Cụ thể, ngày đăng ký cuối cùng để thực hiện quyền đề cử là ngày 11/11. Số lượng thành viên dự kiến bầu bổ sung sẽ được nêu và công bố thông tin tại thông báo gửi cổ đông.
Ngân hàng dự kiến tổ chức ĐHĐCĐ bất thường vào tháng 1/2023 tại TP HCM |
Thời gian Eximbank gửi thông báo cho cổ đông về việc đề cử nhân sự dự kiến bầu bổ sung là ngày 16/11. Thời gian nhận hồ sơ đề cử từ ngày 30/11-2/12. Ngày 6/12, ngân hàng sẽ trình hồ sơ cho Ngân hàng Nhà nước xem xét chấp thuận danh sách nhân sự dự kiến bầu bổ sung vào HĐQT của Eximbank nhiệm kỳ 2020-2025.
Bên cạnh đó, ngân hàng dự kiến tổ chức ĐHĐCĐ bất thường vào tháng 1/2023 tại TP HCM, ngày chốt danh sách cổ đông có quyền dự họp là ngày 28/11.
Kế hoạch bầu bổ sung thành viên HĐQT được công bố sau khi hai thành viên HĐQT là bà Lê Hồng Anh (Thành viên HĐQT) và ông Đào Phong Trúc Đại (Thành viên HĐQT độc lập) có đơn từ nhiệm khỏi HĐQT Eximbank vì lý do cá nhân kể. Đây đều là hai nhân sự có liên quan tới Tập đoàn Thành Công.
Bà Lê Hồng Anh (sinh năm 1975) là Phó Tổng giám đốc phụ trách tài chính kế toán của Tập đoàn Thành Công, Chủ tịch HĐQT CTCP Thành Công Phạm Hùng kiêm Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH TCG Land.
Ông Đào Phong Phúc Đại (sinh năm 1975) là Tổng giám đốc CTCP Đầu tư PV-Inconess, được đề cử bởi CTCP Tập đoàn Thành Công, Mr Exim Investments và bà Nguyễn Hồng Ngọc.
Vào đầu tháng 10, nhóm Thành Công đã hoàn tất việc thoái vốn tại Eximbank với hơn 117,6 triệu cổ phiếu EIB. Các giao dịch này đều được thực hiện theo phương thức thỏa thuận nhằm mục đích cơ cấu danh mục đầu tư.
Trong tuần qua (24/10 - 28/10), cổ phiếu EIB tiếp tục ghi nhận thêm hàng loạt giao dịch thỏa thuận lớn. Tính chung trong 5 ngày giao dịch, có gần 120 triệu cổ phiếu EIB được trao tay giữa các nhà đầu tư, tương đương với giá trị hơn 5.160 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận chiếm tới hơn 107 triệu cổ phiếu, tập trung vào hai ngày giao dịch cuối tuần.
Tính chung từ 1/10 - 28/10, có tới 378 triệu cổ phiếu EIB đã được giao dịch thỏa thuận, tương đương với giá trị là 14.910 tỷ đồng. Các giao dịch diễn ra trong bối cảnh nhóm Thành Công thoái vốn ra khỏi Eximbank và khối ngoại bán ròng mạnh.
Về kết quả kinh doanh, Eximbank ghi nhận lợi nhuận trước thuế 9 tháng đạt hơn 3.181 tỷ đồng, tăng 229% so với cùng kỳ và vượt kế hoạch năm 2022 (2.500 tỷ đồng).
Cụ thể, hoạt động tín dụng mang về cho ngân hàng 4.154 tỷ đồng trong 9 tháng, tăng gần 64% so với cùng kỳ năm trước. Lãi thuần từ hoạt động dịch vụ và kinh doanh ngoại hối cũng tăng lần lượt 11,7% và 32,4% so với cùng kỳ.
Hoạt động chứng khoán đầu tư mang về cho ngân hàng khoản lãi 114 tỷ đồng sau 9 tháng, tăng gần 55% so với cùng kỳ. Hoạt động kinh doanh khác và thu nhập từ góp vốn mua cổ phần cũng tăng trưởng đột biến trong kỳ.
Riêng trong quý III, hầu hết mảng hoạt động kinh doanh của ngân hàng đều tăng tưởng khả quan, trong đó nguồn thu chính của ngân hàng tăng 102% so với cùng kỳ. Mặt khác, lãi thuần từ chứng khoán đầu tư ghi nhận khoản lỗ 20 tỷ đồng, do ngân hàng đã giảm danh mục chứng khoán để dịch chuyển vốn sang các lĩnh vực đầu tư hiệu quả hơn.
Trong kỳ, ngân hàng hoàn nhập 296 tỷ đồng dự phòng rủi ro trong khi cùng kỳ trích lập 61 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế quý III của Eximbank tăng đến 210%, đạt 1.278 tỷ đồng, cao hơn lợi nhuận của cả năm 2021.
Tính đến 30/9/2022, tổng tài sản của khách hàng đạt hơn 183.600 tỷ đồng, tăng gần 11% so với đầu năm. Trong đó cho vay khách hàng tăng 11,1%, đạt 127.447 tỷ đồng; dự phòng rủi ro cho vay khách hàng ở mức 1.365 tỷ đồng, giảm nhẹ so với đầu năm. Huy động vốn khách hàng tăng nhẹ 5,7%, đạt 145.261 tỷ đồng.
Số dư nợ xấu của ngân hàng tăng 7,5% so với đầu năm, ở mức 2.416 tỷ đồng, trong đó nợ có khả năng mất vốn ở mức 1.638 tỷ đồng, chiếm 68% nợ xấu. Tỷ lệ nợ xấu giảm từ 1,96% ở đầu năm xuống còn 1,9% tính đến 30/9.
Trong năm 2022, ban lãnh đạo Eximbank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 2.500 tỷ đồng, tăng 107,5% so với năm trước. Tổng tài sản đạt 179.000 tỷ đồng, tăng gần 8%, dư nợ tín dụng bao gồm cả trái phiếu doanh nghiệp dự kiến tăng 10% đạt 127.149 tỷ đồng.
Hoàng Đức