Mới đây, Công ty CP Phân đạm và Hoá chất Hà Bắc (Đạm Hà Bắc, UPCoM: DHB) đã công bố báo cáo tài chính quý IV/2023 với màn “đảo chiều” lợi nhuận bất ngờ.
Trong quý cuối cùng của năm, Đạm Hà Bắc ghi nhận doanh thu thuần đạt 1.189 tỷ đồng, tăng 4% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, việc giá vốn hàng bán lại tăng tới 47%, lên mức 1.124 tỷ đồng đã khiến lợi nhuận gộp của doanh nghiệp chỉ đạt vỏn vẹn 65 tỷ đồng, giảm gần 6 lần so với cùng kỳ.
Mặc dù tăng đột biến 8,6 lần so với cùng kỳ nhưng doanh thu từ hoạt động tài chính của Đạm Hà Bắc chỉ đạt gần 6 tỷ đồng. Trong khi đó, chi phí tài chính chỉ tiết giảm được 38%, vẫn neo cao ở mức 136 tỷ đồng, cao gấp 1,9 lần lợi nhuận gộp và doanh thu tài chính cộng lại.
Chưa kể, chi phí bán hành và chi phí quản lý doanh nghiệp đồng loạt tăng. Các yếu tố này khiến Đạm Hà Bắc báo lỗ thuần từ hoạt động kinh doanh gần 154 tỷ đồng.
Tuy nhiên, nhờ khoản thu nhập hơn 1.803 tỷ đồng từ “đề án các khoản vay Ngân hàng Phát triển”, doanh nghiệp thành công chuyển lỗ thành lãi. Mặc dù không thuyết minh cụ thể nhưng số liệu từ báo cáo tài chính của Đạm Hà Bắc cho thấy, nhiều khả năng, đây là khoản thu nhập có được từ việc miễn giảm lãi phải trả.
Khấu trừ thuế, Đạm Hà Bắc báo lãi sau thuế 1.649 tỷ đồng, cao gấp 19,4 lần cùng kỳ.
Quý IV/2023, Đạm Hà bắc ghi nhận khoản thu nhập hơn 1.803 tỷ đồng từ “đề án các khoản vay Ngân hàng Phát triển” |
Luỹ kế cả năm 2023, doanh thu của doanh nghiệp đạt 4.413 tỷ đồng, sụt giảm 31% so với năm 2022. Nhờ khoản lãi đột biến thu được trong quý IV, lợi nhuận cả năm của Đạm Hà Bắc vẫn đạt 861 tỷ đồng.
Đến cuối năm 2023, doanh nghiệp còn lỗ lũy kế 2.108 tỷ đồng. Con số này từng lên gần 4.750 tỷ vào cuối năm 2020.
Trên bảng cân đối kế toán, tại thời điểm ngày 31/12/2023, Đạm Hà Bắc ghi nhận tổng tài sản ở mức 6.746 tỷ đồng, giảm 11% so với cùng kỳ. Trong đó, mặc dù đã tăng 56% so với cùng kỳ nhưng tiền và các khoản tương đương tiền của doanh nghiệp chỉ đạt 322 tỷ đồng, tăng 56% so với cùng kỳ, chỉ chiếm 5% cơ cấu tài sản. Phần lớn tài sản của Đạm Hà Bắc nằm tại tài sản cố định, với 4.064 tỷ đồng.
Phía bên kia bảng cân đối kế toán, tổng nợ phải trả của Đạm Hà Bắc là 6.131 tỷ đồng, giảm 22% so với cùng kỳ. Trong đó, tổng nợ vay chiếm gần một nửa, ghi nhận ở mức 2.889 tỷ đồng, bao gồm 374 tỷ đồng nợ vay ngắn hạn và 2.515 tỷ đồng nợ vay dài hạn.
Đáng chú ý, tại thời điểm cuối quý III, Đạm Hà Bắc có khoản lãi vay phải trả 4.239 tỷ đối với Ngân hàng Phát triển Việt Nam – Chi nhánh Bắc Giang. Tuy nhiên, đến cuối quý 4, khoản lãi vay phải trả này chỉ còn 2.518 tỷ đồng. Hiện Đạm Hà Bắc có dư nợ gốc 1.270 tỷ đồng tại Ngân hàng phát triển.
Doanh nghiệp phân bón chờ “cú huých” chính sách trong năm 2024
Bước sang năm 2024, các doanh nghiệp phân bón, đặc biệt là nhóm doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh phân Ure được dự báo sẽ phải tiếp tục đối mặt với khó khăn do giá khí đầu vào cao, trong khi giá bán tiếp tục sụt giảm.
Trong bối cảnh đó, những chính sách hỗ trợ của Nhà nước, đặc biệt là đề xuất áp thuế giá trị gia tăng (GTGT) 5% cho mặt hàng phân bón tại Dự thảo Luật Thuế GTGT (sửa đổi), được kỳ vọng là “cú huých” đối với các doanh nghiệp trong ngành.
Trước đó, theo quy định tại Luật Thuế GTGT năm 2008, phân bón nằm trong nhóm mặt hàng chịu GTGT 5%. Đến năm 2014, với quan điểm cho rằng, đây ;à mặt hàng quan trọng trong sản xuất nông nghiệp và nhằm hỗ trợ người nông dân, Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật về thuế (Luật số 71/2014/QH13) chuyển phân bón sang nhóm đối tượng không chịu thuế GTGT.
Đáng nói, kể từ năm 2015, khi Luật số 71/2014/QH13 chính thức có hiệu lực đến nay, do phân bón là mặt hàng không tính thuế GTGT nên các doanh nghiệp không được khấu trừ các chi phí GTGT đầu vào trong quá trình sản xuất (phần lớn có thuế suất 10%). Điều này buộc các doanh nghiệp phải cộng thêm chi phí vào giá thành sản xuất, làm tăng giá bán, giảm sức cạnh tranh với phân bón nhập khẩu.
Trước bất cập đó, các doanh nghiệp phân bón, Hiệp hội Phân bón Việt Nam và nhiều chuyên gia kiến nghị cơ quan quản lý và đề xuất sửa đổi Luật Thuế GTGT theo hướng đưa phân bón vào diện chịu thuế GTGT 0% thay cho không chịu thuế, hoặc quay trở lại tỷ lệ 5% như trước đây. Theo giới chuyên môn, điều này giúp các doanh nghiệp sản xuất phân bón tiết kiệm được chi phí sản xuất và từ đó đưa ra sản phẩm có giá thành cạnh tranh, thậm chí rẻ hơn khi không đánh thuế GTGT.
Đạm Hà Bắc (DHB) bị nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục CTCP Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc (Đạm Hà Bắc - UPCOM: DHB) đã công bố báo cáo tài chính hợp nhất soát xét ... |
Đạm Hà Bắc (DHB) lãi lớn trong quý II nhờ giá bán tăng CTCP Phân đạm và Hoá chất Hà Bắc (Đạm Hà Bắc, mã chứng khoán: DHB) công bố báo cáo tài chính quý 2/2022 trong bối ... |
Năm 2022, Đạm Hà Bắc (DHB) báo lãi kỷ lục sau nhiều năm thua lỗ Theo báo cáo tài chính quý IV/2022 của Công ty CP Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc (Đạm Hà Bắc - Mã: DHB) cho ... |
Hà Lê