Dự án kính hoa siêu trắng của Đạt Phương: Hướng đi mới sau giai đoạn xây lắp thoái trào
Dự án nhà máy kính hoa siêu trắng của Đạt Phương được kỳ vọng trở thành mũi nhọn chiến lược, mở ra cơ hội thâm nhập thị trường năng lượng sạch toàn cầu trong bối cảnh xây lắp không còn tạo ra lợi nhuận đột biến.
Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2025 được tổ chức vào sáng ngày 19/4, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Đạt Phương (HOSE: DPG) – ông Lương Minh Tuấn – cho biết doanh nghiệp đang tái cấu trúc chiến lược tăng trưởng với trọng tâm là dự án nhà máy kính hoa siêu trắng phục vụ ngành pin năng lượng mặt trời. Tổng mức đầu tư của dự án vẫn giữ ở mức 2.000 tỷ đồng, với thời gian hoàn vốn kỳ vọng 5–6 năm.

Nhà máy đặt tại Phong Điền (Thừa Thiên Huế), sử dụng nguồn cát silicat tại chỗ – đã được thử nghiệm tại nhiều quốc gia và cho kết quả hàm lượng sắt thấp, lý tưởng cho sản xuất kính siêu trắng. Tỉnh hiện đã cấp phép khai thác mỏ hơn 3ha và đang kiến nghị bổ sung mỏ mới diện tích 169ha, đủ nguyên liệu sản xuất 15 triệu m² kính/năm trong 30–40 năm tới.
Khác với Viglacera – chuyên làm kính xây dựng, Đạt Phương phát triển sản phẩm kính hoa siêu trắng dành riêng cho tấm pin mặt trời, sử dụng dây chuyền robot hóa gần như toàn bộ, chỉ giữ lại nhân lực tại khâu KCS và đóng gói. Công nghệ có hệ số bức xạ lên đến 94%, giúp tăng hiệu suất phát điện trên cùng diện tích lắp đặt.
Đạt Phương xác định châu Âu là thị trường trọng điểm, nhắm đến xu hướng chuyển đổi năng lượng, loại bỏ điện than và giảm điện hạt nhân sau khủng hoảng Nga – Ukraina. Đồng thời, thuế nhập khẩu kính từ Việt Nam vào châu Âu chỉ khoảng 3%, thấp hơn đáng kể so với mức hơn 9% từ Trung Quốc, tạo ra lợi thế cạnh tranh đáng kể.
Doanh nghiệp không nhắm đến thị trường Mỹ trong giai đoạn đầu do quy mô nhà máy chưa đủ lớn, nhưng đánh giá rằng nếu đáp ứng các tiêu chuẩn giá trị gia tăng nội địa, sản phẩm kính của Đạt Phương có thể tận dụng cơ hội xuất khẩu trong bối cảnh Mỹ siết thuế với hàng Trung Quốc.
Ngoài kính năng lượng, dây chuyền còn có thể chuyển đổi sản xuất kính xây dựng, kính ô tô và kính nội thất – hướng tới xuất khẩu Hàn Quốc, Nhật Bản và đáp ứng nhu cầu trong nước vốn phụ thuộc nhập khẩu.
Công ty cũng lên kế hoạch đầu tư nhà máy tuyển rửa và chế biến sâu cát, hướng tới các sản phẩm có giá trị cao như bột luyện dùng trong ngành điện tử, cát mộng nhựa cho cơ khí chính xác. Dự án này sẽ do công ty thành viên Đạt Phương Xuân Trà đảm nhiệm, kỳ vọng doanh thu hàng năm vài trăm tỷ đồng nếu triển khai thuận lợi.
Phần lớn doanh thu bất động sản ghi nhận vào 2026-2027
Trong mảng bất động sản, năm 2024 Đạt Phương Hội An báo lỗ sau thuế hơn 27 tỷ đồng do chưa thể bán hàng, vướng định giá đất. Tuy nhiên, Chủ tịch công ty khẳng định kế hoạch lãi 52 tỷ đồng năm 2025 có cơ sở, bởi một loạt dự án sẽ đủ điều kiện bán hàng trong quý II, trong đó có Casamia Balanca và Cồn Tiến. Tuy vậy, phần lớn doanh thu sẽ được ghi nhận từ năm 2026–2027 do đặc thù bàn giao nhà mới được hạch toán.
Riêng dự án Cồn Tiến, giá đất đợt đầu đã được phê duyệt ở mức gần 900 tỷ đồng (9,4 triệu đồng/m²), nhưng tổng nghĩa vụ nộp tiền sử dụng đất cho toàn bộ dự án lên tới khoảng 10.000 tỷ đồng. Doanh nghiệp đang đẩy nhanh thủ tục để phê duyệt các đợt còn lại trong năm nay, trước khi địa phương thực hiện đề án sáp nhập hành chính.
Một số dự án khác như Thăng Bình và khu phức hợp Dốc Dừa – Bình Dương cũng được tỉnh Quảng Nam cho phép tiếp tục triển khai sau khi điều chỉnh lại hình thức đầu tư phù hợp với quy định hiện hành.
Xây lắp duy trì ổn định, không còn là động lực lợi nhuận chính
Dù là ngành truyền thống, xây lắp không còn đóng góp đột biến như giai đoạn trước do biên lợi nhuận suy giảm và cạnh tranh gay gắt. Đạt Phương đã ký mới 3.000–4.000 tỷ đồng hợp đồng ngay trong quý I/2025, đủ để đảm bảo công việc trong cả năm, nhưng lợi nhuận ghi nhận chỉ ở mức trung bình.
Công ty xác định không tập trung vào "điểm rơi lợi nhuận", mà ghi nhận theo tiến độ hợp đồng. Một số hợp đồng lớn đã triển khai từ 2023–2024 và sẽ kéo dài đến 2025.
Đáng chú ý, doanh nghiệp cũng đã chuẩn bị nguồn lực để tham gia dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam, được kỳ vọng là cơ hội lớn cho các nhà thầu nội trong bối cảnh Chính phủ ưu tiên nội địa hóa.