Trong tháng 4/2024, Công ty Dệt may Thành Công ghi nhận doanh thu đạt hơn 11,9 triệu USD (tương đương 303,4 tỷ đồng), tăng 13% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận của công ty đạt 907.047 USD (hơn 23 tỷ đồng), tăng 399% so với cùng kỳ. Lũy kế 4 tháng đầu năm 2024, công ty đạt doanh thu hơn 51,6 triệu USD, tăng 8% so với cùng kỳ năm 2023 và hoàn thành 33% kế hoạch năm 2024. Lợi nhuận sau thuế lũy kế 4 tháng đạt hơn 3,4 triệu USD, tăng 38% và đạt 50% so với kế hoạch năm.
Ảnh minh họa |
Xét về cơ cấu doanh thu trong tháng 4/2024, sản phẩm may chiếm 75% tổng doanh thu, sản phẩm vải chiếm 14%, sản phẩm sợi đóng góp 8%, và các sản phẩm khác chiếm 3% tổng doanh thu.
Trong tháng 4, Công ty Dệt may Thành Công đã xuất khẩu chủ yếu sang các thị trường châu Á, chiếm 62,86% tổng kim ngạch xuất khẩu. Cụ thể, thị trường Hàn Quốc chiếm 24,09%, Nhật Bản chiếm 21,56%, Việt Nam chiếm 8,26%, và Trung Quốc chiếm 5,38%. Thị trường Châu Mỹ chiếm 32,2%, với Mỹ chiếm 28,66% và Canada chiếm 3,56%. Thị trường Châu Âu chiếm 3,8%, trong đó Anh Quốc chiếm 2,83%.
Công ty đã và đang đẩy mạnh đa dạng hóa sản phẩm, đặc biệt tập trung vào các sản phẩm thân thiện với môi trường, sản phẩm tái chế và những sản phẩm có giá trị cao nhằm nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm. Mục tiêu của công ty là mở rộng khách hàng tại các thị trường còn nhiều tiềm năng, đồng thời tìm kiếm và khai phá các thị trường mới để gia tăng doanh thu xuất khẩu. Bên cạnh đó, công ty cũng chú trọng phát triển thị trường nội địa hiện tại và trong tương lai.
Về tình hình đơn hàng, Công ty Dệt may Thành Công đã nhận được khoảng 88% kế hoạch doanh thu cho các đơn hàng quý II/2024 và khoảng 83% kế hoạch doanh thu cho các đơn hàng quý III/2024. Công ty đặt mục tiêu doanh thu năm 2024 khoảng 3.707 tỷ đồng (157,7 triệu USD), tăng khoảng 12% so với năm 2023. Mục tiêu lợi nhuận sau thuế năm 2024 là 161,2 tỷ đồng (6,68 triệu USD), tăng khoảng 21% so với năm trước.
Theo dự báo tình hình xuất khẩu dệt may của Việt Nam năm 2024 và tình hình tiếp nhận đơn hàng hiện tại, công ty kỳ vọng rằng năm 2024 sẽ khả quan hơn so với năm 2023 và sẽ đạt được các mục tiêu kinh doanh đề ra.
Ông Phạm Xuân Hồng - Chủ tịch Hội Dệt - May - Thêu - Đan TP. Hồ Chí Minh cho hay, đơn hàng của doanh nghiệp trong quý II/2024 phục hồi tương đối thuận lợi, ở mức từ 10-15%. “Đơn hàng vẫn ở quy mô nhỏ nhưng phân khúc sản phẩm đa dạng giúp doanh nghiệp sản xuất “dễ thở” hơn”.
Mặc dù đơn hàng quý II/2024 có dấu hiệu khởi sắc hơn, ông Hồng cho biết tình hình vẫn chưa thực sự thuận lợi. Các nhãn hàng vẫn tỏ ra "e dè" trong việc quyết định đặt hàng, và nhiều nhà nhập khẩu đang theo dõi tác động từ các biến động chính trị trên thị trường thế giới cũng như sự phục hồi của một số quốc gia tiêu thụ lớn.
Theo lãnh đạo Hội Dệt - May - Thêu - Đan TP. Hồ Chí Minh, tác động của xung đột ở khu vực Biển Đỏ đến các doanh nghiệp dệt may đã "giảm nhiệt" một phần. Nguồn cung nguyên phụ liệu và xuất khẩu đã thích nghi và dần ổn định. Tuy nhiên, mối quan ngại hiện tại là cạnh tranh về giá, đòi hỏi các doanh nghiệp phải nâng cao năng suất và tiết giảm tối đa chi phí để có giá thành tốt nhất.
Ông Nguyễn Đăng Lợi, Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Dệt kim Đông Xuân, cũng chia sẻ những khó khăn nội tại của doanh nghiệp. Tại khu vực Hưng Yên, cạnh tranh lao động ngày càng gay gắt. Sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn, số lượng lao động nghỉ việc nhiều hơn so với số lao động tuyển mới. Mặc dù trang thiết bị đã được đầu tư chiều sâu, vẫn còn nhiều thiết bị cũ với công suất nhỏ. Doanh nghiệp đang tính toán để điều chuyển, thanh lý và tiếp tục đầu tư máy móc mới cho sản xuất. Đồng thời, doanh nghiệp cũng quyết liệt tăng năng suất lao động nhằm đáp ứng yêu cầu của khách hàng.
Dệt may Thành Công (TCM) sẽ mua lại dự án của đơn vị trong hệ thống Công ty CP Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công (HOSE: TCM) thông qua việc dùng 467,95 tỷ đồng (chưa gồm thuế ... |
Hai nhân sự nhóm thượng tầng của Viconship (VSC) bất ngờ rút lại đơn từ nhiệm Trước đó, Viconship (VSC) bất ngờ trình cổ đông miễn nhiệm Thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2020 - 2025 đối với 3 nhân sự gồm ... |
Doanh nghiệp bí ẩn tại Phú Yên huy động 1.500 tỷ đồng trái phiếu, nợ gấp 4 lần vốn chủ sở hữu Tỷ suất ROE rơi về con số 0, doanh nghiệp còn 1.500 tỷ đồng trái phiếu chưa đáo hạn, năm vừa qua doanh nghiệp này ... |
Đức Huy