Đầu năm nay, hầu hết ngân hàng trung ương các nước châu Á đều mong muốn hạ lãi suất thấp hơn nhằm thúc đẩy chi tiêu tiêu dùng và tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, thật khó để họ cắt giảm lãi suất trước Mỹ, nơi lãi suất quỹ liên bang neo ở mức cao nhất trong 23 năm.
Sau cuộc họp chính sách tháng 9 vào tuần trước, Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã cắt giảm lãi suất 50 điểm cơ bản, đưa lãi suất quỹ liên bang về phạm vi 4,75%-5% trong nỗ lực “lèo lái” nền kinh tế Mỹ hạ cánh mềm.
Động thái trên của FED mở đường cho các ngân hàng trung ương châu Á tự do hơn trong việc nới lỏng chính sách lãi suất. Nhưng theo giới chuyên gia, các ngân hàng trung ương châu Á hiện đã không còn vội vàng trong việc cắt giảm lãi suất, giống như mong muốn hồi đầu năm.
"Các ngân hàng trung ương châu Á có dư địa để hạ lãi suất, nhưng họ không cần thiết phải làm thế. Họ sẽ theo dõi các động thái của FED cùng các biến động từ bên ngoài, từ đó, có những bước đi thong thả thận trọng", Qian Wang, chuyên gia kinh tế trưởng khu vực châu Á - Thái Bình Dương tại Vanguard, một quỹ quản lý đầu tư của Mỹ, cho biết,
Một trong những yếu tố bên ngoài có thể gây ra biến động là cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11 tới. Ứng cử viên đảng Cộng hòa Donald Trump đã tuyên bố sẽ áp thuế 10% đối với tất cả hàng hoá nhập khẩu và 60% đối với hàng hoá nhập khẩu từ Trung Quốc nếu ông trở lại Nhà Trắng.
Trong bối cảnh hiện nay, Adarsh Sinha, Giám đốc chiến lược ngoại hối và lãi suất châu Á tại BofA Global Research ở Hồng Kông (Trung Quốc) kỳ vọng, hầu hết các ngân hàng trung ương ASEAN sẽ bước vào chu kỳ cắt giảm lãi suất một cách chậm rãi.
GDP của ASEAN được dự báo sẽ tăng 4,7% vào năm 2024, hoặc có thể sẽ cao hơn. Dựa trên những kỳ vọng về tăng trưởng tế, Adarsh Sinha dự báo, các ngân hàng trung ương ASEAN sẽ không hạ lãi suất quá 25 điểm cơ bản mỗi quý, chậm hơn so với dự báo đối với FED. Chuyên gia này kỳ vọng FED sẽ hạ lãi suất 75 điểm cơ bản vào cuối năm nay và 125 điểm cơ bản vào năm 2025.
Cũng theo Adarsh Sinha, Malaysia là một ngoại lệ trong số các quốc gia ASEAN. Theo đó, Ngân hàng Trung ương Malaysia được kỳ vọng sẽ giữ lãi suất ổn định ở mức 3% vào năm tới, với lý do lạm phát và tăng trưởng kinh tế ôn hoà. "Không có lý do cấp bách nào để họ phải tính đến việc phải cắt giảm lãi suất cả”, Adarsh Sinha nói.
Đồng nội tệ của Malaysia đã tăng mạnh sau quyết định hạ lãi suất của FED vào cuối tuần trước, sau khi đã mất giá mạnh vào đầu năm nay. Theo tuyên bố đưa ra sau cuộc họp ngày 5/9 của Ngân hàng Trung ương Malaysia, sự phục hồi của đồng nội tệ nước này được thúc đẩy bởi kỳ vọng hạ lãi suất ở các nền kinh tế lớn, đặc biệt là Mỹ, bên cạnh hiệu suất kinh tế mạnh mẽ của Malaysia.
Tương tự, Ấn Độ cũng là một quốc gia khác được dự báo sẽ không vội cắt giảm lãi suất. Frederic Neumann, chuyên gia kinh tế trưởng châu Á của HSBC tại Hồng Kông (Trung Quốc) phân tích: "Việc cắt giảm lãi suất của FED có lợi cho Ấn Độ, nhưng quốc gia này ít phụ thuộc vào FED hơn”.
Các nhà kinh tế của HSBC nhận định, Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ (RBI) sẽ giữ nguyên lãi suất ở mức 6,5% vào tháng tới. Tuy nhiên, nếu giá lương thực và dầu giảm hơn nữa sẽ khiến RBI hạ lãi suất vào tháng 12 tới. Chỉ số giá tiêu dùng tại Ấn Độ trong tháng 8 đã tăng 3,7% so với cùng kỳ năm ngoái, với giá thực phẩm đặc biệt cao.
Trong khi đó, theo giới quan sát, Hàn Quốc đang háo hức bắt đầu giảm lãi suất. Tuy nhiên, quốc gia này cũng được cho là đang tuân theo chu kỳ cắt giảm dần dần do tình trạng nợ hộ gia đình ngày càng tệ. Các nhà hoạch định chính sách của Hàn Quốc lo ngại, lãi suất thấp hơn có thể làm trầm trọng thêm tình trạng căng thẳng trên thị trường bất động sản cùng gánh nặng nợ hộ gia đình, vì giá nhà ở Seoul và các khu vực lân cận tiếp tục tăng vọt.
Nikkei Asia trích dẫn một báo cáo được công bố ngày 6/9 dự báo, Hàn Quốc có thể bắt đầu giảm lãi suất vào tháng tới. Lãi suất chuẩn của quốc gia này là 3,50%, mức cao nhất kể từ năm 2008. Nhưng trong bối cảnh Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc (BOK) tập trung vào sự ổn định tài chính, các chuyên gia dự kiến chỉ có ba lần cắt giảm 25 điểm cơ bản vào cuối năm 2025
Mặt khác, không phải tất cả các quốc gia châu Á đều chờ đợi Mỹ bắt đầu chu kỳ nới lỏng trước chính sách trước khi hành động. Vào ngày 19/9, một ngày trước khi FED thực hiện cắt giảm lãi suất, Ngân hàng Trung ương của Indonesia bất ngờ cắt giảm lãi suất lần đầu tiên trong hơn ba năm, giảm 25 điểm cơ bản, xuống còn 6%.
Trước đó vào tháng 8, Ngân hàng Dự trữ New Zealand (RBNZ) đã hạ lãi suất 25 điểm cơ bản xuống còn 5,25%. Ngân hàng Trung ương Philippines (BSP) đã cắt giảm lãi suất 25 điểm cơ bản xuống còn 6,25% trong cùng tháng 8, đánh dấu lần hạ lãi suất đầu tiên sau 4 năm.
Qian Wang, chuyên gia của Vanguardm dự đoán đồng USD sẽ vẫn mạnh trong năm nay và năm sau. Trong khi đó, nền kinh tế Mỹ sẽ tăng trưởng từ 1-1,5% vào năm tới, giảm so với mức tăng trưởng dự báo năm nay là 2%.
"Trong trường hợp này, tôi không nghĩ FED cần phải cắt giảm quá nhiều. Sức mạnh của nền kinh tế sẽ giảm bớt phần nào, nhưng đồng USD sẽ không suy yếu đáng kể", Wang nói.
Uyên Tô