Chứng khoán châu Á tăng mạnh nhờ dữ liệu kinh tế tích cực
Chứng khoán châu Á phiên 9/5 ghi nhận đà tăng tích cực nhờ loạt dữ liệu kinh tế lạc quan từ Trung Quốc, Đài Loan và kỳ vọng Fed hạ lãi suất; trong khi nhà đầu tư theo dõi sát diễn biến đàm phán thương mại Mỹ - Trung.
Tại Trung Quốc, chỉ số Shanghai Composite giảm nhẹ 0,3% xuống còn 3.342,01 điểm, trong khi chỉ số CSI300 mất 6,74 điểm (0,17%) xuống 3.846,16 điểm.
Xuất khẩu của Trung Quốc trong tháng 4 tăng mạnh, vượt xa dự báo của giới phân tích, nhờ nhu cầu nguyên liệu từ các nhà sản xuất nước ngoài tăng cao. Các doanh nghiệp toàn cầu đang tranh thủ thời gian "miễn thuế" kéo dài 90 ngày do Mỹ tạm hoãn áp thuế để đẩy mạnh sản xuất.
Căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc tiếp tục là yếu tố chi phối tâm lý thị trường. Giới đầu tư kỳ vọng các cuộc đàm phán thương mại sắp tới tại Thụy Sĩ sẽ mở ra hướng đi tích cực cho hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, vốn đang bị mắc kẹt trong cuộc chiến thuế quan kéo dài.

Tại Hồng Kông, chỉ số Hang Seng tăng 78,18 điểm (0,34%) lên 21.970,81 điểm. Theo chuyên gia nhận định, dòng vốn ngoại và nội địa đang chảy mạnh vào thị trường Hồng Kông, trong bối cảnh nhà đầu tư kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ sớm cắt giảm lãi suất vào nửa cuối năm nay.
Tại Nhật Bản, chỉ số Nikkei 225 tăng vọt 574,70 điểm (1,56%) lên 37.503,33 điểm. Dù vậy, những số liệu trái chiều về tiền lương và chi tiêu tiêu dùng đang cho thấy triển vọng tăng trưởng của nền kinh tế Nhật Bản tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức, đặc biệt trong bối cảnh rủi ro từ chính sách tiền tệ và thương mại toàn cầu ngày càng lớn. Giới phân tích dự báo GDP quý I của Nhật Bản có thể ghi nhận mức sụt giảm, với dữ liệu chính thức sẽ được công bố vào tuần tới.
Tại Đài Loan, chỉ số Taiex tăng mạnh 371,64 điểm (1,81%) lên 20.915,04 điểm. Xuất khẩu tháng 4 của hòn đảo này ghi nhận mức tăng ấn tượng 29,9% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 48,66 tỷ USD. Đà tăng trưởng này phần lớn nhờ nhu cầu tích trữ hàng công nghệ cao trước khi các mức thuế quan mới của Mỹ có hiệu lực.
Các thị trường khu vực ghi nhận diễn biến trái chiều. Tại Hàn Quốc, chỉ số Kospi mất 0,086% đạt 2.577,27 điểm. Tại Úc, chỉ số S&P/ASX 200 tăng 39,50 điểm, tương đương 0,38%, lên 8.231,30 điểm. Trong khi đó tại Ấn Độ, chỉ số Sensex mất 823,20 điểm (0,048%) còn 79.511,62 điểm. Tại Thái Lan, chỉ số SET giảm 0,31% chạm mức 608,26 điểm.
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã giữ nguyên lãi suất vào hôm thứ Tư đồng thời cảnh báo về những rủi ro gia tăng liên quan đến lạm phát và thất nghiệp, khiến triển vọng kinh tế trở nên mờ mịt hơn.
Theo công cụ FedWatch của CME, khả năng Fed bắt đầu cắt giảm lãi suất 25 điểm cơ bản vào cuộc họp tháng 7 hiện được thị trường định giá ở mức khoảng 60%, giảm đáng kể so với mức 92% của tuần trước.
Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm hiện ổn định ở mức 4,3667%, sau khi tăng 10 điểm cơ bản trong phiên thứ Năm do nhu cầu tìm kiếm tài sản an toàn giảm sút.
Trên thị trường ngoại hối, chỉ số USD Index tăng lên đỉnh một tháng tại mức 100,86. Đồng Euro giảm xuống 1,1197 USD – mức thấp nhất trong một tháng, trong khi đồng bảng Anh rơi xuống mức 1,3213 USD ghi nhận mức thấp nhất trong ba tuần. Đồng yên Nhật cũng giảm mạnh về 146,185 yên/USD, sau khi lao dốc 1,5% trong phiên liền trước.