp và nuôi dưỡng những ý tưởng khoa học công nghệ, thu hút vốn, công nghệ, nhân lực công nghệ cao trong và ngoài nước, thích nghi với CMCN 4.0.
 
Hoạt động R&D của Khu công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh gồm 30 dự án hoạt động trong lĩnh vực nghiên cứu, phát triển, đào tạo, vườn ươm. Trong đó, dự án FDI có ba dự án với tổng vốn đầu tư hơn 130 triệu USD; dự án trong nước với 27 dự án và tổng vốn đầu tư đạt 17.220 tỉ đồng. Cùng với các dự án FDI, Khu công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh cũng thu hút nhiều doanh nghiệp trong nước, nhận chuyển giao công nghệ cao và thành lập các dự án sản xuất công nghệ cao. Cùng với thu hút đầu tư, các hoạt động R&D của doanh nghiệp cho thấy khu công nghệ cao đang đi đúng hướng với những mục tiêu đề ra từ khi thành lập. Hiện nay, Khu công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh bước đầu hình thành một trung tâm công nghệ cao quốc gia - nơi tập trung, liên kết hoạt động R&D khoa học công nghệ của Thành phố Hồ Chí Minh và là một trong ba trụ cột của Khu đô thị sáng tạo phía Đông thành phố Thủ Đức. Việc phát triển khu đô thị sáng tạo tại thành phố Thủ Đức sẽ gặp nhiều thuận lợi trong kết nối vùng với “Vùng đổi mới sáng tạo” của tỉnh Bình Dương và định hướng phát triển công nghệ cao của tỉnh Đồng Nai.
 
Năm 2023, Khu công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh có 35/60 dự án có hoạt động R&D (31 dự án sản xuất công nghệ cao và 4 dự án nghiên cứu); trong đó 11 dự án có hoạt động chuyển giao công nghệ. Các doanh nghiệp có hoạt động R&D nổi bật là Intel Việt Nam, Samsung, Datalogic, Sanofi, Sonion, Nanogen, FPT, Wakamono, Điện Quang… Hoạt động R&D được triển khai không chỉ phục vụ cho doanh nghiệp mà còn thực hiện dịch vụ nghiên cứu cho các công ty, tập đoàn khác trong và ngoài lãnh thổ Việt Nam.
 
Giá trị gia tăng nội địa trong cơ cấu giá trị sản phẩm tạo ra tại Khu công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh đạt khoảng 6 - 8%/dự án giai đoạn 2011 - 2012 đã tăng lên 20%/dự án giai đoạn 2013 - 2022. Khu công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh đã thu hút được 23 dự án sản xuất công nghiệp hỗ trợ công nghệ cao và ba dự án dịch vụ công nghiệp hỗ trợ công nghệ cao, tổng vốn đầu tư công nghiệp hỗ trợ đạt 512,72 triệu USD. Số lao động làm việc trong khu công nghệ cao là 51.910 người, trong đó 51.340 lao động trong nước và 570 lao động nước ngoài (năm 2022). Năng suất lao động bình quân của khu công nghệ cao tăng gấp 17 lần bình quân cả nước6. Khu công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh đặt mục tiêu thu hút đầu tư đạt 3 tỉ USD giai đoạn 2021 - 2025, trong đó thu hút thành công từ 1 - 2 tập đoàn công nghệ cao của thế giới7.
 
Khu công nghệ cao Đà Nẵng được thành lập năm 2010 với tổng vốn đăng kí đầu tư là 5.985 tỉ đồng và 607,6 triệu USD. Mục tiêu chính của Khu công nghệ cao Đà Nẵng là trở thành điểm đến của các nhà đầu tư trong và ngoài nước, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển khoa học - kĩ thuật của Đà Nẵng nói riêng và cả khu vực miền Trung - Tây Nguyên nói chung.
 
Khu công nghệ cao Đà Nẵng đã thu hút 29 dự án với tổng vốn đầu tư 905 triệu USD (4/2023). Tỉ lệ lấp đầy tại Khu công nghệ cao Đà Nẵng đạt 44%. Trong đó, phân khu sản xuất là 58%, khu hậu cần, logistics và dịch vụ công nghệ cao là 76% và khu nghiên cứu, phát triển, đào tạo và ươm tạo doanh nghiệp là 5,5%8.
 
Với mục tiêu phát triển Đà Nẵng thành đô thị công nghệ cao, thông minh và giàu bản sắc, Đà Nẵng sẽ tập trung phát triển công nghệ cao với quy mô diện tích đất khoảng 1.710 ha, gồm: Khu công nghệ cao Đà Nẵng, Khu công nghệ cao mở rộng; Khu Công nghệ thông tin; Khu công viên phần mềm. Hình thành Cụm Đổi mới sáng tạo tại phía Nam Thành phố gắn liền với Trung tâm Đổi mới sáng tạo và công viên phần mềm. Cùng với đó, Đà Nẵng sẽ triển khai xây dựng nhiều dự án giao thông lớn. Cụ thể, tiếp tục nâng cấp, mở rộng Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng đạt công suất 30 triệu hành khách mỗi năm. Phấn đấu tỉ lệ đóng góp của Khu công nghệ cao Đà Nẵng vào tổng sản phẩm cho khu vực (Gross Regional Domestic Product - GRDP) của Thành phố đạt tối thiểu 10% năm 2025 và đạt tối thiểu 15% năm 2030.
 
3. Giải pháp phát triển khu đô thị công nghệ cao Việt Nam

Là một trong những quốc gia có quyết tâm cao về đổi mới sáng tạo, Việt Nam đang ngày càng hoàn thiện các yếu tố thúc đẩy đổi mới sáng tạo hiệu quả. Theo đánh giá của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (World Intellectual Property Organization - WIPO), Việt Nam liên tiếp đứng vị trí thứ 42 (năm 2019, 2020) và thứ 44 (năm 2021) về đổi mới sáng tạo, được ghi nhận là quốc gia đạt được thành tựu sáng tạo trong 10 năm liên tiếp (2011 - 2020), đặc biệt là đổi mới sáng tạo trong nhóm chỉ số về thị trường và doanh nghiệp. Năm 2020, Việt Nam cũng là quốc gia đứng đầu đạt được thành tựu đổi mới ở nhóm 29 nền kinh tế có mức thu nhập trung bình. Với xuất phát điểm là quốc gia có thu nhập trung bình thấp, kết quả mà Việt Nam đạt được về đổi mới sáng tạo đang ngày càng phát triển nhanh.
 
Đổi mới sáng tạo khoa học,  công nghệ là chìa khóa giúp Việt Nam vượt qua bẫy thu nhập trung bình và sớm thoát khỏi sự lệ thuộc vào công nghệ thấp và nguồn tài nguyên đang cạn kiệt dần. Tuy nhiên, những bước tiến về đổi mới sáng tạo, các chỉ số đổi mới sáng tạo của Việt Nam vẫn còn những điểm hạn chế. Mức độ đầu tư cho đổi mới sáng tạo ở Việt Nam thấp hơn các nước trong khu vực. Tỉ lệ chi cho khoa học và công nghệ bao gồm cả khu vực Nhà nước và tư nhân chỉ khoảng 0,44% GDP, đứng sau Singapore (2,22%), Malaysia (1,44%), Thái Lan (0,78%)9.
 
Khu công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh phấn đấu đến năm 2030 trở thành một tiểu đô thị khoa học - công nghệ, một trung tâm đổi mới sáng tạo, là hạt nhân của khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông Thành phố Hồ Chí Minh. Để đạt được mục tiêu đặt ra, những giải pháp phát triển khu đô thị công nghệ cao Việt Nam cần tập trung thực hiện, bao gồm:
 
Thứ nhất, nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo của các doanh nghiệp, trường đại học, các tổ chức nghiên cứu công và tăng khả năng tương tác của họ. 
 
Việc hợp tác, liên kết giữa các viện, trường, giữa cộng đồng doanh nghiệp các khu công nghiệp, khu chế xuất với các khu công nghệ cao của Việt Nam vẫn còn mang tính cục bộ, nhỏ lẻ, chưa tương xứng với tiềm năng sẵn có. Khoảng 80% doanh nghiệp Việt Nam chưa hợp tác với các trường, tổ chức nghiên cứu để thực hiện các hoạt động đổi mới sáng tạo. 
 
Thời gian tới, cần tập trung nghiên cứu các cơ chế, chính sách để tăng cường mối liên kết giữa doanh nghiệp với các trường đại học, các viện nghiên cứu, nhanh chóng phát triển các tổ chức trung gian thúc đẩy đổi mới sáng tạo của các doanh nghiệp nói riêng và thị trường khoa học, công nghệ nói chung. Các công ty, trường đại học, các tổ chức nghiên cứu công phải được trang bị năng lực công nghệ mạnh vì họ là nguồn chính tạo ra đổi mới sáng tạo và họ cũng phải tương tác chặt chẽ với nhau để tạo ra hiệu ứng tổng hợp. 
 
Thứ hai, vai trò quan trọng của Chính phủ trong hoạch định các chính sách đổi mới sáng tạo.
 
Chính phủ đóng vai trò là nhà cung cấp và điều tiết để tăng năng lực đổi mới sáng tạo quốc gia. Ở Việt Nam, hoạt động  quản lí nhà nước, nhất là mô hình quản lí vận hành của khu công nghệ cao chưa đáp ứng tính đặc thù của hoạt động công nghệ cao, cần có điều chỉnh về thẩm quyền một cửa tại chỗ, cải tiến thủ tục hành chính, cấp thu hồi giấy phép đầu tư, xây dựng.
 
Tuy nhiên, sau khi năng lực đổi mới sáng tạo, năng lực nội địa hóa các công nghệ tiên tiến của khu vực tư nhân, doanh nghiệp trở nên mạnh, Chính phủ cần đóng vai trò là người điều phối để thúc đẩy môi trường nơi khu vực tư nhân có thể tự mình tạo ra đổi mới sáng tạo. Để tăng tốc bứt phá trong giai đoạn công nghiệp hóa và bắt kịp các nước phát triển trên thế giới, Việt Nam cần tăng chi tiêu cho R&D. Đầu tư cho R&D của doanh nghiệp Việt Nam hiện chỉ chiếm 64% tổng đầu tư cho R&D quốc gia, dù đã tăng nhiều so với giai đoạn trước, nhưng để doanh nghiệp thực sự là trung tâm của hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia thì tỉ lệ này phải đạt 75 - 80%.
 
Thứ ba, tạo lập thể chế tốt hơn cùng với các chính sách đổi mới sáng tạo nổi trội và phối hợp chính sách của nhiều bộ, cơ quan công quyền một cách thống nhất. 
 
Đổi mới sáng tạo của Việt Nam đang trong giai đoạn hình thành, do đó khung khổ thể chế chưa đầy đủ, chưa theo kịp các nước phát triển. Sau gần 20 năm ban hành Luật Công nghệ cao (2008), mô hình quản lí của Việt Nam vẫn chưa có nền tảng pháp lí vững chắc, chưa theo kịp tốc độ phát triển các khu công nghệ cao trên thế giới; chưa có một cơ chế hợp tác, liên kết rõ nét với vai trò điều phối của cơ quan chủ quản trong công tác quản lí nhà nước theo một chiến lược phát triển các khu công nghệ cao chung trên bình diện quốc gia. 
 
Cơ chế “một cửa” khiến thủ tục hành chính để thực hiện một dự án đầu tư thuộc thẩm quyền của ban quản lí các khu công nghệ cao được triển khai nhanh, tuy nhiên, thẩm quyền giải quyết thủ tục được đưa về các sở, ngành chuyên môn quyết định. Điều này làm cho việc cấp phép và triển khai dự án đầu tư tại các khu công nghệ cao phải qua “nhiều cửa” nên mất rất nhiều thời gian. Trước đây, doanh nghiệp chỉ mất khoảng 6 tháng cho các thủ tục, nhưng đến nay họ phải mất 2 năm mới hoàn thành và triển khai xây dựng dự án. Trong khi đó, bản chất các ngành công nghệ cao là phát triển nhanh sản phẩm ra thị trường. Thủ tục hành chính lâu sẽ khiến công nghệ mất đi tính đột phá, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư của các khu công nghệ cao. Về dài hạn, cần xây dựng hành lang pháp lí riêng về khu công nghệ cao, trong đó có nội dung điều chỉnh mô hình quản lí, phân quyền, phân cấp ủy quyền đối với ban quản lí.
 
Bởi vậy, cần chú trọng xây dựng thể chế, chính sách đặc thù, vượt trội, thúc đẩy ứng dụng, chuyển giao công nghệ. Chính sách đổi mới sáng tạo cần có khả năng thực thi hiệu quả và phản ánh các xu hướng chính sách mới nhất, tất cả đều được đưa vào thể chế. Vì vậy, cần tạo lập một thể chế tốt hơn thông qua việc thành lập cơ quan quản lí điều phối mạnh, tăng cường thực thi pháp luật. Thành lập cơ quan chuyên trách về đổi mới sáng tạo để thu thập và trao đổi tất cả thông tin liên quan đến chính sách đổi mới sáng tạo giữa các cơ quan, các bộ và chính quyền địa phương. 
 
Thứ tư, tăng cường đầu tư cho hoạt động R&D. 
 
Đầu tư cho R&D là đầu tư quan trọng để tạo ra đổi mới công nghệ. Hoạt động nghiên cứu và phát triển giúp các khu công nghệ cao không chỉ là nơi sản xuất công nghệ cao mà còn là nơi nghiên cứu, ươm tạo công nghệ cao. Tổng chi cho R&D của dự án được thực hiện tại Việt Nam (bao gồm: Chi xây dựng cơ sở hạ tầng kĩ thuật cho nghiên cứu; chi hoạt động R&D; chi đào tạo cán bộ nghiên cứu) chiếm tỉ lệ không dưới 5% tổng doanh thu hằng năm. Chi hoạt động R&D thực hiện tại Việt Nam chiếm tỉ lệ không dưới 1% tổng doanh thu hằng năm10, thấp hơn nhiều so với các nền kinh tế tiên tiến ở châu Á, như Hàn Quốc (4%), Nhật Bản (3,6%), Đài Loan (2,9%) và Singapore (2,3%) năm 2015.
 
Thúc đẩy hoạt động R&D là quá trình khó, mất nhiều thời gian, vì vậy, để thu hút hoạt động R&D, cần có chính sách ưu đãi mạnh hơn cho các doanh nghiệp sản xuất tại các khu công nghệ cao. Cần thu hút nhân lực từ các trường đại học, viện nghiên cứu, chọn lọc, đào tạo chuyên sâu và liên kết hợp tác trong và ngoài nước. Để các khu công nghệ cao trở thành hạt nhân khoa học - công nghệ, là trung tâm đổi mới sáng tạo, tạo sức lan tỏa về thu hút các dự án công nghệ cao, cần đẩy mạnh đầu tư, hỗ trợ kết nối các hoạt động R&D, đặc biệt nâng cao năng lực nội sinh bằng cách phát triển các doanh nghiệp trong nước làm công nghệ.
 
Thứ năm, tăng cường đầu tư phát triển nguồn nhân lực cho đổi mới sáng tạo. 
 
Nguồn nhân lực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo có vai trò quyết định đối với quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Phát triển nguồn nhân lực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là quan trọng vì con người luôn là yếu tố trung tâm của quá trình đổi mới sáng tạo. Con người sáng tạo ra các ý tưởng, đồng thời biến ý tưởng đó thành hiện thực, tức là tạo ra các công nghệ, sản phẩm và dịch vụ mới. Hiện nguồn nhân lực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo ở Việt Nam còn khá thấp cả về số lượng và chất lượng. Do đó, cần đào tạo và phát triển đội ngũ nhân lực chất lượng cao trong các doanh nghiệp và tại các viện nghiên cứu, trường đại học. Cần có chính sách thu hút nhân tài khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, chế độ tuyển dụng, đề bạt phải chuyển từ tiêu chuẩn “thâm niên” sang “vị trí công việc”, “kết quả”. 
 
Tóm lại, công nghệ là lĩnh vực kinh doanh quan trọng nhất toàn cầu. Sự phát triển của công nghệ chiếm 65% trong top 20 công ty lớn thế giới tính theo vốn hóa thị trường. Sự đổi mới liên tục trong lĩnh vực công nghệ thúc đẩy sự phát triển của đô thị công nghệ.  Dân số thành thị ở châu Á (trong đó có Việt Nam) sẽ chiếm gần một nửa dân số thành thị trên thế giới và gần 2/3 dân số châu Á (khoảng 3 tỉ người) vào năm 2050. Phát triển đô thị công nghệ cao mang lại triển vọng giải quyết các vấn đề lâu dài mà các đô thị phải đối mặt trong các lĩnh vực giao thông, cung cấp dịch vụ công, giáo dục, chăm sóc sức khỏe và tiện ích. Dự báo, chi tiêu cho đô thị công nghệ cao ở khu vực châu Á sẽ chiếm 40% chi tiêu toàn cầu, tương đương 800 tỉ USD năm 2025 (Yumin Joo, 2020). Nhờ sự kết hợp của các công nghệ thông minh như cảm biến, mạng không dây và thiết bị liên lạc, các đô thị có thể phát triển toàn bộ hệ thống thông minh để tự động hóa, quản lí và tối ưu hóa các dịch vụ và tiện ích quan trọng. Việt Nam là một trong những quốc gia năng động nhất trên toàn cầu, với Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội nằm trong số 10 thành phố hàng đầu châu Á đã thành công trong việc đón nhận thay đổi công nghệ để phát triển. Mặc dù khó có thể sớm trở thành đối thủ của Tokyo (Nhật Bản) hoặc Seoul (Hàn Quốc) nhưng các đô thị công nghệ cao của Việt Nam có cơ hội cạnh tranh với các đô thị đang lên như Jakarta (Indonesia) hoặc Bangkok (Thái Lan).
 
Hiện 55% dân số thế giới sống ở các khu vực thành thị và con số đó dự kiến sẽ tăng lên 68% năm 2050.
2 Programming  Asia Pacific Tech Cities As Global Tech Hubs, (2019), PowerPoint Presentation. 
3 Hoàng Giang (2023), “Phát triển khu công nghệ cao: Tại sao chưa xứng tầm?”, https://baochinhphu.vn
4 Nguyễn Vũ (2023), “Phát triển khu công nghệ cao Hòa Lạc thành Trung tâm Thành phố phía Tây Hà Nội”, https://kinhtedothi.vn
5 Khánh Trình (2023), “Tạo lực "hấp dẫn" thu hút các tập đoàn công nghệ đa quốc gia”, https://nhandan.vn
6 An Khương (2022), “Khu công nghệ cao thu hút 12 tỉ USD, năng suất lao động gấp 17 lần cả nước”, https://m.soha.vn
7 Tiến Lực (2022), “20 năm Khu công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh: Mô hình thành công”,  https://www.vietnamplus
8 Hữu Khá (2023), “Công nghệ cao - trụ cột phát triển Đà Nẵng trong tương lai”, https://tuoitre.vn
9 Sở Khoa học và Công nghệ Hưng Yên, “Thúc đẩy đổi mới sáng tạo: "Nút thắt" ở cơ chế?”, http://khcnhungyen.gov.vn
10 Tiêu chí đối với các dự án đầu tư trong Khu công nghệ cao Hòa Lạc, https://hhpd.vn 

Tài liệu tham khảo:
 
1. Top 10 Innovative Tech Cities in the World 2023 - BestSearchto.
2. Adam Fayed (2023), “What are the world’s most innovative cities in 2023?”, https://adamfayed.com
3. Olivia Lai (2023), Top 7 Smart Cities in the World in 2023,  https://earth.org
4. Santiago S (2023), Top 30 Cities for Startup Ecosystems in 2023,  https://invgate.com
5. Tam Ho (2022), Top 10 the biggest tech hubs in the world in 2022 - InApps.
6. Yumin Joo (2020), Smart Cities in Asia: An Introduction;  (PDF) Smart cities in Asia: an introduction, https://www.researchgate.net
7. Hữu Khá (2023), “Công nghệ cao - trụ cột phát triển Đà Nẵng trong tương lai”, https://tuoitre.vn
8. Tiến Lực (2022), “20 năm Khu công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh: Mô hình thành công”, https://www.vietnamplus 
9. An Khương (2022), “Khu công nghệ cao thu hút 12 tỉ USD, năng suất lao động gấp 17 lần cả nước”, https://m.soha.vn 
10.  Bộ Khoa học và Công nghệ (2021), “Chính sách đổi mới sáng tạo của một số nước châu Á và hàm ý cho Việt Nam”, https://vista.gov.vn
 
PGS., TS. Phạm Thị Thanh Bình (Giảng viên cao cấp, Đại học Mở Hà Nội)
Đỗ Quỳnh Anh (Học viện Tài chính)
 

Theo: Tạp chí Ngân hàng