Ép người khác uống rượu, bia ngày Tết có thể bị phạt đến 3 triệu đồng

02/02/2024 - 03:54
(Bankviet.com) Theo quy định của pháp luật, ép buộc người khác uống rượu, bia là một trong những hành vi bị nghiêm cấm và có thể bị xử phạt đến 3 triệu đồng.
Không chấp nhận “sống chung” với tình trạng lái xe khi đã uống rượu, bia Xử lý nghiêm vi phạm nồng độ cồn giúp hình thành thói quen "đã uống rượu bia, không lái xe" Xử lý vi phạm nồng độ cồn - nhiệm vụ trọng tâm thường xuyên liên tục năm 2024

Thời điểm lễ, Tết, tình trạng ép nhau uống rượu, bia diễn ra khá thường xuyên. Một số người có thói quen ép người khác uống rượu, bia mà không lường trước được hậu quả khôn lường về tài sản, sức khỏe, thậm chí là cả tính mạng.

Dưới góc độ pháp luật, việc này được nhìn nhận thế nào? Phóng viên đã có cuộc trao đổi với luật sư Phạm Ba Đô - Giám đốc Công ty luật SJK LAW (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội).

Phóng viên: Thưa luật sư, theo quy định của pháp luật, các hành vi nào bị nghiêm cấm khi sử dụng rượu, bia?

Luật sư Phạm Ba Đô: Theo quy định của Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia năm 2019, có 13 hành vi bị nghiêm cấm gồm:

Ép người khác uống rượu, bia ngày Tết có thể bị phạt đến 3 triệu đồng
Luật sư Phạm Ba Đô - Giám đốc Công ty luật SJK LAW (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội)

Xúi giục, kích động, lôi kéo, ép buộc người khác uống rượu, bia;

Người chưa đủ 18 tuổi uống rượu, bia;

Bán, cung cấp, khuyến mại rượu, bia cho người chưa đủ 18 tuổi;

Sử dụng lao động là người chưa đủ 18 tuổi trực tiếp tham gia vào việc sản xuất, mua bán rượu, bia;

Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan, tổ chức, sĩ quan, hạ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, chiến sĩ, người làm việc trong lực lượng vũ trang nhân dân, học sinh, sinh viên uống rượu, bia ngay trước, trong giờ làm việc, học tập và nghỉ giữa giờ làm việc, học tập;

Điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn;

Quảng cáo rượu có độ cồn từ 15 độ trở lên;

Cung cấp thông tin không chính xác, sai sự thật về ảnh hưởng của rượu, bia đối với sức khỏe;

Khuyến mại trong hoạt động kinh doanh rượu, bia có độ cồn từ 15 độ trở lên; sử dụng rượu, bia có độ cồn từ 15 độ trở lên để khuyến mại dưới mọi hình thức;

Sử dụng nguyên liệu, phụ gia, chất hỗ trợ chế biến không được phép dùng trong thực phẩm; nguyên liệu, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm không bảo đảm chất lượng và không rõ nguồn gốc, xuất xứ để sản xuất, pha chế rượu, bia;

Kinh doanh rượu không có giấy phép hoặc không đăng ký; bán rượu, bia bằng máy bán hàng tự động;

Kinh doanh, tàng trữ, vận chuyển rượu, bia giả, nhập lậu, không bảo đảm chất lượng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, nhập lậu rượu, bia;

Các hành vi bị nghiêm cấm khác liên quan đến rượu, bia do luật định.

Phóng viên: Theo quy định của pháp luật, hành vi ép người khác uống rượu bia bị nghiêm cấm. Vậy hiểu thế nào là hành vi ép buộc người khác uống rượu, bia và mức xử phạt đối với hành vi này ra sao?

Luật sư Phạm Ba Đô: Trong dịp lễ, Tết, các buổi tiệc, liên hoan, nhiều người vẫn có thói quen ép người khác uống bia, rượu. Tuy nhiên, đây là hành vi bị pháp luật nghiêm cấm.

Khoản 1, Điều 5 Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia năm 2019 quy định nghiêm cấm các hành vi xúi giục, ép buộc người khác uống rượu, bia.

Tại điểm b, khoản 3, Điều 30 Nghị định 117/2020/NĐ-CP quy định phạt 1 - 3 triệu đồng đối với hành vi ép người khác uống rượu, bia. Mức phạt được áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính của cá nhân; đối với tổ chức có cùng hành vi vi phạm, mức phạt tiền sẽ gấp 2 lần so với mức phạt đối với cá nhân.

Thẩm quyền xử phạt sẽ do Chủ tịch UBND cấp xã, Trưởng Công an cấp huyện có thẩm quyền xử phạt hành chính đối với người có hành vi ép buộc người khác uống rượu, bia. Thẩm quyền xử phạt này căn cứ tại Điều 103, Điều 106, Nghị định 117/2020/NĐ-CP, sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 124/2021/NĐ-CP.

Như vậy, hành vi cố ép người khác uống rượu, bia là hành vi vi phạm pháp luật. Đồng thời, trong trường hợp làm người đó mất nhận thức và gây ra thiệt hại thì người ép buộc người khác uống rượu, bia phải chịu trách nhiệm bồi thường đối với thiệt hại đó.

Ép người khác uống rượu, bia ngày Tết có thể bị phạt đến 3 triệu đồng
Hành vi xúi giục, ép buộc người khác uống rượu, bia là trái pháp luật và có thể bị xử phạt 1-3 triệu đồng. Ảnh minh họa

Phóng viên: Để xử phạt hành vi ép uống rượu, bia cần phải có bằng chứng nào thưa luật sư?

Luật sư Phạm Ba Đô: Nguyên tắc lập biên bản ghi nhận hành vi vi phạm hành chính phải quả tang hoặc thông qua hình ảnh, âm thanh, chứng cứ tố cáo...

Để xử phạt được cần triển khai lực lượng kiểm soát, lập biên bản hành vi, thu thập chứng cứ... Hoặc bản thân người bị ép uống rượu phải thực hiện việc tố giác người vi phạm và chứng minh được bản thân bị cưỡng ép sử dụng rượu, bia bằng cách đưa ra hình ảnh, bằng ghi âm hay video ghi lại hành động, lời nói thể hiện bị người khác ép uống rượu, bia hoặc có người làm chứng về việc này. Từ đó, cơ quan có thẩm quyền có cơ sở đánh giá và xử lý theo quy định.

Tuy nhiên, trên thực tế, bản thân người ép buộc người khác uống rượu, bia có thể cũng không biết hành vi của mình là vi phạm, họ cho rằng đã là cuộc vui thì ngồi uống rượu, mời nhau là chuyện bình thường, hoặc bản thân họ hiểu, nhận thức rõ hành vi sai phạm của mình nhưng cố tình lờ đi và người bị ép uống rượu, bia cũng không có phản ứng.

Phóng viên: Ở góc độ cá nhân, luật sư nghĩ thế nào về hành động ép rượu, bia ngày Tết?

Có thể nói, rượu vốn là một nét đẹp trong văn hóa Việt Nam, văn hóa mời rượu được sử dụng để thể hiện sự tôn trọng, yêu quý giữa người với người. Tuy nhiên, tình trạng lạm dụng rượu và các chất có cồn khác đang khiến nét đẹp văn hóa này bị biến tướng gây ra những hệ lụy xấu, ảnh hưởng nghiêm trọng tới gia đình, xã hội và chính bản thân người uống.

Văn hóa mời rượu cũng đang bị biến tướng thành ép nhau uống. Rượu, bia được đem ra như thứ để chứng minh cho sự tôn trọng nhau, quý mến nhau. Vậy nên mới có chuyện "anh không uống là không tôn trọng tôi", "tôi rất quý anh nên mới mời anh chén này"…

Đáng nói, rất nhiều người trong chúng ta vừa là nạn nhân vừa là thủ phạm của nạn ép rượu. Nhiều người chỉ vì một cuộc vui, vì uống rượu bia vào dịp lễ, Tết mà gây tai nạn giao thông hoặc gặp tai nạn giao thông dẫn đến bản thân bị tù tội hoặc thương tích, thiệt mạng. Cũng có người uống rượu, bia rồi say rượu đánh nhau, gây mất an ninh trật tự nên cũng có thể trở thành nạn nhân hoặc bị vướng vào vòng lao lý...

Trên thực tế tôi cũng đã nhiều lần bày tỏ quan điểm về thực trạng ép uống rượu, bia. Để chấm dứt tình trạng này điều quan trọng đầu tiên là bản thân mỗi người cần có sự phân biệt rõ ràng về việc mời và ép buộc nhau uống rượu, bia để có hành xử sao cho phù hợp, thể hiện sự văn minh và lịch sự.

Bên cạnh đó, người uống rượu, bia phải luôn đề ra cho mình nguyên tắc, giới hạn khi tham gia các "cuộc nhậu", nhận thức rõ về tửu lượng, về tình trạng sức khỏe của cá nhân.

Suy cho cùng, ở đây nguyên nhân chính là ý thức của mỗi người, nếu đã là ý thức thì cần phải đẩy mạnh các chương trình giáo dục, tuyên truyền. Các cơ quan, tổ chức, chính quyền địa phương cần tích cực tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật để nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của công dân trong việc sử dụng rượu, bia. Cần phải xây dựng văn hóa uống rượu một cách lành mạnh, an toàn, hạn chế những tiêu cực, tác hại từ rượu, bia mang lại.

Có tuân thủ quy định pháp luật về phòng chống tác hại rượu, bia và các văn bản pháp luật có liên quan thì việc sử dụng rượu bia mới có văn hóa, văn minh, an toàn cho bản thân và cho xã hội.

Xin cảm ơn luật sư!

Nguyên Thảo

Theo: Báo Công Thương