Trong kinh doanh bài toán tăng trưởng vốn chưa bao giờ dễ dàng với cộng đồng doanh nghiệp. Việc đạt được mục tiêu tăng trưởng vốn đã là thách thức lớn đối với doanh nghiệp nhưng tăng trưởng phải đi đối với bảo vệ môi trường, thực hiện trách nhiệm với xã hội gắn với thực hành quản trị tốt dường như càng là vấn đề nan giải bởi đi kèm là chi phí gia tăng, các điều kiện hoạt động trở nên khắt khe và phức tạp khiến lợi nhuận giảm sút, khả năng cạnh tranh yếu hơn.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, thực hành các tiêu chí môi trường, xã hội và quản trị (ESG) cũng như triển khai các mô hình kinh doanh bền vững và tăng trưởng xanh nói chung, không chỉ là xu thế, mà còn là điều kiện bắt buộc đối với sự tăng trưởng và phát triển của mỗi doanh nghiệp. Nhiều đối tác thương mại, đầu tư lớn của Việt Nam hiện nay đều đã có những yêu cầu nghiêm ngặt về vấn đề này.
Tại Việt Nam, ESG ngày càng được quan tâm rộng rãi, phần lớn là nhờ sự nỗ lực của Chính phủ trong việc thúc đẩy thực hành các thông lệ liên quan đến ESG và sự gia tăng nhu cầu của nhà đầu tư với đầu tư bền vững. Báo cáo ESG tại Việt Nam do PwC công bố năm 2022 cho thấy, 80% công ty được khảo sát có kế hoạch cam kết ESG trong vòng 2 đến 4 năm tới. Do đó, việc công bố dữ liệu và báo cáo ESG sẽ trở nên phổ biến hơn và sẽ trở thành xu thế không thể đảo ngược trong tương lai.
ESG là xu thế tất yếu và điều kiện bắt buộc
Tại hội thảo “Tìm động lực tăng trưởng từ ESG” do Báo Đầu tư phối hợp với Công ty TNHH hệ thống và giải pháp WBS tổ chức sáng 23/5, ông Matthew Smith, Giám đốc nghiên cứu, Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam cho rằng, trong bối cảnh đầu tư hiện nay, các yếu tố ESG không còn là tùy chọn, chúng trở thành yếu tố thiết yếu. Một công ty duy trì các tiêu chuẩn và hành động ESG cao hơn sẽ được nhìn nhận tích cực hơn.
"Các nhà đầu tư xem các công ty có thực hành ESG mạnh mẽ là ít rủi ro hơn. Nhận thức này xuất phát từ niềm tin rằng các công ty này được quản lý tốt hơn và nhạy bén hơn với các rủi ro và cơ hội tiềm năng. Các công ty xuất sắc trong tiêu chuẩn ESG thường dễ dàng thu hút đầu tư hơn. Các thị trường vốn ưa chuộng các công ty này, cung cấp cho họ các điều kiện tốt hơn và nhiều cơ hội phát triển hơn", ông Matthew Smith lý giải.
"Ban đầu, việc đầu tư ESG có thể gây tranh cãi, bởi việc thực hành ESG đòi hỏi phải bỏ ra nhiều chi phí, ăn vào dòng tiền. Tuy nhiên trong dài hạn, yếu tố ESG sẽ có tác động tích cực tới hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, khi có thể làm hài lòng nhà quản lý, đối tác, người mua hàng, từ đó nhận về 'phần thưởng'", ông Matthew Smith nói.
Bởi lý do này, theo ông Smith, từ góc nhìn của nhà đầu tư, công ty thực hành ESG có thể nâng dòng tiền dự kiến/kỳ vọng trong tương lai, giúp giá vốn mà nhà đầu tư bỏ ra thấp hơn. Về phía doanh nghiệp, thực hành ESG giúp việc huy động vốn hiệu quả hơn, nhất là so với các công ty không thực hiện ESG tốt.
Ông Nguyễn Tú Anh, Giám đốc Trung tâm thông tin, phân tích và dự báo kinh tế, Ban Kinh tế Trung ương cũng cho rằng, quan điểm mục tiêu cuối cùng của doanh nghiệp là tối đa hóa lợi nhuận là quan điểm quá đơn giản và lạc hậu. Kinh tế học dựa trên quan điểm này đã không giải thích được tại sao các tỷ phú lại dành phần lớn các lợi nhuận của mình cho các dự án cộng đồng.
Theo ông Nguyễn Tú Anh, tìm kiếm lợi nhuận dựa trên tổn hại lợi ích của người khác, của thế hệ khác đó không phải là lợi nhuận chân chính. Do đó, các chuẩn mực ESG chính là thang đo về giá trị chân chính của một doanh nghiệp. Thực hiện ESG không chỉ làm cho doanh nghiệp cảm thấy những thành công của mình thực sự có ý nghĩa hơn, lớn hơn, và bao trùm hơn mà còn giúp cho doanh nghiệp dễ thành công hơn trong bối cảnh mà nhận thức về các vấn đề xã hội, môi trường của cộng đồng ngày càng cao.
Vị chuyên gia này dẫn chứng, có nhiều nghiên cứu cho thấy lợi ích của áp dụng chuẩn mực ESG trong môi trường hội nhập toàn cầu như tăng thị phần, giảm chi phí, giảm áp lực về pháp lý, tối ưu hóa đầu tư và nắm giữ tài sản,...
Đồng quan điểm, bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh, ngoài lợi nhuận doanh nghiệp còn phải quan tâm đến môi trường xã hội, các doanh nghiệp lớn hiện nhận ra rằng thúc đẩy và tăng trưởng ESG là để phát triển bền vững, có lợi ích lâu dài cho cổ đông, cộng đồng vì vậy họ luôn coi trọng ESG khi có một quyết định đầu tư.
“Các doanh nghiệp lớn đều tích hợp tiêu chí ESG trong quá trình phát triển và đây là cuộc chơi bắt buộc với các doanh nghiệp nếu muốn đi dài hơi”, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nói.
Doanh nghiệp còn gặp nhiều rào cản trong thực hành ESG
Mặc dù đều khẳng định tầm quan trọng của việc thực hành ESG, nhưng các chuyên gia cũng chỉ ra nhiều doanh nghiệp đang loay hoay tìm cách bắt nhịp với xu hướng này.
Bà Bùi Thu Thủy, Phó Cục trưởng phụ trách, Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, theo khảo sát, doanh nghiệp đã có nhận thức 80-90% về ESG, nhưng việc cần phải làm gì để thực hành ESG vẫn là một thách thức. Việt Nam đã có chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, kế hoạch hành động về tăng trưởng xanh nhưng còn nhiều điều cần phải làm để hiện thực hóa mục tiêu đề ra là đạt được Net Zero vào năm 2050.
"Doanh nghiệp dù nhận thức được sự cần thiết của ESG nhưng làm thế nào và làm từ đâu, họ có lợi ích gì hơn không, thì họ chưa rõ. Cả trong 3 yếu tố ESG, trong đó G - governance là cái khó khăn, mệt mỏi nhất. Khi đến doanh nghiệp, chúng tôi rất muốn cải thiện quản trị doanh nghiệp song doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu là hộ gia đình, quy mô siêu nhỏ, kiêm nhiệm nhiều nhiệm vụ, để đạt yếu tố G chuyên nghiệp thì quá khó, mà đạt được G thì mới dễ thực hiện các yếu tố E và S được", bà Thủy nêu thực tế.
Ông Patrick Haverman, Phó trưởng đại diện thường trú của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam cũng nêu ra một số thách thức và rào cản khác nhau trong việc thúc đẩy thực hành ESG tại Việt Nam, bao gồm thiếu kiến thức, nguồn nhân lực và quy định của nhà nước.
Do đó, đại diện UNDP đề xuất cần có một chương trình toàn diện bao gồm nâng cao năng lực cho doanh nghiệp, hỗ trợ họ tiếp cận với các nhà đầu tư ESG và tác động, xây dựng khung pháp lý rõ ràng cho các doanh nghiệp và tổ chức tài chính, và nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc thực hiện ESG theo đúng cách, tập trung vào tính khoa học và tác động thực tế.
Chia sẻ về kinh nghiệm thực hành ESG từ góc độ của doanh nghiệp, Tổng Giám đốc Công ty CP Di chuyển Xanh và Thông minh toàn cầu (GSM) Nguyễn Văn Thanh cho biết, ngay từ đầu, GSM đã định vị thương hiệu của mình là "xanh" như một bước đi tiên phong trong lĩnh vực giao thông xanh. Điều này phù hợp với xu thế chung của thế giới cũng như định hướng của Chính phủ Việt Nam khi cam kết Net Zero đến năm 2050 tại COP26.
Trong khi đó, ông Phan Đăng Bảo, Phó Giám đốc Phát triển bền vững, Công ty CP tái chế nhựa Lam Trân thông tin, hiện nay công suất tái chế thành phẩm của Lam Trân khoảng 1.000 tấn/tháng, tương đương với khoảng 2.000 tấn nguyên vật liệu rác thải nhựa mềm bao gồm túi nhựa nilon, bao bì thực phẩm... Mặc dù vậy, việc thu gom, phân loại rác thải nhựa mềm ở Việt Nam còn gặp rất nhiều khó khăn, hiện tại vẫn chưa có một tiêu chuẩn, cách thức thu gom, phân loại rõ ràng tại nguồn.
Do đó, lãnh đạo Lam Trân mong muốn sẽ tiếp tục có thêm nhiều hỗ trợ để có thể phát triển hệ thống thu gom, xây dựng các cơ sở thu gom, phân loại chính thống. Việc áp dụng quy định về EPR trong năm nay sẽ là bước đệm, hy vọng sẽ tạo động lực để thúc đẩy công cuộc tái chế, giảm thiểu rác thải nhựa ở Việt Nam, hướng đến sự phát triển bền vững.
Để thúc đẩy ESG tại Việt Nam, Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, với vai trò là cơ quan tham mưu cho Chính phủ về Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh đang nỗ lực cụ thể hóa các nhóm nhiệm vụ, giải pháp mà cộng đồng doanh nghiệp quan tâm. Đây chính là các vấn đề cốt lõi nhất trong thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh.
Hiện nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang tập trung xây dựng, hoàn thiện và trình cấp có thẩm quyền bộ tiêu chí phân loại xanh quốc gia. Đây là khuôn khổ pháp lý rất quan trọng để triển khai mục tiêu tăng trưởng xanh, là cơ sở để các bộ, ngành và địa phương lựa chọn các dự án đầu tư, để phân bổ các nguồn lực trong nước và quốc tế, phân bổ nguồn tín dụng xanh và nhất là để các nhà đầu tư có thể đối chiếu các tiêu chí có thể tiếp cận chính sách ưu đãi đầu tư, cũng như nguồn tài chính xanh từ các tổ chức.
Hoàng Hà