Ở Trung Quốc, các chính sách và quy định mới đã được ban hành để chuyển đổi ngành tài chính sang hướng tài chính bền vững, trung lập với carbon và tài chính xanh. Sự bùng phát COVID-19 đã mang lại một loạt thách thức cho tương lai bền vững của Trung Quốc. Thách thức lớn nhất là làm thế nào để khôi phục nền kinh tế sau cuộc khủng hoảng, đồng thời vẫn theo đuổi các mục tiêu khí hậu của đất nước, cụ thể là các mục tiêu phát triển xã hội của Liên hợp quốc (LHQ), Thỏa thuận Paris và mục tiêu 30/60 của Trung Quốc.
Tài chính xanh là rất quan trọng để đạt được những mục tiêu này. Người ta ước tính rằng, để đạt được sự trung hòa về khí hậu vào năm 2030, Trung Quốc sẽ cần nguồn tài chính từ 3,1 nghìn tỷ nhân dân tệ (NDT) đến 3,6 nghìn tỷ NDT (tương đương 477 tỷ USD đến 554 tỷ USD) mỗi năm trong 10 năm tới. Điều đó cho thấy, lĩnh vực ngân hàng ở Trung Quốc đang đóng một vai trò quan trọng để hỗ trợ quá trình chuyển đổi. Kể từ năm 2019, dư nợ cho vay xanh của các ngân hàng Trung Quốc đã tăng trưởng theo cấp số nhân, từ 9,3 nghìn tỷ NDT (1,4 nghìn tỷ USD) trong quý đầu tiên của năm 2019 lên 16 nghìn tỷ NDT (2,4 nghìn tỷ USD) vào cuối năm 2021, lớn nhất trên thế giới. Dự kiến sẽ tiếp tục tăng lên 22 nghìn tỷ NDT (3,3 nghìn tỷ USD) vào cuối năm 2022. Tốc độ tăng trưởng cho các khoản vay xanh đã được tăng tốc từ quý 4/2020 và đạt mức cao kỷ lục 33% vào quý 4/2021, so với tỷ lệ tăng trưởng 12% của tổng dư nợ cho vay trong quý đó.
Động lực chính của sự gia tăng dư nợ xanh là các ngân hàng lớn của Trung Quốc, đã đóng góp hơn một nửa dư nợ, tăng từ 49% vào năm 2019 lên 55% vào năm 2021. Các ngân hàng chính sách cũng đóng một vai trò quan trọng trong tài chính xanh tại Trung Quốc, với thị phần ở mức 27% vào cuối năm 2021, tiếp theo là các ngân hàng cổ phần với mức 12%.
Dư nợ cho vay xanh của các ngân hàng Trung Quốc (từ năm 2019 đến hết năm 2022 (ước tính) |
Là một trong những ngân hàng lớn nhất ở Trung Quốc, Ngân hàng Công thương Trung Quốc (ICBC) sở hữu dư nợ cho vay xanh lớn nhất: 382 tỷ USD, tiếp theo là Ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc (ABC) với 304 tỷ USD và 302 tỷ USD là dư nợ tín dụng xanh của Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc (CCB). Ngân hàng Công nghiệp Trung Quốc (CIB) nằm trong số các ngân hàng cổ phần hàng đầu về dư nợ cho vay xanh, khoảng 468 tỷ NDT (70 tỷ USD). Xét về tốc độ tăng trưởng cho vay xanh, các ngân hàng cổ phần ở Trung Quốc dẫn đầu, Ngân hàng Minsheng Trung Quốc (MSB) đã đạt mức tăng trưởng cao nhất về tín dụng xanh trong ba năm qua, với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) trong ba năm ở mức 82%, tiếp theo là Ngân hàng Bình An (PAB) và Ngân hàng CITIC Trung Quốc (CITIC) với tỷ lệ lần lượt là 77% và 75%.
Mặc dù các ngân hàng Trung Quốc đã đạt được nhiều tiến bộ trong lĩnh vực tài chính xanh xét về tiêu chí mở rộng dư nợ cho vay xanh, nhưng con số này vẫn chưa được nhân rộng với tổng dư nợ cho vay xanh chỉ khoảng 8% tổng dư nợ. Vẫn còn tiềm năng rất lớn để các ngân hàng Trung Quốc tăng cường cho vay xanh để hỗ trợ hơn nữa quá trình chuyển đổi xã hội sang một tương lai bền vững.
(Nguồn: TAB)
Anh Lê