Fed cảnh báo lạm phát biến động mạnh, gây áp lực lên lãi suất và thị trường

16/05/2025 - 16:13
(Bankviet.com) Chủ tịch Fed Jerome Powell cảnh báo lạm phát sẽ biến động mạnh hơn, có thể giữ lãi suất ở mức cao lâu hơn.
Nhịp đập thị trường

Fed cảnh báo lạm phát biến động mạnh, gây áp lực lên lãi suất và thị trường

Hoàng Thái 16/05/2025 07:54

Chủ tịch Fed Jerome Powell cảnh báo lạm phát sẽ biến động mạnh hơn, có thể giữ lãi suất ở mức cao lâu hơn.

Dữ liệu mới công bố ngày 16/5 cho thấy áp lực từ các biện pháp thuế quan đang bắt đầu ảnh hưởng rõ nét đến giá cả tại Mỹ, làm gia tăng mức độ biến động của lạm phát và đặt ra thách thức lớn hơn cho chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang (Fed).

Chỉ số giá sản xuất (PPI), một thước đo quan trọng về lạm phát bán buôn, giảm 0,5% trong tháng 4 so với tháng trước, ghi nhận mức giảm sâu nhất kể từ thời điểm đại dịch Covid-19 làm tê liệt nền kinh tế Mỹ. Đây là dấu hiệu cho thấy biên lợi nhuận của doanh nghiệp đang bị xói mòn bởi chi phí đầu vào gia tăng.

fed-canh-bao-lam-phat-bien-dong-manh.jpg
Giá sản xuất Mỹ giảm sốc khiến Fed lo ngại rủi ro lạm phát gia tăng

Theo số liệu từ Cục Thống kê Lao động (BLS), lạm phát theo năm chậm lại còn 2,4% trong tháng 4, thấp hơn đáng kể so với mức 3,4% sau điều chỉnh của tháng 3. Dịch vụ thương mại, lĩnh vực phản ánh biên lợi nhuận của các nhà bán buôn và bán lẻ, là nguyên nhân chính khiến chỉ số PPI sụt giảm 1,7% trong tháng.

Chuyên gia kinh tế trưởng Joe Brusuelas tại RSM US nhận định với CNN: "Chúng ta đang chứng kiến tác động rõ ràng của các chính sách thương mại khi chúng đã lọc vào dữ liệu thực, ảnh hưởng trực tiếp tới doanh thu và lợi nhuận doanh nghiệp. Những chi phí cao hơn này có khả năng sẽ sớm được chuyển sang người tiêu dùng".

Giá tiêu dùng chững lại, rủi ro lạm phát cao hơn

Dấu hiệu chững lại của tiêu dùng cũng bắt đầu xuất hiện. Doanh số bán lẻ tại Mỹ chỉ tăng 0,1% trong tháng 4 – giảm mạnh so với mức tăng 1,7% của tháng 3 khi người tiêu dùng đẩy mạnh mua sắm trước loạt thuế quan mới.

Trong bối cảnh này, Chủ tịch Fed Jerome Powell cùng ngày cảnh báo về khả năng lạm phát sẽ trở nên biến động hơn trong tương lai, đặc biệt khi nền kinh tế phải đối mặt với các “cú sốc nguồn cung” thường xuyên và kéo dài hơn.

"Chúng ta có thể đang bước vào một giai đoạn với các cú sốc nguồn cung diễn ra thường xuyên và dai dẳng hơn, đây là một thách thức lớn đối với nền kinh tế và các ngân hàng trung ương", ông Powell phát biểu, đồng thời lưu ý rằng lạm phát trong tương lai có thể không ổn định như trong giai đoạn hậu khủng hoảng tài chính toàn cầu.

Dữ liệu chỉ số giá tiêu dùng (CPI) công bố hôm thứ Ba cũng cho thấy đà hạ nhiệt của lạm phát tổng thể, song một số nhà kinh tế cảnh báo sự hạ nhiệt này chủ yếu phản ánh nhu cầu tiêu dùng suy yếu.
Bên cạnh sự suy giảm ở một số nhóm ngành, như năng lượng và thực phẩm (giá trứng giảm mạnh 39,3% trong tháng 4), các chuyên gia cho rằng xu hướng tăng giá đang dần lộ diện ở các lĩnh vực khác.

Chris Rupkey, chuyên gia kinh tế trưởng tại FwdBonds, lưu ý rằng nếu loại trừ hai nhóm có biến động lớn là thực phẩm và năng lượng thì giá hàng hóa vẫn tăng đều đặn. Cụ thể, giá đã tăng 0,1% trong tháng 12, tiếp tục tăng qua từng tháng và đạt 0,4% trong tháng 4 - mức cao nhất trong hơn hai năm.

Ông Rupkey cho biết: "Những lo ngại về tác động của thuế nhập khẩu đang trở thành hiện thực. Giá hàng hóa đang tăng lên, và đó là tín hiệu đáng lo ngại đối với lạm phát trong những tháng tới".

Cảnh báo này cũng được củng cố bởi phát biểu từ CEO Walmart Doug McMillon, người cho biết chuỗi bán lẻ lớn nhất thế giới sẽ bắt đầu điều chỉnh tăng giá trong tháng này để ứng phó với chi phí tăng do thuế quan.

“Chúng tôi sẽ cố gắng giữ giá ở mức thấp nhất có thể,” ông McMillon nói. "Tuy nhiên, với mức thuế hiện hành dù đã được điều chỉnh giảm nhẹ, chúng tôi không thể gánh chịu hoàn toàn áp lực chi phí, nhất là trong bối cảnh biên lợi nhuận bán lẻ vốn đã rất mỏng" - theo ông McMillon.

Hoàng Thái

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán