Dù VN-Index điều chỉnh, Pyn Elite Fund vẫn vững vàng nhờ chiến lược đầu tư nội địa
Pyn Elite Fund đánh giá, Việt Nam vẫn là điểm đến đầu tư hấp dẫn, dù VN-Index giảm hơn 6% trong tháng 4/2025. Với danh mục hướng nội 96%, quỹ tận dụng nhịp điều chỉnh để tích lũy cổ phiếu nền tảng như SHS, STB, MWG.
Trong báo cáo hoạt động tháng 4/2025 vừa công bố, Pyn Elite Fund – một trong những quỹ ngoại lớn và gắn bó lâu năm nhất với thị trường chứng khoán Việt Nam cho biết, thị trường đã phục hồi tích cực trong nửa cuối tháng, sau khi giảm sâu đầu tháng do lo ngại về chính sách thuế đối ứng từ Mỹ. Động lực chính của sự hồi phục đến từ thông tin hoãn áp thuế 90 ngày và kết quả kinh doanh quý I/2025 khởi sắc của nhiều doanh nghiệp niêm yết.
Dù VN-Index mất 6,2% trong tháng 4, hiệu suất danh mục của Pyn Elite chỉ giảm 4,5% – phản ánh chiến lược đầu tư phòng thủ hiệu quả của quỹ. Các cổ phiếu HVN (+9,3%), MWG (+3,1%) và STB (+2,1%) là những trụ đỡ chính, giúp quỹ giảm thiểu tác động tiêu cực từ thị trường chung.

Pyn Elite nhấn mạnh, 96% danh mục quỹ hiện nay tập trung vào các doanh nghiệp phục vụ thị trường nội địa, ít chịu ảnh hưởng trực tiếp từ các rủi ro thuế quan quốc tế. Nhà quản lý quỹ đánh giá đợt điều chỉnh vừa qua là cơ hội để tích lũy cổ phiếu có nền tảng vững chắc và định giá hấp dẫn.
Tính đến cuối tháng 4, Top 10 khoản đầu tư lớn nhất của Pyn Elite Fund gồm: STB, MBB, ACV, MWG, HVN, CTG, VIB, VCI, OCB và VIX. Trong đó, cổ phiếu Chứng khoán VIX đã thay thế DSE trong danh mục, phần lớn do DSE giảm 12% trong tháng 4, trong khi VIX đi ngang.

Đáng chú ý, Pyn Elite cũng xác nhận đang tích lũy cổ phiếu SHS (Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội) trong nhịp điều chỉnh của thị trường. Với định giá chỉ P/B 0,9 lần, SHS được xem là “giá hời” so với trung bình ngành (khoảng 1,8 lần), đồng thời quỹ đánh giá cao chiến lược tự doanh của SHS – tập trung vào cổ phiếu.
Về vĩ mô, Pyn Elite đánh giá triển vọng kinh tế Việt Nam vẫn tích cực trong trung – dài hạn, bất chấp thách thức thuế quan. Việt Nam chính thức bước vào đàm phán thương mại với Mỹ từ ngày 7/5, mở ra kỳ vọng về một thỏa thuận giảm thiểu tác động tiêu cực lên xuất khẩu.
Các chỉ số kinh tế quý I/2025 cũng cho thấy nền kinh tế đang phục hồi mạnh: Doanh thu bán lẻ tăng 11,1% so với cùng kỳ; Xuất khẩu tăng 20%; Sản xuất công nghiệp tăng 8,9%. Vốn FDI giải ngân tăng 7,9%, chủ yếu nhờ các nhà sản xuất điện tử toàn cầu tiếp tục cam kết đầu tư vào Việt Nam.
Dù Ngân hàng Thế giới đã hạ dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam 2025 xuống 5,8% do lo ngại thuế quan, Chính phủ vẫn giữ nguyên mục tiêu 8% và đang đẩy mạnh đầu tư công, hỗ trợ kinh tế bằng nhiều chính sách.
Trong đó có: Nghị quyết 68 của Ban Chấp hành Trung ương, khuyến khích khu vực kinh tế tư nhân tăng trưởng 10–12%/năm đến 2030. Đặc biệt, hệ thống giao dịch KRX đã chính thức vận hành từ ngày 5/5, tạo tiền đề kỹ thuật cho các sản phẩm tài chính hiện đại như T+0, CCP, bán khống, nâng cao tính thanh khoản và minh bạch – đồng thời là yếu tố hỗ trợ Việt Nam trong lộ trình nâng hạng thị trường.
Pyn Elite cho rằng, các doanh nghiệp niêm yết vẫn duy trì mục tiêu tăng trưởng lạc quan, phản ánh sự tin tưởng vào sức chống chịu của nền kinh tế nội địa. Trong ngắn hạn, thị trường có thể tiếp tục giằng co trước các yếu tố bất định vĩ mô, nhưng về dài hạn, Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn với dòng vốn tổ chức nhờ định giá hợp lý, tiềm năng tăng trưởng bền vững và cải cách hệ thống giao dịch.
Với khẩu vị đầu tư hướng nội và tầm nhìn trung dài hạn, Pyn Elite Fund tiếp tục khẳng định niềm tin vào nền tảng kinh tế Việt Nam, coi nhịp điều chỉnh là cơ hội tái cơ cấu và tích lũy cổ phiếu tốt, sẵn sàng đón làn sóng hồi phục khi môi trường quốc tế ổn định hơn.