Giá gas hôm nay 2/3: Trong nước giảm, thế giới tăng nhẹ

05/03/2023 - 08:03
(Bankviet.com) Trên thế giới, giá gas hôm nay 2/3 giao dịch quanh mức 2,763 USD/mmBTU, tăng 0,58% so với phiên trước. Giá gas trong nước lại giảm tới 16.000 đồng/bình.
Giá gas hôm nay 28/2: Tăng hơn 4% nhưng sức mua yếu Giá gas hôm nay 1/3: Giá gas trong nước giảm 16.000 đồng/bình 12kg

Tại thị trường trong nước, từ ngày 1/3, nhiều doanh nghiệp kinh doanh gas đã thông báo điều chỉnh giảm giá. Mỗi bình gas loại 12kg đến tay người tiêu dùng giảm trung bình 16.000 đồng, loại 45kg giảm 60.000 đồng/bình, tùy thương hiệu.

Cụ thể, giá gas của Công ty TNHH Một thành viên Dầu khí TP. Hồ Chí Minh (Saigon Petro) từ ngày 1/3 giảm 16.000 đồng/bình 12kg. Với mức giảm này, giá bán lẻ đến tay người tiêu dùng là 461.000 đồng/bình 12kg.

Công ty Cổ phần Kinh doanh LPG Việt Nam Chi nhánh miền Nam, từ ngày 1/3 giảm 16.000 đồng/bình 12kg và 60.000 đồng/bình 45kg. Giá gas bán lẻ của LPG Việt Nam đến người tiêu dùng tối đa là 475.912 đồng/bình 12kg và 1.784.670 đồng/bình 45kg.

Giá bán lẻ gas của City Petro từ ngày 1/3 cũng giảm 16.000 đồng/bình 12kg. Theo đó, từ ngày 1/3, giá bán lẻ đến tay người tiêu dùng của thương hiệu gas City Petro ở mức 494.500 đồng/bình 12kg và 1.854.000 đồng/bình 45kg.

Tương tự, giá gas bình Petrolimex bán lẻ (đã bao gồm VAT) tháng 3/2023 tại thị trường Hà Nội là 464.700 đồng/bình dân dụng 12 kg; 1.858.600 đồng/bình công nghiệp 48kg, lần lượt giảm 15.800 đồng/bình 12 kg và 63.400 đồng/bình 48 kg (đã bao gồm VAT).

Do nguồn cung nội địa mới chỉ chủ động được khoảng 60% mức tiêu thụ nên giá gas trong nước vẫn phụ thuộc vào diễn biến thế giới. Giá gas thế giới bình quân tháng 3/2023 chốt hợp đồng ở mức 730 USD/tấn, giảm 60 USD/tấn so với tháng 2 nên các doanh nghiệp kinh doanh trong nước cũng điều chỉnh giảm theo.

Giá gas hôm nay 2/3: Trong nước giảm, thế giới tăng nhẹ
Giá gas hôm nay 2/3: Trong nước giảm mạnh, thế giới tăng nhẹ

Tình hình trên thế giới, bắt đầu từ tháng 3 này, Nga sẽ cắt giảm sản lượng 500.000 thùng/ngày và tiếp tục giảm tới 25% hoạt động xuất khẩu dầu từ các cảng miền Tây nước này.

Nga sẽ tìm cách chuyển hướng các lô hàng dầu thô cũng như các sản phẩm tinh chế sang Trung Quốc, Ấn Độ...

Còn trong một báo cáo hàng quý công bố mới đây, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho biết, nhu cầu khí đốt của khu vực đã giảm 13% vào năm 2022, mức giảm mạnh nhất được ghi nhận.

Theo ông Keisuke Sadamori - Giám đốc thị trường năng lượng và an ninh của IEA, giá khí đốt đang trở lại mức có thể kiểm soát được, đặc biệt là ở châu Âu, nơi mùa Đông ôn hòa và nhu cầu giảm đã giúp hạ nhiệt thị trường.

Nhu cầu sưởi ấm có thể vẫn còn hạn chế khi châu Âu sắp kết thúc mùa Đông, với nhiệt độ ở phía Tây Bắc của lục địa sẽ tăng lên mức bình thường vào giữa tháng 3.

IEA cảnh báo, bức tranh thuận lợi cho châu Âu có thể thay đổi trong năm nay khi nhu cầu về khí tự nhiên hóa lỏng tăng ở châu Á, đặc biệt là ở Trung Quốc, làm gia tăng sự cạnh tranh về hàng hóa. Các hạn chế nghiêm ngặt do Covid-19 của Trung Quốc đã hạn chế việc sử dụng năng lượng của nước này vào năm ngoái, tạo cơ hội cho châu Âu nhập khẩu lượng LNG kỷ lục và lấp đầy các địa điểm lưu trữ.

Ở diễn biến khác, Nhật Bản nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đầu tư vào khí đốt tự nhiên, khí đốt tự nhiên hóa lỏng cũng như nhiên liệu sạch hơn như hydro và amoniac trong nhiệm kỳ chủ tịch G7 năm nay.

Nước này dự kiến thị trường năng lượng toàn cầu sẽ tiếp tục thắt chặt trong nhiều năm và sẽ mạnh đầu tư vào khí đốt tự nhiên, LNG, hydro và amoniac, Takeshi Soda - Giám đốc bộ phận dầu mỏ và khí đốt tự nhiên của Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp - lưu ý, Nhật Bản phụ thuộc vào khí đốt siêu lạnh từ dự án Sakhalin-2 của Nga và sẽ cần ít nhất vài năm để tìm được nguồn thay thế.

Thanh Tâm

Theo: Báo Công Thương