HNX và UPCoM vẫn sôi động bất chấp áp lực từ vĩ mô

10/05/2025 - 00:48
(Bankviet.com) Thị trường HNX tháng 4/2025 ghi nhận sự sụt giảm chỉ số, nhưng dòng tiền đầu cơ vẫn mạnh mẽ, đặc biệt tại các mã như SHS, CEO, HNG. Thanh khoản tăng cho thấy nhà đầu tư vẫn kỳ vọng vào cơ hội ngắn hạn, dù tâm lý thị trường thận trọng hơn trước những biến động vĩ mô và chính sách thuế quan.
Nhịp đập thị trường

HNX và UPCoM vẫn sôi động bất chấp áp lực từ vĩ mô

Anh Vũ 09/05/2025 15:59

Thị trường HNX tháng 4/2025 ghi nhận sự sụt giảm chỉ số, nhưng dòng tiền đầu cơ vẫn mạnh mẽ, đặc biệt tại các mã như SHS, CEO, HNG. Thanh khoản tăng cho thấy nhà đầu tư vẫn kỳ vọng vào cơ hội ngắn hạn, dù tâm lý thị trường thận trọng hơn trước những biến động vĩ mô và chính sách thuế quan.

Thanh khoản HNX bật tăng bất ngờ

Bất chấp đà giảm điểm mạnh của HNX-Index trong tháng 4/2025, diễn biến thanh khoản trên thị trường lại phản ánh một câu chuyện khác. Dòng tiền đầu cơ vẫn sẵn sàng nhập cuộc, thể hiện kỳ vọng và mức độ quan tâm của nhà đầu tư đối với các cơ hội ngắn hạn và nhóm cổ phiếu tiềm năng.

Theo báo cáo từ Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), chỉ số HNX-Index kết thúc tháng ở mức 211,94 điểm, giảm 9,83% so với cuối tháng 3. Đợt sụt giảm bắt đầu từ ngày 3/4, sau thông tin Mỹ áp thuế 46% lên hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, gây ra phản ứng tâm lý mạnh trên toàn thị trường. Tuy nhiên, thay vì rơi vào trạng thái “rút tiền”, thị trường HNX chứng kiến một diễn biến ngược chiều khi thanh khoản bật tăng ấn tượng.

hnx.jpg
Giao dịch trên thị trường cổ phiếu niêm yết tháng 4/2025

Cụ thể, khối lượng giao dịch bình quân tháng 4 đạt 89,4 triệu cổ phiếu/phiên, tăng 37,5% so với tháng trước. Giá trị giao dịch bình quân cũng tăng 17,7% lên mức 1.350 tỷ đồng/phiên. Phiên ngày 3/4, thời điểm thị trường phản ứng tiêu cực nhất với thông tin vĩ mô – lại là phiên có thanh khoản cao nhất tháng, với 162,6 triệu cổ phiếu được giao dịch, tương đương 2.600 tỷ đồng.

Đáng chú ý, nhóm cổ phiếu HNX30 tiếp tục đóng vai trò dẫn dắt thanh khoản toàn thị trường, chiếm tới gần 65% khối lượng và hơn 76% giá trị giao dịch. Những cái tên nổi bật trong nhóm này bao gồm SHS, CEO và PVS đều là các mã có thanh khoản tăng vọt trong tháng. Trong đó, cổ phiếu SHS của Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội tiếp tục giữ ngôi đầu với hơn 391 triệu cổ phiếu được trao tay, chiếm 21,35% thị phần toàn sàn.

Cũng trong tháng, một số cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ có mức tăng giá đáng kể, dẫn đầu là NFC (Phân lân Ninh Bình) tăng 54,74%, SMT (SAMETEL) tăng 35,29%, THS (Thanh Hoa – Sông Đà) tăng 34,74% và KHS (Kiên Hùng) tăng 34,03%. Mặc dù các mã này chưa nằm trong nhóm vốn hóa lớn, song mức tăng mạnh cho thấy dòng tiền đầu cơ vẫn sẵn sàng tìm kiếm lợi nhuận ở những cơ hội ngắn hạn

Dòng tiền từ nhà đầu tư nước ngoài tuy có dấu hiệu rút bớt khỏi thị trường, với giá trị bán ròng hơn 439 tỷ đồng, nhưng tổng giá trị giao dịch vẫn tăng 23% so với tháng trước. Cổ phiếu SHS và CEO tiếp tục thu hút dòng vốn ngoại với lượng mua lần lượt là 12,1 triệu và 8,8 triệu cổ phiếu – minh chứng cho sức hút từ các doanh nghiệp đầu ngành, có nền tảng tài chính vững và được định giá hấp dẫn.

Từ một góc nhìn lạc quan hơn, diễn biến tháng 4 có thể được xem là “phép thử” cho sức chịu đựng của thị trường trong bối cảnh thông tin bất lợi xuất hiện bất ngờ. Việc chỉ số giảm nhưng dòng tiền không sụt giảm theo, thậm chí còn tăng mạnh cho thấy nhà đầu tư vẫn chưa rời bỏ thị trường, mà đang tái cơ cấu danh mục, chuyển hướng sang các nhóm cổ phiếu có khả năng hồi phục nhanh hoặc hưởng lợi từ xu hướng mới.

Trong bối cảnh chỉ số sụt giảm nhưng thanh khoản bật tăng, thị trường HNX tháng 4/2025 phản ánh sự giằng co giữa tâm lý phòng thủ và kỳ vọng phục hồi. Dòng tiền đầu cơ tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong việc giữ nhịp thị trường, đặc biệt tại các cổ phiếu thuộc nhóm HNX30 và các mã có “câu chuyện riêng”.

Cổ phiếu HNG tiếp tục dẫn sóng trên UPCoM

Trên UPCoM, bức tranh có nhiều điểm tương đồng. Chỉ số UPCoM Index đóng cửa phiên giao dịch cuối tháng đạt 92,42 điểm, giảm 5,74% so với cuối tháng trước. KLGD bình quân tăng 13,34% so với tháng 3, đạt hơn 61,35 triệu cổ phiếu/phiên, GTGD bình quân tăng 11,27%, đạt hơn 803,24 tỷ đồng/phiên. Phiên giao dịch ngày 3/4/2025 ghi nhận mức KLGD và GTGD cao nhất tháng với 135,37 triệu cổ phiếu và 1.775 tỷ đồng.

up.jpg
Giao dịch trên thị trường UPCoM tháng 4/2025

Cổ phiếu HNG của Hoàng Anh Gia Lai Agrico tiếp tục là tâm điểm giao dịch trên sàn UPCoM, chiếm gần 10% tổng khối lượng toàn sàn, đồng thời cũng nằm trong top các cổ phiếu được nhà đầu tư nước ngoài mua ròng mạnh.

Trong khi đó, BVB (Ngân hàng Bản Việt) và SBS (Chứng khoán SBS) là những cái tên tăng bậc mạnh mẽ về thanh khoản, phản ánh sự chuyển hướng của dòng tiền sang các mã có câu chuyện riêng và tính chất “đầu cơ” cao.

Đáng chú ý, một số cổ phiếu vốn hóa nhỏ như FRM (Lâm nghiệp Sài Gòn) và TIN (Tài chính Tín Việt) đã bứt phá ngoạn mục về giá, với mức tăng trên 100%, thậm chí vượt 200%. Tuy nhiên, những cổ phiếu tăng giá mạnh nhất này đều thuộc nhóm có thanh khoản thấp, dễ bị thao túng giá, khiến nhà đầu tư cần cực kỳ tỉnh táo khi tham gia vào các nhịp “sóng ngắn” kiểu này.

Ở chiều ngoại, nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục bán ròng mạnh hơn 657 tỷ đồng trên UPCoM, tập trung chủ yếu vào các cổ phiếu vốn hóa lớn như QNS (Đường Quảng Ngãi) và OIL (Dầu Việt Nam). Trong khi đó, mã ACV (Cảng hàng không Việt Nam) và HNG lại được mua ròng nhiều, cho thấy nhà đầu tư nước ngoài đang tái cơ cấu danh mục với xu hướng giảm tỷ trọng nhóm hàng tiêu dùng – năng lượng, và chuyển sang hạ tầng – nông nghiệp.

Với nhà đầu tư đang quan sát thị trường, tín hiệu từ tháng 4 mang hàm ý rằng, thị trường chưa thoát khỏi rủi ro, nhưng cơ hội vẫn hiện diện, đặc biệt là với những ai đủ nhanh nhạy để nắm bắt đúng điểm rơi thanh khoản và lựa chọn cổ phiếu phù hợp.

Trong tháng tới, sự hồi phục bền vững của chỉ số sẽ phụ thuộc nhiều vào diễn biến kinh tế vĩ mô, thông tin chính sách và đặc biệt là động thái tiếp theo của nhà đầu tư tổ chức. Dù vậy, thanh khoản hiện tại chính là tín hiệu cho thấy “cuộc chơi” trên HNX và UPCoM vẫn còn hấp dẫn, ít nhất là với những dòng tiền ưa rủi ro và có tầm nhìn ngắn – trung hạn.

Anh Vũ

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán